Lễ Kỳ yên (Cầu an) là một trong những lễ hội chính ở các đình của Đồng Nai. Lễ thường diễn ra vào hai mùa xuân và thu hoặc gắn với những ngày liên quan đối với đối tượng được thờ tự. Dân làng đóng góp công của để cúng tế vị thành hoàng bổn cảnh với mục đích cầu xin mưa gió thuận hòa (phong điều vũ thuận), mùa màng tốt tươi (phong đăng hòa cốc), quê hương đất nước bình yên (quốc thái dân an). Lễ hội kỳ yên qua nhiều thế hệ đã trở thành tập quán tín ngưỡng, hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng người Việt. Lễ hội được tổ chức long trọng với những nghi thức cúng tế chặt chẽ thể hiện lòng cung kính đối với thần linh (mà cụ thể là vị thành hoàng) được thờ nơi đình và các thế hệ có công mở mang, khai phá, phát triển của làng xã ( tiền hiền khai khẩn, hậu hiện khai cơ).
Một số đình làng ở Đồng Nai tôn thờ những con người có công với làng xã thành những phúc thần của làng như: đình Bình Kính thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, đình Tân Lân thờ Đức ông Trần Thượng Xuyên, đình Mỹ Khánh thờ Danh tướng Nguyễn Tri Phương, đình Tam Hiệp thờ anh hùng kháng pháp Đòan Văn Cự…
Thông thường, đáo lệ 3 năm, thì đình làng tổ chức Đại lễ Kỳ yên. Đại lễ Kỳ yên thường được các đình làng với nguồn vật, lực lớn tổ chức. Trong đại lễ Kỳ yên, các nghi thức cùng tế trong Lễ được tổ chức chu đáo, đảm bảo theo tuần tự. Đặc biệt, trong đại lễ Kỳ yên có sự phối hợp giữa các nghi thức cúng tế và hình thức diễn xướng do các đoàn hát bội được mời đảm trách. Quan trọng trong hình thức diễn xướng phục vụ lễ Kỳ yên là Lễ Xây chầu – Đại bội và Hát tuồng. Lễ này thường được tiến hành sau khi nghi thức Đàn cả hoàn tất. Đây được xem là phần hội của trong đại lễ Kỳ yên của đình.
Trong các kỳ đại lễ, người dân tham gia khá đông đảo. Nhiều nghi thức lễ và hội diễn ra. Trong lễ Kỳ yên những quy tắc nghi thức lễ được tuân thủ nghiêm ngặt.
Các nghi lễ trong Kỳ yên ở đình thường thấy là Túc yết, Đòan cả, Tế tiền hiền, hậu hiền, Thỉnh sắc, Tỉnh sanh, Hồi sắc, Tống ôn….Mỗi nghi tế được Ban quý tế, các học trò lễ trong sự phân công tuân thủ thực hiện trang trọng.
Trong phần hội, thường tại các ngôi đình lớn tổ chức các sinh hoạt văn hóa rất phong phú: hát bộ, múa lân, đua thuyền, đầu võ, xô giàn….được nhiều người
hưởng ứng, tạo nên không khí náo nhiệt. Ở Bến Gỗ thường tổ chức đua thuyền trên sông. Người dân hào hứng đứng trên hai bờ sông cổ vũ sôi động. Một số đình có tổ chức hạt bộ cho dân làng xem ba đêm liền với những tuồng tích xưa ca ngợi những con người nghĩa hiệp, anh tài, giúp dân, giúp nước. Ở đình Mỹ Khánh, dân làng thức đợi nghi thức tống ôn (gió độc, dịch bệnh) vào canh ba dưới ánh trăng dìu dặt.
Với chiếc thuyền trang trí lộng lẫy, lung linh hàng trăm ngọn nến, cờ hoa và lễ vật cúng được hạ thủy, đẩy ra giữa dòng chảy của sông cho trôi đi xa trong cảnh tượng vừa đẹp và linh thiêng…
Tham gia trong lễ hội, người dân như quên hết những âu lo, cực nhọc thường nhật, hội nhập vào không khí thiêng liêng của lễ, náo nhiệt của hội. Qua đó, họ thể hiện lòng biết ơn của mình với thần linh, tổ tiên và thể hiện tinh thần gắn bó cộng đồng, hướng đến những ước vọng tốt đẹp. Hiện nay, trong những đêm lễ hội kỳ yên tại các đình làng Biên Hòa, loại hình nghệ thuật truyền thống như đờn ca tài tử được các đoàn biểu diễngiao lưu cuốn hút đông đảo người xem, trở thành nét sinh hoạt văn hóa độc đáo.
