Đặc điểm cư dân và văn hóa

Một phần của tài liệu Văn hóa dòng họ ở huyện điện bàn, tỉnh quảng nam (Trang 20 - 24)

NỘI DUNG CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ HUYỆN ĐIỆN BÀN, TỈNH QUẢNG NAM

1.4. Đặc điểm cư dân và văn hóa

Theo thống kê ngày ngày 1/4/2009, dân số huyện Điện Bàn là 195.048 người và đến năm 2011 theo thống kê của Phòng văn hóa thông tin huyện Điện Bàn thì dân số toàn

huyện là 200.782 người. Như vậy, tính đến năm 2011, mật độ dân số của Điện Bàn là 937 người/km2. Nhìn chung, mật độ dân số Điện Bàn khá cao so với các huyện lân cận như Duy Xuyên hay Thăng Bình và cao hơn nhiều lần so với các huyện miền núi cao phía tây như Đông Giang, Tây Giang, Trà Mi, Quế Sơn.

Cư dân định cư tại huyện Điện Bàn chủ yếu là người Việt gốc Bắc và Bắc Trung Bộ như Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh. Đây là những dòng người vì lý do chính trị hay kinh tế đã theo chân chúa Nguyễn, nối tiếp từ đời này qua đời khác di dân vào vùng đất Điện Bàn ngày nay khai sinh, lập nghiệp. Có thể nói cộng đồng cư dân nơi đây là những con người bản lĩnh, khát vọng, giàu tinh thần đấu tranh, được tôi luyện trong gian khổ và trưởng thành trong chiến đấu. Họ mang đến vùng đất hoang hóa này sự phát triển và theo đó là những nét văn hóa đặc sắc từ quê hương họ.

Điện Bàn là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa. Từ xa xưa, Điện Bàn đã nổi tiếng là vùng đất văn vật. Có thể khẳng định rằng, sự phát triển nhiều mặt từ thời dinh trấn Thanh Chiêm đã đặt cơ sở vững chắc để Điện Bàn phát triển một cách toàn diện.

Thành tựu văn hóa của Điện Bàn ngày nay mang đậm dấu ấn sâu sắc từ thời mở đất Quảng Nam.

Điện Bàn là một trong những vùng văn hóa đặc sắc nhất của xứ Quảng, có nhiều phong tục, lễ hội: lễ hội đình làng, cầu ngư, mục đồng; lễ tế âm linh, thần nông, văn miếu, thanh minh, tục cúng cơm mới. Những sinh hoạt lễ hội, phong tục tập quán ấy thể hiện rõ nếp sống trọng đạo lý, nặng nghĩa tình của con người Điện Bàn.

Về văn hóa vật thể, Điện Bàn có nhiều đền, chùa, đình, miếu, nhà thờ tộc… được xây dựng theo kiến trúc cổ, tinh xảo và công phu. Rất tiếc, nhiều công trình nổi tiếng như đình La Qua, thành La Qua và nhiều công trình kiến trúc khác đã bị chiến tranh tàn phá.

Ngoài ra, chúng ta còn phải kể đến những công tình kiến trúc Chăm nổi tiếng được bảo tồn, lưu giữ đến ngày nay: tháp Bằng An, phế tích Chăm Cẩm Văn, bi ký Chăm Pa ở Điện Hồng… Hiện nay, Điện Bàn có 4 di tích lịch sử văn hóa được Bộ Văn Hóa – Thông tin công nhận di tích cấp quốc gia: Lăng mộ Hoàng Diệu (Điện Quang), Mộ chí sĩ Trần Quý Cáp (Điện Phước), Giếng Nhà Nhì (Điện Ngọc), Tháp Bằng An (Điện An) và 26 di tích cấp tỉnh.

Điện Bàn được mệnh danh là “địa linh nhân kiệt”, “đất học”, “đất khoa bảng” với vinh danh “Ngũ phụng tề phi”, “Tứ hổ đăng khoa”. Người Quảng Nam nói chung và người Điện Bàn nói riêng rất đề cao sự học:

Chẳng ham bị lúa anh đầy Tham ba hàng chữ làm thầy thế gian.

Ngoài sự khó khăn vất vả với cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió, người Điện Bàn còn phải đương đầu với cường quyền phong kiến, đặc biệt là đấu tranh chống ngoại xâm.

Vì thế, tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh mãnh liệt, kiên cường đã trở thành huyết mạch trong mỗi con người Điện Bàn. Chính mảnh đất này là quê hương của các nhà khoa bảng, danh nhân, chí sĩ nổi tiếng như: Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Nguyễn Hiển Dĩnh, Nguyễn Thành Ý, Phạm Như Xương, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương, Phan Thúc Duyện, Lê Đình Thám, Phan Thanh, Phan Bôi...

Trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử dân tộc, thời kỳ nào Điện Bàn cũng sản sinh, hiến dâng cho đất nước những người con ưu tú. Nhiều danh nhân, anh hùng của Điện Bàn thuộc nhiều thế hệ đã không ngừng đấu tranh cho độc lập, tự do dân tộc. Một Hoàng Diệu đã dũng cảm tuẫn tiết với thành Hà Nội năm 1882, Nguyễn Duy Hiệu hi sinh thân mình để bảo tồn lực lượng Nghĩa Hội khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng người dân xứ Quảng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Điện Bàn có thêm nhiều anh hùng như Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Phan Vinh, Võ Như Hưng… Truyền thống yêu nước và cách mạng đã tôi luyện cho những người con Điện Bàn ý chí kiên cường, bất khuất. Càng đối diện với cái chết, người chiến sĩ cách mạng càng tỏ rõ khí phách anh hùng.

Trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, huyện Điện Bàn được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và có 15/16 xã, thị trấn, 5 đơn vị, 25 cá nhân cũng vinh dự được đón nhận danh hiệu cao quý này. Trong hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay, Điện Bàn được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” và 2 đơn vị hợp tác xã được tuyên dương Anh hùng lao động.

Ngày nay, người dân Điện Bàn đang chung tay góp sức cùng nhau xây dựng nên một mảnh đất phát triển kinh tế nhưng vẫn gìn giữ và phát huy được những nét đẹp văn hóa từ xa xưa. Văn hóa Điện Bàn hiện nay là sự hội tụ, kết hợp của nhiều nguồn văn hóa khác nhau tuy nhiên nổi bật nhất vẫn là văn hóa truyền thống của người Việt bao đời nay, tiêu biểu như văn hóa dòng họ.

Một phần của tài liệu Văn hóa dòng họ ở huyện điện bàn, tỉnh quảng nam (Trang 20 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)