B. Những điểm dị biệt
Trong thành phần tên người Việt Nam, giữa tên họ và tên chính, có thể có một hay hai từ ngữ mà cho đến nay các nhà ngôn ngữ học cũng như tính danh học chưa thống nhất gọi là gì. Nhà ngữ học Nguyễn Bạt Tụy và Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy gọi là tiếng lót, Giáo sư Hà Mai Phương gọi là tên đệm hay tên lót. Chúng
tôi gọi từ này là tên đệm, vì nó là thành phần ở giữa của tên. Từ ngữ tiếng lót không gợi ý niệm tên, trong khi tên đệm thực sự là thành phần của tên.
Mục đích nghiên cứu của chương này là tìm hiểu nguồn gốc, hình thức, và công dụng tên đệm của người tây phương và Việt Nam. Do đó, nội dung chương ba sẽ gồm ba mục: mục một: tên đệm của người Việt Nam, mục hai: tên đệm người tây phương, mục ba: so sánh tên đệm người tây phương và Việt Nam.
MỤC I : TÊN ĐỆM CỦA NGƯỜI VIỆT NAM
Ðể tìm hiểu tên đệm của người Việt Nam, nội dung mục một sẽ tìm hiểu: (a) nguồn gốc tên đệm, (b) hình thức tên đệm, (c) nhiệm vụ tên đệm của người Việt Nam.
TIẾT A: NGUỒN GỐC TÊN ĐỆM NGƯỜI VIỆT NAM
Dân Việt bắt đầu dùng tên đệm từ bao giờ? Đó là câu hỏi rất khó trả lời vì không có sử liệu nào nói về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu xét tên các nhân vật lịch sử thì thấy hầu hết tên người trong giai đoạn dựng nước, chỉ có tên họ và tên chính, không có tên đệm. Cứ theo sử cũ, các vua Hùng đều không có tên đệm:
Hùng Dương (Lộc Tục), Hùng Hiến, Hùng Lân, Hùng Việp. Đến nhà Thục ta có Thục Phán. Sang nhà Triệu ta có Triệu Đà. Đến hai bà Trưng ta có Trưng Trắc, Trưng Nhị. Về các nhân vật lịch sử khác ta có Lữ Gia, Lý Tiến, Lý Cầm. Sang thời Sĩ Nhiếp có Sĩ Khuông, Sĩ Hâm, Sĩ Huy.
Trước thời Lý Bôn, ta thấy rất ít người có tên đệm. Một vài nhân vật như Triệu Thị Trinh tức bà Triệu, Lý Ông Trọng là có tên đệm. Sau thời Lý Bôn (544-602) thấy rải rác một số nhân vật lịch sử có tên đệm. Điều đó chứng tỏ khi xưa việc đặt tên đệm chưa phổ thông lắm. Chúng ta có hai dữ kiện lịch sử để hỗ trợ cho nhận xét này. Thứ nhất là vấn đề tên đệm tại Trung Quốc. Thứ hai là việc phổ biến Hán tự tại Việt nam.
Tại Trung Quốc, vào triều đại tiền Hán, Vương Mãng ra lệnh dân chúng không ai được đặt tên đệm. Gia đình nào bị đặt tên đệm thì đó là điều nhục nhã cho gia đình ấy. Cháu của Vương Mãng là Vương Hội Tông, khi nhận được lệnh này, đã đổi lại là Vương Tông. Đến khi Vương Tông phạm tội, phải tự sát thì Vương Mãng bắt người ta gọi Vương Tông là Vương Hội Tông để hạ nhục[1]. Sự kiện người Trung Quốc thời Hán không có tên đệm có thể kiểm chứng qua các nhân vật trong Tam Quốc Chí. Hầu như hoàn toàn các nhân vật trong chuyện này đều không có tên đệm, như các ông Viên Thiệu, Viên Thuật, Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền, Tôn Càn, Bàng Thống, Từ Thứ, Triệu Vân, Trương Phi, Quan Công, Hàn Hạo, Lỗ Túc, Lã Bố, Điêu Thuyền, Hoàng Trung v.v…Nếu có gặp các tên như Lã Phụng Tiên thì đó là tên tự của Lã Bố, hay Trương Dực Đức là tên tự của Trương Phi, hay Tôn Trọng Mưu là tên tự của Tôn Quyền. Các tên khác như Tư Mã Ý, Công Tôn Toản, Hạ Hầu Đôn, Gia Cát Lượng, Thái Sử Từ cũng là tên đơn vì Tư Mã, Công Tôn, Hạ Hầu, Gia Cát, Thái Sử là các tên họ kép tại Trung Quốc mà chúng tôi đã nói trong chương hai.
