Vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong quá trình vận động hình thành đảng cộng sản Việt Nam

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC TRONG QUÁ TRÌNH VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP ĐẢNG (1930) (Trang 33 - 37)

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của Nhân dân Việt Nam. Ngay từ khi ra đời, Đảng đã có Cương lĩnh chính trị xác định đúng đắn con đường cách mạng là giải phóng dân tộc theo phương hướng cách mạng vô sản, chính là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra đời đã nắm được ngọn cờ lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, mở ra con đường và phương hướng phát triển mới cho đất nước Việt Nam suốt 90 năm

qua. Công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là:

Một là, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam - Con đường Cách mạng Vô sản.

Những chuyến đi, những cuộc khảo nghiệm, dấu chân Người từng in trên 3 đại dương, 4 châu lục và khoảng 30 quốc gia trong 10 năm (1911 - 1920). Quá trình thâm nhập thực tiễn rộng lớn đó đã giúp người thanh niên yêu nước nhận thức rõ hơn, khái quát hơn những vấn đề mang tính chất bước ngoặt quan trọng, đó là nhận ra diện mạo, bản chất của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân: ở đâu bọn đế quốc, thực dân cũng tàn bạo, độc ác; ở đâu những người lao động cũng bị bóc lột, áp bức nặng nề và “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”. Nhận ra bản chất của các cuộc cách mạng qua nghiên cứu các cuộc cách mạng của các nước tư bản chủ nghĩa: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản. Cách mệnh không đến nơi, không triệt để, tiếng nói là cộng hòa là dân chủ. Kỳ thực bên trong thì nó bóc lột công nông trong nước, ở ngoài thì áp bức thuộc địa”. Bắt gặp lý tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lênin: Người đã tìm thấy con đường cứu nước giải phóng cho dân tộc - con đường cách mạng vô sản. Sau này Người có kể lại: “Luận cương của Lênin đã làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo:

Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta”. Có thể khẳng định, chính chủ nghĩa yêu nước đã đưa Nguyễn Ái Quốc tìm đến lý tưởng cao quý của chủ nghĩa Mác - Lênin, với khát vọng mang lại hòa bình cho dân tộc, Người đưa ra những thông điệp mang giá trị vĩnh hằng, đó là những thông điệp về hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, đó chính là: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - con đường Người lựa chọn suốt 100 năm qua, nay vẫn là sợi chỉ đỏ, là kim chỉ nam cho hoạt động cách mạng Việt Nam.

Hai là, Người đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức cho sự ra đời của Đảng.

Sau khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, Người vừa tiếp tục hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp, nghiên cứu học tập, bổ sung và hoàn thiện tư tưởng cứu nước, vừa tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thành lập một Đảng cách mạng chân chính ở Việt Nam.

Về tư tưởng: Người truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam nhằm làm chuyển biến nhận thức của quần chúng, đặc biệt là giai cấp công nhân, làm cho hệ tư tưởng Mác - Lênin từng bước chiếm ưu thế trong đời sống xã hội, làm chuyển biến mạnh mẽ phong trào yêu nước xích dần đến lập trường của giai cấp công nhân.

Nội dung truyền bá là những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin được cụ thể hóa cho phù hợp với trình độ của các giai tầng trong xã hội. Người truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam không phải bằng các tác phẩm kinh điển, những cuốn sách lý luận đồ sộ mà bằng các tác phẩm ngắn gọn, dể hiểu, phù hợp với trình độ quần chúng. Những bài viết, bài giảng với lời văn giản dị, nội dung thiết thực đã nhanh chóng được truyền thụ đến quần chúng. Người đã vạch trần bản chất xấu xa, tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân thuộc địa, nhân dân Việt Nam; nêu lên mối quan hệ giữa cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc.

Người đã sử dụng những phương pháp thích hợp truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam: từ chỗ thức tỉnh đến định hướng hành động, rồi đào tạo đội ngũ những người tuyên truyền thông qua một tổ chức vừa tầm thích hợp. Những phương pháp tuyên truyền từ thấp lên cao, phù hợp với điều kiện một nước thuộc địa nửa phong kiến.

