Chương 2 CƠ SỞ LÝ THUYẾT XÂY DỰNG BẢN ĐỒ NGẬP LỤT
2.4 Giới thiệu quy trình xây dựng bản đồ ngập lụt
2.4.1 Giới thiệu quy trình bài toán xây dựng bản đồ ngập lụt
Ngập lụt là một trong những thảm họa thiên nhiên xảy ra khá thường xuyên và gây nhiều hậu quả xấu cho kinh tế, xã hội ở nhiều quốc gia trên thế giới trong hàng ngàn năm qua. Ngập lụt là một trong những thảm họa thiên nhiên tác động bao trùm khu vực rộng lớn chủ yếu là khu vực đồng bằng nơi có đông dân cư sinh sống là vùng có nền kinh tế phát triển . Do mật độ dân cư sống dọc theo những dòng sông rất cao và là khu vực có hoạt động sản xuất kinh tế tập trung nên nạn lụt gây ra những mất mát khổng lồ cả về tài sản cũng như cướp mất cuộc sống của hàng nghìn người mỗi năm.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người làm thay đổi chế độ dòng chảy làm cho những trận lụt xảy ra có chiều hướng ngày càng tăng với cường
độ mạnh mẽ. Chính vì vậy, các quốc gia thường xuyên phải đối mặt với thiên tai lũ đã đầu tư rất lớn cho cuộc chiến chống lại lũ, lụt qua nhiều giai đoạn với các mức độ khác nhau từ phòng, chống lũ thụ động tới kiểm soát và quản lý lũ chủ động hơn. Có rất nhiều các biện pháp đã được áp dụng: bao gồm các biện pháp công trình và phi công trình, các kế hoạch chiến lược ngắn và dài hạn, các chính sách, phổ biến thông tin, nhằm giảm nhẹ tác hại của thiên tai ngăn ngừa chúng xảy ra trong tương lai.
Theo xếp loại thiên tai của trung tâm phòng tránh thiên tai châu Á thì Việt Nam được xếp loại thiên tai ở mức độ cao. Ở nước ta, lụt thường xảy ra do lũ lớn dồn về đồng bằng, đôi khi do vỡ đê hoặc lụt do nước biển dâng cao. Lụt thường gây ra thiệt hại lớn cho các châu thổ, đặc biệt là những lưu vực sông thuộc miền Trung trong đó có lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn bởi đặc điểm địa hình chia cắt mạnh, lòng sông ngắn và dốc nên lũ lên nhanh đổ về khu vực đồng bằng không qua khu vực dẫn lũ nên thường gây lụt hạ du rất nhanh với diện rộng và độ sâu cục bộ lớn với cường suất lũ lên trung bình khoảng 30-70cm/giờ, lớn nhất tới 100-400cm/giờ. Biên độ lũ 5,0-14,0 m như: trận lũ XI/1999, biên độ lũ tại Thành Mỹ: 10,95m, tại Hiệp Đức 12,58m, tại Sơn Tân: 13,85m, tại Nông Sơn: 11,7m.
Bản đồ ngập lụt là công cụ hữu hiệu trong công tác ứng phó chủ động với lũ lụt ở cả trong giai đoạn chuẩn bị và quy hoạch phòng chống thiên tai cũng như trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp. Vai trò này lại càng trở nên quan trọng đặc biệt ở các đồng bằng ven biển các tỉnh miền Trung, do đặc điểm hệ thống sông ngòi ở đây thường ngắn và dốc, thời gian tập trung nước nhanh nên cần cung cấp thông tin đầy đủ nhanh chóng phục vụ cho công tác di dời dân khi lũ về nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và của cải. Trong trường hợp đó, việc sử dụng các bản đồ ngập lụt xây dựng sẵn với các kịch bản sẽ giúp cho các địa phương chủ động lựa chọn phương án ứng phó khi có các thông tin dự báo, cảnh báo nhanh về tình hình lũ lụt ở hạ lưu.
Trong khuôn khổ luận văn nghiên cứu xây dựng bản đồ ngập lụt bằng phương pháp sử dụng mô hình thủy văn, thủy lực kết hợp với hệ thống thông tin địa lý (GIS) đang được sử dụng rất rộng rãi trên thế giới và tại một số lưu vực sông ở nước ta. Quy trình xây dựng bản đồ ngập lụt gồm những nội dung chính được thể hiện trên sơ đồ (Hình 2.4) :
Hình 2.4: Sơ đồ thực hiện xây dựng bản đồ ngập lụt trong luận văn Xây dựng cơ sở dữ liệu
Số liệu KTTV
Tài liệu trận lũ Dữ liệu địa hình
Xác định mạng lưới sông và phân chia lưu vực bộ phận
AVSWAT
Bộ mô hình HEC
Mô phỏng dòng chảy từ mưa đến khu giữa 2 lưu vực Vu gia – Thu Bồn HEC - HMS
Diễn toán quá trình lũ tại hạ lưu HEC - RAS
HEC - GEORAS
Tính toán ngập lụt hạ lưu
Tính toán ngập lụt theo kịch bản ứng với tần suất 1%, 5%, 10%
Xây dựng bản đồ ngập lụt
Nhận xét