CHƯƠNG III THỰC TRẠNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG VÀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC LÀNG NGHỀ TẠI HẢI PHÒNG
3.2 Quản lý nhà nước về môi trường tại làng nghề ở Hải Phòng
3.2.2 Tình hình chấp hành chính sách pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất
Việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường tại làng nghề theo Luật BVMT:
a) Việc tuân thủ tiêu chuẩn quốc gia về môi trường (khoản 2 Điều 8), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường: Hiện nay, các làng nghề chưa tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với chất lượng môi trường xung quanh và về chất thải của các làng nghề thể hiện:
các chất thải chưa được thu gom và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Nước thải từ các làng nghề không qua xử lý nên hầu hết các thông số đều vượt
quy chuẩn cho phép và thải trực tiếp ra nguồn tiếp nhận. Với chất thải nguy hại hầu hết không được phân loại, thu gom, xử lý riêng mà để lẫn và chôn lấp cùng với chất thải thông thường. Với các loại chất thải rắn thông thường tại nhiều nơi còn đổ tùy tiện gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường.
b) Việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng cụm làng nghề: lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM; trách nhiệm thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các nội dung trong báo cáo ĐTM (điểm d khoản 1 Điều 18, các điều 19, 20, 21, 22, 23. Hiện nay các làng nghề của Hải Phòng đều chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
c) Việc cam kết bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong các làng nghề theo Điều 24, 25, 26, 27. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ: Theo quy định tại Điều 24 Luật Bảo vệ môi trường thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong làng nghề phải thực hiện làm bản cam kết bảo vệ môi trường tại Uỷ ban nhân dân quận, huyện, tuy nhiên đến nay nhiều cơ sở chưa thực hiện làm bản cam kết bảo vệ môi trường;
Uỷ ban nhân dân huyện, xã: chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường.
d) Việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (Điều 35). Các tổ chức, cá nhân khu vực làng nghề đã bước đầu ý thức được các trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường đối với các loại hình ô nhiễm gây ra. Tuy nhiên, việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường chưa được triệt để, nhiều cơ sở còn vi phạm về bảo vệ môi trường, chưa có các giải pháp cũng như trang thiết bị để hạn chế các ô nhiễm gây ra, hầu hết các cơ sở trong làng nghề chưa thực hiện chế độ báo cáo và nộp phí bảo vệ môi trường theo quy định.
e) Việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường đối với làng nghề (Điều 38). Việc tổ chức thống kê, đánh giá mức độ ô nhiễm và lập kế hoạch giải quyết ô nhiễm tại làng nghề bằng các giải pháp còn nhiều bất cập. Việc xử lý môi trường về nước thải, chất thải nguy hại, chất thải rắn còn chưa thực hiện đúng theo quy định.
g) Việc xử lý cơ sở sản xuất, kinh daonh, dich vụ gây ô nhiễm môi trường tại các làng nghề (Điều 49). Công tác thanh, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại làng nghề chưa được thường xuyên. Có thực hiện việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm trong làng nghề, tuy nhiên, mức độ xử lý còn tương đối nhẹ và nhiều nơi còn mang tính hình thức.
h) Việc quản lý chất thải: giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng để hạn chế đến mức thấp nhất lượng chất thải phải tiêu huỷ, thải bỏ (Điều 66). Việc quản lý chất thải tại làng nghề nói chung chưa thực hiện tốt, tại nhiều cơ sở các loại chất thải chưa được thu gom, xử lý đúng quy định.
i) Việc thu hồi, xử lý sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ (Điều 67). Việc thu hồi, xử lý các sản phẩm hết hạn hoặc thải bỏ chưa theo đúng quy định hiện hành về quản lý chất thải, đặc biệt với các loại được xếp vào loại chất thải nguy hại.
k) Việc thực hiện trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp trong quản lý chất thải làng nghề (Điều 69).Công tác quản lý chất thải làng nghề chưa thực hiện đồng bộ và sâu rộng như công tác quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề, quy hoạch xây dựng các khu tập kết chất thải rắn, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, vận hành các công trình công cộng quản lý chất thải.
