Thực tiễn thực hiện các quy định của thủ tục phá sản theo quy định Luật Phá sản 2014

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo vệ con nợ trong thủ tục phá sản (Trang 47 - 51)

Chương 3. THỰC TIỄN VIỆC ÁP DỤNG QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ QUYỀN CỦA CON NỢ - KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN VIỆC ÁP DỤNG THỦ TỤC PHÁ SẢN VÀ QUY ĐỊNH BẢO VỆ QUYỀN CỦA CON NỢ

3.1. Thực tiễn thực hiện các quy định của thủ tục phá sản theo quy định Luật Phá sản 2014

Trên cơ sở kế thừa những điểm tích cực, tiến bộ của Luật Phá sản năm 2004 thì ngày 19/6/2014 Luật Phá sản 2014 được Quốc hội thông qua, có nhiều quy định sửa đổi, bổ sung hơn nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật về phá sản, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và quốc tế. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định Luật Phá sản năm 2014 cũng cho thấy, một số quy định còn chưa rõ ràng, thiếu cụ thể, chưa bao quát toàn diện những phát sinh trong thực tiễn. Cần có những quy định hướng dẫn cụ thể hơn để các luật có thể được thống nhất trong quá trình áp dụng.

Từ khi Luật Phá sản có hiệu lực đến nay, số vụ việc phá sản được giải quyết tại các tòa án tăng lên so với những năm trước đây. Cụ thể, năm 2015, các tòa án thụ lý 202 đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, ra quyết định không mở thủ tục phá sản 39 trường hợp, ra quyết định mở thủ tục phá sản 64 trường hợp, trong đó ra quyết định tuyên bố phá sản 15 trường hợp, trả lại đơn 8 trường hợp; năm 2016, các tòa án thụ lý 299 đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, trong đó ra quyết định không mở thủ tục phá sản 41 trường hợp, ra quyết định mở thủ tục phá sản 88 trường hợp, trả lại đơn 10 trường hợp; năm 2017, các tòa án thụ lý 289 đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, trong đó, ra quyết định không mở thủ tục phá sản 39 trường hợp, ra quyết định mở thủ tục phá sản 119 trường hợp, đã tuyên bố phá sản 45 trường hợp, đình chỉ 09 trường hợp, trả lại đơn yêu cầu 26 trường hợp, 05 trường hợp rút đơn yêu cầu.62

Trong khi đó, từ năm 2004 đến hết năm 2012, các Tòa án chỉ thụ lý được tổng số 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, ra quyết định mở thủ tục phá sản 236 trường hợp, quyết định tuyên bố phá sản được 83 trường hợp, còn 153 vụ việc chưa ra quyết định tuyên bố phá sản. Những con số này thể hiện, Luật Phá sản 2014 đến nay

62 Tô Thị Kim Nhung, (2018), Vướng mắc, bất cập trong việc thực thi Luật Phá sản năm 2014 và đề xuất hoàn thiện, Tạp chí Luật học, số 19/2018, tr16 – 21.

48

đã dần đi vào cuộc sống, về cơ bản đáp ứng được những mong muốn của các chủ thể tham gia có liên quan trong vụ việc phá sản.

3.1.1. Tác dụng tích cực của việc áp dụng các quy định của thủ tục phá sản Đầu tiên phải nói đến tiêu chí xác định doanh nghiệp, HTX mất khả năng thanh toán. Trước đây, Luật Phá sản 2004 quy định doanh nghiệp, HTX không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn thì coi là lâm vào tình trạng phá sản, ở đây không có một giới hạn thời gian nào cho các khoản nợ đến hạn đó. Thì hiện nay, Luật Phá sản 2014 đã thay đổi với những quy định rõ ràng và cụ thể hơn như Luật Phá sản 2014 đã bỏ hẳn cụm từ “lâm vào tình trạng phá sản” mà sử dụng cụm từ “mất khả năng thanh toán” và xác định rõ thời hạn cho các khoản nợ đến hạn là “03 tháng”. Thời hạn này là một điểm thuận lợi giúp cho con nợ có thể tìm kiếm được giải pháp để thanh toán khoản nợ đến hạn trước khi rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.63

Thẩm quyền giải quyết được mở rộng và các vụ việc phá sản phổ biến hơn.