*Lễ hội cúng bà ở Miễu
Lễ hội cúng Bà ở mỗi miễu một khác, tùy vào ngày vía của mỗi Bà. Những ngày sóc, vọng, ngày Tết, ngày vía đất, các miễu Bà được mở cửa cúng một lễ nhỏ bằng nhang, đèn, bông, bánh trái. Ngày vía mới là lễ chính. Có nơi cúng thường niên như nhau, có nơi đáo lệ hai ba năm một lần.
Miễu Bà ở Đồng Nai, Bà được thờ là một tập hợp các nữ thần có nguồn gốc và lý lịch khác nhau, được thờ cúng ở miễu tùy theo tâm niệm của mỗi nơi, phổ biến là các Bà Ngũ Hành nương nương; Liễu Hạnh công chúa; Bà Chúa Thượng ngàn;
Chúa Ngọc nương nương, Chúa Tiên nương nương; Chúa Xứ nương nương, Linh
sơn thánh mẫu; Thiên Hậu thánh mẫu; Thủy Long thần nữ, các nữ thần bổn địa…
Lễ cúng vía Bà thường vào ban đêm (thuộc âm) do Ban quý tế của làng đứng cúng hoặc có khi do tổ chức hội mẫu ở địa phương làm chủ lễ. Miễu thuộc hệ dân dã nên nghi thức cúng Bà không đúng khung theo khuôn phép điển lệ; cởi mở, sinh động hơn cúng đình. Tuy nhiên nhiều địa phương vẫn áp dụng nghi thức cúng đình trong cúng miễu.
Lễ vật cúng miễu đơn giản và cũng không nhiều kiêng kỵ như cúng đình. Bình thường thì: heo quay, heo luộc, mâm xôi, đèn nhang, bánh trái, nghèo hơn thì cúng gà, xôi, chè, heo thu gọn thành thủ vĩ, vịt quay… nói chung là tùy tâm, tùy sức.
Dân làng thành tâm dâng cúng hoa, mâm vàng bạc, đồ trang sức… đều được miễn là lòng thành.
Việc bày trí điện thờ hết sức đơn giản: bát nhang, bình bông, chén nước, chân đèn… Nhiều nơi vật thờ còn có thêm: gương, lược, trâm cài, quạt và một vài món trang sức khác của nữ giới. Những miễu độc lập thường có thêm Tả ban, Hữu ban, Nhị vị công tử, Nhị vị công nương, cậu Chài, cậu Quới… Vì là thờ nữ thần cho nên án thờ dù nhỏ vẫn thường được trang hoàng sặc sỡ, có lộng che, rèm phủ.
Trước kia, rất ít miễu có cốt tượng, thường thờ đơn giản bằng chữ Hán vẽ trên tường hay dán trong khám thờ. Gần đây phát triển thờ cốt tượng bằng thạch cao, xi măng, gốm hoặc vẽ bằng tranh lồng kiếng cho nên các Bà đều đồng dạng, trang phục lộng lẫy như nhau, chỉ khác ở tên gọi. Riêng Bà Ngũ Hành là dễ nhận ra nhất với bộ cốt tượng đủ năm bà trong năm sắc áo khác nhau: xanh, đỏ, tím, vàng, lục với quan niệm cổ truyền rằng hành thổ màu vàng là trung tâm nên ngồi giữa.
Đêm trước ngày vía, tiến hành lễ thay áo cho Bà như lễ mộc dục phổ biến. Khi tiến hành lễ này, Chánh bái, Bồi tế lên nhang đèn khấn vái xin phép Bà, rồi lui ra. Các phụ nữ “sạch mình” đã chuẩn bị sẵn nước thơm (nước lá sả, hương nhu, bông bưởi), dùng khăn sạch nhúng nước thơm lau khắp các tượng Bà. Khăn lau Bà xong,vắt trả nước ra thau khác, cứ như thế cho đến khi sạch rồi thay cho Bà áo mới, áo cũ và khăn lau không được dùng việc khác, sau phải đốt.
