2.3.1 Về mặt tích cực
2.3.1.1 . Thể chế lưỡng đầu vua Lê chúa Trịnh là cả một hệ thống cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước chặt chẽ - một trong những nguyên nhân làm cho thể chế này có thể tồn tại lâu dài tới hai thế kỷ
Ngoài đặc điểm là một chế độ “lưỡng đầu” điển hình và chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong lịch sử, nhà nước dưới thời Vua Lê – chúa Trịnh còn mang một đặc điểm rất lớn của thể chế này là cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước được tổ chức chặt chẽ, phân định quyền lực rõ ràng thể hiện ở các thể chế nhà nước, giữa triều đình và phủ chúa, giữa Lục bộ và Lục phiên. Bên cạnh hệ thống các cơ quan đại thần, Lục bộ ở triều đình thì ở thời Lê - Trịnh cũng thấy xuất hiện một cơ quan mới của Phủ chúa có chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ giống như các cơ quan đại
thần như Ngũ phủ liêu, Lục phiên - hai hệ thống cơ quan này đối trọng và kiểm soát lẫn nhau. Phương thức tổ chức bộ máy như thế làm cho giữa các cơ quan của phủ chúa và của vua có sự phân định quyền hạn rõ ràng, có sự phối hợp công vụ chặt chẽ, để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả cai trị của nhà nước phong kiến, giữ vững nền thống trị của giai cấp phong kiến đương thời. Giữa Triều đình vua Lê và Phủ đường chúa Trịnh luôn có sự lồng ghép trong nhau, phối hợp cùng nhau: cùng đóng ở Thăng Long, không ít chức quan bên triều đình kiêm nhiệm công việc bên phủ chúa và ngược lại, nhiều công việc nơi phủ chúa lại được thực hiện thông qua các triều thần; mặt khác, đội ngũ quan lại này lại được tuyển chọn và bổ dụng dựa trên uy thế của nhà vua và quyền quyết định của các chúa Trịnh.
Lần đầu tiên trong lịch sử một nhà nước phong kiến có hai người đứng đầu của hai dòng họ, hệ thống cơ quan là triều đình và phủ chúa cùng tồn tại song song.
Trong đó phần lớn các cơ quan bên phủ chúa: Ngũ Phủ liêu, Lục phiên là chưa từng có trong các nhà nước phong kiến khác. Không chỉ có vậy, để hai hệ thống này có thể hoạt động bình thường, hiệu quả những người cầm quyền đã có nhiều biện pháp thiết lập quyền lực, phân định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giữa các cơ quan của hai hệ thống triều đình và phủ chúa. Nhưng dù với phương pháp nào cũng phải đảm bảo tiêu chí quyền lực tập trung vào phủ chúa, triều đình trở thành đối trọng song không có thực quyền. Như vậy có thể nói sự hợp lý trong tổ chức là một trong những nguyên nhân làm cho thể chế này có thể tồn tại lâu dài tới hai thế kỷ.
2.3.1.2. So với thời kỳ lịch sử trước đó, các văn thư phòng thời Lê – Trịnh có thay đổi nhiều hơn về số lượng và phân công thực thi nhiệm vụ cũng như trách nhiệm rõ ràng hơn
So với thời Lê sơ và Mạc, các văn thư phòng triều Vua Lê – chúa Trịnh nhiều hơn về số lượng và có nhiều thay đổi trong phân công thực thi nhiệm vụ.
Ngoài Thông chính ty, Bí thư giám, Hoàng môn sảnh vẫn được giữ nguyên như
trước về cơ cấu tổ chức, tuy phần nào bị thu hẹp về phạm vi hoạt động; thì Hàn lâm viện, Đông các, Trung thư giám đã tách ra làm nhiệm vụ trung gian giữa vua và chúa, giữa triều đình và phủ đường; bên cạnh đó chúa Trịnh còn lập thêm Phủ liêu và Bí thư các với vai trò ngày càng được tăng cường. Cùng với việc kiện toàn hệ thống tổ chức, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan này cũng được định rõ.
Theo đó, đối với các loại văn bản do nhà vua ban hành như chỉ, chuẩn, dụ, cáo, chế hay sắc dụ, sắc chỉ, chiếu chỉ, sách văn… sẽ bắt đầu từ Hàn lâm viện khởi thảo, Đông các sửa chữa, Trung thư giám biên chép, Hoàng môn sảnh đóng dấu, chuyển qua Bí thư giám sao lại để lưu trữ, còn bản chính được đem tới Thông chính ty làm thủ tục ban bố. Đối với những văn bản do chúa Trịnh ban ra như lệnh dụ, chỉ truyền cũng được bắt đầu khởi thảo từ Hàn lâm viện, qua Đông các sửa chữa, Trung thư giám biên chép, nhưng Bí thư các làm nhiệm vụ sao chép để lưu giữ, sau đó bản chính được đưa sang Phủ liêu để đóng dấu và ban hành (Quan Thị nội thư đóng dấu, các viên Nội sai lo việc ban hành). Còn đối với những chỉ truyền ít quan trọng hơn, chúa Trịnh trực tiếp giao cho Thị nội thư khởi thảo, chúa phê chuẩn rồi chuyển qua Phủ liêu đóng dấu và ban hành mà không cần thông qua các cơ quan văn phòng bên triều đình. Một hệ thống cơ quan văn phòng thư thế chưa từng xuất hiện trước đó ở nước ta.
