VIỆT NAM
Tại Việt Nam, lãnh đạo Bộ TT&TT cũng như Cục Viễn thông cho rằng việc triển khai công nghệ 4G tại Việt Nam vào thời điểm này là chưa chín muồi. Dịch vụ 3G vừa chính thức được cung cấp tại thị trường viễn thông Việt Nam từ tháng 10/2009, vì vậy, để các doanh nghiệp viễn thông kịp thu hồi số vốn từ mạng 3G và tránh lãng phí khoản tiền đầu tư thiết bị của người tiêu dùng, Bộ TT&TT cho biết sẽ chưa cấp phép triển khai mạng 4G chính thức tại Việt Nam. Căn cứ vào sự phát triển chung của thế giới và điều kiện cụ thể ở Việt Nam, có thể khoảng 3-5 năm nữa, Việt Nam mới cân nhắc đến việc đầu tư vào mạng 4G.
Ngoài ra, trong một bài phỏng vấn với XHTT, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ, cho rằng hiện nay thói quen của người dùng di động Việt Nam phần nhiều là sử dụng thiết bị ở trong nhà, nhưng việc phủ sóng băng tần 4G trong nhà rất khó và giá thành lớn, trong khi phủ sóng ở ngoài thì ít người dùng. Vì thế, đây cũng là một trong những yếu tố khiến việc triển khai đầu tư 4G tại thời điểm hiện nay ở Việt Nam hoàn toàn không phù hợp.
Cũng như các nước châu Á khác, Việt Nam cũng gặp rào cản ở giá thiết bị đầu cuối (smartphone, tablet) có hỗ trợ 4G còn đắt, nhu cầu sử dụng của hầu hết người dùng Việt Nam chưa cần đến 4G, hay nói đúng hơn là chưa cần phải đầu tư nhiều tiền vào smartphone 4G, trong khi mức thu nhập của người dân vẫn còn hạn chế. Vì thế, nếu nhà mạng triển khai 4G ngay thì số lượng những người tiêu dùng có khả năng chi trả và mua sắm thiết bị 4G để ứng dụng công nghệ mới này rất ít.
Ngoài ra, tại Hội thảo “Quản lý tần số phục vụ phát triển hạ tầng viễn thông hiện đại”, các nhà quản lý viễn thông Việt Nam vẫn đang cân nhắc lựa chọn băng tần cho công nghệ 4G. Theo đó, Việt Nam sẽ tăng cường công tác dự báo để từ đó tính toán xem Việt Nam cần bao nhiêu băng tần để phát triển
và khi nào sử dụng băng tần thông qua việc dự báo tăng trưởng di động. Bên cạnh đó, băng tần lựa chọn phải được nhiều nước ủng hộ và phổ biến trên thế giới, như thế giá thành thiết bị sẽ rẻ hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác.
Khi châu Á vẫn đang thận trọng và bàn cãi về các rào cản cũng như cân nhắc trong việc triển khai và lựa chọn băng tần cho chuẩn công nghệ 4G, thậm chí nhiều nước vẫn nghĩ đến việc triển khai công nghệ 4G, thì Ủy ban châu Âu (EC) đã chi 50 triệu euro (khoảng hơn 1.375 tỷ đồng) để nghiên cứu công nghệ mạng 5G với mục tiêu cung cấp hạ tầng mạng tốc độ cao 5G vào năm 2020. Theo EC, tốc độ truyền dữ liệu của mạng 5G sẽ cao hơn từ 10- 100 lần so với mạng 4G.
Tuy nhiên, dù có các rào cản song dự đoán đến cuối năm nay, các thuê bao 4G LTE tại châu Á sẽ tăng lên 72,1 triệu. Hiện nay, di động là ngành công nghiệp được đánh giá có sự phát triển nhanh nhất. Điện thoại di động ngày càng phổ biến tại châu Á, và điều này xảy ra vì mọi người muốn truy cập Internet qua điện thoại. Thậm chí một số thị trường đang nổi đang bỏ qua thời đại PC để đi thẳng lên thời đại di động.
Bộ TT&TT vừa cho biết hiện đang hoàn thiện thủ tục để cấp phép thử nghiệm LTE cho EVN Telecom và Gtel. Như vậy, đã có 7 doanh nghiệp được thử nghiệm công nghệ tiền 4G này.
Trước đó, Bộ TT&TT đã đồng ý cho VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC và VTC được thử nghiệm mạng di động công nghệ LTE. Thời gian thử nghiệm là 1 năm.
Theo Luật Viễn thông, các doanh nghiệp sẽ phải đấu giá tần số để lấy giấy phép này. Sau khi đấu giá, các doanh nghiệp có thể chuyển nhượng tần số nếu muốn. Việc đấu giá tần số là nhằm tránh tình trạng xin giấy phép để
“giữ chỗ”.
Ngày 10/10/2010, VNPT đã tuyên bố hoàn thành trạm eNB theo công nghệ LTE đầu tiên đặt tại tòa nhà Internet, lô 2A, làng Quốc tế Thăng Long,
Cầu Giấy, Hà Nội với tốc độ truy cập Internet có thể lên đến 60 Mbps. Giai đoạn 1 dự án thử nghiệm cung cấp dịch vụ vô tuyến băng rộng công nghệ LTE của VNPT sẽ được VDC triển khai với 15 trạm thu phát gốc tại Hà Nội, bán kính phủ sóng mỗi trạm khoảng 1km.
Về phía Viettel, tập đoàn này cũng cho biết, sẽ phối hợp với Huawei tiến hành lắp đặt, tích hợp thiết bị LTE tại quận Tân Bình, TP.HCM. Trước đó, Viettel cũng đã tiến hành thử nghiệm ở Hà Nội. Cụ thể, Viettel sẽ tiến hành thử nghiệm một hệ thống mạng mới hoàn chỉnh với 40 trạm LTE tại hai quận Đống Đa và Ba Đình. Sau đó, dự kiến trong quý 1/2011, Viettel sẽ cung cấp dịch vụ 4G cho một số khách hàng dùng thử.Mạng này cho biết, khi triển khai, mạng 4G sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng mạng 3G và 2G đang cung cấp cho khách hàng.
Theo giới chuyên môn, từ khi Việt Nam bắt đầu thử nghiệm công nghệ 3G đến khi chính thức thương mại hóa đã mất tới 6 năm. Vì vậy, một vài năm tới sẽ không phải là thời điểm thích hợp để triển khai công nghệ này.
Bộ TT&TT cho biết sắp tới Bộ sẽ tiến hành tổng kết 1 năm cấp phép triển khai dịch vụ di động 3G. Việc tổng kết này sẽ tập trung đánh giá hiệu quả và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai mạng 3G. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ TT&TT để tiến hành cấp phép 4G trong thời gian tới.