Nếu Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993 quy định Thẩm quyền giải quyết các vụ việc phá sản chỉ do TAND cấp tỉnh (thành phố) thực hiện thì từ Luật Phá sản 2004 đến nay Thẩm quyền ấy được mở rộng hơn cho TAND cấp huyện (quận). Tuy nhiên, lúc bấy giờ các vụ việc giải quyết phá sản thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện còn hạn chế rất nhiều. Cho đến khi Luật Phá sản 2014 ra đời thay thế cho Luật Phá sản 2004 thì Thẩm quyền giải quyết phá sản ở các quận (huyện) được quy định rõ ràng và cụ thể hơn các vụ việc phá sản của từng cấp Tòa án.

Về chế định Quản tài viên: Luật Phá sản 2014 đã thay đổi chế định Tổ quản lý, thanh lý tài sản thay thế chế định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Vai trò và Điều kiện hành nghề Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được Luật Phá sản 201464 quy định cụ thể đồng thời Nghị định 22/2015/NĐ- CP cũng hướng dẫn chi tiết về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản mà Luật trước đây không có quy định. Hiện nay theo thống kê của Sở Tư pháp

63 Bùi Thị Dung Huyền (2014), Những điểm mới trong Luật Phá sản 2014, Tạp chí Tài chính. Nguồn:

http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/phap-luat-kinh-doanh/nhung-diem-moi-trong-luat-pha-san-2014- 90588.html

64 Điều 12, 13 Luật Phá sản 2014

49

Thành phố Hồ Chí Minh thì tính đến ngày 31/12/2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh có 89 Quản tài viên hành nghề quản lý, thanh lý tài sản và 19 doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.65

3.1.2. Những hạn chế của việc áp dụng các quy định của thủ tục phá sản Định nghĩa doanh nghiệp, HTX mất khả năng thanh toán theo Luật Phá sản 2014 đã bỏ hẳn từ “các” trong “các khoản nợ” mà trong Luật cũ đã quy định. Việc này thể hiện rõ tiêu chí xác định doanh nghiệp, HTX mất khả năng thanh toán hoàn toàn không phụ thuộc vào số lượng khoản nợ mà chỉ cần một khoản nợ cũng đủ để nộp đơn yêu cầu phá sản. Mặc khác, Luật Phá sản cũng không quy định, một văn bản hướng dẫn nào nói về giới hạn các khoản nợ hay số nợ là bao nhiêu thì có thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Chẳng hạn như, hồ sơ phá sản giữa Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Cầu đường 18.6 yêu cầu phá sản Công ty Cổ phần Xây dựng số một Việt Hưng với khoản nợ là 1.300.000.000 đồng mà TAND quận Bình Thạnh đang trong quá trình giải quyết. Thật sự, vụ phá sản này chỉ có một chủ nợ duy nhất là công ty cổ phần đầu tư xây dựng cầu đường 18.6 yêu cầu với số tiền không quá lớn, gây ra rất nhiều khó khăn cho Thẩm phán trong quá trình giải quyết trong đó có việc chỉ định Quản tài viên tham gia thủ tục phá sản trong vụ phá sản trên.

Về quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản: đây là một chế định mới có trong Luật Phá sản 2014 cho nên việc thiếu sót trong áp dụng là một điều không thể tránh. Thứ nhất, Luật Phá sản chưa quy định rõ được thông tin của các Quản tài viên theo danh sách của Sở Tư pháp đã ban hành. Bên cạnh đó, cũng không thể hiện được chuyên môn của Quản tài viên đó về lĩnh vực gì, điều này mất rất nhiều thời gian ảnh hưởng không ít đến việc ra quyết định mở thủ tục phá sản.

