Chương 3: NHỮNG THÁCH THỨC, TRIỂN VỌNG CỦA QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI LIÊN BANG NGA VÀ BÀI HỌC
3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Nghiên cứu qúa trình phát triển kinh tế - xã hội Liên bang Nga có những bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam vì Liên bang Nga và Việt Nam có những điểm tương đồn nổi bật là đang trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế - xã hội từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thì trường. Tuy nhiên, cũng có những điểm khác biệt. Liên bang Nga tiến hành chuyển đổi kinh tế - xã hội với mục tiêu xoá bỏ toàn bộ cơ sở kinh tế - xã hội cũ của CNXH và xây
dựng cơ sở kinh tế - xã hội mới của TBCN. Ngược lại, ở Việt Nam công cuộc Đổi mới được tiến hành từ năm 1986 và đến nay là hơn 20 năm với mục tiêu sửa đổi những sai lầm, hạn chế và hoàn thiện đường lối phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình xây dựng CNXH cho phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử.
Bởi thế, công cuộc Đổi mới ở Việt Nam không phải là để xoá bỏ CNXH như Liên bang Nga mà là để đổi mới và hoàn thiện XHCN song quá trình phát triển kinh tế- xã hội của Liên bang Nga cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.
Trước hết, đó việc xây dựng đường lối, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước. Với mong muốn xoá bỏ nhanh nhất những cơ sở kinh tế - xã hội của CNXH mà Tổng thống B.Yeltsin và Chính phủ E. Gaidar đã lựa chọn “Liệu pháp sốc”, đẩy quá nhanh tốc độ cải cách trong khi những thiết chế luật pháp, kinh tế, xã hội chưa được thiết lập cho tương xứng, nhưng lại làm cho kinh tế- xã hội khủng hoảng trì trệ hơn. Rút kinh nghiệm từ hạn chế đó, chính quyền của Tổng thống V.Putin đã điều chỉnh đường lối, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với hoàn cảnh đất nước. Đó là đường lối cải cách thị trường mang định hướng xã hội rõ nét và được thực hiện bằng biện pháp thận trọng, nâng cao vai trò điều tiết của nhà nước. Chính đường lối, biện pháp đó của Tổng thống mà nền kinh tế Liên bang Nga đã tăng trưởng liên tục, các vấn đề xã hội từng bước được giải quyết.
Ở Việt Nam, mô hình kinh tế bao cấp thời chiến kéo dài trong nhiều thập kỷ chiến tranh cho nên việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế thị trường phải được thực hiện từng bước và hết sức thận trọng, không được nóng vội, chủ quan sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng như 10 năm đầu sau ngày miền Nam giải phóng.
Công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của đảng được đề xướng từ năm 1986 đến nay đã hơn 20 năm và những kết quả ban đầu cho thấy đường lối, biện pháp đề ra là đúng đắn. Đặc biệt, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay phải gắn liền với định hướng XHCN mới đảm bảo con đường phát triển đúng hướng.
Thứ hai là, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo một môi trường chính trị ổn định, sau khi lên nắm quyền Tổng thống, V.Putin rất chú trọng đến tính hiệu quả và sức mạnh của nhà nước trên cơ sở sự
thống nhất, ổn định của hệ thống chính trị. Bằng một loạt các cải cách hành chính, hệ thống chính trị, tổ chức đảng hay những biện pháp cứng rắn nhằm chống tham nhũng, các thế lực tài phiệt lũng đoạn chính trị đã thực sự hiệu quả.
Chính điều này đã làm cho tình hình chính trị Liên bang Nga ổn định, sức mạnh quyền lực nhà nước được củng cố, đảm bảo cho các mục tiêu, chiến lược, đường lối cải cách được thực hiện một cách nhất quán, đồng bộ.
Từ thực tiễn quá trình phát triển kinh tế - xã hội Liên bang Nga cho thấy, yếu tố cơ bản đảm bảo cho hệ thống chính trị ổn định là phải có một bộ máy nhà nước mạnh và trong sạch, hệ thống pháp luật đầy đủ và có hiệu lực. Vì vậy đối với các quốc gia trong giai đoạn chuyển đổi, việc tạo ra và đảm bảo môi trường chính trị ổn định, việc xác lập sự điều tiết hợp lý của nhà nước đối với nền kinh tế thị trường có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tạo nên thành công của công cuộc chuyển đổi.
Đối với Việt Nam, dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng cộng sản là cơ sở để xây dựng một môi trường chính trị ổn định, vai trò điều tiết của Nhà nước đối với kinh tế thị trường là điều cần thiêt để tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới. Việc đặt ra các chế tài và xử lý nạn tham nhũng bằng những biện pháp mạnh, kiên quyết như Tổng thống V.Putin đã tiến hành ở Liên bang Nga là thực sự cần thiết để ổn định chính trị xã hội và phát triển kinh tế. Tất cả các tổ chức, đảng phái chính trị phải hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp, pháp luật Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Việc đi ngược lại lợi ích của đảng, dân tộc là không thể cho phép.
Thứ ba là phải gắn liền giữa thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế với các chính sách xã hội tiến bộ. Những sai lầm của Liên bang Nga trong những năm 90 khi thực hiện biện pháp mạnh_“liệu pháp sốc” đã làm cho đa số các tầng lớp nhân dân lâm vào cảnh khốn cùng… Bởi thế trong suốt hai nhiệm kỳ cầm quyền, Tổng thống V.Putin luôn nhấn mạnh cải cách kinh tế phải gắn liền với mục tiêu xã hội và ngược lại, mục tiêu phát triển kinh tế được kết hợp chặt chẽ với các chính sách xã hội tiến bộ. Với chính sách đó, tình trạng nợ lương ở thời kỳ trước đã được giải quyết, thu nhập thực tế của người dân dược tăng cao,
người dân bắt đầu dược hưởng các phúc lợi xã hội như chăm sóc y tế, giáo dục, hưu trí... Hệ quả tích cực cho thấy là xã hội đã ổn định trở lại, sự ủng hộ của nhân dân đối với cải cách cũng như cá nhân Tổng thống ngày càng nhiều. Điều đó cho thấy chính sách xã hội đó là đúng đắn.