2.3 Đánh giá giá trị và hạn chế thể chế chính trị của Việt Nam
2.3.2. Hạn chế thể chế chính trị của Việt Nam
Do ảnh hưởng của truyền thống phương Đông, cơ cấu thể chế chính trị ở các nước này mang nặng dấu ấn tập quyền (kể cả những nước có thể chế liên bang). Quyền lực tập trung vào bộ máy nhà nước trung ương, vào đảng cầm quyền; các quyết định của nhà nước về cơ bản mang tính cưỡng bức, tính phân quyền còn hạn chế. Những dấu ấn văn hóa phương Đông như quan hệ làng xã, công xã nông thôn, tính dân tộc, tính cục bộ địa phương, tính quan liêu của bộ máy nhà nước... còn in đậm trong thể chế chính trị.
Thể chế chính trị Việt Nam một đảng ổn định liên tục cẩm quyền, Quốc hội một viện. Thể chế chính trị Việt Nam còn cồng kềnh, chưa hiệu quả, trong sạch, nên cần tham khảo các nước trong công cuộc cải cách thể chế chính trị hiện nay.
Kỷ luật và kỷ cương, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý còn chưa nghiêm.
Chống tham nhũng chưa quyết liệt.
Hệ thống pháp luật còn chưa bảo đảm tính thống nhất, nhất quán luật pháp theo đúng tinh thần Hiến pháp, tính đồng bộ trong thực thi luật pháp và cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đồng bộ.
2.3.3 Vấn đề đặt ra cần bổ sung, phát triển về thể chế chính trị Việt Nam
(1) Vấn đề thứ nhất, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật và bảo đảm tính thống nhất, nhất quán luật pháp theo đúng tinh thần Hiến pháp, tính đồng bộ trong thực thi luật pháp và cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
Đây là vấn đề hàng đầu đặt ra đối với nhà nước pháp quyền, đối với thể chế chính trị Việt Nam. Luật pháp là sức mạnh của thể chế, của Nhà nước, là công cụ hữu hiệu của quản lý, là hành lang vận động của dân chủ mà cũng là tính chế ước tất yếu cần thiết của hoạt động, điều hành chính sự, kể cả hoạt động của Đảng cầm quyền. Phải đề cao tính uy nghiêm và sức mạnh cưỡng chế của luật pháp. Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật. Không có ngoại lệ.
Không ai có quyền ở ngoài và đứng trên pháp luật.
Để “thượng tôn pháp luật” không dừng lại là một tuyên bố pháp lý mà phải trở thành hành động thực tế, cần phải kết hợp giữa giáo dục ý thức pháp luật với kiểm soát hành vi công dân, trước hết là hoạt động và hành vi của công chức, quan chức, dùng sức mạnh dư luận xã hội để phê phán và dùng pháp luật để xử lý mọi hành vi coi thường, vi phạm luật pháp.
Trên phương diện thể chế pháp luật, có nhiều bộ luật, luật còn thiếu hoặc đã chuẩn bị nhưng chưa hoàn thành, chưa được Quốc hội thông qua, cần phải tập trung giải quyết.
– Phải xây dựng, ban hành và thực hiện Luật về Đảng. Dù chỉ có một Đảng, lại là Đảng cầm quyền và Hiến pháp năm 2013 đã có một điều, khoản (Điều 4 gồm các khoản 1, 2 và 3) Hiến định và chế định rõ ràng về vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của Đảng, bảo đảm tính chính đáng, chính danh của Đảng song vẫn rất cần phải có Luật về Đảng.
Ban hành luật này là cần thiết cho Đảng mà cũng cần thiết cho xã hội, cho nhân dân, trong tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng. Luật đó không hề cản trở hoạt động của Đảng, cũng không hề làm suy giảm vị thế, vai trò của Đảng, trái lại làm tăng địa vị pháp lý của Đảng, nâng cao vai trò, trọng trách của Đảng trước xã hội và nhân dân. Đảng cần chủ động và ý thức đầy đủ về điều đó. Một Đảng cầm quyền, việc thực thi dân chủ và bảo hiến, chống vi hiến luôn đặt ra và bản thân Đảng phải chủ động, phòng tránh nguy cơ dễ mắc phải.
