CHƯƠNG 1 KHÁI QUÁT CHUNG VỀ THỦ TỤC TỐ TỤNG DÂN SỰ RÚT GỌN
1.3 Kinh nghiệm lập pháp quốc tế về thủ tục tố tụng dân sự rút gọn
Trong liên minh Châu Âu, hệ thống pháp luật tố tụng dân sự của Cộng hòa Pháp được coi là một điển hình mẫu mực. Trên cơ sở sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên tắc truyền thống, sự mềm dẻo linh hoạt trong việc xây dụng thủ tục giải quyết tranh chấp, bên cạnh các thủ tục thông thường, các nhà lập pháp của Pháp đã xây dựng được những thủ tục xét xử nhanh áp dụng đối với những tranh chấp mang tính đặc thù riêng . Bộ luật Tố tụng dân sự Pháp năm 1807 đã đáp ứng được đòi hỏi cơ bản của thực tiễn giải quyết tranh chấp là tính nhanh chóng và bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên đương sự trong việc bảo vệ quyền lợi của họ. Theo Bộ luật Tố tụng dân sự Pháp năm 1807, thủ tục xét xử nhanh được quy định để áp dụng giải quyết những việc mang tính khẩn cấp và những loại tranh chấp đơn giản.27
Đến Bộ luật Tố tụng dân sự Pháp năm 1998, quy định về việc áp dụng thủ tục rút gọn trong: Giải quyết các tranh chấp có giá ngạch thấp, thủ tục ra lệnh thanh toán và thủ tục lệnh buộc làm một công việc.
Tranh chấp có giá ngạch thấp
Về phạm vi áp dụng: Tại Tòa án sơ thẩm thẩm quyền hẹp có thủ tục xét xử rút gọn để áp dụng giải quyết đối với các vụ án có giá trị tranh chấp không vượt quá 4.000 EUR. Theo thủ tục này, người tham gia giải quyết các vụ án không phải là Thẩm phán chuyên trách mà là các Thẩm phán được tuyển chọn từ những người có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, làm việc tại Tòa án sơ thẩm thẩm quyền hẹp.
27 Trần Anh Tuấn (2004), Thủ tục xét xử nhanh trong Bộ luật Tố tụng dân sự Pháp và yêu cầu xây dựng thủ tục rút gọn trong Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 02/2004, tr.24.
21
Những Thẩm phán này không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, được bổ nhiệm với nhiệm kỳ 07 năm và không được tái nhiệm.28
Về thủ tục áp dụng: Các bên phải cung cấp đầy đủ thông tin về vụ tranh chấp để Thẩm phán xem xét, sau đó Thẩm phán sẽ triệu tập hai bên đến một phiên hòa giải.
Nếu các bên không hòa giải được, Thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết trên cơ sở hồ sơ và chứng cứ các bên cung cấp và chỉ triệu tập các bên đến để nghe phán quyết.29
Thủ tục ra lệnh thanh toán
Về phạm vi áp dụng: Thủ tục ra lệnh thanh toán là thủ tục giản đơn được thực hiện bởi Thẩm phán Tòa sơ thẩm thẩm quyền hẹp hoặc Chánh án Tòa thương mại. Chủ nợ có thể xin thu hồi nợ theo thủ tục này trong các trường hợp sau đây: (1) Khoản nợ có nguồn gốc từ một hợp đồng hoặc từ một nghĩa vụ theo điều lệ và là một số tiền nhất định; nếu là do hợp đồng thì được xác định theo các điều khoản của hợp đồng, kể cả điều khoản phạt (nếu có); (2) Nợ do cam kết nhận hoặc rút hối phiếu, ký nhận một kỳ phiếu, chuyển nhượng hoặc bảo lãnh các loại tín phiếu hoặc nhận chuyển nhượng một khoản nợ.30
Về thủ tục áp dụng: Chủ nợ hoặc người được ủy quyền phải nộp đơn yêu cầu kèm theo tài liệu chứng minh đến phòng thư ký lục sự. Nếu Thẩm phán bác đơn, chủ nợ có thể yêu cầu vụ việc được chuyển ngay đến Tòa án mà mình cho là có thẩm quyền giải quyết theo Điều 1048 Bộ luật Tố tụng dân sự Pháp năm 1998. Khi bị bác đơn, chủ nợ không được kháng cáo quyết định nhưng vẫn được quyền khởi kiện theo thủ tục thông thường. Nếu Thẩm phán chỉ chấp nhận một phần yêu cầu thì chủ nợ cũng không có quyền kháng cáo quyết định nhưng có quyền không tống đạt quyết định của Tòa án và tiến hành khởi kiện theo thủ tục thông thường. Lệnh trả nợ sẽ mất hiệu lực nếu không được tống đạt trong thời hạn 06 tháng.31 Sau khi nhận được lệnh của Thẩm phán, người mắc nợ có thể kháng cáo theo Điều 1412 Bộ luật Tố tụng dân sự Pháp năm 1998.
