Lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài (Trang 24 - 29)

CHƯƠNG 1. LÝ LUẬN CHUNG VỀ PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH QUAN HỆ HÔN NHÂN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

1.4. Lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam

1.4.1. Pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959

Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 ra đời trong bối cảnh đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam, Bắc. Pháp luật thời kỳ này có sự khác nhau giữa hai miền đất nước. Miền Bắc tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời hỗ trợ cho miền Nam trong công cuộc cách mạng dân tộc tiến tới thống nhất đất nước. Cột mốc quan trọng trong giai đoạn này là sự ra đời của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa năm 1959 ghi nhận những quy định điều chỉnh các quan hệ xã hội, bao gồm cả quan hệ hôn nhân. “Phụ nữ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình…Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình.”24 Những chế định về quan hệ hôn nhân được chuyển hóa thành một đạo luật riêng đó là Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959. Đây là đạo luật hôn nhân và gia đình đầu tiên của nước ta. Luật này đã được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa thứ nhất, kỳ họp thứ 11, thông qua trong phiên họp ngày 29/12/1959 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1960. Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 bao gồm 6 chương với 35 điều quy định những nội dung cơ bản về quan hệ hôn nhân và gia đình. Cụ thể: chương I gồm 3 điều trình bày về nguyên tắc chung, chương II gồm 8 điều liên quan đến kết hôn, chương III gồm 5 điều về nghĩa vụ và quyền lợi của vợ chồng, chương IV gồm 8 điều về quan hệ giữa cha mẹ và con cái, chương V gồm 9 điều quy định về ly hôn, chương VI gồm 2 điều về điều khoản chung. Có thể nhận thấy, trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 không có quy định về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là do bối cảnh xã hội Việt Nam bấy giờ làm cho quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài chưa phổ biến và chưa được chú trọng. Miền Nam dưới sự cai trị của chính quyền Ngô Đình Diệm, Luật Gia đình ngày 02/01/1959 được công bố. Luật Gia đình quy định những nội dung liên quan đến hôn nhân và gia đình.

1.4.2. Pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986

24 Điều 24 Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa năm 1959.

Sau ngày 30/04/1975, đất nước hoàn toàn giải phóng. Năm 1976 tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 11 quyết định đặt tên nước là “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đánh dấu sự thống nhất đất nước, cũng như thống nhất về mặt hành chính và pháp luật trên cả nước. Ngày 18/12/1980 tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa VI đã thông qua Hiến pháp năm 1980. Hiến pháp có nội dung liên quan đến lĩnh vực hôn nhân khẳng định “phụ nữ và nam giới có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”25; “Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình”26; “hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.”27

Để điều chỉnh kịp thời và phù hợp với tiến trình thay đổi của đất nước nói chung, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh quan hệ hôn nhân nói riêng, ngày 29/12/1986 Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 gồm 10 chương và 57 điều. Với nội dung kế thừa Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 từ đó chuyển hóa, xây dựng thêm những quy định mới phù hợp, quy định về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là một trong số đó. Cụ thể tại chương IX quan hệ hôn nhân và gia đình của công dân Việt Nam với người nước ngoài gồm 3 điều (Điều 52, Điều 53, Điều 54). Đây là lần đầu tiên Luật Hôn nhân và gia đình ở Việt Nam dành một chương riêng để quy định về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Ngoài ra, tại chương II về kết hôn còn quy định “việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau ở ngoài nước do cơ quan đại diện ngoại giao của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận.”28 Qua đó thấy được Nhà nước đã quan tâm đến vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

1.4.3. Pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000

Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 mặc dù góp phần tích cực trong việc xây dựng và củng cố pháp luật, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều trường hợp chưa bị xử lý đúng mực (Ví dụ như: tảo hôn, kết hôn không đăng ký, vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng,...chưa bị lên án và xử lý đúng mức). Để giải quyết những hạn chế và xây dựng các chế định pháp luật hoàn thiện, ngày 09/06/2000 Quốc hội Việt Nam ban hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 gồm 13 chương, 110 điều, được ban hành trên cơ sở kế thừa Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, sửa đổi, bổ sung một số quy định mới. Trong đó, Điều 100 đến Điều 106 tại chương XI với nội dung quy định về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Luật Hôn

25 Điều 63 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980.

26 Điều 64 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980.

27 Điều 64 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980.

28 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986.

nhân và gia đình năm 2000 quan tâm hơn đến vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài khi mà xây dựng thêm nhiều điều luật điều chỉnh mối quan hệ này. Như vậy, với xu thế đổi mới và hội nhập, vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài đang ngày càng được Nhà nước chú trọng.29