l) Việc lập hồ sơ, đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh chất thải nguy hại với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh;
phân loại, thu gom, lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại; vận chuyển chất thải nguy hại; xử lý chất thải nguy hại (Điều 70, 71, 72, 73, 74, 76): Phần lớn các cơ sở hoạt độngsản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh chất thải nguy hại tại các làng nghề chưa tiến hành làm thủ tục đăng ký lập sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại tại Sở Tài nguyên và Môi trường. Tại các cơ sở này hầu hết không phân loại CTNH và CTR thông thường, các loại CTNH và CTR thông thường để lẫn nhau, thu gom, chôn lấp chung tại các bãi rác. Các cơ sở phát sinh CTNH hầu hết chưa ký hợp đồng vận chuyển và xử lý CTNH với các đơn vị có đủ chức năng. Nói chung, việc quản lý CTNH tại các làng nghề nói riêng, nông thôn nói chung còn rất nhiều bất cập.
m) Việc thu gom, xử lý nước thải của khu, cụm công nghiệp làng nghề (Điều 81, 82). Hiện nay tại hầu hết các làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo các yêu cầu về môi trường. Nước thải chưa qua xử lý thải trực tiếp ra nguồn tiếp nhận gây ô nhiễm môi trường nước mặt và nguy cơ ô nhiễm nước ngầm rất cao.
n) Việc quản lý và kiểm soát bụi, khí thải, khí thải gây hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ô-zôn (Điều 83, 84).Việc xử lý bụi, khí thải tại các cơ sở tại các làng nghề nói chung rất hạn chế. Việc kiểm soát chủ yếu với bụi bằng các trang thiết bị đơn giản, hiệu quả xử lý thấp. Đối với khí thải (có các thành phần CO, SO2, CO2, HC) việc kiểm soát là một thách thức lớn đối với hầu hết các cơ sở này. Vì vậy, khí thải tại các làng nghề đã gây nên ô nhiễm cục bộ đối với môi trường sinh sống của bản thân nhân dân tại chính làng nghề.
o) Việc kiểm soát, xử lý, hạn chế tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ (Điều 85). Nhiều cơ sở tại các làng nghề chưa có các giải pháp hữu hiệu để kiểm soát, ngăn ngừa, hạn chế tiếng ồn, độ rung gây ra, thể hiện rõ tại các làng nghề chế biến đồ gỗ và gia công cơ khí, khai thác tài nguyên.
p) Việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; an toàn hoá chất và an toàn bức xạ; khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường (Điều 86, 88, 89, 90, 91, 93).Công tác phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường và an toàn hóa chất; khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường tại nhiều nơi chưa được đảm bảo như chưa có kế hoạch phòng ngừa, thiếu các trang thiết bị phòng ngừa ứng phó sự cố, chưa tuân thủ các quy định về an toàn lao động và an toàn hóa chất nhất là với hóa chất cháy, nổ và hóa chất nguy hiểm, độc hại.
q) Việc quan trắc các tác động đối với môi trường của người quản lý, vận hành cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung (Điều 94, 96). Nhìn chung, đến nay các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại làng nghề chưa tiến hành các hoạt động quan trắc để đánh giá các ô nhiễm do cơ sở mình gây ra. Việc quan trắc môi trường đối với khu vực làng nghề của các cấp nói chung còn chưa được quan tâm đúng mức.
r) Việc thống kê, lưu trữ số liệu về các tác động đối với môi trường, về các nguồn thải, về chất thải từ hoạt động của mình; báo cáo các thông tin về môi
trườngvà công khai với nhân dân (Điều 102, 103, 104, 105). Về việc này, hầu như chưa được thực hiện.
s) Việc nộp thuế môi trường đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh daonh một số loại sản phẩm gây tác động xấu lâu dài đến môi trường và sức khỏe con người (Điều 112): Đến nay, việc triển khai nộp thuế môi trường đối với khu vực này chưa thực hiện được.
t) Việc nộp phí bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc có hoạt động làm phát sinh nguồn tác động xấu đối với môi trường (Điều 113).Hầu hết các cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các làng nghề hiện chưa kê khai nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, chất thải rắn theo quy định. Việc triển khai thu phí đối với khu vực làng nghề như phí nước thải theo Nghị định 67/2003/NĐ-CP còn có những khó khăn, bất cập.
.