Sự kiện thứ hai chứng minh cho việc Việt Nam không có tên đệm trong những thế kỷ đầu sau Công Nguyên là việc truyền bá chữ Hán tại Việt Nam. Cứ theo sử cũ, Việt Nam bắt đầu dùng chữ Hán trong giấy tờ hành chánh vào thời nhà Triệu. Nhưng việc dậy chữ Hán bắt đầu mạnh vào thời Sĩ Nhiếp, tức vào khoảng thế kỷ thứ ba trở đi.
Trong khi đó tên đệm người Việt Nam hầu hết là các từ Hán Việt, tức thứ chữ nho đọc theo giọng Việt Nam. Muốn được vậy, chắc chắn dân ta phải nhuần nhuyễn chữ Hán lắm. Điều đó có nghĩa là phải mất thời gian khá dài. Vậy cứ theo hai dữ kiện trên, ta có thể tạm thời kết luận là tên đệm của người Việt Nam chỉ được thông dụng vào khoảng từ thế kỷ thứ 6 trở đi.
TIẾT B: HÌNH THỨC TÊN ĐỆM NGƯỜI VIỆT NAM
Về hình thức, tên đệm người Việt Nam có thể là: Một từ ngữ: Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương, Hoàng Kim Vui. Hai từ ngữ : Lê Thanh Minh Châu, Đỗ Văn Quang Minh. Rất họa hiếm người Việt Nam có ba từ ngữ. Tại nghĩa trang Oak Hill ở San Jose, California, trên mộ phần một em bé, chúng tôi đọc thấy Nguyễn Hoàng Gia Anh Quốc. Dù một, hai hay ba, tất cả đều gọi là tên đệm. Tuy nhiên, xét về mặt liên kết
với các thành phần khác trong tên, tên đệm có thể là thành phần độc lập, cũng có thể liên kết với tên họ hoặc với tên chính:
1. Tên Đệm Đứng Độc Lập: Là loại tên đệm không phối hợp được với tên họ hay tên chính để làm thành từ ngữ kép. Ví dụ Nguyễn Đình Chiểu, Lê Văn Trương. Từ ngữ Đình hay Văn không thể phối hợp với tên họ, hoặc tên chính để làm thành từ ngữ kép có ý nghĩa rộng hơn.
2. Tên Đệm Phối Hợp Với Tên Chính: Hầu hết tên
chính người Việt Nam xuất phát từ nguồn gốc Hán Việt, và trong văn chương, các từ ngữ này được coi là hay hơn các từ Nôm. Do đó, các bậc cha mẹ, khi đặt tên cho con, đã cố gắng lựa tên đệm nào có thể đi chung với tên chính để có ý nghĩa rộng hơn, tốt đẹp hơn như Nguyễn Văn Quang Minh, Trần Hùng Dũng, Lê Phú Quý, Nguyễn Văn Thông Minh, Lê An Bình, Trần Thị Xuân Hương, Phan Thanh Giản, Huỳnh Ngọc Diệp.
3. Tên Đệm Phối Hợp Với Tên Họ: Rất ít tên người Việt có tên đệm phối hợp được với tên họ để làm thành từ ngữ kép có ý nghĩa. Ngoại trừ một số họ như Hoàng, Võ. Ví dụ Hoàng Kim Vui. Võ Văn Trung. Tên đệm Kim phải đi chung với từ ngữ Hoàng, thành Hoàng Kim mới có ý nghĩa vì cả hai đều là từ ngữ Hán Việt.
