Chương 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.3. Nguyên nhân làm suy giảm diện tích vùng đệm, những khó khăn trong công tác quản lý vùng đệm rừng trồng sản xuất
4.3.1. Nguyên nhân gây suy giảm diện tích vùng đệm
Địa bàn hoạt động và tổ chức sản xuất kinh doanh của Công ty Lâm nghiệp Bến Hải nằm trên nằm trên địa bàn 06 xã thuộc huyện Vĩnh Linh, giáp huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị và huyện Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình. Đại bộ phận dân cư trong khu vực sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, ngoài ra có một số dân cư phải làm thêm các ngành nghề phụ như: Khai thác gỗ, củi, thu nhặt phế liệu chiến tranh như sắt thép, mảnh bom đạn và các loại lâm sản phụ khác từ rừng, săn bắt động vật hoang dã trái phép, chăn nuôi trâu, bò để góp thêm nguồn thu nhằm ổn định đời sống. Trong những năm qua nhờ phong trào trồng rừng, bảo vệ rừng tốt đã làm cho nhiều hộ gia đình, cá nhân khá lên, mang lại nhiều công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên do đặc thù của sản xuất lâm nghiệp thời gian dài, vốn đầu tư ban đầu khá lớn, rủi ro thiên tai luôn rình rập
nên người dân gặp nhiều khó khăn.
Hàng năm Công ty phải xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vừng làm căn cứ để triển khai các kế hoạch sản xuất kinh doanh. Mặc dù phương án Quản lý rừng bền vững của Công ty đã có đề cập đến diện tích chừa lại, vị trí và biện pháp quản lý các diện tích vùng đệm, trên thực tế thực trạng quản lý vùng đệm rất phức tạp do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Về chủ quan, Công ty chưa lồng ghép được quy hoạch thiết kế đường vận xuất cho từng lô khoảnh khi hợp đồng trồng rừng với nhà thầu, thứ hai cán bộ giám sát kỹ thuật chưa thực sự hiểu rõ nguyên căn của việc mở đường vận xuất ảnh hưởng đến Vùng đệm, dẩn đến các nhà thầu đã tự ý mở đường vận xuất không đúng với các tiêu chí FSC.
Ngoài ra, hoạt động Trồng rừng của công ty cũng chưa bao quát được các bước triển khai trên hiện trường - trong đó có các hoạt động như đào hố, dọn thực bì thường xâm hại đến các diện tích vùng đệm ven ao hồ, khe suối…
Về phương diện khách quan, do người dân sinh sống ở vùng đệm còn nghèo nên các hoạt động chăn thả gia súc, khai thác gỗ làm nhà và thu hái củi nguyên liệu vẫn còn diễn ra…
Qua 8 năm tham gia chứng chỉ rừng FSC, Công ty đã đúc rút được 04 nguyên nhân nêu ở dưới, có thể thấy hai nguyên nhân Mở đường và Trồng rừng là do nội tại quản lý của công ty và công ty đã và đang khắc phục; còn 02 nguyên nhân: Xâm lấn và Chăn thả gia súc là do sinh kế cư dân vùng đệm.
4.3.1.1. Mở đường vận xuất khai thác gây xâm hại Vùng đệm
Mở đường vận xuất trong khai thác có tác động rất lớn đến môi trường, cũng như tác động đến khu vực vùng đệm mà Công ty đang quản lý, phần lớn Vùng đệm là là nơi trú ngụ, nơi sinh sản, kiếm thức ăn... của các loài động vật khi cáchoạt động lâm nghiệp diễn ra (Khai thác, mở đường, trồng rừng…).
Trong một thời gian dài trước khi tham gia chứng chỉ rừng FSC, Công ty chưa chú trọng đến việc mở đường vận xuất trong khai thác, mà chủ yếu do các nhà thầu tự thiết kế mở đường và không tuân theo quy trình nên đã ảnh
hưởng đến dòng chảy và các hệ sinh thái trong Vùng đệm.
Mở đường vận xuất song song hoặc băng qua với khe suối, Vùng đệm làm đất đá, cành nhánh khai thác gãy đổ xuống khu vực dòng chảy, dẩn đến ách tắc dòng chảy, phá hủy đai xanh Vùng đệm.
