Nhóm năng lực giáo dục

Một phần của tài liệu Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm (Trang 62 - 65)

Chương VI: Tâm Lí Học Nhân Cách Người Thầy

2. Nhóm năng lực giáo dục

a. Năng lực vạch dự án phát triển nhân cách học sinh

- Đó là năng lực biết dựa vào mục đích giáo dục, yêu cầu đào tạo, hình dung trước cần phải giáo dục cho từng học sinh những phẩm chất nhân cách nào và hướng hoạt động của mình để đạt tới hình mẫu trọn vẹn của con người mới.

- Năng lực này thường được biểu hiện ở chỗ :

• Vừa có kỹ năng tiên đoán sự phát triển, vừa nắm được nguyên nhân và mức độ phát triển của học sinh.

• Hình dung được hiệu quả của các tác động giáo dục nhằm hình thành nhân cách theo dự án.

- Để vạch dự án phát triển nhân cách học sinh, thầy giáo cần phải có :

• Óc tưởng tượng sư phạm.

• Tính lạc quan sư phạm, niềm tin vào sức mạnh giáo dục, tin vào con người.

• Có óc quan sát sư phạm tinh tế.

Nhờ có năng lực này, công việc của giáo viên trở nên có kế hoạch và chủ động hơn.

b. Năng lực giao tiếp sư phạm

- Năng lực giao tiếp sư phạm là năng lực nhận thức nhanh chóng những biểu hiện bên ngoài và những diễn biến tâm lý bên trong của học sinh và bản thân, đồng thời biết sử dụng hợp lí các phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, biết cách tổ chức điều khiển và điều chỉnh quá trình giao tiếp nhằm đạt mục đích giáo dục.

- Năng lực giao tiếp sư phạm được biểu hiện ở các kỹ năng chính như :

Kỹ năng định hướng giao tiếp : thể hiện ở khả năng dựa vào sự biểu lộ bên ngoài như : sắc thái biểu cảm, ngữ điệu thanh điệu của ngôn ngữ, cử chỉ, đông tác, thời điểm và không gian giao tiếp mà phán đoán chính xác về nhân cách cũng như mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh.

Kỹ năng định vị : đó là khả năng biết xác định vị trí trong giao tiếp, biết đặt vị trí của mình vào vị trí của đối tượng và biết tạo ra điều kiện để đối tượng chủ động, thoải mái giao tiếp với mình.

Kỹ năng điều khiển quá trình giao tiếp thể hiện ở : kỹ năng điều khiển đối tượng giao tiếp, kỹ năng làm chủ trạng thái cảm xúc của bản thân và kỹ năng sử dụng phương tiện giao tiếp.

*) Kỹ năng làm chủ trạng thái xúc cảm của bản thân : biết kiềm chế trạng thái xúc cảm mạnh, khắc phụ những tâm trạng có hại, khi cần thiết có thể bộc lộ những tình cảm mà lúc này không có hoặc có nhưng yếu ớt. Đó chính là biết điều chỉnh và điều khiển các diễn biến tâm lí của mình cho phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp.

*) Kỹ năng sử dụng phương tiện giao tiếp. Phương tiện giao tiếp đặc trưng của con người là lời nói. Kỹ năng này biểu hiện ở chỗ : giáo viên biết lựa chọn những từ “đắt”, thông minh, hiền hòa, lịch sự…trong giao tiếp ; mặt khác biết sử dụng những phương tiện phi ngôn ngữ như cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, nụ cười…

- Ngoài ra, thầy giáo còn có sự tiếp xúc với đồng nghiệp, với phụ huynh học sinh, với các tổ chức xã hội khác. Thông qua sự giao tiếp này, thầy giáo đóng góp công sức của mình vào việc thống nhất tác động giữa các lực lượng giáo dục, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ.

Việc rèn luyện năng lực giao tiếp không tách rời với việc rèn luyện các phẩm chất của nhân cách.

c. Năng lực cảm hóa học sinh

- Năng lực cảm hóa học sinh là năng lực gây được ảnh hưởng trực tiếp của mình bằng tình cảm và ý chí đối với học sinh. Nói cách khác đó là khả năng làm cho học sinh nghe, tin và làm theo mình bằng tình cảm và niềm tin.

- Năng lực cảm hóa học sinh phụ thuộc vào một tổ hợp các phẩm chất nhân cách người thầy giáo như :

• Tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình trong công tác.

• Niềm tin vào sự nghiệp chính nghĩa cũng như kỹ năng truyền đạt niềm tin đó

• Lòng tôn trọng học sinh , phong cách dân chủ nhưng trên cơ sở yêu cầu cao đối với học sinh (cần tránh sự khoan dung vô nguyên tắc, sự cả tin một cách ngây thơ, sự thiếu kiên quyết của người thầy giáo...)

• Sự chu đáo và khéo léo đối xử của giáo viên.

• Lòng vị tha và các phẩm chất của ý chí.

- Để có năng lực này, thầy giáo cần :

• Phải phấn đấu và tu dưỡng để có nếp sống văn hóa cao, phong cách sống mẫu mực nhằm tạo ra một uy tín chân chính và thực sự.

• Xây dựng một quan hệ thầy trò tốt đẹp : vừa nghiêm túc, vừa thân mật; có thái độ yêu thương và tin tưởng học sinh; biết đối xử dân chủ và công bằng, chân thành và giản dị; biết phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh.

• Có tư thế, tác phong mẫu mực trước học sinh . d. Năng lực đối xử khéo léo sư phạm

Trong quá trình giáo dục, thầy giáo thường đứng trước nhiều tình huống sư phạm khác nhau đòi hỏi người thầy giáo phải giải quyết linh hoạt, đúng đắn và có tính giáo dục cao. Sự khéo léo đối xử sư phạm là một thành phần quan trọng của “tài nghệ sư phạm”.

- Sự khéo léo đối xử sư phạm là kỹ năng tìm ra những phương thức tác động đến học sinh một cách hiệu quả nhất, là sự cân nhắc đúng đắn những nhiệm vụ sư phạm cụ thể phù hợp với những đặc điểm và khả năng của cá nhân cũng như tập thể học sinh trong từng tình huống sư phạm cụ thể .

- Năng lực này được biểu hiện :

• Sự nhạy bén về mức độ sử dụng bất cứ một tác động sư phạm nào : khuyến khích, trách phạt…

• Nhanh chóng xác định được vấn đề xảy ra và kịp thời áp dụng những biện pháp thích hợp.

• Quan tâm đầy đủ,chu đáo, có lòng tốt, tế nhị, vị tha, có tính đến đặc điểm cá nhân từng học sinh .

• Biết phát hiện kịp thời và giải quyết khéo léo những vấn đề xảy ra bất ngờ, không nóng vội, không thô bạo.

• Biết biến cái bị động thành cái chủ động, giải quyết một cách mau lẹ những vấn đề phức tạp đặt ra trong công tác dạy học và giáo dục.

Một phần của tài liệu Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm (Trang 62 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(67 trang)