Luật về Đảng cùng với Hiến pháp, với Đảng còn có Cương lĩnh và Điều lệ sẽ hợp thành hệ thống các căn cứ pháp lý – chính trị giúp cho hoạt động của Đảng, tham chính và chấp chính của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị có hiệu quả hơn.
Bản thân Điều lệ Đảng cũng vậy. Phải coi đây là bộ luật có hiệu lực uy nghiêm trong toàn Đảng, từ người đứng đầu đến mọi đảng viên, mọi tổ chức Đảng.
Các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc cần phải sửa, bổ sung Điều lệ theo thẩm quyền cho phù hợp với thực tiễn biến đổi trong Đảng và xã hội.
Cần phải bổ sung vào Điều lệ những quan điểm mới của Đảng về xử lý kỷ luật, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao, về giáo dục đạo đức, lương tâm, danh dự, liêm sỉ trong Đảng, kèm theo những chế tài thực hiện. Phải khẳng định toàn Đảng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như một nhu cầu văn hóa trong Đảng, nêu gương và làm gương trong xã hội. Xây dựng Đảng không dừng lại ở chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức mà phải đầy đủ và triệt để hơn, đó là xây dựng Đảng về văn hóa, thực hành chỉ dẫn của Hồ Chí Minh “Đảng là đạo đức, là văn minh”.
Nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng phải được cụ thể hóa bởi còn nhiều vấn đề chưa thật rõ ràng. Sao cho tránh được dân chủ hình thức, tập trung quan liêu và tự do vô chính phủ. Quy định chế độ trách nhiệm rõ ràng của các cấp ủy, của người đứng đầu, ngăn chặn sự lộng quyền, lạm quyền,
người đứng đầu phải chịu ràng buộc trách nhiệm sao cho không để xảy ra tình trạng một người, người đứng đầu – bí thư cấp ủy có thể vô hiệu hóa, hình thức hóa cả một tập thể cơ quan lãnh đạo.
– Phải có Luật Dân tộc. Đây là vấn đề đặt ra từ lâu nhưng chưa được thực hiện. Việt Nam là một quốc gia có cơ cấu đa dân tộc, do đó cũng đa tôn giáo và đa văn hóa. Cần thiết phải ban hành và thực hiện Luật Dân tộc để củng cố cơ sở pháp lý của bình đẳng dân tộc, đại đoàn kết dân tộc, không chỉ giúp đỡ, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc mà phải xác lập quan hệ dân tộc trên các chuẩn mực tôn trọng và tin cậy lẫn nhau. Cùng với Luật Dân tộc phải có các chính sách đặc thù với những dân tộc – tộc người đặc thù bảo đảm phát triển, nhất là giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người.
– Phải có Luật về Hội. Đây là xu hướng khách quan của đời sống xã hội dân sự. Như đã nói, một số Hội, đoàn thể có tham gia vào hệ thống chính trị, do đó phải làm rõ các tổ chức (trong đó có Hội) nào là tổ chức chính trị? Các tổ chức nào là tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức nào chỉ thuần túy là tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp và xã hội tự nguyện, thiện nguyện?
Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật là những tổ chức xã hội – nghề nghiệp của giới trí thức khoa học, của các văn nghệ sĩ, dù có tác dụng lớn trong đời sống chính trị nhưng không phải là thành viên của hệ thống chính trị.
– Phải nghiên cứu, xem xét về Luật Biểu tình. Đây cũng là đòi hỏi tất yếu để giải quyết những xung đột trong quan hệ lợi ích, trong quan hệ lao động khi phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường, kể cả phát triển kinh tế tư nhân. Luật này liên quan đến tổ chức, hoạt động công đoàn, đến quan hệ giữa người sử dụng lao động – người lao động, quyền của công dân, bảo đảm ổn định, trật tự, an ninh và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mỗi người dân.
– Phải có Tòa án Hiến pháp. Đó là đòi hỏi tất yếu của dân chủ và nhà nước pháp quyền. Xác lập cơ chế bảo hiến nhưng thực hiện như thế nào và
xét xử các hành vi vi hiến ra sao thì cần có thiết chế pháp lý, đó là Tòa án Hiến pháp. Cần thiết phải có luật, bổ sung vào hệ thống luật về Tòa án để việc lập ra và thực hiện hoạt động của Tòa án Hiến pháp có hiệu lực, hiệu quả.