28 Trương Hòa Bình (2014), Vấn đề áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử và thành lập Tòa giản lược trong hệ
thống Tòa án nhân dân, Tạp chí Tòa án nhân dân số 04/2014, tr.3.
29 Đặng Thanh Hoa (2016), Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự (Sách chuyên khảo), Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội, tr.64.
30 Điều 1405, 1406 Bộ luật Tố tụng dân sự Cộng hòa Pháp (1998), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
31 Điều 1407, 1409, 1411 Bộ luật Tố tụng dân sự Cộng hòa Pháp (1998), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
22
Thủ tục buộc làm một công việc
Về phạm vi áp dụng: Trong trường hợp giá trị trái vụ không vượt quá phạm vi thẩm quyền Tòa sơ thẩm thẩm quyền hẹp, đương sự có thể làm đơn đề nghị Tòa sơ thẩm thẩm quyền hẹp cho thanh toán bằng tiền vật trái vụ phát sinh từ hợp đồng giữa những người không phải là thương nhân. Nguyên đơn có thể đưa đơn đến Tòa sơ thẩm nơi cư trú của bị đơn hoặc đến Tòa sơ thẩm nơi thực hiện trái vụ.32
Về thủ tục áp dụng: Nguyên đơn phải nộp đơn tại Phòng lục sự của Tòa án có thẩm quyền. Nếu thấy đơn có căn cứ, Thẩm phán sẽ ra quyết định bắt buộc người có nghĩ vụ thực hiện trái vụ, quyết định này có hiệu lực thi hành ngay không được phản kháng. Trong trường hợp Thẩm phán bác đơn, nguyên đơn không được phản kháng, nhưng có quyền khởi kiện theo thủ tục thông thường.33
1.3.2 Pháp luật Liên bang Nga
Ở Nga, Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga năm 2003 được Quốc hội (Duma) thông qua ngày 23/10/2002 và có hiệu lực thi hành từ năm 2003. Bộ luật này có kết cấu 7 phần, 47 chương và 446 điều, trong đó Mục I phần thứ hai quy định vể thủ tục rút gọn, là điểm mới của thủ tục tố tụng dân sự Liên bang Nga.
Tại Mục I Phần thứ hai của Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga chỉ quy định một chương về Lệnh của Tòa án. Theo Điều 121 Bộ luật tố tụng dân sự Liên bang Nga năm 2003, Lệnh của Tòa án – quyết định của Toà án do một Thẩm phán ban hành dựa trên yêu cầu đòi nợ hoặc đòi lại tài sản theo những căn cứ tại Điều 122 Bộ luật này:
- Yêu cầu căn cứ vào giao dịch đã được công chứng;
- Yêu cầu căn cứ vào giao dịch được thực hiện dưới hình thức văn bản viết không cần công chứng, chứng thực;
- Yêu cầu căn cứ vào đơn bác lại kỳ phiếu về việc không trả tiền, không chấp nhận và chấp nhận không định ngày tháng;
32 Điều 1425-1, 1425-2 Bộ luật Tố tụng dân sự Cộng hòa Pháp (1998), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
33 Điều 1425-3, 1425-4, 1425-9 Bộ luật Tố tụng dân sự Cộng hòa Pháp (1998), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
23
- Yêu cầu đòi tiền cấp dưỡng cho trẻ chưa thành niên không liên quan đến việc xác định cha, mẹ hoặc không liên quan đến việc phải triệu tập thêm những người khác;
- Yêu cầu công dân nộp khoản thuế bị thất thu hoặc nộp những khoản tiền bắt buộc khác;
- Yêu cầu đòi khoản tiền lương đã được chấm công nhưng chưa được trả cho người lao động;
- Yêu cầu của các cơ quan công an, cơ quan thuế, cơ quan thừa phát lại đòi hoàn trả chi phí cho việc tìm kiếm bị đơn, người có nghĩa vụ và tài sản của người đó hoặc chi phí cho việc tìm kiếm trẻ em bị người có nghĩa vụ đem đi mất, hoặc chi phí liên quan đến việc bảo quản tài sản của người có nghĩa vụ bị thu giữ và bảo quản tài sản của người có nghĩa vụ khi bị buộc chuyển đi nơi ở khác.
