Di sản văn hóa tiêu biểu

Một phần của tài liệu Lịch sử việt nam từ trung cổ tới hiện đại (Trang 25 - 29)

Buổi đầu của thời kỳ xây dựng nền tự chủ không có nhiều công trình kiến trúc đồ sộ, nhưng để lại cho chúng ta một số di sản vô cùng có ý nghĩa. Đó là vùng đất "Hai

vua một hậu" Đường Lâm, tuy ở đây không có kiến trúc của đất nước vào thời kỳ đầu xây dựng nền độc lập tự chủ, nhưng lại là quê hương của Ngô Quyền, Phùng Hưng. Đây cũng là địa điểm qui tụ nhiều đền thờ, miếu mạo tưởng nhớ đến các người xưa, trong đó có lăng Ngô Quyền và đền thờ Phùng Hưng. Ngoài ra, về kiến trúc, có di tích Hoa Lư, kinh thành đầu tiên của thời kỳ độc lập, một tên gọi gắn bó với các chuyện kể về cậu bé chăn trâu Đinh Bộ Lĩnh lấy hoa lau làm cờ.

Vùng cổ tích Đường Lâm

Đường Lâm là vùng đất cổ, mang giá trị lịch sử, văn hóa cao. Vùng cổ tích này thuộc thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây, với diện tích chỉ chừng 4km2, gồm 7 thôn là Cam Lâm, Đoài Giáp, Đông Sàng, Hà Tân, Hưng Thịnh, Mông Phụ và Phụ Khang.

Đường Lâm vốn nổi tiếng là một vùng đất đá ong. Đâu đâu cũng thấy đá ong, từ cái giếng cho đến cổng nhà, cột đình, ngôi mộ, nhà thờ họ. Không gian tràn ngập màu sắc đá ong đem đến cho Đường Lâm một vẻ cổ kính không nơi nào có được.

Đường Lâm còn được biết đến là một vùng trồng mía, làm đường nổi tiếng. Vì thế có những địa danh liên quan đến các hoạt động này như Đường Lâm, chùa Mía, phố Mía, tổng Mía. Đó cũng là hình ảnh mía, mật, đường qua câu ca ví von như sau:

"Lên phố Mía,

Gặp hàng mật,

Nắm lấy tay hỏi đường"

Theo các tư liệu khảo cổ học thì cách đây 3.500 năm, Đường Lâm là nơi tụ cư của người Việt Cổ. Và đây là quê hương của hai vị nữ tướng của hai bà Trưng là Chiêu Trưng và Đỗ Lý, là căn cứ của bà Man Thiện, mẹ của Trưng Trắc và Trưng Nhị.

Đường Lâm được gọi là đất "Hai vua một hậu" vì đây là quê hương của hai vị anh hùng dân tộc Phùng Hưng, Ngô Quyền và của bà Nguyễn Thị Rong, quý phi chúa Trịnh Tráng (có tài liệu cho là Ngô Thị Ngọc Diệu). Vùng địa linh nhân kiệt này, vì thế, chứa chất nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Có nhiều đình, chùa, miếu được xây dựng từ nhiều thế kỷ. Trong đó, có đền Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, miếu thờ bà Lê Thị Lan (nữ tướng của hai Bà Trưng), chùa Mía, chùa Mèn (thờ bà Man Thiện), đình Mông Phụ... và các địa danh liên quan đến các vị anh hùng như đồi Hồ Gấm, nơi Phùng Hưng ngày xưa tập luyện, hoặc rặng dứa cổ thụ, nơi buộc voi của Ngô Quyền. Đặc biệt, Đường Lâm còn có giếng Xin Sữa, tuy nhỏ nhưng khi nào cũng đầy nước trong ngọt ngào, là nơi các bà mẹ đến uống nước để cầu mong có nhiều sữa cho con bú.

Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương) là người thôn Cam Lâm (một trong bảy thôn của xã Đường Lâm), đã cùng hai em tập hợp dân làng Đường Lâm cùng dân chúng ở mọi miền đứng lên khởi nghĩa, lấy Đường Lâm làm căn cứ chống quân nhà Đường, từ đấy tỏa ra khắp nước, giành được độc lập (767) Phùng Hưng lên làm vua được bảy năm thì mất. Nhân dân Đường Lâm lập đền thờ tưởng nhớ ông. Đền thờ Phùng Hưng tọa lạc ngay tại xã Cam Lâm, đền nhỏ nhưng đẹp, còn giữ được nét dáng cổ xưa.

