Phục hồi số liệu lịch sử khai thác mỏ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ứng dụng giải pháp thu hồi dầu tam cấp bằng bơm ép co2 cho tầng móng nứt nẻ mỏ sư tử đen (Trang 109 - 116)

Đối tượng móng nứt nẻ mỏ Sư Tử Đen đã được khai thác trên 7 năm với lượng dầu khai thác cộng dồn đạt 15,47 triệu m3 (tương đương 97,3 triệu thùng) và bơm ép vào vỉa 4,88 triệu m3 nước biển (30,72 triệu thùng). Tổng số giếng khoan phát triển trên diện tích đối tượng đạt 30 giếng, trong đó 24 giếng khai thác và 6 giếng bơm ép. Số lượng giếng làm việc hiện tại gồm 11 giếng khai thác và 1 giếng bơm ép ở khu vực Tây Nam cùng với 8 giếng khai thác ở khu vực Đông Bắc. Công tác bơm ép nước duy trì áp suất vỉa được thực hiện từ tháng 4 năm 2004, tức là chỉ sau thời gian một năm khai thác dầu. Tổng số 6 giếng bơm ép đều được khoan ở vùng móng Tây Nam và được thiết kế bơm vào đáy thân dầu (chiều sâu khoảng 3800mTVD) với lượng nước bơm đạt 20 triệu thùng ở giai đoạn đầu (đến tháng 4 năm 2007) và thêm 11,3 triệu thùng nước ở giai đoạn từ tháng 10 năm 2009 tới tháng 5 năm 2011. Động thái áp suất vỉa và độ ngập nước trong dòng sản phẩm cho thấy đối tượng đang được khai thác với nguồn năng lượng bổ sung từ bên ngoài.

Các giếng khai thác trong khoảng thân dầu móng đều được thiết kế thân trần và đa số đều có độ nghiêng lớn nhằm bắt gặp tối đa các đới nứt nẻ cho dòng dầu.

Thiết bị lòng giếng cũng được trang bị sẵn các hốc van gaslift, bộ phận theo dõi và

ngăn cách các đới nước. Bộ phận ngăn cách nước dự định được dùng để khai thác lựa chọn khi đới dầu được dồn từ phía trên xuống dưới đáy vỉa.

Kết quả phân tích số liệu và xây dựng mô hình nứt nẻ đối tượng móng Sư Tử Đen cho thấy sự tồn tại những vùng có khả năng thấm chứa ở dưới độ sâu 4000m.

Như vậy, dưới thân dầu trong đá móng nứt nẻ Sư Tử Đen có thể có một lượng nước đáy nhất định và hỗ trợ năng lượng trực tiếp vào thân dầu theo từng vùng. Sự phù hợp của áp suất trung bình vỉa chịu tác động rất nhiều từ lượng dầu tại chỗ ban đầu cùng với vị trí, kích thước của các vùng nước hỗ trợ. Trong mô hình, vùng nước đáy được áp dụng cho thân dầu với chiều dày 500m, độ rỗng và độ thấm thay đổi theo giá trị độ thấm, rỗng của thân dầu. Để khớp diễn biến áp suất và lượng nước khai thác, tổng lượng nước từ vùng nước đáy cần thiết áp dụng cho mô hình được đánh giá khoảng 3,5 tỷ thùng, trong đó 2,4 tỷ thùng nước cho vùng Tây Nam và 1,1 tỷ thùng cho vùng Đông Bắc.

Ngoài ra, độ ngập nước trong các giếng khai thác cũng chịu ảnh hưởng từ những vùng nước này. Trong suốt quá trình khớp lịch sử, việc mô phỏng áp suất vỉa và độ ngập nước nên được thực hiện đồng thời do sự thay đổi của thông số này sẽ tác động lên mức độ khớp của tham số kia.

Các vùng nước hỗ trợ từ bên ngoài thường chưa đủ để khớp toàn bộ động thái áp suất vỉa theo thời gian khai thác đối tượng do môi trường rỗng giữa các vùng nước tới giếng khai thác rất phức tạp. Để tăng cường mức độ mô phỏng chính xác động thái áp suất vỉa với số liệu đo đạc được trong thực tế, giá trị và phân bố của mảng độ thấm cũng cần phải có những hiệu chỉnh nhất định. Trong mô hình mới xây dựng, độ thấm được phân chia thành các mảng theo 3 hướng khác nhau trong không gian tức là độ thấm không đẳng hướng mà phụ thuộc vào hướng của hệ thống các đứt gãy và các đới nứt nẻ.

Phân tích khai thác cho thấy tính phân vùng rõ rệt trong thân dầu, thể hiện đặc tính bất đồng nhất cao của móng STĐ. Trong mô hình, một vài ranh giới vùng được giả định giữa vùng khai thác chính với vùng SD-6P/SD-7P hoặc SDNE-3P/-5P/SD- 24P cũng như giảm liên thông giữa một số giếng trong các vùng.

Mô hình mô phỏng khai thác móng Sư Tử Đen đã được cập nhật số liệu tới tháng 3 năm 2011, kết quả cho thấy số liệu áp suất đáy giếng đã được mô phỏng rất tốt, kể cả những giếng mới khoan ở giai đoạn sau này như SD-22P, SD-5PST, SD- 24P và SD-25P. Mô hình cũng đã mô phỏng được trong giai đoạn gần đây áp suất trung bình của vỉa giảm chậm với sản lượng khai thác khoảng 21.000 thùng/ngày.

Cho đến nay, các giếng SD-1P, SD-3P, SD-4P, SD-5P, SD-6P, SD-7P, SD- 17P, SD-21P đã có lượng nước khai thác lớn trong dòng sản phẩm, một số giếng đã ngập nước hoàn toàn, dẫn tới phải đóng giếng hoặc khoan thân phụ. Việc khớp giá trị cũng như động thái ngập nước của từng giếng đòi hỏi một số thay đổi cả về khía cạnh cục bộ lẫn toàn vùng. Nói chung, mô hình độ rỗng kép không hoàn toàn đã có khả năng phản ánh chính xác động thái ngập nước hơn các mô hình sử dụng trước đó. Hệ đường cong thấm tương đối dầu-nước cũng được hiệu chỉnh một số tham số như bão hòa dầu tàn dư, giá trị thấm tương đối của pha nước tăng lên nhằm tăng khả năng chảy của nước. Kết quả phục hồi lịch sử khai thác được trình bày trên các hình 5.7-5.10 tương ứng với từng vùng trong diện tích móng.

Hình 5. 7. Kết quả khớp lịch sử khai thác giếng SD-7P, vùng Tây Nam

Hình 5. 8. Kết quả khớp lịch sử khai thác giếng SD-17P, vùng Trung tâm

Hình 5. 9. Kết quả khớp lịch sử khai thác giếng SD-24P, vùng Trung tâm

Hình 5. 10. Kết quả khớp lịch sử khai thác giếng SDNE-5P, vùng Đông Bắc

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ứng dụng giải pháp thu hồi dầu tam cấp bằng bơm ép co2 cho tầng móng nứt nẻ mỏ sư tử đen (Trang 109 - 116)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)