CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ CHẾ ĐỘ TÀI SẢN VỢ CHỒNG
1.3 Khái quát chế độ tài sản của vợ chồng trong pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử
1.3.3. Chế độ tài sản của vợ chồng trong pháp luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám (1945) đến nay
Giai đoạn 1945 – 1954:
Cách mạng tháng Tám thành công, mở ra chương mới của lịch sử dân tộc, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời với bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02/09/1945 tại quảng trường Ba Đình. Hoàn cảnh lịch sử chưa cho phép chúng ta ban hành ngay một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, vì vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho phép áp dụng pháp luật cũ một cách chọn lọc; miễn sao không trái với lợi ích của chính thể Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và lợi ích của nhân dân lao động (theo Sắc lệnh số 90-SL ngày 10/10/1945). Thông qua Sắc lệnh 97/SL ngày 22/5/1950 và Sắc lệnh số 159/SL ngày 17/11/1950 đã sửa đổi một số quy định trong dân luật, nhằm xóa bỏ, hạn chế ảnh hưởng của chế độ HN&GĐ thực dân, phong kiến.
Quyền bình đẳng nam nữ được cụ thể hóa, lần đầu tiên trong Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 khẳng định tại Điều 9: “đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Theo tinh thần chủ đạo này, Sắc lệnh 97/SL quy
9 Trương Thị Lan (2016), “Chế độ tài sản vợ chồng pháp định theo Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2014”, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa luật.
10 Trương Thị Lan (2016), “Chế độ tài sản vợ chồng pháp định theo Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2014”, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa luật.
15
định: “Chồng và vợ có địa vị bình đẳng trong gia đình” (Điều 5), “Người đàn bà có chồng có toàn năng lực về mặt hộ” (Điều 6); như vậy vợ chồng đã bình đẳng với nhau trong các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt toàn bộ khối tài sản chung. Sắc lệnh 159/SL quy định cụ thể về ly hôn, thủ tục ly hôn, quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc nuôi dạy con cái sau khi ly hôn. Tuy nhiên, cả hai Sắc lệnh nói trên lại không đề cập đến việc phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn, chỉ có thể căn cứ vào quyền bình đẳng đã được xác lập suy luận ra rằng khối tài sản chung sẽ được chia đều cho vợ chồng mỗi bên một nửa khi ly hôn.
Như vậy, hai Sắc lệnh số 97/SL và Sắc lệnh số 150/SL đã có những quy định mới và tiến bộ, góp phần quan trọng vào việc xóa bỏ chế độ HN&GĐ thực dân phong kiến lạc hậu, thúc đẩy sự phát triển của xã hội Việt Nam trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Giai đoạn 1954 – 1975:
Hòa bình được lập lại ở miền Bắc. Trước tình hình và nhiệm vụ mới, Nhà nước đã ban hành một số văn bản pháp luật mới, và sửa đổi, bổ sung các văn bản cũ trong đó có Hiến pháp năm 1946 và ban hành Hiến pháp 1959. Hiến pháp 1959 đã quy định quyền bình đẳng giữa nam và nữ về mọi mặt, trở thành cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng chế độ HN&GĐ mới, phù hợp. Ngày 29/12/1959, Quốc hội thông qua Luật HN&GĐ năm 1959 là xóa bỏ tàn dư của chế độ HN&GĐ thực dân, phong kiến lạc hậu và xây dựng chế độ HN&GĐ mới xã hội chủ nghĩa.
Luật quy định chế độ tài sản áp dụng chung cho tất cả các cặp vợ chồng mà không quy định chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Điều 15 Luật HN&GĐ năm 1959 quy định: “Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới”; theo đó mọi tài sản của vợ chồng không phân biệt nguồn gốc và công sức đóng góp đều thuộc khối tài sản chung (dù là tặng cho riêng vợ chồng hay thừa kế riêng trước hoặc trong thời kỳ hôn nhân). Như vậy, Luật HN&GĐ 1959 đã kế thừa những quy định pháp luật HN&GĐ trước đây theo chế độ cộng đồng toàn sản, không có điều khoản nào quy định về tài sản riêng của vợ, chồng. Tài sản chung được chia khi vợ chồng ly hôn hoặc khi vợ, chồng chết trước. Nguyên tắc phân chia tài sản chung sẽ căn cứ vào công đóng góp của mỗi bên vào khối tài sản, bảo đảm được quyền lợi của vợ, con và lợi ích của việc sản xuất khi chia.