Nếu từ Kim đi chung với từ Vui thì không có nghĩa. Còn hai từ Võ Văn có thể hiểu là người văn võ kiêm toàn.
4. Tên Đệm Có Hai Chữ, Một Đứng Độc Lập, Một Phối Hợp Với Tên Chính: Ta lấy một ví dụ cụ thể như tên anh Đỗ Văn Quang Minh. Trường hợp này ta có tên đệm Văn đứng độc lập, têm đệm thứ hai là Quang đi với tên chính là Minh, làm thành Quang Minh, nghĩa là sáng sủa.
TIẾT C: NHIỆM VỤ TÊN ĐỆM NGƯỜI VIỆT NAM
Đối với người Việt Nam, tên đệm rất quan trọng, nếu đã có, không thể bỏ đi, vì có phần vụ rõ ràng. Phân tích ý hướng dân gian, ta thấy tên đệm có sáu nhiệm vụ sau: (1) Tên đệm để phân biệt nam nữ, (2) Tên đệm để phân biệt gia tộc, (3) Tên đệm để phân biệt nội ngoại, (4)Tên đệm để phân biệt thứ cấp, (5) Tên đệm phối hợp với tên họ hay tên chính để có ý nghĩa rộng hơn, (6) Tên đệm thành tên chính.
1. Tên Đệm Để Phân Biệt Nam Hay Nữ: Tại tây phương, đọc tên một cá nhân, người ta thường biết được đó là đàn ông hay đàn bà vì tên chính đàn bà khác đàn ông. Ngược lại, tại Việt Nam, gặp tên Minh chẳng hạn, ta không thể quyết đoán đây là đàn ông hay đàn bà. Do vậy, dân gian đã có kiểu thức đặt tên đệm để phân biệt nam hay nữ.
a. Tên đệm trong tên nữ giới: Khi Hán tự còn phổ thông người ta thường chọn ba tiếng sau đây để làm tên đệm cho nữ giới. Đó là Thị, Diệu, Nữ. Xét về cấu trúc Hán tự, hai chữ Diệu và Nữ đều có chung một ngữ căn là chữ Nữ. Riêng chữ Diệu có nghĩa là đẹp, khéo léo, một đức tính vốn có của nữ giới. Trong ba chữ đó, chữ Thị được sử dụng rất sớm và có nghĩa là dòng họ. Sử liệu cho thấy bà Triệu có tên chính là Triệu Thị Trinh. Nghiên cứu về chữ Thị, ta thấy dân gian có hai khuynh hướng: Khuynh hướng chữ Hán và khuynh hướng chữ Nôm.
Khuynh hướng chữ Hán tức theo tinh thần Trung Quốc, chữ Thị đi với tên họ. Ví dụ Cù Thị, người đàn bà lịch sử thời Lữ Gia, không phải tên chính là Thị mà chỉ có nghĩa là người đàn bà họ Cù. Trong các cổ thư như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tên đàn bà được ghi là Trần Thị, Đặng Thị. Ngoài dân gian, trên các bia mộ, người ta thấy: Trần Thị Chi Mộ nghĩa là mộ phần người đàn bà họ Trần.
Khuynh hướng chữ Nôm, tức theo tinh thần Việt Nam, chữ Thị đi với tên chính. Nhân vật Thị Mầu, Thị Kính trong truyện Quan Âm Thị Kính là một bằng chứng cụ thể. Để chỉ người đàn bà nói chung, dân gian thường nói Thị Mẹt.
Tại Huế, các gia đình nho gia, học thức thường dùng chữ Diệu hay Nữ thay cho chữ Thị. Ngày nay, nhiều gia đình và chính bản thân người phụ nữ coi chữ Thị không được ra vẻ lắm, cho là quê mùa, nên càng ngày càng có khuynh hướng bỏ hẳn chữ Thị trong tên đàn bà. Điều này chẳng qua là vấn đề tâm lý xã hội, vì bản chất chữ Thị chẳng có gì xấu, chỉ vì tên người nào cũng đệm chữ Thị, thành ra chữ Thị bị mất giá. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao tên đàn bà Trung Quốc không đệm chữ Thị, mà tên đàn bà Việt Nam lại luôn luôn đệm chữ Thị?