2.3.2. Những hạn chế, tồn tại
2.3.2.1 Việc lập nên Ngũ phủ Phủ liêu và Lục phiên đã làm cho bộ máy hành chính nhà nước vốn đã nặng nề càng thêm cồng kềnh và nhiều cơ quan bên Triều đình trong thực tế không hoạt động nhưng vẫn duy trì càng tăng thêm tính quan liêu, phức tạp
Với đặc điểm của nền hành chính dưới chế độ “lưỡng đầu”, vua và chúa đều muốn thâu tóm quyền lực về tay mình thông qua việc lập thêm các cơ quan chuyên trách dưới quyền kiểm soát của mình, tuy nhiên, quyền lực thực sự luôn nằm trong tay chúa Trịnh, do đó, bên cạnh những cơ quan đã có từ trước nhằm đảm bảo
những quyền hạn chỉ trên danh nghĩa của Vua được giữ lại, đồng thời, để đảm bảo bộ máy nhà nước vận hành thì dưới sự quản lý của chúa Trịnh nhiêu cơ quan chuyên trách được thành lập nhằm mục đích cuối cùng là củng cố quyền lực về phủ Chúa. Do đó, với việc lập nên Ngũ phủ Phủ liêu và Lục phiên đã làm cho bộ máy hành chính nhà nước vốn đã nặng nề lại càng trở nên cồng kềnh, phức tạp.
Trong khi đó, nhiều cơ quan bên Triều đình trong thực tế không hoạt động nhưng vẫn phải duy trì, nhiều chức quan cố giữ song chỉ là “hư hàm”, “nhàn tản”. Sự bất hợp lý đó càng tăng thêm tính quan liêu, sâu mọt trong thiết chế chính trị đương thời.
Ngoài ra, tổ chức nhà nước thời vua Lê – chúa Trịnh được hình thành trong thời chiến; khi hòa bình lập lại trước những bất cập của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đặt ra, cơ chế cũ tỏ ra không còn thích ứng và phù hợp. Những cố gắng trong việc điều chỉnh nhiều khi mang tính gượng gạo, gò ép. Thiết chế hành chính vốn đã chắp vá, xộc xệch lại càng trở nên ọp ẹp, rệu rã trước những thử thách khắc nghiệt của đời sống kinh tế - xã hội đất nước.
2.3.2.2 Tổ chức bộ máy nhà nước dưới thời Vua Lê – chúa Trịnh chú trọng củng cố vương quyền hơn là phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân
Bản thân nhà nước dưới thời vua Lê – chúa Trịnh đã là một sự chắp vá giữa vua và chúa, ở đó bề ngoài Vua Lê và chúa Trịnh vẫn luôn giữ mối quan hệ mật thiết quân – thần, tuy nhiên, về bản chất mối quan hệ ấy chứa đựng những mâu thuẫn gay gắt giữa hai dòng tộc, mâu thuẫn giữa hai tập đoàn chính trị về bản chất chưa bao giờ nguôi mà ngày càng gia tăng nhưng luôn ở trạng thái tiềm tàng, cả hai bên đều đợi chờ cơ hội để lật đổ nhau. Xoay quanh trục mâu thuẫn ấy là những toan tính, tranh chấp giữa các phe phái, thế lực ủng hộ ngai vàng và ngôi chúa; là những xung đột, diệt trừ lẫn nhau diễn ra trong nội bộ họ Vua và dòng chúa,..
Chính từ lẽ đó, mọi cố gắng thay đổi trong cách thức tổ chức và điều hành bộ máy
quản lý hành chính nói riêng và bộ máy nhà nước nói chung hầu như đều nhằm mục đích cuối cùng là thâu tóm quyền lực về tay mình và duy trì địa vị của chúa Trịnh, chứ không thuần nhất mục đích trị nước an dân.
Chương 3 BÀI HỌC LỊCH SỬ
TỪ CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ CƠ CHẾ VẬN HÀNH CỦA BỘ MÁY NHÀ NƯỚC Ở NƯỚC TA
DƯỚI THỜI VUA LÊ – CHÚA TRỊNH