Chương 3: BIẾN ĐỔI VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA 3.1. Một số yếu tố tác động đến sự biến đổi tập quán sinh đẻ và chăm sóc trẻ nhỏ
3.3. Một số giá trị và vấn đề đặt ra trong sinh đẻ, chăm sóc trẻ nhỏ
3.3.1. Một số giá trị chủ yếu
* Thay đổi về nhận thức về sinh đẻ và chăm sóc trẻ nhỏ
Gia đình hỗn hợp dân tộc đã có những tác động quan trọng góp phần làm thay đổi nhận thức trong tập quán sinh hoạt, lao động, sản xuất của người dân xã Kiệt Sơn. Trong gia đình hôn nhân hỗn hợp dân tộc, các cặp vợ chồng học hỏi, truyền thụ kinh nghiệm trong tất cả các vấn đề của đời sống hàng
68
ngày, trong đó có kinh nghiệm về sinh đẻ và chăm sóc trẻ nhỏ, từ đó làm thay đổi tập quán đời sống. Trước đây, trong suy nghĩ của người Việt thường có phần phân biệt, xa lánh người dân tộc thiểu số, họ cho rằng những tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số là lạc hậu. Rất ít cô gái người Việt vùng xuôi chịu lấy chồng người dân tộc thiểu số ở vùng xâu, vùng xa; ngược lại đồng bào các dân tộc thiểu số trong đó có dân tộc Mường cũng sống khén kín đối với người Việt, do đó hầu như chỉ kết hôn với người đồng tộc. Xu hướng di cư đến các vùng miền khác nhau để học tập, sinh sống, làm ăn kinh tế, cộng với sự phát triển của kinh tế - xã hội của đất nước, các dân tộc có điều kiện thuận lợi để giao lưu, học hỏi, tìm hiểu văn hóa lẫn nhau.
Trong quá trình chung sống giữa người chồng và người vợ, giữa các thành viên trong gia đình chồng với nàng dâu, giữa hai bên gia đình thông gia có điều kiện tiếp xúc, trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Quan niệm, nhận thức về hôn nhân và gia đình có nhiều thay đổi phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Cả hai dân tộc Việt, Mường trên địa bàn huyện Tân Sơn hầu như không còn phân biệt về đối tượng dân tộc khi kết hôn.
Trước kia, các gia đình người Mường xã Kiệt Sơn khi có người ốm, thường cúng vía, cúng ma; chế độ ăn uống của thai phụ và sản phụ thì kiêng cữ hà khắc, dẫn đến thiếu chất, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao. Ngày nay, nhận thức của người Mường xã Kiệt Sơn đã có nhiều thay đổi, bà con không còn tin nhiều vào cúng bái, bùa chú, khi gia đình có người ốm đau thay vào cúng bái thì được đưa đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Đồng bào Mường cũng học được nhiều cách chế biến các món ăn, đồ uống của người Việt để cung cấp dưỡng chất cho thai phụ, thai nhi, sản phụ và em bé.
Cô dâu người Việt mang đến gia đình chồng những quan niệm mới, cách suy nghĩ mới hiện đại của giới trẻ, những phong tục tập quán của người Việt. Vì vậy, trong gia đình tồn tại song song hai luồng quan niệm, hai phong tục tập quán. Theo tập quán của người Việt, việc học tập của con cái rất được chú trọng, còn đối với người Mường lại chú trọng việc giáo dục lao động sản xuất cho con cái. Tại xã Kiệt Sơn đã cho thấy, hầu hết trong gia đình hôn nhân hỗn hợp dân tộc Mường - Kinh thì việc định hướng, quan tâm học tập của con cái được chú trọng hơn. Ngược lại, khi cô dâu người Việt đến ở gia đình chồng Mường cũng được tiếp nhận nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình chồng, học được nhiều kinh nghiệm về chăm sóc, bảo vệ thai nhi, thai phụ, sản phụ và trẻ nhỏ của gia đình chồng Mường; học hỏi được sự
69
chịu khó, sự khéo léo, cần cù, chất phác của đồng bào; học được tri thức gian dân quý báu để xử lý các vấn đề trong cuộc sống ở nơi rừng núi.
* Đa dạng văn hóa trong gia đình hôn nhân hỗn hợp dân tộc
Hôn nhân hỗn hợp tạo nên sự phong phú, đa dạng phong tục tập quán và văn hóa trong gia đình. Sự đa dạng thể hiện trong cách ăn, ở, giao tiếp, ngôn ngữ, cách thức lao động, cách chăm sóc sức khỏe, cách thức nuôi dạy, giáo dục con cái, nghi lễ, tín ngưỡng, tôn giáo. Đối với quá trình sinh đẻ và chăm sóc trẻ nhỏ, do có sự đa dạng về văn hóa trong gia đình, nên trong chăm sóc thai phụ, thai nhi, quá trình sinh đẻ và chăm sóc trẻ nhỏ luôn có sự kết hợp chuẩn mực, lối sống, tập quán của hai dân tộc. Đứa trẻ từ lúc trong bụng mẹ đến khi sinh ra và lớn lên được tiếp xúc, hấp thụ với văn hóa của hai dân tộc, được thừa hưởng cả cách chăm sóc và nuôi dạy theo cách của bố và của mẹ, được tìm hiểu và thực hành các nghi lễ của cả dân tộc bố và mẹ,...