Hiện nay chúng tôi chưa có sử liệu nào để trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, theo sự suy luận, có lẽ tên người đàn bà Trung Quốc không đệm chữ Thị vì trong tiếng Hán thời Tam Ðại, Thị để chỉ đàn ông và Tính để chỉ đàn bà[2]. Và khi người con gái đi lấy chồng, theo phong tục Trung Quốc, bà sẽ lấy họ chồng rồi đệm chữ Thị, và được gọi là Trần Thị phu nhân, Vương Thị phu nhân, nghĩa là bà vợ ông họ Trần, bà vợ ông họ Vương. Chữ Thị trong trường hợp này có nghĩa là họ. Đối với Việt Nam, khi ý nghĩa chữ Thị đã bị biến đổi, trở thành tiếng chỉ đàn bà, thì các cụ dùng chữ này làm tên đệm cho nữ giới để phân biệt nam nữ.
b.Tên đệm trong tên đàn ông: Trong tên đàn ông Việt Nam, từ ngữ nào cũng có thể là tên đệm, nhưng nhất định không bao giờ là chữ Thị. Tiếng thông dụng nhất là tiếng Văn. Trong khi tiếng Văn là tiếng độc quyền của đàn ông Việt Nam thì tại Trung Quốc, tiếng Văn cũng được dùng trong tên đàn bà. Nàng Trác Văn Quân, vì nghe nhạc khúc Phụng Cầu Hoàng mà trở thành người tình của Tư Mã Tương Như, là một ví dụ điển hình. Tại sao từ ngữ Văn lại thông dụng như vậy? Muốn giải thích vấn đề này, ta phải trở về với quan niệm phân chia giai cấp trong xã hội cổ truyền Việt Nam.
Bốn giai cấp trong xã hội cổ truyền là sĩ, nông, công, thương. Giai cấp sĩ là giai cấp cao nhất, được kính trọng hơn cả. Ðiều kiện cần thiết để bước vào giai cấp này là văn, hiểu một cách rộng rãi là phải có văn chương chữ nghĩa. Do điều kiện này mà các bậc cha mẹ mong ước cho con có văn chương chữ nghĩa để bước vào giai cấp trên. Ước vọng này thể hiện qua việc đặt chữ văn trong thành phần tên của con. Chữ văn trở nên thông dụng đến độ làm ý nghĩa của nó trở nên mập mờ và lạm dụng. Ví dụ một ông Trần Văn Hóa, Nguyễn Văn Minh nào đó lại không biết đọc, biết viết. Đó là lời phê bình của nhiều nhà tính danh học Việt Nam. Phê bình như vậy là đứng trên quan điểm của người đã hiểu ý nghĩa chữ văn để lý luận. Thực ra, khi xưa, đa số dân gian bị thất học, không hiểu ý nghĩa chữ Văn, mà chỉ biết đại khái chữ Văn chỉ đàn ông, chữ Thị chỉ đàn bà. Sự hiểu biết này được thể hiện qua tập tục nói tên. Theo tập tục này, khi người Việt muốn nói tên kép của một người nào đó, mà không biết tên đệm, chỉ biết tên chính, họ áp dụng ngay nguyên tắc đặt chữ Văn vào trước tên chính như Văn Đức, Văn Hiệp. Người nghe mặc nhiên hiểu đó là ông Đức, ông Hiệp. Cũng như nói Thị Mẹt, người nghe mặc nhiên hiểu đó là đàn bà.