Việc mở đường vận xuất khai thác gây xâm hại đến Vùng đệm do những nguyên nhân sau:
- Các thủ thầu khai thác chưa thực sự hiểu rỏ tầm quan trọng và chức năng của vùng đệm trong việc bảo vệ đất đai, nguồn nước nên dẫn đến việc mở đường gây tác động tiêu cực đến chức năng của Vùng đệm;
- Chưa có quy trình khai thác và các điều khoản với Nhà thầu khai thác, đây là mâu thuẩn chính vì nhà thầu luôn mở đườngnhiều để tiết kiệm nhân công khai thác. Ngoài ra, do hồ sơ khai thác chưa đề cập đến diện tích Vùng đệm phải chừa lại nên các hoạt động khai thác và vận xuất đã làm hư hỏng và tàn phá hiện trạng của những diện tích vùng đệm chừa lại;
- Kỹ thuật giám sát và form giám sát chưa được thiết kế hợp lý nhằm thực sự phản ánh đúng thực trạng tại khu vực khai thác;
- Các chế tài sử phạt chưa nghiêm còn mang tính chất hình thức.
4.3.1.2. Lấn chiếm đất và khai thác cây bản địa trong vùng đệm
Từ năm 2011 đến nay, khi Công ty tham gia chứng chỉ rừng FSC thì toàn bộ diện tích Vùng đệm được chừa lại và nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại, lấn chiếm, nhưng đại bộ phận người dân chưa biết và cố tình đưa máy vào phát và trồng trên diện tích Vùng đệm. Với hình thức dùng máy múc cỡ nhỏ hoặc phát thủ công, thường tổ chức theo từng nhóm hộ khoảng 2 - 3 người tại các địa điểm hẻo lánh, đường xá hiểm trở gây khó khăn cho lực lượng tuần tra của bảo vệ rừng. Hầu hết tình trạng này xảy ra phổ biến ở các Công ty Lâm nghiệp và các ban quản lý rừng phòng hộ.
Việc lấn chiếm đất và khai thác cây bản địa trong vùng đệm do những
nguyên nhân sau:
- Công ty chưa đưa điện tích Vùng đệm vào hạng mục khoán bảo vê hàng năm cho từng đội sản xuất. không có chế tài xử phạt mà phải kết hợp giữa các ban ngành liên quan như Kiểm lâm, Công an và chính quyền địa phương;
- Người dân chưa ý thức được mục đích của việc chừa vùng đệm, tình trạng thiếu đất sản xuất, giá trị từ rừng và đất rừng ngày càng cao, thiếu Công ăn việc làm, thu nhập địa phương không ổn định và quan trọng là chính sách thu mua các loài cây tự nhiên của nhà máy Gỗ Công nghiệp.
4.3.1.3. Chăn thả gia súc gây hư hại vùng đệm
Tình trạng gia súc thả vào rừng diễn ra quanh năm, nhưng phần lớn tập trung nhiều nhất vào tháng 10 (âm lịch) đến tháng 2. Số lượng đàn lớn, mỗ đàn từ 60 - 70 con, phần lớn do người dân tự ý thả vào rừng. Khu vực trú ngụ thường là các khu vực Vùng đệm được chừa lại trong quá trình khai thác, làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tái sinh của cây bản địa.
Việc chăn thả gia súc gây hư hại vùng đệm do những nguyên nhân sau:
- Công ty chưa có chế tài xử phạt, lực lượng bảo vệ còn mỏng, số lượng đàn gia súc lớn;
- Tập quán chăn thả gia súc vào rừng không có sự chăn dắt, nuôi nhốt, chưa có quy hoạch nơi chăn thả, lợi nhuận đem lại từ việc chăn nuôi, lao động địa phương chủ yếu là nông nghiệp, thu nhập không ổn định.
4.3.1.4. Hoạt động trồng rừng gây suy giảm diện tích vùng đệm
Vì áp lực quỹ đất, áp lực về diện tích đất trồng rừng phục vụ cho sản xuất mà các đơn vị đã không ngần ngại khai hoang, mở rộng diện tích rừng trồng bằng mọi cách như là: Khai hoang, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp từ đất rừng nghèo kiệt sang đất trống, tận dụng triệt để những diện tích đất rừng ven khe suối, đất đầm lầy, hay những khu vực có độ dốc lớn…
để trồng rừng bán nguyên liệu.
Hoạt động trồng rừng gây suy giảm diện tích vùng đệm do những
nguyên nhân sau:
- Các nhà thầu và cả cán bộ kỹ thuật giám sát của Công ty chưa nhận thức và không hiểu rõ chức năng và tầm quan trọng của vùng đệm đối với việc bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất khỏi sạt lở xói mòn…;
- Áp lực về quỹ đất tại các chủ rừng, chưa hiểu hết được sự cần thiết của việc phải chừa Vùng đệm, giám sát của cán bộ kỹ thuật còn yếu, hồ sơ trồng rừng chưa thể hiện diện tích Vùng đệm cần phải chừa lại.