Nghiên cứu nhằm kiểm tra ảnh hưởng của các yếu tố cá nhân (thích giúp đỡ lẫn nhau và tin vào hiệu quả bản thân), các yếu tố tổ chức (sự ủng hộ của quản lý cấp trên và phần thưởng của tổ chức) và yếu tố công nghệ (sử dụng phương tiện công nghệ) đối với quá trình chia sẻ tri thức.
Hình 2.1: Mô hình nghiên cứu chia sẻ tri thức của Lin (2007)
Có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến chia sẻ tri thức của nhân viên như cá nhân, tổ chức và yếu tố kỹ thuật công nghệ (Lee và Choi, 2003; Connelly và Kelloway, 2003; Taylor và Wright, 2004). Nói đến yếu tố cá nhân, chia sẻ tri thức phụ thuộc vào đặc điểm của mỗi cá nhân, bao gồm kinh nghiệm, giá trị, động cơ và niềm tin. Những yếu tố động viên cá nhân có thể khiến nhân viên sẵn sàng chia sẻ tri thức (Wasko và Faraj, 2005). Nhân viên được thúc đẩy khi họ nghĩ rằng hành vi chia sẻ tri thức đáng để nỗ lực và giúp đỡ người khác. Do đó, mong muốn lợi ích của cá nhân có thể thúc đẩy nhân viên chia sẻ tri thức với đồng nghiệp của mình.
Bên cạnh đó, yếu tố tổ chức, môi trường tổ chức thường được dùng để đo lường văn hóa ủng hộ sự đổi mới của tổ chức. Trong bối cảnh chia sẻ tri thức, nhiều khía cạnh khác nhau của môi trường tổ chức là động lực tiêu biểu của chia sẻ tri thức như là hệ thống phần thưởng (Bartol và Srivastava, 2002), môi trường lãnh đạo kiểu mở (Taylor và Wright, 2004) và sự ủng hộ của các quản lý cấp cao (MacNeil, 2003).
Cuối cùng, đề cập đến yếu tố kỹ thuật, công nghệ thông tin và truyền thông có thể thúc đẩy hiệu quả việc hệ thống hóa, hội nhập và phổ biến tri thức (Song, 2002) như phần mềm nhóm, cơ sở dữ liệu trực tuyến, mạng nội bộ hay cộng đồng ảo để chia sẻ tri thức (Koh và Kim, 2004). Thước đo “quá trình chia sẻ tri thức” đề cập đến cách những nhân viên trong tổ chức chia sẻ kinh nghiệm làm việc, chuyên môn, cách làm và thông tin cho các đồng nghiệp khác. Quá trình chia sẻ tri thức bao gồm sự sẵn lòng của nhân viên để chủ động chia sẻ cho đồng nghiệp và chủ động hỏi đồng nghiệp khi cần (Lin, 2007).
2.3.2. Mô hình nghiên cứu về các yếu tố quyết định hành vi chia chia sẻ tri thức của Anitha (2006).
Hình 2.2: Mô hình nghiên cứu các yếu tố quyết định hành vi chia sẻ tri thức của Anitha (2006)
Mô hình này lấy nền tảng là thuyết hành vi dự định (TPB) làm khung lý thuyết và cộng thêm những nhân tố được dựng nên từ thuyết trao đổi kinh tế, thuyết trao đổi xã hội, thuyết tự quyết định và vài thuyết khác để phân tích các yếu tố thúc đẩy ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ tri thức. Các yếu tố tâm lý: như đôi bên cùng có lợi, nâng cao danh tiếng, mất năng lực tri thức và thích giúp đỡ lẫn nhau. Các yếu tố tổ chức:
nhận thức về môi trường của tổ chức, các công cụ hay công nghệ có sẵn hỗ trợ chia sẻ tri thức. Các yếu tố này ảnh hưởng đến quá trình quyết định hành vi chia sẻ tri thức.
2.3.3. Lựa chọn mô hình khảo sát cho công ty Simpson Strongtie
Mô hình nghiên cứu của Anitha (2006) là mô hình khá đầy đủ thể hiện quá trình dẫn đến hành vi chia sẻ tri thức. Nó cũng thể hiện những yếu tố được sử dụng trong mô hình nghiên cứu của Lin (2007). Tuy nhiên, trong điều kiện giới hạn về phạm vi nghiên cứu của đề tài, qui mô công ty trong khoảng 100 nhân viên, việc áp dụng toàn bộ mô hình nghiên cứu này cho đề tài sẽ gặp nhiều khó khăn và không đủ thời gian thực hiện đề tài với nội dung nghiên cứu quá lớn. Nhận thấy, mô hình của Lin
(2007) cũng bao gồm những yếu tố có trong mô hình nhưng đã được chọn lọc lại, tác giả quyết định chọn lựa mô hình nghiên cứu của Lin (2007).
Trong mô hình nghiên cứu của Lin (2007), ba nhóm yếu tố chính ảnh hưởng đến chia sẻ tri thức bao gồm các yếu tố cá nhân, các yếu tố tổ chức và các yếu tố thuộc công nghệ. Chia sẻ tri thức được nói đến trong mô hình của Lin (2007) chính là sự sẵn lòng cho và nhận tri thức. Từ đây dẫn đến kết quả của hành vi chia sẻ tri thức thật sự là cái mà tác giả đang mong muốn nghiên cứu cho tình huống tại công ty Simpson.Mô hình được sử dụng để khảo sát các yếu tố quyết định chia sẻ tri thức của công ty Simpson như dưới đây:
Hình 2.3: Mô hình khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến chia sẻ tri thức cho công ty Simpson Strongtie