Điều đáng chú ý là ngày xưa đa số người ít học ở nông thôn hay giới quân nhân thường dùng chữ Văn làm tên đệm. Bằng chứng là dưới thời Nguyễn Phúc Ánh đánh Tây Sơn, trong danh sách 401 binh sĩ được thờ tại đền Tinh Trung ở phủ Diên Khánh, chúng tôi đếm được 384 người có tên đệm Văn, 17 người không đệm chữ văn[3]. Như vậy tỷ lệ đàn ông thời xưa đệm chữ văn chiếm khoảng 96%.
Trái lại, đại đa số giới trí thức Việt Nam, xưa cũng như nay, đều không dùng chữ văn. Bằng chứng là đọc các cổ thư như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, An Nam Chí Lược, Đại Nam Liệt Truyện, ta thấy hầu hết các nhân vật trong các sách trên là các văn quan, đều không dùng tiếng văn làm tên đệm. Năm 2002, chúng tôi phân tích một danh sách 415 linh mục trên mạng lưới điện toán ở địa chỉ www.Vietcatholic. net. Kết quả cho thấy có 22 trên tổng số 415 vị là dùng tiếng Văn làm tên đệm. Nếu định lượng hóa, tỷ lệ người dùng chữ văn trong giới trí thức hiện nay là 5%.
2. Tên Đệm Để Phân Biệt Gia Tộc Hay Chi Họ: Như đã trình bày trong chương trước, Việt Nam có khoảng 10 họ là phổ thông nhất. Do đó, không phải bất cứ ai cùng họ cũng đều từ một ông tổ hay một gia tộc mà ra. Để tránh ngộ nhận, nhiều gia tộc dùng tên đệm để phân biệt gia tộc hoặc chi họ. Theo tác giả Cuisinier, người Mường tích cực áp dụng tập tục này. Thí dụ người Mường có các họ Cao Viết, Đinh Công, Đinh Thế, Đinh Văn, Quách Ngay, Quách Đình ở Hòa Bình, họ Phạm Bá, Phạm Văn ở Thanh Hóa[4].Theo bản tin :”Làng Không Mang Họ” trong báo Gia Ðình và Xã Hội”đăng trên http://www.vnn.vn, xã Liên Khê huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên có 13 dòng họ trong đó 9 dòng mang họ Ðỗ. Ðể phân biệt, họ dùng tên đệm: Ðỗ Trảng, Ðỗ Bá, Ðỗ Trọng, Ðỗ Thúc, Ðỗ Quang v.v..Các vị trưởng tộc cho rằng Ðỗ không phải là tên họ mà các tên đệm : Trảng, Trọng, Bá, Thúc, Quang v.v… mới là tên họ. Từ đó các cụ xin đổi tên họ mới là Trảng, Trọng, Bá. Thúc.
Theo thiển ý, đây là chuyện hiểu lầm vì như chúng tôi đã nói ở phần tên họ ghép, khi thành lập làng, thường chỉ có một hai dòng họ. Ðến khi gia tộc phát triển, các cụ dùng tên đệm để phân biệt chi phái. Bằng chứng là các tên đệm: Bá, Trọng, Thúc là các từ chỉ thứ cấp trong thân tộc. Các cụ cũng nại ra lý do con gái làng này có tục lệ lấy tên đệm làm họ, như Trảng Thị Hoa, Trọng Thị Nhung v.v…Từ đó các cụ cho rằng từ Trảng mới là tên họ. Ðây lại là chuyện hiểu lầm vì xưa có quan niệm nữ nhân ngoại tộc. Tổ tiên làng Liên
Khê xưa không để nữ nhân mang dòng họ Ðỗ mà lấy tên đệm làm tên họ “tạm” với ý nghĩa người đàn bà này thuộc chi phái Trảng, Trọng, Thúc, Bá của dòng họ Ðỗ.
Đối với khối người kinh, nhiều gia đình cũng áp dụng nguyên tắc này. Bằng chứng là nhiều gia tộc khi viết gia phả, đều ghi cả tên họ và tên đệm như gia phả họ Trần Đình, gia phả họ Bùi Thái, Hoàng Ngọc. Vấn đề này đã được chúng tôi đã trình bày kỹ ở chương hai, Tiết mục E: Tên Họ Ghép Ðể Biểu Lộ Ý Niệm Huyết Thống.