Ngô Quyền, người chiến thắng trận Bạch Đằng oanh liệt, cũng là người thôn Cam Lâm. Lăng Ngô Quyền cách đền Phùng Hưng 300m. Lăng hiện nay là kiến trúc của lần trùng tu năm 1821 có bia ghi bốn chữ "Tiền Ngô Vương lăng". Sau lưng ngôi mộ, nơi an nghỉ của thân xác người anh hùng là ngôi đền thờ ngài. Hằng năm vào ngày lễ Ngô Quyền (từ 16 đến 18 tháng Giêng Âm lịch), một đoàn hành hương

chừng 150 người, ăn mặc theo kiểu lễ hội với đủ đồ tế lễ và ban nhạc dân tộc, từ hội đền xã Đằng Hải, Hải Phòng, nơi xảy ra chiến thắng Bạch Đằng lịch sử, kéo đến Đường Lâm cùng dự lễ hội.

Quán Sứ, một ngôi nhà cổ nằm ven đường đất đỏ là nơi quàn thi hài của những anh hùng, liệt sĩ. Quán Sứ với mái ngói dày nặng có các cột vuông bằng đá ong chống đỡ. Vòm mái uốn cong như hình trăng khuyết. Địa điểm này liên quan đến một nhân vật mà nhân dân Đường Lâm hằng tưởng nhớ. Đó là Thám Hoa Giang Văn Minh. Nhà Lê sau khi trung hưng, sai Thám Hoa Giang Văn Minh đi sứ sang nhà Minh xin cầu phong (1673). Ông Minh vốn là người tiết tháo, luôn luôn giữ gìn quốc thể. Một hôm vua Minh ra cho ông một câu đối có ý khinh rẻ người Việt bằng cách nhắc lại chuyện Mã Viện dựng cột đồng có sáu chữ "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt":

"Đồng Cổ chí kim đài lục"

Nghĩa là "Cột đồng đến nay rêu đã xanh"

Tức thì ông Thám Hoa ngạo nghễ đối lại:

"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng"

Nghĩa là: "Sông Bạch Đằng từ xưa máu vẫn còn đỏ"

Vua Minh tức giận sai mổ bụng sứ thần rồi cho ướp xác đưa về nước. Thi hài được rước đi qua làng Đường Lâm. Dân làng ra đón xác và xin vua cho được chôn sứ thần tại quê làng Đường Lâm. Vua phong cho ông tước "Công bộ thị lang minh Quận công" và khen rằng: "Đi sứ không làm nhục mệnh nước, thực là anh hùng thiên cổ" và chuẩn y cho ý nguyện của dân làng. Thi hài của Thám Hoa được quàn tại ngôi nhà quán sứ này trước khi chôn cất. Ngày 2 tháng 6 âm lịch là ngày lễ Giang Văn Minh. Về sau, nhà Quán Sứ còn được dùng làm nơi quàn các chiến sĩ trận vong.

Chùa Mía ở Đông Sàng, có tên chữ là Sùng Nghiêm tự (có nghĩa là tôn kính sự nghiêm trang). Chùa Mía là một công trình có giá trị nghệ thuật tạo hình cao. Chùa được xây dựng vào nă 1632 do bà Nguyễn Thị Rong, vợ chúa Trịnh Tráng và là con gái làng Mía (danh xưng khác của Đường Lâm) hưng công. Chùa có ba khu, cách nhau bằng hai khoảng sân. Trước chùa có một cây cổ thụ rùm ròa thuộc vào loại lâu đời. Gác chuông hai tầng, tám mái có hàng lan can con tiện. Khu thứ hai là nhà Tổ và nhà tăng. Sau cũng là nhà bái đường, chùa hạ, chùa trong và thượng điện.

Tại nhà bái đường có tấm bia khắc kể công ơn làm chùa của bà Rong. Cột kèo của chùa bằng gỗ đều được chạm trổ công phu. Trong chùa có 287 pho tượng bằng gỗ hay bằng đất luyện với rễ cây si, giấy bản và mật. Các pho Bát bộ Kim Cương, Tuyết Sơn, Quan Âm tống tử là những tuyệt tác nghệ thuật tạo hình. Bát bộ Kim Cương là 8 pho tượng cao khoảng 2m, đứng hai bên tả hữu của chùa trong. Pho tượng Tuyết Sơn nổi tiếng với những nét chạm khắc sống động, đầy chất "thần"

của con người. Pho Quan Âm tống tử là tượng Thị Kinh ẵm con, nét mặt hiền từ, phúc hậu. Ngoài ra, gần đây, dân Đường Lâm đã cùng nhau đóng góp, xây một chiếc tháp 9 tầng, cao 13,5m. ở tầng 7 của tháp có chiếc khánh niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786), ở tầng 8 treo một chiếc chuông nặng 400 kg, niên hiệu Cảnh Thịnh (1792-1802). Chùa Mía đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử và văn hóa.

