3. Biện pháp giải quyết
3.6. Công tác tuyên truyền phối hợp với phụ huynh học sinh
Để tìm hiểu được về tình hình sức khỏe của cháu, vào đầu năm học tôi tiến hành họp phụ huynh học sinh để trao đổi về việc trang bị đồ dùng cá nhân cho cháu một cách đầy đủ như: Mang khăn, mang dép khi đến lớp,…Trong các cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm tôi thường nêu lên ý nghĩa và tầm quan trọng của sức khỏe
đối với sự phát triển sau này của đứa trẻ, vì giai đọan này cơ thể và bộ não phát triển mạnh nhất. Qua buổi họp tôi cũng thông qua lịch sinh hoạt của các cháu ở trường, cũng như một số qui định riêng của lớp.
Ví dụ: Phụ huynh chỉ được mang sữa không mang quà bánh cho cháu vào lớp để tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm. Hàng tuần nhắc nhở phụ huynh cắt móng tay, đầu tóc, quần áo luôn phải gọn gàng sạch sẽ cho cháu. Khi cháu bị mắc các bệnh truyền nhiễm phụ huynh phải thông báo cho giáo viên được biết và cho cháu nghỉ ở nhà để tránh dịch bệnh lây lan.
Việc giáo dục trẻ không phải chỉ dừng lại ở một phía nhà trường mà phải có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường thì kết quả mới khả quan. Nhận thức được điều này tôi luôn tìm cách để nhắc nhở cha mẹ các cháu về nội dung giáo dục dinh dưỡng vệ sinh an toàn thực phẩm qua góc bố mẹ cần biết, qua trò chuyện trực tiếp với phụ huynh trong giờ đón trả trẻ để phụ huynh giáo dục thêm cho cháu ở nhà.
Qua các cuộc họp phụ huynh, lúc đón trẻ, kết hợp lấy ý kiến phụ huynh về việc giáo dục nề nếp vệ sinh ăn, ngủ khi trẻ ở nhà, tìm hiểu sở thích của trẻ.
Từ những thông tin đó tôi biết được cá tính của mỗi trẻ có biện pháp chăm sóc phù hợp, biết được cách chăm sóc, nuôi dưỡng của phụ huynh là đúng hay sai, đã phù hợp với cháu chưa? Tôi lựa chọn nội dung tuyên truyền thiết thực hơn, bổ ích hơn.
Với 10 lời khuyên vàng trong ăn uống và trên bảng bố mẹ cần biết thông báo tình hình sức khỏe của trẻ, phòng tránh một số bệnh theo mùa. Trao đổi kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cho trẻ để phụ huynh có thêm thông tin, biết cách chăm sóc phù hợp khoa học.
Ví dụ: Đối với các loại thịt động vật không nên cho trẻ ăn thịt miếng, thịt rang khô sẽ làm giảm chất dinh dưỡng và khó hấp thụ. Khi cho trẻ ăn nên cho ăn cả phần thịt và nước hầm xương. Tăng cường các loại tôm, cua, tép giả nhỏ nấu canh để có nhiều chất đạm và canxi. Tăng cường cho trẻ ăn các loại rau, củ, quả, kết hợp 4 nhóm chất dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ theo qui định.
Tôi rất quan tâm đến bảng tuyên truyền, bảng bố mẹ cần biết. Ở bảng này tôi thường tuyên truyền kiến thức về dinh dưỡng. Tôi còn sưu tầm các tranh ảnh, câu chuyện, bài thơ, những bài viết về nội dung để chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ một cách phong phú nhưng gần gũi để khi phụ huynh xem có thể ghi nhớ, nhắc nhở trẻ thực hành và còn thu hút cháu đến xem.
Ví dụ: Khi dạy chủ điểm “Gia đình” tôi thường sưu tầm cho cháu xem tranh ảnh về các thói quen sinh hoạt gia đình như: Trước giờ ăn các thành viên trong gia đình thường rửa tay sạch trước khi ăn. Mỗi khi cháu xem xong tôi thường động viên cháu nếu cháu có thói quen tốt như bạn thì cháu rất ngoan. Tôi còn nói cho cháu biết nếu không rửa tay sạch trước khi ăn thì vi trùng ở tay sẽ bám vào thức ăn.