3. Tên Ðệm Ðể Phân Biệt Liên Hệ Nội Ngoại: Trong xã hội cổ truyền Việt Nam, người phụ nữ bị coi là
“nữ nhân ngoại tộc”, nghĩa là “con gái là con người ta” nên không được đặt tên đệm giống tên của các anh em trai ruột thịt. Ví dụ điển hình là gia đình của ban hợp ca Thăng Long, nổi tiếng vào những thập niên 60, 70. Chỉ tên con trai được đệm chữ Ðình, tên con gái đệm chữ Thị. Thân phụ ca sĩ Mai Hương là cụ Phạm Ðình Sỹ, sau đó, đến cụ Phạm Ðình Chương, tức Hoài Bắc, rồi cụ Phạm Ðình Viêm, tức Hoài Trung. Còn hai chị em gia đình này là các cụ bà Phạm Thị Thái Hằng, vợ của nhạc sĩ Phạm Duy, cụ bà Phạm Thị Thái Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.
4. Tên Đệm Để Phân Biệt Vai Vế Trong Gia Tộc: Hậu quả tất nhiên của chế độ đa thê trong xã hội cổ truyền là gia đình với cảnh con đàn cháu đống. Thêm vào đó, đơn vị xã hội nước ta không phải là cá nhân, mà là gia đình. Những chuyện lũy đại đồng đường theo kiểu gia đình Trương Công Nghệ vẫn được truyền tụng trong dân gian như một khuôn mẫu lý tưởng. Từ đó, người ta thấy cần thiết phải phân biệt ngôi thứ trong họ hàng bằng cách đặt tên đệm cho mỗi người trong gia tộc. Tập tục này có từ thời đầu nhà Hán[5]. và sáng kiến này quả thực là nét độc đáo, nó vừa đề cao sự thống nhất gia đình, vừa tách rời cá nhân ra khỏi tập thể, đồng thời giúp cho việc xác định thứ vị trong việc thờ cúng tổ tiên được dễ dàng. Mỗi giai cấp xã hội áp dụng cách thức khác nhau:
a. Cách thức của đa số dân gian: Khi xưa dân gian thường dùng 5 từ ngữ thân tộc là Bá, Mạnh, Trọng, Thúc, Quý làm tên đệm để phân biệt con bác, con chú. Con người anh cả đệm chữ Bá, con các em trai lần lượt đệm chữ Mạnh, Trọng, Thúc, Quý. Cũng có gia đình dùng chữ Bá cho toàn thể các con trai đời thứ nhất, chữ Mạnh cho đời thứ hai, đến đời thứ năm dùng tiếng Quý.
b. Cách thức của các gia đình danh giá, nho gia: Các cụ không dùng 5 từ ngữ trên mà tự đặt một bài thơ. Mỗi tiếng trong bài thơ là một tên đệm cho mỗi thế hệ. Thí dụ điển hình là gia đình cụ Dương Khuê (1839-1902) được vua Tự Đức ban cho bài thơ 16 chữ dùng làm tên đệm cho các con trai, cháu trai để phân biệt người trong mỗi thế hệ. Theo sách Dương Gia Phả Ký, bài thơ của vua Tự Ðức như sau[6]:
Tự Thiệu Hồng Nghiệp Vi Bang Gia Ky
Thế Tế Kỳ Mỹ Chúc Khánh Dụ Chi
Theo bài thơ trên, ta biết nhạc sĩ Dương Thiệu Tước thuộc thế hệ thứ hai, tức hàng cháu của cụ Dương Khuê.
Gia đình cụ Dương Lâm (1845-1915), em cụ Dương Khuê, đã áp dụng tên đệm để phân biệt con gái, con dâu, cháu gái, chắt gái[7].
Con gái đệm chữ Hà
Cháu gái đệm chữ Nguyệt
Chắt gái đệm chữ Vân
Con dâu đệm chữ Nhật