1.1.3.1. Việc thực hiện mục tiêu của nhà nước và của ngành
Sau khi CPH, các DN không còn là DN mà nhà nước nắm giữ 100% vốn cổ phần chi phối, thậm chí tại nhiều DN, NN nắm giữ dưới 50% vốn cổ phần, việc NN sử dụng DN được CPH từ DNNN như là công cụ để thực hiện mục tiêu CSNN hoặc mục tiêu của ngành sẽ phải thay đổi cho phù hợp với loại hình DN mới để đảm bảo mục tiêu của CPH và mục tiêu của CSNN với các công cụ của chính sách phù hợp với nền kinh tế thị trường thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
1.1.3.2. Vai trò của quản lý và đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp được cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước
Trong các DN được CPH từ DNNN, Nhà nước là cổ đông như mọi cổ đông khác. Việc Nhà nước quyết định mình tham gia với tư cách nào (là cổ đông thông
thường, cổ đông chi phối hoặc không giữ lại vốn của mình trong DN) tuỳ thuộc vào đặc điểm của DN và mục tiêu mà Nhà nước đặt ra đối với DN. Có thể, trong giai đoạn đầu khi CTCP khó bán cổ phiếu cho tư nhân, Nhà nước sẽ trở thành cổ đông chi phối một cách bất đắc dĩ. Khi CTCP hoạt động tốt, Nhà nước, nếu xét thấy không cần thiết tham gia quá nhiều vào vốn của CTCP, có thể bán bớt cổ phiếu của mình trên thị trường chứng khoán. Cũng có DN mà NN giữ vị trí cổ đông chi phối lâu dài nhằm kiểm soát lĩnh vực do DN nắm giữ. Nói cách khác, trong quá trình phát triển của DN được CPH từ DNNN, địa vị của Nhà nước có thể thay đổi [1].
Đối với các DN được CPH từ DNNN mà Nhà nước là cổ đông chi phối thì cơ chế quản lý và điều hành DN ít có động lực thay đổi. Hơn nữa, chính sách và cơ chế quản lý của Nhà nước đối với loại hình DN này chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện, nên ít nhiều tạo điều kiện để giới lãnh đạo các DN này chậm thay đổi cách quản lý và vận hành kiểu cũ.
Vốn của nhà nước trong CTCP cũng như vốn của các cổ đông khác. DN mà NN có vốn góp sẽ cử người tham gia quản lý công ty (đại diện cho NN tại đó), người đại diện này có quyền quyết định tham gia vào quản lý DN. Tuy nhiên vấn đề sở hữu cổ phiếu và bán cổ phiếu ưu đãi phần vốn nhà nước để đảm bảo tối ưu trong hoạt động của DN cổ phần và vẫn đảm bảo quyền quản lý của NN đối với DN đang được đặt ra, điều này phân biệt giữa DN cổ phần thông thường và DN được CPH từ DNNN mà nguyên nhân cơ bản là do sự hình thành DN do quá trình CPH, có những phát sinh từ quá trình CPH này.
1.1.3.3. Người lao động làm việc theo chế độ mới và có thêm vai trò như một cổ đông trong doanh nghiệp được cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước
Khác với DN 100% vốn NN và cũng khác với CTCP thành lập mới dựa trên sự góp vốn của tư nhân, người lao động trong DN được CPH từ DNNN hầu hết là cổ đông ở các mức độ khác nhau. Lúc này, người lao động của DN không chỉ tham gia với tư cách là người làm thuê cho chủ sở hữu mà được tham gia với tư cách là cổ đông, người góp vốn vào DN. Vị trí mới này đòi hỏi người lao động buộc phải có trách nhiệm hơn với DN, khiến họ quan tâm tới kết quả kinh doanh hơn, vì ngoài tiền lương, họ còn được chia cổ tức. Người lao động cũng có nhiều quyền hơn trong việc tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, góp phần đảm bảo tính minh bạch về tài chính, nhân sự ... của DN. Tuy nhiên, sau CPH người lao động không còn được làm việc trong môi trường DNNN với chế độ làm việc suốt đời, với các chế độ
an sinh cao hơn các loại hình DN khác, không còn làm việc theo chế độ, chính sách của nhà nước [1].
1.1.3.4. Mô hình doanh nghiệp được cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước góp phần thúc đẩy đổi mới quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Các DN tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật DN, việc quản lý công ty thuộc HĐQT và Ban Giám đốc. DN hoàn toàn hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và các cổ đông về kết quả sản xuất kinh doanh; DN được CPH từ DNNN phải công khai minh bạch về tình hình tổ chức hoạt động và tài chính. Đây là điều kiện để phát huy quyền làm chủ DN của cổ đông và góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ tại DN; Sau khi CPH công tác bổ nhiệm cán bộ có sự đổi mới do chế độ bầu hoặc thuê ngoài giúp DN nâng cao tính năng động, gọn nhẹ và hiệu quả hơn.
DN được CPH từ DNNN có thể tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược để tận dụng vốn, công nghệ, thương hiệu, thị trường và trình độ quản lý của các nhà đầu tư, tạo cú hích để đổi mới và hội nhập [1].
1.1.3.5. Doanh nghiệp được cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước còn những tồn tại, vướng mắc từ doanh nghiệp nhà nước cũ để lại và phát sinh thêm những vấn đề mà cổ phần hóa tạo ra:
* Những vấn đề của DNNN sau CPH
Đa số các Giám đốc, Phó Giám đốc và kế toán trưởng giữ nguyên chức vụ sau khi DN chuyển đổi thành CTCP, lực lượng lao động trong DN được CPH từ DNNN vẫn chủ yếu là lực lượng lao động của DNNN cũ; Lãnh đạo DN không thay đổi thì tư duy, trình độ quản lý và điều hành DN cũng ít có khả năng thay đổi; Tài sản trong các DN được CPH từ DNNN có quy mô và cơ cấu không hợp lý với mô hình mới, đòi hỏi các DN được CPH từ DNNN phải cơ cấu lại; DN được CPH từ DNNN có thế mạnh là mặt bằng sản xuất, kinh doanh thường rộng rãi, thuận lợi hơn các DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài; Nhiều DN được CPH từ DNNN còn gánh những món nợ của DNNN trước CPH.
Các cơ quan QLNN cấp trên của DN trước kia vẫn muốn gây ảnh hưởng tới các DN được CPH từ DNNN. Tuy giờ đây họ không được can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của DN như trước, nhưng thông qua vai trò đại diện phần vốn NN tại DN, họ vẫn tìm cách chi phối DN. Vì vậy, nhiều qui định cụ thể và cách thức quản lý của Nhà nước chưa theo kịp với sự thay đổi của DN được CPH từ DNNN [1].
* DN được CPH từ DNNN bị mất đi những ưu đãi so với trước khi CPH:
Mối quan hệ của DN được CPH từ DNNN với các đối tác khác, kể cả với DN 100% vốn NN, là quan hệ trao đổi hàng hoá, dịch vụ bình đẳng theo pháp luật; Sau CPH, DN không thuộc diện được vay tín chấp, không thuộc lĩnh vực riêng của Nhà nước, không có cơ quan chủ quản đỡ đầu trong việc xin vốn đầu tư, xin dự án hoặc che đỡ trong quan hệ với cơ quan thuế, hải quan; DN được CPH từ DNNN hoàn toàn tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất kinh doanh. Các vấn đề lỗ, lãi được DN xử lý với tư cách một pháp nhân độc lập, trong đó Nhà nước chỉ có quyền ứng xử như một cổ đông.