Miền Nam sau Hiệp định Genève năm 1954, Pháp rút quân khỏi miền Nam khi chưa thực hiện cuộc hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam – Bắc.
Mỹ vào thay chân Pháp, đưa Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền với âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Hệ thống các văn bản pháp luật HN&GĐ được ban hành dưới thời kỳ này bao gồm:
16
- Luật Gia đình ngày 2/1/1959 (Luật số 1 – 59) dưới chế độ Ngô Đình Diệm.
- Sắc luật số 15/64 ngày 23/7/1964 quy định về giá thú, tử hệ và tài sản cộng đồng.
- Bộ luật Dân sự Việt Nam Cộng Hòa ngày 20/12/1972 dưới chế dộ Nguyễn Văn Thiệu.
Cả ba văn bản trên đều dự liệu về chế độ tài sản ước định, cho phép vợ chồng ký kết hôn ước thỏa thuận với nhau về vấn đề tài sản trước khi kết hôn, miễn là sự thỏa thuận đó không trái với thuần phong mỹ tục, trật tự công cộng và quyền lợi của con cái. Trường hợp vợ chồng không có thỏa thuận trước về chế độ tài sản mới áp dụng chế độ tài sản vợ chồng theo những quy định mà pháp luật đã dự liệu. BLDS Sài Gòn 1972 quy định: “Luật pháp chỉ quy định chế độ phu phụ tài sản khi vợ chồng không lập hôn ước. Vợ chồng có thể tự do lập hôn ước tùy ý muốn, miễn không trái với trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục” (Điều 144, 145). Nội dung này được quy định tương tự ở Điều 45 Luật gia đình, Điều 49 Sắc luật số 15/64. 11
Luật Gia đình kế thừa chế độ cộng đồng toàn sản của DLBK và DLTK với điểm tiến bộ là quy định về quan hệ bình đẳng giữa vợ chồng (Điều 43) và quyền quản trị khối tài sản cộng đồng (Điều 49). Tuy nhiên, Điều 39 Luật Gia đình quy định: “Người chồng là trưởng gia đình”, nên trong thực tế sự bình đẳng giữa vợ và chồng vẫn chưa được thực hiện. Về việc phân chia tài sản, Luật Gia đình chỉ quy định phân chia tài sản khi một bên vợ hoặc chồng chết trước mà không thừa nhận việc ly hôn.12
Trái với Luật HN&GĐ 1959 áp dụng ở miền Bắc và Luật Gia đình, Sắc luật số 15/64 và BLDS năm 1972 ở miền Nam dự liệu chế độ cộng đồng động sản và tạo sản. Ngoài khối tài sản chung, vợ, chồng còn có tài sản riêng là bất động sản của vợ, chồng trước khi kết hôn và bất động sản vợ, chồng được tặng cho, thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân. Về quyền lợi của vợ chồng đối với tài sản, người chồng có toàn quyền quản lý tài sản chung, thậm chí cả tài sản riêng của người vợ (Điều 62 Sắc luật số 15/64). Về phân chia tài sản, Sắc luật 15/64 chỉ quy định phân chia tài sản khi ly hôn hoặc ly thân mà không đề cập đến trường hợp phân chia tài sản khi vợ hoặc chồng chết trước. BLDS năm 1972 quy định phân chia tài sản trong ba trường hợp: vợ chồng ly thân; ly hôn; một bên vợ hoặc chồng chết. Tài sản được phân chia theo nguyên tắc:
11 Lã Thị Tuyền (2014), “Chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật HN&GĐ Việt Nam”, Luận văn Thạc sĩ, Đại học quốc gia Hà Nội, Khoa luật.
12 Trương Thị Lan (2016), “Chế độ tài sản vợ chồng pháp định theo Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2014”, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa luật.
17
“Tài sản riêng bên nào thuộc quyền sở hữu của bên đó, tài sản chung chia đều mỗi bên một nửa”.13
Có thể thấy những quy định về chế độ tài sản vợ chồng trong pháp luật dưới chế độ Ngụy quyền Sài Gòn tương đối cụ thể. Tuy vậy, nhìn tổng thể cả ba văn bản pháp luật này vẫn bảo vệ quyền gia trưởng của người chồng trong gia đình, tiếp tục cổ xúy cho quan hệ bất bình đẳng về tài sản vợ và chồng trong pháp luật và trên thực tế.