Xã Đường Lâm, với bề dày lịch sử của mình suốt từ 2.000 năm là một vùng cổ tích, một vùng văn hóa đáng được tham quan và tôn tạo.

Thành Hoa Lư

Thành Hoa Lư được xây từ đời Đinh Tiên Hoàng và đến đời Lê Đại Hành thì được tu bổ lại. Thành Hoa Lư ở xã Trường Yên, Huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội khoảng 100km về phía Nam, cách thị xã khoảng 10km về phía Tây Bắc.

Thành nằm trên một khu đất được núi đá vôi bao quanh ba mặt Tây, Nam, Đông.

Phía Bắc và Đông Bắc có con sông Hoàng Long chảy ngang. Sông Hoàng Long bắt nguồn từ vùng rừng núi Hòa Bình Nho Quan và chảy vào sông Đáy tạo nên con đường thủy Bắc - Nam tiện lợi.

Cũng giống như khi xây thành Cổ Loa, dân Việt đã tận dụng địa hình thiên nhiên, dùng chiều cao của dãy núi đá vôi để làm nên những bức tường thành kiên cố. Có tất cả mười đoạn tường thành được đắp thêm, nối những ngọn núi lại. Đoạn dài nhất 500m. Đoạn ngắn nhất 65m, cao khoảng 10m, rộng chừng 15m.

Thành Hoa Lư gồm hai vòng thành riêng biệt, nằm cạnh nhau. Vòng thành ở phía Đông được gọi là thành Ngoài, vòng thành ở phía Tây được gọi là thành Trong.

Thành Ngoài bao quanh một khu đất có diện tích chừng 140ha, gồm hai thôn Yên Thượng và Yên Thành của xã Trường Yên, là nơi có cung điện, lầu gác của vua.

Thành Trong có diện tích tương đương với thành Ngoài, bao gồm khu đất nay là thôn Chi Phong, xã Trường Yên.

Hai tòa thành chạy gần nhau ở ngách núi Quền Vòng (phía Tây của thành Ngoài và phía Đông của thành Trong). Ngách núi Quền Vòng cũng là nơi thông thương của hai vòng thành.

Vì dựa theo thế núi để xây nên, cho nên cả hai tòa nhà thành đều không có hình dáng rõ rệt, giống nhau ở điểm là hình dài và eo lại ở chính giữa. Và chính ở chỗ eo này là bức tường vầu, ngăn mỗi thành ra hai phần, làm tăng thêm mức độ quanh co hiểm hóc cho tòa thành.

Cả hai thành đều có nhánh của Sông Hoàng Long chảy vào, nhờ vậy việc chuyển ra vào thành đều dễ dàng.

ở những chỗ đất dễ lún, móng tường được chôn sâu đến 2 mét, chất liệu là từng lớp cành cây lẫn cùng đất. Các lớp đất này có cọc đóng sâu xuống để giữ cho móng khỏi trôi. Cọc thì có cọc kép và cọc chiếc. Cọc kép gồm hai thanh gỗ nối với nhau bằng đà ngang qua lỗ mộng, trên đà lại còn có nhiều thanh gỗ dài. Nhờ cách xây móng cẩn thận thế nên các đoạn thành xây bên trên tồn tại cho đến ngày nay.

Thân tường bên trong được xây bằng gạch chắc chắn dày khoảng 0,45m. Chân tường có kè đá tảng và cọc gỗ chòng chéo.

Kinh đô Hoa Lư, một Kinh đô được xây dựng sau một ngàn năm Bắc thuộc đã phản ánh phần nào tính dân tộc của người Việt. Trong khi tại Trung Quốc, những thành lũy thời Hán đều có hình dáng đều đặn hình học, đường ngang lối dọc ngay hành thẳng lối thì Hoa Lư lại ngoằn ngoèo không theo khuôn mẫu của nhà Hán mà theo

địa thế thiên nhiên. Qua đó ta thấy được tính độc lập ngay cả trong kiến trúc của dân tộc.

Nhà Lý (1010-1225)

• Lý Thái Tổ 0110-1028

• Lý Thái Tông 1028-1054

• Lý Thánh Tông 1054-1072

• Lý Nhân Tông 1072-1127

• Lý Thần Tông 1127-1138

• Lý Anh Tông 1138-1175

• Lý Cao Tông 1176-1210

• Lý Huệ Tông 1211-1225

Một phần của tài liệu Lịch sử việt nam từ trung cổ tới hiện đại (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(137 trang)
w