Việt Nam đã hội nhập, thể chế nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền, giải quyết mọi vấn đề liên quan đến đối nội và đối ngoại không thể thiếu Tòa án Hiến pháp. Đó không chỉ là phù hợp với thông lệ quốc tế mà còn là đòi hỏi của Việt Nam trong xu thế dân chủ hóa, xây dựng xã hội dân chủ và nhà nước pháp quyền.
– Cải cách hành chính, trong đó có thủ tục hành chính và cải cách tư pháp phải được đẩy mạnh, tạo lập một nền hành chính công minh bạch, thông suốt, phục vụ xã hội, công dân và doanh nghiệp.
Chống tham nhũng quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ không chỉ cần tăng cường vai trò, thẩm quyền của thanh tra (Chính phủ), kiểm tra (Đảng) mà còn cần đến hiệu lực của cơ quan tư pháp và kiểm soát hoạt động tư pháp, đảm bảo xét xử công khai, minh bạch, đúng người đúng tội. Muốn vậy, cải cách hành chính, cải cách tư pháp phải có những bước tiến đột phá.
(2) Vấn đề thứ hai, tổ chức sắp xếp lại hệ thống bộ máy từ Đảng đến Nhà nước và hệ thống đoàn thể, từ trung ương tới địa phương và cơ sở. Phải thực hiện cấu trúc lại, bảo đảm thực thi chức năng, nhiệm vụ rõ nhất, đúng nhất, tốt nhất chứ không phải sáp nhập, giải thể một cách cơ học.
Đảng không thiên về bộ máy mà chú trọng chất lượng chuyên gia để có thể tham mưu, tư vấn chiến lược, dự báo tình hình tốt nhất. Nhà nước giảm thiểu tầng nấc hành chính quan liêu, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Phải tổ chức chính quyền Nhà nước thực sự là hệ thống công quyền và đáp ứng nhu cầu dịch vụ công cho xã hội, người dân và doanh nghiệp. Xây dựng bộ máy nhà nước đủ năng lực quản lý điều hành, quản trị và tăng cường chức năng xã hội của nhà nước. Quản lý nhà nước bằng luật và theo luật. Không can thiệp quá sâu vào quản lý sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Phân định rõ
các cấp quản lý để trao nhiều hơn quyền tự chủ cho các cấp, ngành và chính quyền địa phương. Phân biệt rõ quản lý đô thị và quản lý nông thôn.
Các đoàn thể trong Mặt trận và trong hệ thống chính trị cùng với đội ngũ cán bộ tương ứng phải sắp xếp lại sao cho phản ánh đúng thực chất là làm công tác xã hội, dân vận, không phải và không thể như những “phiên bản”
nhà nước (nhà nước hóa, hành chính hóa), không phải là công chức mà là những người hoạt động xã hội.
Phải hình thành những quy tắc, những chế độ, kể cả việc trả lương để không công chức hóa tất cả đội ngũ cán bộ theo kiểu nhà nước như hiện nay.
Phân biệt rõ cán bộ Đảng, đoàn thể với công chức nhà nước. Công chức chỉ là những người hoạt động trong các cơ quan công quyền, phải chuyên nghiệp và có chuyên môn cao
Trong cải cách chế độ và chính sách phải giải quyết căn bản chính sách lương cho các loại cán bộ, vừa tạo động lực cho họ làm việc tận tụy, trách nhiệm, sáng tạo vừa tách khỏi sự lệ thuộc vào Nhà nước để làm công tác phản biện, giám sát, kiểm soát quyền lực thực chất chứ không hình thức. Tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân lực phải tương xứng, phải trọng dụng người tài, thu hút được nhiều nhân tài về các cơ quan Đảng, Nhà nước. Đề cao chế độ trách nhiệm, đạo đức cán bộ, kỷ luật công vụ, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong tác nghiệp, trong chuyên môn và trong quan hệ với dân. Lưu ý những chỉ dẫn của Lê Nin và Hồ Chí Minh.
Lê Nin nhấn mạnh, “chọn đúng người, giao đúng việc, kiểm tra thường xuyên”. “Thảo luận thì chung, trách nhiệm thì riêng, riêng tới từng người một”. “Bộ máy phải phục vụ chính trị chứ chính trị không phục vụ (lệ thuộc) bộ máy”.
Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ phải “thạo chính trị, giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, tận tụy mẫn cán, là đầy tớ, công bộc trung thành của nhân dân”.
Đảng ta trong các nghị quyết về cải cách tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng cán bộ đặc biệt lưu ý tới tính trong sạch và sức hoạt động của bộ máy, của thể chế, tính liêm khiết, liêm chính của cán bộ, sao cho không tham nhũng, không thể tham nhũng bằng sức mạnh của quản lý và kiểm soát.
(3) Vấn đề thứ ba, quản lý xã hội
Thể chế quản lý xã hội trong nền kinh tế thị trường và hội nhập phải chú trọng trên ba bình diện, xây dựng cơ cấu xã hội mới phù hợp với cơ cấu kinh tế đang chuyển đổi, xây dựng các quan hệ xã hội lành mạnh, không vì tăng trưởng, phát triển kinh tế bất kỳ mà làm tổn thương về mặt xã hội, nhất là đạo đức đồng thời giải quyết các chính sách xã hội, trong đó có an sinh xã hội.
Các vấn đề xã hội phát sinh ngày càng nhiều và phức tạp, một mặt từ những hệ quả, hệ lụy xã hội mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập, mở cửa, mặt khác, tự nảy sinh trong quá trình biến đổi xã hội. Hàng loạt các tình huống phải giải quyết thông qua thể chế, chính sách và cơ chế. Thất nghiệp, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm và thuốc chữa bệnh, bạo lực gia đình, bao lực học đường, đạo đức suy đồi, những phát triển lệch lạc về giới tính, lối sống… Phần lớn do tình trạng thương mại hóa xâm nhập dữ dội từ lâu vào giáo dục và y tế mà không được ngăn chặn.
Do đó, thể chế chính trị thông qua chính sách phải trực tiếp làm lành mạnh hóa xã hội, quan tâm đúng mức quản lý xã hội chứ không chỉ quản lý kinh tế.
Những nguyên tắc trong thể chế quản lý xã hội phải rõ và thực hiện nhất quán: hướng tới phục vụ tốt nhất cuộc sống của người dân. Người dân phải được thụ hưởng lợi ích công bằng. Người dân phải được bảo đảm an toàn trong cuộc sống, trong lao động và trong phát triển. Người dân phải được quan tâm, tạo điều kiện thực hiện vai trò chủ thể.
Để có dân chủ (quyền dân chủ, năng lực thực hành dân chủ) đối với người dân, phải bắt đầu từ chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí, bảo đảm dân quyền (nhân quyền và dân quyền) để đi tới dân chủ.
Đầu tư xây dựng cơ cấu xã hội rất đa dạng, phong phú bao gồm giai cấp, tầng lớp, nhóm. Chú trọng phát triển cân đối cả số lượng và chất lượng trong giai cấp công nhân, nhất là công nhân trí thức trẻ, hiện đại. Xây dựng giai cấp nông dân mới mang hình tượng mới, khác căn bản với nông dân truyền thống trước đây – nông dân có học vấn, học thức, có đầu óc sản xuất – kinh doanh lớn, làm chủ khoa học – công nghệ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Chú trọng đặc biệt tới doanh nhân, không kỳ thị kinh tế tư nhân, có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, Nhà nước, Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân.
Trí thức, nhân tài phải được trọng dụng trên quan điểm “quốc sách hàng đầu” đối với giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ. Tập trung nguồn lực và cải cách phương thức phân bổ nguồn lực để giáo dục và y tế được phát triển lành mạnh, khắc phục triệt để tình trạng thương mại hóa những lĩnh vực xã hội này để chấn hưng đạo đức nhà giáo, y đức, chấn hưng đạo đức xã hội.
Các vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc, tôn giáo – tín ngưỡng – tâm linh và chính sách tôn giáo cũng là những cấu phần quan trọng trong hệ thống xã hội phải đổi mới từ nhận thức đến thể chế, chính sách.
Trọng trách cao nhất là Đảng với sứ mệnh lãnh đạo quá trình xây dựng thể chế chính trị, trong thể chế đó, Đảng là hạt nhân, quyết định. Nhà nước là giường cột của chế độ, của thể chế phải tỏ rõ năng lực quản lý điều hành và nhân dân là chủ thể quyền lực, tham gia trực tiếp và phát huy vai trò sáng tạo trong xây dựng thể chế, trong đổi mới.