Dự phần vào lễ hội cúng Bà phổ biến là Hát bóng rỗi, chặp Địa-Nàng, một loại
hình nghệ thuật truyền thống phổ biến ở Biên Hòa - Đồng Nai.
Hát bóng rỗi, Chặp Địa-Nàng vừa mang tính nghi lễ (để cúng) vừa để giải trí, vui chơi trong lễ hội; đó là hình thức diễn xướng tổng hợp, gồm nhiều tiết mục liên hoàn, đồng thời cũng có thể phân chia thành các tổ hợp tiết mục tùy chọn. Hát bóng rỗi, Địa-Nàng ở Đồng Nai thường gồm các tiết mục: Khai tràng; Chầu mời- thỉnh tổ; Chặp Địa-Nàng; Hát bóng rỗi.
Mở đầu cuộc hát luôn là lễ Khai tràng nhằm mục đích khai mạc cuộc hát, do dàn nhạc bóng biểu diễn. Tiếp theo là các xấp hát Chầu mời-thỉnh tổ. Điệu hát vận dụng cả lý, vè, nói rỗi (nói lối) nhiều khi cả làn điệu tuồng. Sau Hát Chầu là diễn Chặp Địa-Nàng. Đây là Chặp bóng - tuồng hài hước thường gắn với lễ cúng miễu Bà hoặc miễu Thổ Địa. Cuộc hát chỉ có hai nhân vật là Địa và Nàng. Chặp Địa - Nàng vừa dứt, bóng múa liền tiếp theo. Bóng múa vừa mang tính nghi lễ vừa nhằm mục đích giải trí. Các bóng thay nhau múa bông, múa dâng mâm vàng rồi tiếp theo là các tiết mục tạp kỹ. Các tiết mục múa trò chơi, gọi là múa tạp kỹ dài - ngắn, nhiều ít tùy thuộc không khí cuộc vui; dân làng thưởng nhiều thì sự hào hứng khiến các bóng múa hay, khéo, tận tình hơn và ngược lại.
Các nữ thần được thờ tại miễu ở Đồng Nai phần lớn có nguồn gốc nữ thần biển, đánh dấu một hồi ức gắn với chặng đường gian lao hình thành các cộng đồng cư dânViệt ở Đồng Nai. Với một tập hợp nữ thần phức hệ như thế, Đồng Nai như là điểm hội tụ đồng thời cũng là nơi khuếch tán các hệ tín ngưỡng thờ nữ thần của miền Bắc, miền Trung, miền Tây, người Hoa và bổn địa. Tục thờ cúng nữ thần cũng cho thấy, cư dân Việt ở địa phương ít nhất cũng tìm được biểu tượng có ý nghĩa nhân bản hơn tư tưởng Nho giáo vốn xem thường phụ nữ.
*Hàng năm, những lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số như:
Lễ hội Sa Yang Va của dân tộc Chơ Ro
Lễ cúng Yang đâm trâu của dân tộc Mạ, S’tiêng, K'ho
Lễ Chuôn Chnam Thmây, Sen đôn tal của người Khơ me; Lễ Ramadan, Maji của người Chăm; Tả tài phán của người Hoa…
Kết luận:
Lễ hội dân gian là sinh hoạt văn hóa dân gian tổng hợp của nhiều loại hình tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn học nghệ thuật dân gian, là trung tâm tích tụ, lưu truyền văn hóa của dân tộc, của địa phương. Lễ hội dân gian của ngư dân miền Đông Nam Bộ là loại hình lễ hội của một nhóm cộng đồng sinh sống trên cùng một địa bàn với nghề nghiệp nhất định, phản ánh đặc điểm riêng có về quá trình hình thành, về nghề nghiệp, về điều kiện lao động sản xuất, gắn liền với nghề đánh bắt thủy, hải sản. Vì vậy, lễ hội dân gian của ngư dân miền Đông Nam Bộ đã góp phần làm phong phú thêm và tạo diện mạo cho đặc trưng văn hóa biển...