1.4.4. Pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Cùng với bước tiến của thời đại, Việt Nam tiến hành công cuộc hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh sự phát triển, các mối quan hệ xã hội ngày càng thay đổi và mối quan hệ hôn nhân là một trong số đó. Nhận thấy sau 13 năm thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã góp phần ổn định mối quan hệ hôn nhân và gia đình trong xã hội, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, với thời đại và định hướng phát triển mới của đất nước, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã không giải quyết hết những vấn đề nảy sinh có liên quan đến quan hệ hôn nhân, gia đình trong thực tiễn. Trong khi những vấn đề này chưa được luật hóa, tạo ra lỗ hổng làm ảnh hưởng đến an ninh và sự phát triển của đất nước, cũng như quyền lợi mỗi người. Do đó, việc ban hành một văn bản pháp luật mới để giải quyết tình trạng trên là rất cần thiết. Ngày 19/06/2014 Quốc hội Việt Nam tại kỳ họp thứ 7, khóa XIII đã thông qua Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Luật này gồm có 9 chương với 133 điều. Nội dung quy định về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được thể hiện tại chương VIII từ Điều 121 đến Điều 130 với nhiều đổi mới về nguyên tắc áp dụng pháp luật, thẩm quyền giải quyết vụ việc,... Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 bổ sung nhiều điểm mới quan trọng, cần thiết cho đời sống xã hội và thực tiễn thi hành pháp luật.30

29 Trường đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (2017), Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam tái bản có sửa đổi, bổ sung, Nhà xuất bản Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, trang 143,144.

30 Trường đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (2017), Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam tái bản có sửa đổi, bổ sung, Nhà xuất bản Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, trang 145,146.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Lý luận chung về pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài bao gồm các thuật ngữ pháp lý, các quy định của pháp luật Việt Nam, kinh nghiệm pháp luật các nước, lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài với nội dung chủ yếu:

Một là, quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân được xác định trên các yếu tố nước ngoài liên quan đến quan hệ đó. Có ba yếu tố căn bản:

Chủ thể tham gia mà ít nhất một bên là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ hôn nhân theo pháp luật nước ngoài, xảy ra ở nước ngoài; tài sản liên quan đến quan hệ hôn nhân ở nước ngoài. Quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài bao gồm những đặc điểm của quan hệ hôn nhân nói chung và một số đặc điểm riêng biệt. Điểm chung, quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài được hình thành trên cơ sở hôn nhân. Tuy nhiên, mối quan hệ này không tự nhiên hình thành, mà chỉ được hình thành dưới những điều kiện nhất định thông qua sự liên kết giữa hai chủ thể nam và nữ. Quan hệ hôn nhân được pháp luật thừa nhận sau khi kết hôn. Điểm khác biệt, quan hệ hôn nhân được xem là có yếu tố nước ngoài khi có một trong những điều kiện sau: chủ thể tham gia mà ít nhất một bên là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ hôn nhân theo pháp luật nước ngoài, xảy ra ở nước ngoài; tài sản liên quan đến quan hệ hôn nhân ở nước ngoài.

Hai là, pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài là tổng hợp các nguyên tắc, quy phạm được quy định trong các văn bản pháp luật quốc gia, pháp luật nước ngoài, điều ước quốc tế, tập quán quốc tế nhằm điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài mang những đặc điểm sau: đối tượng điều chỉnh là các vấn đề pháp lý liên quan đến quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, trên cơ sở đó hướng đến điều chỉnh hai nhóm quan hệ chính là quan hệ nhân thân (giá trị tình cảm, tinh thần) và quan hệ về tài sản (giá trị vật chất); quá trình giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến quan hệ hôn nhân có hai phương pháp áp dụng để điều chỉnh đó là phương pháp thực chất và phương pháp xung đột; nguồn của pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài là các căn cứ quy định các nguyên tắc, quy phạm điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Dựa vào cơ sở hình thành và giá trị pháp lý của nguồn pháp luật, nguồn pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài bao gồm nguồn pháp luật trong nước và nguồn điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài khác.

Ba là, mối quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài chịu sự điều chỉnh của pháp luật và ở mỗi quốc gia khác nhau thì có cơ chế điều chỉnh không giống nhau. Hôn nhân có yếu tố nước ngoài là một trong những chế định của tư pháp quốc tế. Việc nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật các nước trên thế giới góp phần giảm thiểu tình trạng xung đột pháp luật khi lựa chọn luật áp dụng và đúc kết một số kinh nghiệm để hoàn thiện pháp luật quốc gia. Ngoài ra, để tránh tình trạng xung đột khi lựa chọn pháp luật áp dụng giải quyết vấn đề liên quan đến quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài thì các nước trên thế giới nên tiến hành tham gia ký kết các điều ước quốc tế song phương, đa phương để xác định pháp luật quốc gia được lựa chọn.

Bốn là, pháp luật về hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam được quy định để điều chỉnh dựa theo quá trình lịch sử hình thành và phát triển của luật hôn nhân và gia đình tại Việt Nam qua các thời kỳ. Đầu tiên là Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 không có quy định về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Tiếp đến là Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, ghi nhận lần đầu tiên dành một chương riêng để quy định về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Sau đó là Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quan tâm hơn đến vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài khi mà xây dựng thêm nhiều điều luật điều chỉnh mối quan hệ này. Đến nay là Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã bổ sung nhiều quy định mới quan trọng, cần thiết cho đời sống xã hội và thực tiễn thi hành pháp luật. Pháp luật về hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam đang ngày càng được quan tâm, khi mà việc ban hành các văn bản luật điều chỉnh vấn đề trên ngày càng cụ thể, điều khoản quy định rõ ràng hơn.

Một phần của tài liệu Pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài (Trang 24 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(69 trang)