Cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam được hợp thành từ 4 tác phẩm: Chính cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng và Điều lệ vắn tắt của Đảng.
Hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm:
Tháng 3-1929, Chi bộ cộng sản đầu tiên ra đời tại Hà Nội. Tại Đại hội lần thứ I của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đoàn đại biểu Bắc Kỳ đưa vấn đề thành lập Đảng Cộng sản ra thảo luận. Đề nghị đó không được Đại hội chấp nhận, đoàn đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ bỏ Đại hội ra về và xúc tiến thành lập Đảng Cộng sản. Tháng 6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời tại Hà Nội và nhanh chóng phát triển vào Trung Kỳ và Nam Kỳ. Trước ảnh hưởng của Đông Dương Cộng sản Đảng, tháng 7-1929 An Nam Cộng sản Đảng được thành lập. Tháng 9-1929, những đảng viên ưu tú của Đảng Tân Việt cũng tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn.
Sự xuất hiện cùng lúc nhiều tổ chức cộng sản tạo ra nguy cơ chia rẽ phong trào công nhân và làm suy yếu phong trào cách mạng ở Việt Nam. Trước tình hình ấy, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động và kịp thời từ Xiêm (Thái Lan) đi Hương Cảng, gửi thư về nước, mời đại diện của các tổ chức cộng sản sang đó bàn việc hợp nhất. Tham gia Hội nghị có đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng, còn Đông Dương Cộng sản liên đoàn không kịp cử đại biểu đến dự, sau Hội nghị này đã xin gia nhập vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại Hội nghị, Nguyễn Ái Quốc, với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản, đã phân tích và chỉ ra trách nhiệm của Đảng trước phong trào công nhân và dân tộc, yêu cầu xoá bỏ thành kiến, chia rẽ để hợp nhất thành một đảng cộng sản duy nhất. Các đại biểu đã tán thành đề nghị của Người, tiến hành tự phê bình và đi tới hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau thời gian làm việc khẩn trương, Hội nghị đã thảo luận và thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.
Nội dung chủ yếu của các tác phẩm:
a) Chánh cương vắn tắt của Đảng xác định các giai đoạn, đối tượng và nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền ở Việt Nam
Chánh cương vắn tắt của Đảng, do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, nêu rõ chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Tiến trình cách mạng Việt Nam gồm hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất là tư sản dân quyền cách mạng trong đó có nhiệm vụ thổ địa cách mạng và giai đoạn thứ hai là thế giới cách mạng để đi tới xã hội cộng sản.
Chánh cương vắn tắt khẳng định đế quốc và phong kiến đều là đối tượng phải đánh đổ trong cách mạng dân tộc dân chủ, nhưng hai nhiệm vụ này không thực hiện đồng loạt.
Nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc phải đặt lên hàng đầu, còn nhiệm vụ chống phong kiến, đem lại ruộng đất cho dân cày sẽ thực hiện từng bước, nhằm tập trung vào kẻ thù chính là bọn đế quốc xâm lược và bọn phong kiến tay sai.
Chánh cương vắn tắt chỉ rõ những nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn tư sản dân quyền cách mạng về các phương diện xã hội, chính trị và kinh tế.Chánh cương xác định, về phương diện xã hội là dân chúng được tự do tổ chức, nam nữ bình quyền, phổ thông giáo dục theo công nông hoá; về phương diện chính trị cách mạng Việt Nam có nhiệm vụ đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập, dựng ra chính phủ công - nông binh, tổ chức ra quân đội công nông; về phương diện kinh tế phải thu hết sản nghiệp lớn như công nghiệp, vận tải, ngân hàng, v.v. của đế quốc Pháp giao cho Chính phủ công - nông binh quản lý, thu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo, v.v..
b) “Sách lược vắn tắt của Đảng” đề ra đường lối tập hợp và lôi kéo quần chúng
Sách lược vắn tắt của Đảng, do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, gồm năm điểm, xác định Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình và làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng. Đồng thời, Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng, đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến. Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung
nông, Thanh niên và Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe giai cấp vô sản. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, rồi làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng thì phải đánh đổ.
Xuất phát từ đường lối đã xác định trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt chủ trương thu hút rộng rãi các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết rộng rãi của toàn dân tộc chống đế quốc. Đồng thời, Sách lược vắn tắt vẫn nhấn mạnh nguyên tắc hợp tác giai cấp của Đảng, trong khi liên lạc với các giai cấp, phải thận trọng, không nhượng bộ một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào con đường thoả hiệp. Đảng phải đồng thời tuyên truyền và liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới, nhất là giai cấp vô sản Pháp.
c) “Chương trình tóm tắt của Đảng” nêu những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng trong giai đoạn tư sản dân quyền cách mạng
Chương trình tóm tắt của Đảng, do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, cũng gồm năm điểm, trong đó xác định những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách về xây dựng Đảng; về tập hợp quần chúng công nông chuẩn bị thổ địa cách mạng và lật đổ bọn địa chủ và phong kiến; làm cho công nông thoát khỏi ách của tư bản; lôi kéo, tập hợp các tầng lớp tiểu tư sản, tư sản bậc trung, trí thức và trung nông v.v., đánh đổ bọn phản cách mạng v.v.; đoàn kết, hợp tác giai cấp nhưng không hy sinh lợi ích của công nông; nêu khẩu hiệu "Việt Nam tự do"; đoàn kết với vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, nhất là vô sản Pháp.
d) “Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam” quy định những vấn đề quan trọng về mục tiêu, tổ chức, hoạt động và kỷ luật của Đảng
Điều lệ vắn tắt của Đảng, do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, xác định tên gọi, tôn chỉ mục đích, điều lệ vào Đảng, hệ thống tổ chức, trách nhiệm đảng viên, quyền lợi đảng viên, các cấp uỷ Đảng, kinh phí và kỷ luật của Đảng. Những vấn đề ghi trong Điều lệ vắn tắt của Đảng đã xác định tính chất và nguyên tắc tổ chức của chính đảng mácxít chân chính và cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam.
Ý nghĩa của các tác phẩm:
Các tác phẩm, các văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, là sự kế thừa và kết tinh những quan điểm lý luận mà Nguyễn Ái Quốc đã nêu lên trong Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ và Đường cách mệnh. Với sự ra đời của các tác phẩm này, đường lối và phương pháp, chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam - nhất là của cách mạng giải phóng dân tộc, tính chất và nguyên tắc tổ chức Đảng - đội tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam đã được hình thành và từng bước cụ thể hoá. Đây thực sự là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, có ý nghĩa chỉ đạo đối với toàn bộ quá trình cách mạng, nhất là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam. Các tác phẩm này thể hiện tinh thần cách mạng triệt để và sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc khi kết hợp lý luận với thực tiễn, nhất là vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào việc giải quyết mối quan hệ dân tộc và giai cấp trong cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường của cách mạng vô sản. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam, trước hết là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã chứng minh tính khoa học và cách mạng của những tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc trong các tác phẩm quan trọng này.