Giai đoạn 1975 đến nay:
Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi đã chấm dứt tình trạng chia cắt hai miền Nam – Bắc, thống nhất hoàn toàn đất nước sau 21 năm, đưa đến việc thống nhất xã hội, chế độ chính trị, dân cư và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được đổi tên thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiến lên chế độ chủ nghĩa xã hội. Để phù hợp với tình hình mới của đất nước, Hiến pháp năm 1980 được thông qua tại Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ 7 ngày 18/12/1980. Điều 64 Hiến pháp năm 1980 quy định: “Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng”. Và để cụ thể hóa những nguyên tắc hiến định này, ngày 29/12/1986, Luật HN&GĐ năm 1986 ra đời cùng với Nghị quyết số 01-NQ/HĐTP ngày 20/01/1988 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Tòa án các cấp áp dụng một số quy định của Luật HN&GĐ năm 1986.
Tương tự Luật HN&GĐ năm 1959, Luật HN&GĐ năm 1986 cũng không ghi nhận chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận mà chỉ quy định chế độ tài sản pháp định áp dụng chung cho các cặp vợ chồng. Điều 14 Luật HN&GĐ 1986 quy định:
“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra, thu nhập về nghề nghiệp và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được cho chung”. Luật HN&GĐ 1986 cũng xác định cụ thể quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với khối tài sản chung tại điều 15: “Vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản chung. Việc mua bán, đổi, cho, vay, mượn, và những giao dịch khác có quan hệ đến tài sản mà có giá trị lớn thì phải được sự thỏa thuận của vợ, chồng”.
Bên cạnh đó, Điều 16 Luật HN&GĐ 1986 đã quy định quyền tài sản riêng của vợ, chồng: “Đối với tài sản mà vợ chồng có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng hoặc được cho riêng trong thời kỳ hôn nhân thì người có tài sản đó có quyền nhập hoặc không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng”. Đây cũng là điểm mới của Luật HN&GĐ 1986 so với Luật HN&GĐ 1959. Xuất phát từ thực tiễn của xã hội với mục đích bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ, chồng cũng như của người thứ ba
13 Nguyễn Văn Cừ (2005), “Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật HN&GĐ Việt Nam”, Luận án Tiến sĩ, Trường đại học Luật Hà Nội.
18
liên quan đến tài sản sản chung vợ chồng, Luật HN&GĐ 1986 đã quy định bổ sung thêm về chia tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân đang tồn tại ở Điều 18 và xác định “nguyên tắc chia đôi tài sản chung” của vợ chồng tại Điều 42.
Như vậy, Luật HN&GĐ 1986 ra đời đã thay thế chế độ cộng đồng toàn sản bằng chế độ cộng đồng tạo sản; chế độ tài sản pháp định cũng đã được quy định cụ thể hơn. Tuy nhiên sau hơn 10 năm thực hiện, Luật HN&GĐ 1986 không thể bắt kịp với sự phát triển kinh tế xã hội đã bộc lộ những hạn chế nhất định: các quy định của Luật vẫn rất cô đọng, khái quát, định khung; chưa dự liệu hết các trường hợp để giải quyết tranh chấp phát sinh giữa vợ, chồng nên khi áp dụng vào thực tế nảy sinh nhiều vướng mắc, khó khăn.
Luật HN&GĐ năm 2000 được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 09/6/2000. Luật gồm 13 chương, 110 điều đã kế thừa, cụ thể hóa nhiều quy định của Luật HN&GĐ 1986 (có 10 chương và 59 điều); là hệ thống các quy định về chế độ HN&GĐ trên cơ sở pháp lý là Hiến pháp năm 1992. Nhìn tổng thể, Luật HN&GĐ năm 2000 kế thừa nhiều nội dung của chế độ tài sản vợ chồng pháp định của Luật HN&GĐ 1986, đồng thời bổ sung những quy định mới nhằm giải quyết những khó khăn vướng mắc còn tồn tại mà Luật HN&GĐ chưa giải quyết được.
Luật HN&GĐ 2000 không dự liệu về chế độ tài sản ước định giữa vợ và chồng vì chế độ này vẫn chưa phù hợp với tập quán truyền thống của gia đình Việt Nam.