Chúng ta ăn vào sẽ bị bệnh. Hoặc tôi còn sưu tầm tranh về sinh hoạt hằng ngày của một cháu, nếu sáng sau khi thức dậy cháu không đánh răng thì mặt cháu bẩn không sạch các bạn không đến chơi với mình và lâu ngày răng cháu sẽ bị sâu, đau nhức làm cháu không ăn được nên cháu sẽ không có sức để học và chơi cùng bạn.
Tôi còn phối hợp với nhà trường tạo một góc ở phía bên ngoài lớp về hình ảnh hay bài viết về các dịch bệnh đang lây lan mạnh như: Sốt xuất huyết, sốt phát ban, thủy đậu,… Và các loại vacxin phòng bệnh: Cảm cúm, viêm màng não mũ,…
Để tuyên truyền đến phụ huynh một cách kịp thời và vận động phụ huynh tiêm vacxin phòng bệnh cho cháu.
Ngoài các cuộc họp phụ huynh đồng loạt mà nhà trường đưa ra. Tôi còn tiến hành họp phụ huynh hàng tháng đối với những phụ huynh có con bị suy dinh dưỡng hoặc có nguy cơ bị suy dinh dưỡng để trao đổi riêng về những thay đổi hay biết thêm những thói quen của trẻ. Từ đó mà tôi đưa ra các thực đơn phù hợp với từng trẻ, phải ăn đầy đủ bốn nhóm chất: Đạm, bột đường, chất béo, vitamin và muối khoáng. Phụ huynh sẽ phối hợp chế biến thức ăn theo thực đơn. Sau đó, quan sát xem cháu có những tiến bộ gì để kịp thời báo cho giáo viên biết để động viên khen cháu, khi cháu có sự tiến bộ hoặc có biện pháp điều chỉnh sao cho phù hợp hơn.
Ngoài ra trước khi chuẩn bị nội dung các cuộc họp tôi thường sưu tầm, nghiên cứu tài liệu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, kiến thức nuôi dạy trẻ để tuyên truyền đến phụ huynh như: Chăm sóc tốt cho người mẹ trước và trong thời gian mang thai, sau khi sinh nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn đến 6 tháng có vai trò quan trọng nhất, biết được cơ thể cần 4 nhóm chất đạm, bột đường, chất béo, vitamin và muối khoáng. Biết được các nhóm chất đó có trong những thực phẩm nào, mỗi nhóm chất có ích lợi gì đối với cơ thể. Nhờ vậy mà các bậc phụ huynh nắm vững được kiến thức và áp dụng vào thực tế nên việc chăm sóc nuôi dạy con cũng được tốt hơn.
Hoàn cảnh gia đình, môi trường sống cũng góp một phần không nhỏ để giúp trẻ có cơ thể khỏe mạnh.
Ví dụ: Một cháu được sống trong môi trường gia đình hạnh phúc, thường có những bữa cơm gia đình sum hợp cháu sẽ thấy vui và ăn nhiều hơn. Khi cháu có tinh thần thoải mái, được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, các món ăn thường xuyên được thay đổi và các món ăn được trưng bày đẹp mắt điều đó cũng quan trọng, giúp cháu ăn ngon miệng hơn. Cháu được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng và môi trường sống xung quanh trong sạch, thoáng mát cơ thể trẻ sẽ rất khỏe mạnh không mắc những bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa như thế sẽ tạo điều kiện cho cháu hấp thu chất dinh dưỡng vào cơ thể tốt hơn.
Ví dụ: Cháu Dương, Duy phụ huynh thường không cung cấp đầy đủ chất đạm cho cháu vì phụ huynh nghĩ chất đạm chỉ có trong thịt mà hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng qua trò chuyện, trao đổi mà phụ huynh đã biết thay thế trứng, tép, cá vào thành phần chất đạm trong khẩu phần ăn của cháu nên cháu Duy đã khỏi tình trạng suy dinh dưỡng, còn cháu Dương tuy vẫn còn suy dinh dưỡng nhưng cân nặng, chiều cao có tăng lên so với những tháng trước và cháu cũng đã có một bước phát triển mới là suy dinh dưỡng vừa không còn tình trạng suy dinh dưỡng nặng nữa.
Qua thời gian thực hiện tôi thấy rất hiệu quả, phụ huynh cũng tích cực phối hợp với tôi trong việc chăm sóc sức khỏe cho con em mình như: Chế biến khẩu phần ăn đầy đủ chất, tạo môi trường sống trong lành, vui tươi, phối hợp giáo viên trong hình thành những thói quen trong ăn uống và kiến thức nuôi dạy trẻ phụ huynh cũng nắm vững hơn.