Về thủ tục Lệnh của Tòa án: Theo Điều 124 Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga năm 2003, người yêu cầu gửi văn bản yêu cầu có hình thức và nội dung được quy định cụ thể tại Điều này. Trường hợp đơn yêu cầu hợp lệ, Lệnh thanh toán sẽ được ban hành trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mà không cần phải mở phiên toà xét xử và không phải triệu tập các bên để nghe lời giải thích của họ. Sau khi ra lệnh, Thẩm phán gửi bản sao lệnh của Toà án cho người có nghĩa vụ. Người có nghĩa vụ có quyền phản đối trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận bản sao. Thẩm phán huỷ bỏ lệnh của Toà án nếu người có nghĩa vụ phản đối trong thời hạn pháp luật quy định. Trong trường hợp hết thời hạn pháp luật quy định, nếu người có nghĩa vụ không phản đối, Toà án chuyển cho người yêu cầu bản thứ hai lệnh của Toà án để đưa ra thi hành.34
1.3.3 Pháp luật Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
Theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Tố tụng dân sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 2002, việc xác định vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào ba tiêu chí sau: (i) Tranh chấp giữa các đương sự có sự thật rõ ràng mà hai bên đương sự cơ bản nhất trí, chứng cứ đưa ra rõ ràng. Tòa án không cần phải tiến hành công việc điều tra, thu thập chứng cứ mà vẫn có thể làm rõ được sự thật, đúng sai của vụ án; (ii) Quan hệ pháp luật về tranh chấp giữa các bên đã rõ về việc bên nào được hưởng quyền lợi,
34 Điều 126, 128, 129, 130 Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga 2003 (2005), Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội.
24
bên nào phải gánh vác nghĩa vụ. Đồng thời quan hệ pháp luật về việc giải quyết tranh chấp đó cũng đã được quy định tương đối rõ ràng; (iii) Tranh chấp mà hai bên không có bất đồng lớn về đúng sai, trách nhiệm của các bên trong vụ án và các khoản chi phí tố tụng.
Theo Điều 146 Bộ luật Tố tụng dân sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 2002, đối với những vụ kiện đơn giản Tòa án có thể giải quyết ngay hoặc quyết định vào một ngày khác nhưng thời hạn giải quyết theo thủ tục rút gọn không quá 03 tháng.
Ngoài ra, theo Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 2002 quy định: Thủ tục yêu cầu thanh toán nợ được áp dụng khi chủ nợ yêu cầu người mắc nợ thanh toán tiền hoặc một chứng khoán có thể chuyển nhượng, theo đó chủ nợ có thể nộp đơn lên Tòa án có thẩm quyền yêu cầu một lệnh trả nợ, nếu đáp ứng được hai yêu cầu sau: (i) Chủ nợ và người mắc nợ không liên quan đến nghĩa vụ tranh chấp khác; (ii) Lệnh đòi nợ có thể tống đạt được đến người mắc nợ. Khi làm đơn, chủ nợ phải ghi rõ số tiền hoặc số lượng chứng khoán có thể chuyển nhượng được yêu cầu và phải dựa trên bằng chứng, tài liệu thực tế. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận đơn của chủ nợ, Tòa án sẽ ra thông báo thụ lý. Sau khi thụ lý, Tòa án sẽ kiểm tra tài liệu, chứng cứ do chủ nợ cung cấp; trường hợp nếu quan hệ giữa quyền của chủ nợ và con nợ là hợp pháp thì Tòa án sẽ ra quyết định yêu cầu con nợ thanh toán nợ trong vòng 15 ngày kể từ ngày thụ lý đơn khởi kiện; ngược lại nếu không có cơ sở trên thì Tòa án sẽ ra lệnh bác bỏ đơn khởi kiện. Trong vòng 15 ngày kể từ ngàynhận được lệnh buộc thanh toán, con nợ phải có nghĩa vụ thanh toán hết nợ hoặc có thể phản đối yêu cầu trên bằng cách gửi văn bản đến Tòa án.35
Trường hợp không thực hiện được lệnh buộc thanh toán hoặc có yêu cầu phản đối của con nợ thì Tòa án sẽ ra quyết định kết thúc vụ án theo thủ tục rút gọn và chấm dứt hiệu lực thi hành của lệnh yêu cầu buộc thanh toán. Chủ nợ có thể khởi kiện lại theo thủ tục tố tụng thông thường.36
35 Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (2002), Bản dịch tiếng Việt, Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội.
36 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (2002), Bản dịch tiếng Việt, Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội.
25
Điểm đặc biệt của thủ tục này trong tố tụng dân sự của Trung Quốc là có thể thực hiện việc khởi kiện bằng miệng. Hai bên đương sự đồng thời đến Tòa án để đề nghị giải quyết tranh chấp.
1.3.4 Pháp luật Nhật Bản
Pháp luật tố tụng dân sự Nhật Bản áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các tranh chấp có giá ngạch thấp, thủ tục yêu cầu thanh toán.