Về chính trị: Người phác thảo những vấn đề cơ bản của đường lối cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, thể hiện tập trung trong những bài giảng của Người cho những cán bộ cốt cán của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc). Năm 1927, được in thành sách lấy tên là “Đường Cách mệnh”. Những vấn đề then chốt trong tác phẩm có tác dụng lớn không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa Phương Đông. Những vấn đề đó là: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chủ yếu là công nông, vì vậy phải tổ chức quần chúng lại; cách mạng muốn thành công phải có một Đảng Cộng sản lãnh đạo; phải có đường lối và phương pháp cách mạng đúng; cách mạng giải phóng dân tộc phải liên hệ chặt chẽ với cách mạng vô sản thế giới…Người chỉ rõ: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải lấy dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền; phải bền gan, phải hy sinh; phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”

Người nêu lên những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam như tính chất giải phóng dân tộc của cách mạng, những động lực chủ yếu của nó - công nhân và nông dân là “gốc cách mệnh”, “học trò, nhà buôn, điền chủ nhỏ” là bầu bạn cách mệnh của công nông. Những luận điểm đó là nền tảng hình thành liên minh công nông và mặt trận dân tộc thống nhất trong cách mạng dân tộc giải phóng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Người còn nêu quan điểm cực kỳ quan trọng: Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng.

Người xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới: “An Nam dân tộc cách mệnh thành công thì tư bản Pháp yếu, tư bản Pháp yếu thì công nông Pháp làm giai cấp cách mệnh cũng dễ’’ và “ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả”. Luận điểm trên là cụ thể hóa và phát triển quan điểm của Người đã nêu trước đây về tính chủ động và khả năng thắng lợi trước của cách mạng thuộc địa đối với cách mạng chính quốc. Những nội dung đó đem đến cho quần chúng niềm tin, quyết tâm chủ động đứng lên làm cách mạng cứu nước, cứu nhà.

Tác phẩm Đường cách mệnh có giá trị rất lớn trên phương diện lý luận và thực tiễn. Nó đóng vai trò chủ đạo trong việc truyền bá tư tưởng cách mạng của Người vào Việt Nam, chỉ rõ con đường và biện pháp để nhân dân ta đấu tranh giành độc lập, tự do; đặt cơ sở khoa học cho việc hình thành đường lối chiến lược của cách mạng nước ta. Nó là ngọn cờ dẫn dắt cách mạng Việt Nam trong thời kỳ vận động thành lập Đảng, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối của cách mạng Việt Nam, vạch ra phương hướng cho cách mạng nước ta đi vào quỹ đạo của cách mạng vô sản thế giới, góp phần chuẩn bị về chính trị, tư tưởng cho việc thành lập Đảng; là thành công nổi bật của Người trong chuẩn bị về chính trị và tư tưởng.

Về tổ chức: cùng với việc truyền bá lý luận chính trị để chuẩn bị cho sự ra đời của một chính Đảng, Người đã dày công chuẩn bị về mặt tổ chức đó là huấn luyện, đào tạo cán bộ, từ các lớp huấn luyện do Người tiến hành ở Quảng Châu (Trung Quốc) tiến tới thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (6-1925) để vừa chuẩn bị cán bộ, vừa truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây là một tổ chức tiền thân có tính chất quá độ, vừa tầm, thích hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam bấy giờ. Nó giúp cho những người Việt Nam yêu nước xuất thân từ các thành phần, tầng lớp dễ tiếp thu tư tưởng cách mạng của Người, phản ánh tư duy sáng tạo và là thành công của Người trong chuẩn bị về mặt tổ chức cho Đảng ra đời.