Các quy định pháp luật hiện hành cũng như trên thực tế hoạt động làm cho các quản tài viên chưa chuyên sâu về nghiệp vụ quản lý, thanh lý tài sản. Trong khi điều kiện để trở thành quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hiện còn quá đơn giản.

65 Quyết định số 92/QĐ-STP ngày 27/2/2019 của Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh về việc công bố danh sách Quản tài viên và doanh nghiệp đã đăng ký hành nghề Quản lý, thanh lý tài sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

50

Thứ hai, hiện nay pháp luật chưa có một luật hay một văn bản nào quy định về mứa tạm ứng chi phí cho Quản tài viên nên việc chỉ định trên thực tế còn phải dựa trên chi phí tạm ứng mà Quản tài viên đã đưa ra. Tuy nhiên, mức tạm ứng đó quá cao, các Thẩm phán thụ lý phải cân nhắc rất nhiều, bởi trong một vụ phá sản không chỉ có một chi phí cho Quản tài viên mà còn các chi phí khác. Và việc chỉ định, tạm ứng chi phí cho Quản tài viên cũng là một khó khăn cho Thẩm phán tiến hành thủ tục trong hồ sơ phá sản nêu trên.

Về thẩm quyền giải quyết phá sản của cấp Tòa án: Mặc dù, Luật Phá sản 2014 đã có quy định mới và rõ ràng hơn về việc giải quyết phá sản cho TAND cấp huyện (quận), nhưng trên thực tế áp dụng thì hiện nay con số vụ phá sản được giải quyết tại TAND quận (huyện) còn rất ít và hạn chế. Theo nhận định của một số tác giả nghiên cứu thì phá sản doanh nghiệp là những vụ việc rất phức tạp, đòi hỏi trình độ chuyên môn của các Thẩm phán phải cao mới có thể giải quyết được. Tuy nhiên, ở các TAND cấp huyện (quận) thì trình độ Thẩm phán thường ở mức sơ cấp, để giải quyết được một vụ việc phá sản là một điều gây không ít khó khăn. Chính vì điều đó mà các vụ việc phá sản có tính chất phức tạp đều được TAND cấp tỉnh (thành phố) lấy lên giải quyết.66 Hậu quả của việc phá sản gây ra trong quan hệ xã hội hết sức lớn, ảnh hưởng đến đời sống xã hội, ảnh hưởng đến các giao dịch dân sự và cả đến trật tự an ninh xã hội. Vì vậy, các Tòa án cấp quận (huyện) khi tiến hành các thủ tục tố tụng có liên quan đến phá sản cần phải được bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kịp thời, các hướng dẫn, chỉ đạo từ TAND cấp trên. Trong thời gian vừa qua, TAND tối cao đã mở ra những buổi nghiên cứu như Tập huấn trực tuyến “Phá sản – nhìn từ góc độ phát triển kinh tế” ngày 27/8/2018.

Về thời gian mở thủ tục phá sản: Luật Phá sản 2014 quy định thời hạn để mở thủ tục phá sản là 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu. Tuy nhiên, theo các Thẩm phán tại TAND quận Bình Thạnh nhận định thì đây là khoảng thời gian khá ngắn, không đủ thời gian để các Thẩm phán xem xét toàn bộ tình hình tài chính của doanh nghiệp, htx mất khả năng thanh toán và thu thập các tài liệu, chứng cứ khác. Chính vì vậy để ra được một quyết định mở thủ tục phá sản phải mất rất nhiều thời gian và để giải quyết được một vụ việc phá sản thì thời gian phải tính bằng năm.

66 Luật Dương Gia (2015), Thẩm quyền giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân mới nhất. Nguồn:

https://luatduonggia.vn/tham-quyen-giai-quyet-pha-san-cua-toa-an-nhan-dan-moi-nhat/

51

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo vệ con nợ trong thủ tục phá sản (Trang 47 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(60 trang)