Tranh chấp có giá ngạch thấp
Về phạm vi áp dụng: Nhật Bản quy định các vụ kiện có giá trị dưới 900.000 đồng yên Nhật (JPY) được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Ngoài ra, Nhật Bản còn quy định những tranh chấp có giá ngạch từ 300.000 JPY trở xuống được giải quyết theo thủ tục còn đơn giản hơn nữa 37
Về thủ tục áp dụng: Trình tự, thủ tục giải quyết (thủ tục triệu tập, chứng cứ, biên bản) cũng được rút gọn nhiều hơn so với thủ tục thông thường. Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, việc tranh luận sẽ kết thúc vào ngày đầu tiên của phiên tòa. Bản án, quyết định của Tòa án được đưa ra sau khi kết thúc việc tranh luận, phán quyết không bị kháng cáo lên Tòa phúc thẩm.
Thủ tục yêu cầu thanh toán
Về phạm vi áp dụng: Theo Điều 382 Bộ luật Tố tụng dân sự Nhật Bản, yêu cầu thanh toán được áp dụng đối với các trường hợp liên quan đến nghĩa vụ thanh toán bằng tiền, bằng vật thay thế hoặc một số lượng nhất định chứng khoán có thể chuyển nhượng.38
Về trình tự, thủ tục: Khi nhận được yêu cầu của chủ nợ về thanh toán tiền và yêu cầu này được thừa nhận là có căn cứ thì Thư ký Tòa giản lược sẽ gửi văn bản nhắc nhở thanh toán cho con nợ. Sau khi nhận được văn bản nhắc nhở, nếu trong vòng 2 tuần con nợ không có khiếu nại thì trong vòng 30 ngày sau đó chủ nợ có quyền yêu cầu Tòa án ra tuyên bố tạm thi hành đối với nhắc nhở thanh toán. Nếu trong vòng 2 tuần, con nợ không khiếu nại đối với tuyên bố tạm thi hành này thì văn bản nhắc nhở thanh
37 Hiroshi Oda, (2009), Janpanese Law, Third Edition, Oxford University Press, pp.411, 412.
38 Đặng Thanh Hoa (2016), Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự (Sách chuyên khảo), Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội, tr.60.
26
toán sẽ trở thành giấy xác nhận nợ và chủ nợ có thể căn cứ vào đó để yêu cầu cưỡng chế thi hành. Thủ tục này không hạn chế số tiền yêu cầu. Trong trường hợp con nợ có khiếu nại đối với tuyên bố tạm thi hành thì tuyên bố này không còn hiệu lực thi hành và được chuyển sang thủ tục thông thường để giải quyết.39
1.3.5 Pháp luật Hoa Kỳ
Tại Mỹ, pháp luật các tiểu bang về cơ bản đều quy định rằng vụ án có giá ngạch thấp được coi là vụ kiện nhỏ và được giải quyết theo thủ tục giản lược. Giá ngạch thấp do từng tiểu bang quy định, cơ bản trong khoảng từ 2.500 đô la Mỹ (USD) đến 25.000 USD. Đa số tiểu bang quy định vụ kiện nhỏ để áp dụng thủ tục rút gọn là vụ kiện đòi khoản nợ có giá trị không vượt quá 5.000 USD ở các thành phố và 3.000 USD cho các vùng ngoại ô.40
Theo Phạm Bá Sơn41 ở Hoa Kỳ, ngoài hình thức xét xử vụ kiện nhỏ được áp dụng thủ tục rút gọn thì còn hình thức xét xử khiếm diện và phán quyết rút gọn:
- Xét xử khiếm diện: Xét xử khiếm diện là một hình thức xét xử được áp dụng khi bị đơn không có phản hồi lại đối với thông báo về tranh tụng hoặc tham gia tranh tụng đúng theo thời gian. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Hoa Kỳ, một phán quyết khiếm diện sẽ được đưa ra bởi Thư ký tòa nếu nguyên đơn kiện đòi một khoản tiền nhất định hoặc một khoản có thể chưa tính toán được nếu bị đơn không có mặt và không phải là người chưa thành niên hoặc không có năng lực pháp lý.
- Phán quyết rút gọn: Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Hoa Kỳ, một bên đương sự có thể yêu cầu Tòa án đưa ra phán quyết rút gọn đối với tranh chấp hoặc lời bào chữa hoặc một phần của tranh chấp và Tòa sẽ đưa ra phán quyết rút gọn nếu bên đưa ra yêu cầu có thể đưa ra bằng chứng chứng minh không tồn tại một tranh chấp thật sự liên quan đến sự kiện quan trọng và bên yêu cầu xứng đáng được hưởng phán quyết đó dựa trên cơ sở pháp luật.
39 Ngô Cường (2014), Mô hình Tòa án đơn giản ở Nhật Bản, Tạp chí Tòa án nhân dân số 16/2014, tr.43.
40 Đặng Thanh Hoa (2015), Thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ, tr.45.
41 Phạm Bá Sơn (2014), Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự, Khóa luận tốt nghiệp, trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tr.36, 37.