Loại chế độ tài sản duy nhất được quy định và áp dụng cho quan hệ tài sản vợ chồng là chế độ tài sản pháp định. Điểm mới của Luật HN&GĐ 2000 là quy định về việc đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản chung của chồng, nguyên tắc suy đoán tài sản chung: “Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung” (khoản 3 Điều 27); quy định việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung là nguồn sống duy nhất của gia đình (Điều 28); chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng tại Điều 33; quy định chia tài sản chung của vợ chồng tại Điều 29.
Tuy nhiên, Luật HN&GĐ 2000 thiếu cơ chế công khai minh bạch về tài sản chung, tài sản riêng từ đó dẫn đến không bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của người thứ ba khi tham gia giao dịch dân sự. Đất đai là loại tài sản được chú trọng trong Luật, còn các tài sản khác như chứng khoán, tài sản doanh nghiệp, tài sản sở hữu trí tuệ vẫn chưa được đề cập đến. Về nguyên tắc mỗi cá nhân đều có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; vì vậy việc chỉ áp dụng một chế độ tài sản pháp định duy nhất không bảo đảm được quyền sở hữu tài sản của vợ, chồng.14
14 Lã Thị Tuyền (2014), “Chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật HN&GĐ Việt Nam”, Luận văn Thạc sĩ, Đại học quốc gia Hà Nội, Khoa luật.
19
Trước những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế - xã hội ở Việt Nam kéo theo những chuyển biến trong quan hệ gia đình, ngày 19/6/2014 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật HN&GĐ 2014, gồm 9 chương 133 Điều. Chế độ tài sản vợ chồng được quy định tại mục 3, chương II Luật HN&GĐ 2014; các điều từ Điều 28 đến Điều 32 (Nguyên tắc áp dụng chế độ tài sản vợ chồng), từ Điều 33 đến Điều 46 (chế độ tài sản pháp định), từ Điều 47 đến Điều 50 (chế độ tài sản theo thỏa thuận).
Luật HN&GĐ 2014 chính thức ghi nhận chế độ tài sản theo thỏa thuận song song với chế độ tài sản pháp định. Luật HN&GĐ 2014 kế thừa, sửa đổi các quy định của Luật HN&GĐ 2000, đồng thời bổ sung một số quy định mới, trong đó có nguyên tắc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng. Tóm lại, so với các Luật HN&GĐ trước đây, Luật HN&GĐ 2014 đã thể hiện được sự đầy đủ, rõ ràng, cụ thể về chế độ tài sản vợ chồng, giải quyết được các vấn đề còn vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc áp dụng pháp luật trong thực tế.
20
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Chương 1 đảm nhiệm vai trò khái quát các nội dung chủ yếu của chế độ tài sản vợ chồng qua từng thời kỳ, sự phát triển của pháp luật về chế độ tài sản vợ chồng.
Từ đó cho thấy nguồn gốc cũng như cơ sở lý luận để hình thành nên chế độ này của pháp luật Việt Nam.
Chế độ tài sản vợ chồng được quy định trong pháp luật là một tất yếu khách quan và là chế định cơ bản có vai trò hết sức quan trọng trong pháp luật HN&GĐ.
Chế độ tài sản vợ chồng được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống, đạo đức, tập quán để phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển lịch sử.
Chế độ tài sản vợ chồng phản ánh trung thực và chính xác trình độ phát triển của nền kinh tế - xã hội và ý chí Nhà nước; quy định cụ thể căn cứ xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ và chồng; xác định rõ quyền và nghĩa vụ của vợ chồng với nhau cũng như với người thứ ba; là cơ sở pháp lý vững chắc để giải quyết các tranh chấp liên quan đến các khối tài sản vợ, chồng.
Hệ thống pháp luật HN&GĐ nói chung cũng như chế độ tài sản nói riêng đã trải qua nhiều thời kỳ, từ trong cổ Luật với những quy định mang tính cô đọng, khái quát đã ngày càng được cụ thể, hoàn thiện qua các văn bản Luật HN&GĐ. Chế độ tài sản phổ biến được quy định là chế độ tài sản pháp định, tiếp theo đó với sự phát triển của bình đẳng giới cũng như xác định được tầm quan trọng của gia đình, chế độ tài sản ước định đã được dự liệu cụ thể hơn, thiết thực hơn.