Chính những thanh niên yêu nước và sục sôi hoài bão cách mạng trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã thực hiện phong trào “vô sản hoá” để đi sâu vào phong trào đấu tranh của quần chúng, truyền bá lý luận Mác - Lênin và đường lối cách mạng đúng đắn vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, giác ngộ họ và tổ chức họ đấu tranh cách mạng một cách tự giác. Đồng thời, thông qua “vô sản hoá” lớp lớp thanh niên yêu nước được rèn luyện trong thực tiễn, giác ngộ lập trường giai cấp công nhân sâu sắc, hiểu rõ nguyện vọng, lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ, tiến tới sự ra đời của các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, tạo điều kiện chín muồi và hợp qui luật cho sự ra đời của Đảng.

Như vậy, có thể thấy rằng Người đã chuẩn bị đầy đủ về tư tưởng, chính trị và tổ chức, là một sáng tạo lớn và vững chắc cho việc ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930. Đó là thành quả tất yếu của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giữ vai trò là người kiến tạo và sáng lập. Điều đó càng làm sáng tỏ thêm vai trò to lớn của tầm cao tư tưởng và phương pháp hoạt động thực tiễn của Người trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Thứ ba, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng trong nước đòi hỏi phải có một đảng cách mạng tiên phong đủ sức lãnh đạo và đưa phong trào tiếp tục tiến lên. Từ giữa năm 1929 đến đầu năm 1930, trong bối cảnh tổ chức Hội Việt nam cách mạng thanh niên có sự phân hóa và mất dần vai trò lãnh đạo cách

mạng, ở Việt Nam đã lần lượt xuất hiện ba tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản đảng (17.6.1929), An Nam Cộng sản đảng (tháng 11.1929) và Đông Dương Cộng sản liên đoàn (1.1.1930).

Chỉ trong một thời gian ngắn ở Việt Nam đã có ba tổ chức cộng sản được tuyên bố thành lập. Điều đó phản ánh xu thế tất yếu của phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam. Song sự tồn tại của ba tổ chức cộng sản không tránh khỏi phân tán về lực lượng và thiếu thống nhất về tổ chức. Yêu cầu bức thiết đặt ra là chấm dứt hiện tượng biệt phái, chia rẽ giữa các nhóm cộng sản, phải thống nhất các tổ chức cộng sản thành một chính đảng duy nhất ở Việt Nam. Nhiệm vụ đó đặt lên vai Nguyễn Ái Quốc, người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam, người duy nhất có đủ năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử:

Thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam.

Nắm bắt được tình hình trong nước, thực hiện sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc rời Xiêm (Thái Lan) trở lại Trung Quốc, triệu tập Hội nghị đại biểu các tổ chức cộng sản để thống nhất tổ chức, thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Dưới sự chủ tọa của Người, Hội nghị đã họp từ ngày 6.1 đến ngày 7.2.1930, trong cǎn phòng nhỏ của một người công nhân ở Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc). Tham gia Hội nghị có các đồng chí Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh (đại biểu Đông Dương Cộng sản đảng); Nguyễn Thiệu, Châu Văn Liêm (đại biểu (An Nam Cộng sản đảng). Đại biểu Đông Dương cộng sản liên đoàn không tham dự Hội nghị vì vừa mới được thành lập. Sau hơn một tháng làm việc khẩn trương trong hoàn cảnh bí mật, Hội nghị đã quyết định thống nhất các tổ chức cộng sản, thành lập một đảng cộng sản chân chính duy nhất ở Việt Nam lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam; thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng.

Đến ngày 24.2.1930, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời đã họp quyết định chấp nhận đơn xin gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam của Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Từ đây, cả ba tổ chức cộng sản Việt Nam đã thống nhất trọn vẹn vào một Đảng cộng sản duy nhất. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam (ngày 10.9.1960), quyết nghị lấy ngày 3.2.1930 là Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Có thể nói vai trò của Nguyễn Ái Quốc thể hiện ở việc sau khi tìm thấy, lựa chọn con đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không chỉ hoạt động khẩn trương, tích cực, sáng tạo, chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng, tổ chức để dẫn tới ra đời các tổ chức cộng sản ở Việt Nam mà còn nhạy cảm, nắm bắt được tình hình cách mạng trong nước để triệu tập Hội nghị các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta.

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC TRONG QUÁ TRÌNH VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP ĐẢNG (1930) (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(60 trang)
w