Điểm nổi bật, tạo nên nét riêng trong lễ hội của ngư dân miền Đông Nam Bộ là sự hội tụ, ngưng đọng của nhiều dòng, nhiều nét đẹp văn hóa và hương vị riêng của nhiều vùng miền. Những cái riêng ấy được hội tụ, tiếp biến để hình thành nên cái đặc trưng-hóa giải mọi độc tôn, dung hợp những quan niệm, truyền thống khác nhau, tạo nên sự thăng bằng, phong phú trong đời sống tinh thần và tâm linh của ngư dân miền Đông Nam Bộ-vốn hội tụ về đây từ những vùng miền, ngành nghề khác nhau, trong nhiều giai đoạn, điều kiện lịch sử khác nhau...
3.4. Các làng nghề thủ công truyền thống - Đặc điểm chung.
+ Thời gian hình thành gần đây, khoảng thế kỉ 18- 19, số lượng ít.
+ Chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng nội vùng.
+ Mức độ tập trung chưa cao và ít được biết đến hơn so với các làng nghề truyền thống khu vực phía Bắc.
+ Bị hạn chế đưa vào khai thác làm dịch vụ du lịch.
-Một số làng nghề của vùng:
+ Thành phố HCM: làng hoa Gò Vấp, làng đúc đồng An Hội, làng dệt vải Bảy Hiền, làng nem chả Thủ Đức, làng gốm Bình Dương, làng tre truyền thống Tân Thông Hội và Thái Mỹ…
+ Bình Dương: làng sơn mài Tương Bình Hiệp.
+ Đồng Nai: làng gốm Biên Hoà, làng Hiệp Hoà(Cù Lao Phố), làng nghề đá Bửu Long, làng đất nung Bửu Long, làng gốm Tân Vạn, làng nghề dệt thổ cẩm của người Mạ,...
+ Tây Ninh: làng mây tre xã An Hoà, Trảng Bàng + Bình Phước: làng nghề gỗ mĩ nghệ và gia dụng.
-Đặc điểm mỗi loại làng nghề:
+ Làng gốm chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng sinh hoạt của người dân, ít mang tính nghệ thuật cao
+ Làng hoa tạo thành công viên thu hút du khách mùa lễ hội, cung cấp hoa cho người tiêu dùng
+ Làng mây tre, đúc đồng có lịch sử khá lâu đời, nhưng kĩ thuật chưa bằng các làng nghề đúc đồng phía bắc.
+ Có làng lại phát triển nhiều loại nghề, mở rộng giao thương với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á như Cù Lao Phố- Biên Hoà- Đồng Nai
+ Nằm trong số ít làng nghề thực phẩm của vùng nhưng nức tiếng trong nền ẩm thực cả nước như làng nem chả Thủ Đức
-Đánh giá các làng nghề truyền thống của vùng đến phát triển du lịch: Thực tế, các làng nghề truyền thống vùng Đông Nam Bộ còn gặp nhiều khó khăn như: địa bàn phân bố còn xa nhau nên việc kết nối tour, tuyến còn gặp nhiều khó khăn, nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng mai một do phát triển công nghiệp hóa, sự đầu tư thiếu đồng bộ của cơ quan chức năng… Vì vậy, cần có nhiều điểm mới trong thu hút tài trợ từ các nhà đầu tư, những động thái chủ động trong phát triển làng nghề của người dân địa phương như việc đưa khách du lịch trực tiếp tham gia làm sản phẩm (như làng gốm Bát Tràng Hà Nội đang áp dụng)…
3.5. Các đối tượng dân tộc học ở Đông Nam Bộ:
Vùng Đông Nam Bộ gồm 36 dân tộc: Kinh, Khmer, Nùng, Thái, Hông, Gia-rai, Ê Đê, Xơ-đăng, Cơho, Hrê, Xiêng, Mnông, Gié Triêng, Co, Kháng, Phù Lá, Chứt, Brâu, Hoa, Chăm, Tày, Mường, Dao, Ngái, Ba Na, Sán Chay, Sán Dìu, Raglai, Thổ, Giáy, Mạ, Chu-ru, Xinh-mun, Lào, La Hủ, Si La và người nước ngoài. Đông nhất là người Kinh,tiếp đó là nguời Hoa.