Người mẹ luôn có sức ảnh hưởng sâu sắc đến con cái, vì vậy, tại xã Kiệt Sơn mặc dù người Mường chiếm dân số chủ yếu, nhưng không vì vậy mà các cô dâu người Việt chịu thực hành tất cả các tập quán của gia đình chồng Mường để nuôi dạy và chăm sóc con cái, mà luôn có sự áp dụng song song tập quán của cả hai dân tộc Việt, Mường. Quá trình đan xen tập quán văn hóa của 02 dân tộc trong cùng một gia đình, sẽ giúp hình thành những nếp sống chung, những tập quán mới, đây chính là sự giao lưu, tiếp biến văn hóa. Chẳng hạn, nghi lễ đầy tháng cho đứa trẻ trước đây chỉ người Việt mới tổ chức thì hiện nay nhiều gia đình Mường cũng tổ chức nghi lễ này; hay việc tổ chức sinh nhật cho đứa bé hoặc các thành viên gia đình, bạn bè vốn là văn hóa của các nước phương tây, hiện nay rất nhiều các gia đình ở Việt Nam tổ chức sinh nhật cho con cái, trong đó có cả các gia đình dân tộc Mường và Dân tộc Việt ở xã Kiệt Sơn.
Sự đa dạng văn hóa còn thể hiện trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày.
Trước đây ở xã Kiệt Sơn rất nhiều người dân không biết tiếng phổ thông, chỉ biết tiếng dân tộc Mường. Trong giao tiếp ở các gia đình Mường ở xã Kiệt Sơn vẫn chủ yếu bằng tiếng Mường, tiếng phổ thông chỉ sử dụng để giao tiếp với những người lạ ngoài địa phương, ngoài dân tộc và sử dụng trong trường học. Tuy nhiên, trong gia đình hỗn hợp Mường - Việt tại xã Kiệt Sơn thì sử dụng song ngữ (tiếng phổ thông và tiếng Mường). Bởi, có nhiều trường hợp gia đình cô dâu người Việt ở nơi khác lấy chồng tại xã, nên không biết tiếng Mường, vì vậy trong giao tiếp các thành viên gia đình sẽ phải sử dụng nhiều
70
tiếng phổ thông. Vì thế đứa trẻ sinh ra trong gia đình hỗn hợp Dân tộc Việt - Mường sẽ biết và nói được cả hai ngôn ngữ Việt, Mường, điều này thuận lợi cho việc đi học của đứa trẻ sau này.
Sự đa dạng văn hóa trong gia đình hôn nhân hỗn hợp còn thể hiện ở sự kết hợp giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại. Đối với tập quán sinh đẻ và chăm sóc trẻ nhỏ trong gia đình hôn nhân hỗn hợp, luôn có sự dung hòa các yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại nhiều hơn so với các gia đình người Mường trước đây. Những kiêng cữ, đồ ăn, thức uống, cách chế biến thức ăn cho thai phụ, sản phụ, em bé được kết hợp cả truyền thống và hiện đại, cả tập quán Kinh và tập quán Mường, điều này vừa tạo nên sự đa dạng về tập quán văn hóa vừa tạo nên sự biến đổi tập quán văn hóa giữa hai dân tộc Mường, Kinh.
* Nâng cao chất lượng dân số
Khoa học đã chứng minh việc kết hôn thân tộc, nhất là cận huyết thường có những ảnh hưởng không tốt đến thể trạng và trí tuệ của các thế hệ sau. Ngược lại, sự kết hợp giữa yếu tố gen sinh học, giống nòi, chủng tộc giữa hai dân tộc khác nhau sẽ giúp đứa trẻ sinh ra được thừa hưởng nhiều yếu tố tích cực cả về thể chất và trí tuệ. Do đó, những đứa con sinh ra trong gia đình hôn nhân hỗn hợp dân tộc, không chỉ được thừa hưởng sự đa dạng về tập quán, về văn hóa, mà còn được thừa hưởng các ưu điểm về cả thể chất và trí tuệ của hai dân tộc bố, mẹ.
Cách chăm sóc, nuôi dạy theo tập quán của hai dân tộc bố, mẹ, đôi khi xảy ra bất đồng, tuy nhiên bố mẹ lúc nào cũng muốn và dành những điều tốt nhất cho con cái. Vì vậy, những đứa trẻ trong gia đình hôn nhân hỗn hợp được thừa hưởng những cách chăm sóc, giáo dục và bảo vệ tốt nhất theo chuẩn mực văn hóa của cả bố và mẹ. Bởi thế, chất lượng thể lực, trí lực cũng được nâng lên, góp phần cải thiện nâng cao chất lượng dân số.
* Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc
Đoàn kết dân tộc là chiến lược lâu dài, xuyên xuốt trong đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta. Chiến lược đoàn kết dân tộc đã giúp các dân tộc xích lại gần nhau, rút ngắn khoảng cách, cùng giúp đỡ nhau phát triển. Xu hướng hôn nhân hỗn hợp dân tộc chính là một trong các yếu tố giúp mối quan hệ giữa các dân tộc ngày càng gắn kết với nhau, tạo nên các gia đình và mối quan hệ kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị liên tộc người.