Tiêu biểu:
• Người Kinh: Năm 1697, chúa Nguyễn hoàn toàn chiếm được nước Chiêm Thành, từ đó người Kinh bắt đầu di dân xuống phía Nam và hình thành nên các vùng dân cư ở Đông Nam Bộ. Hiện nay, người Kinh cũng chiếm số lượng lớn nhất ở Đông Nam Bộ
• Người Hoa
Trần Thượng Xuyên là thế hệ người Hoa đầu tiên ở Đông Nam Bộ, ông là người đã rời bỏ đất nước Trung Hoa vì lý do chính trị. Vào cuối thế kỷ 17, trên vùng đất Nam Bộ đã hình thành 3 trung tâm tụ cư của người Hoa :
Biên Hòa (Sài Gòn )
Mỹ Tho và một số tỉnh: Đông Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ.., Hà Tiên và cùng phía Tây sông Hậu.
Trần Thương Xuyên và những thế hệ đầu tiên của người Hoa đã nhanh chóng hội nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam và cho đến tận hôm nay vẫn tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc khai mở,đống góp và gìn giữ vùng đất Nam bộ, đặc biệt là đời sống kinh tế.
• Người Khmer: Người Khmer Nam Bộ sinh cơ lập nghiệp lâu đời trên vùng đất sông nước, chủ yếu bằng sản xuất lúa nước, trồng rẫy và khai thác thuỷ sản, tạo giống lúa mới thích hợp với nhiều loại đất phèn, đất nước lợ, đất bồi phù sa và nghề thủ công truyền thống. Trong suốt quá trình phát triển của cộng đồng các dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long, nền văn hóa Khmer đã giao hòa, gắn kết với các nền văn hóa khác, góp phần hình thành nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc.
• Người Chăm: Người Chăm được xác định là cư dân bản địa ở khu vực
duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam và đã có quá trình định cư lâu đời ở khu vực này. Trải qua hàng ngàn năm, dưới những biến cố lịch sử, xã hội mà chủ yếu là do chiến tranh và mẫu thuẫn nội bộ, người Chăm không còn cư trú tập trung ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ mà phân bố rộng rãi ở khắp các tỉnh phía Nam Việt Nam và một số các quốc gia khác.
Ưu điểm :
- Tạo nên sự đa dạng văn hóa các dân tộc Việt nam : các lễ hội,tôn giáo tín ngưỡng,đình chùa trở thành các điểm đến du lịch cho du khách.
Nhược điểm :
- Những tộc người có số lượng ít dễ bị mai một bản sắc riêng,dễ bị chèn ép về đời sống,kinh tế,xã hội.
- Sự xung đột sắc tộc có thể xảy ra giữa các tộc người.
3.6. Các đối tượng văn hóa – thể thao
- Vùng tiêu biểu với các hoạt động văn hóa – thể thao nổi bật như:
+ hội chợ triển lãm + Festival
+ hội chợ thương mại
Tiêu biểu: 20 – 24/3/ 2015 sắp tới, tại Trung tâm Thể dục - Thể thao tỉnh Đồng Nai, tổ chức Hội chợ công nghệ - thiết bị vùng Đông Nam bộ (Techmart Đồng Nai 2015
+ đăng cai tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao : Giải xe đạp nữ quốc tế Bình Dương mở rộng, Giải vô địch billiards TP.Biên Hòa, …
Qua đó, xác định chính sách xúc tiến quảng bá, hướng đến hoạt động phân định các đối tượng khách trong nước và quốc tế để xây dựng các chương trình đặc sắc hấp dẫn trong các triển lãm, hội chợ, festival … thúc đẩy mức lưu trú và chi tiêu của du khách.
Kết luận:
Với nguồn tài nguyên tự nhiên, nguồn tài nguyên nhân văn phong phú, vùng Đông Nam Bộ có những điều kiện tất yếu để thúc đẩy phát triển các hoạt động du lịch nội vùng và liên vùng. Nhưng từ những chính sách trên trang giấy đến hoạt động thực tiễn còn là một chặng đường dài, cần rất nhiều sự chuyên tâm của những người dân địa phương, của các cơ quan nhà nước, và sự đầu tư hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong nước - nước ngoài. Hy vọng, một ngày không xa, các bạn ngồi đây là những hướng dẫn viên tương lai, bằng những nỗ lực không mệt mỏi của bản thân sẽ khiến cho du lịch vùng Đông Nam Bộ nói riêng và du lịch Việt Nam ngày càng phát triển.