Chương 2 CHỦ TRƯƠNG VÀ SỰ CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG BỘ
2.3. Đảng bộ tỉnh Nghệ An chỉ đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở
2.3.1. Chỉ đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ở xã, phường, thị trấn
Chỉ đạo công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng ở xã, phường, thị trấn
Sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc và khi có các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã nhanh chóng quán triệt, ban hành chương trình hành động, kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. Ngày 26-12-2005, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị số 01-CT/TU
kèm theo Kế hoạch 01-KH/TU “Về việc tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI”. Thực hiện Chỉ thị 01-CT/TW của Bộ Chính trị, ngày 26-6-2006 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Thông tri số 06-TT/TU “Về việc nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng”. Tiếp theo ngày 09-8-2006 ban hành Kế hoạch 09-KH/TU “Tổ chức nghiên cứu, quán triệt tuyên truyền và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định: Các cấp ủy đảng, MTTQ và các đoàn thể Nhân dân tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng nghiêm túc, khẩn trương, thiết thực, hiệu quả; bằng nhiều hình thức để quán triệt đến tất cả cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo ra được nhận thức đúng đắn, có cách nghĩ, cách làm hiệu quả, thiết thực; gắn quán triệt nghị quyết cấp trên với nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của đảng bộ, chi bộ và gắn với học tập đạo đức Hồ Chí Minh.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng, các đơn vị thông tin cổ động xây dựng kế hoạch phổ biến nghị quyết đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy biên soạn tài liệu dùng cho báo cáo viên và đảng viên ở cơ sở để phổ biến đúng tinh thần nghị quyết. Chú trọng củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên ở xã, phường, thị trấn. Phương pháp tổ chức học tập ở cấp xã, phường, thị trấn tổ chức quán triệt toàn đảng bộ, thảo luận ở chi bộ, sau thảo luận các đảng viên viết thu hoạch. Thời gian học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội X của Đảng, mỗi đợt 01 ngày. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong năm 2006 qua hai đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, toàn Đảng bộ đã tổ chức học tập, quán triệt nghiêm túc Nghị quyết Đại hội của Đảng, trong đó ở cấp cơ sở “100% đảng bộ xã, phường, thị trấn tổ chức học tập, quán triệt, với 95 - 97% số đảng viên tham gia” [34, tr.5]. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức chính trị, củng cố tư tưởng của cán bộ, đảng viên.
Công tác tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục lòng tự hào về truyền thống quê hương, đất nước, góp phần rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên ở xã, phường, thị trấn được Đảng bộ tỉnh Nghệ An chỉ đạo chặt chẽ. Trong tuyên truyền giáo dục, Đảng bộ luôn coi trong công tác tuyên truyền miệng. Quán triệt và thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương về đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo các cấp ủy củng cố, kiện toàn, phát huy đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở các cấp bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng tuyên truyền miệng để cung cấp thông tin định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trước những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Đồng thời, thông qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc, nổi cộm từ cơ sở để báo cáo với cấp ủy các cấp có biện pháp giải quyết kịp thời.
Thực hiện sự chỉ đạo đó, công tác củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên được các cấp ủy quan tâm thực hiện. Hàng năm toàn tỉnh có khoảng 2.000 báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp xã, phường, thị trấn. Công tác bồi dưỡng báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở được tổ chức thành nề nếp mỗi tháng một lần do các huyện tổ chức. Để bảo đảm cho công tác tuyên truyền, Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo các cấp đảm bảo tài liệu, trang thiết bị, máy móc, các loại báo, tạp chí cần thiết. Đảm bảo chế độ, tiêu chuẩn bồi dưỡng báo cáo viên theo quy định của Bộ Tài chính, ngoài ra ở các cơ sở còn trích ngân sách địa phương để bồi dưỡng thêm cho báo cáo viên, nhất là báo cáo viên trong các vùng đặc thù mỗi tháng từ 100.000 đến 200.000 đồng. Bên cạnh hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo nâng cao chất lượng phát sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An, tăng thời lượng phát sóng, tăng trạm chuyển tiếp tín hiệu đến vùng sâu, vùng xa, mở thêm các chuyên trang, chuyên mục đưa thông tin kịp thời đến với cán bộ, đảng viên và Nhân dân đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đến tháng 4 năm 2007, hệ thống phát thanh của toàn bộ xã, phường, thị
trấn được nâng cấp bằng công nghệ truyền dẫn vô tuyến. Ngày 05-02-2010, Đài Truyền hình Nghệ An đã phát trên hệ thống vệ tinh Vinasát 1, ngày 21-06-2010, trang thông tin điện tử Phát thanh - Truyền hình Nghệ An chính thức hoạt động, đáp ứng nhu cầu thông tin cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân toàn tỉnh.
Hoạt động báo chí, xuất bản được quản lý chặt chẽ, hoạt động đúng quy chế, quy định. Bản “Thông tin nội bộ” của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đổi mới về hình thức, mỗi năm phát hành 12 số với số lượng 1.600 cuốn, đáp ứng đủ số lượng, cung cấp đủ thông tin cho sinh hoạt chi bộ hàng tháng. Ngoài ra, đến năm 2008, có 100%
các huyện, thành phố, thị xã phát hành “Bản tin nội bộ” cấp tới chi bộ, trong đó có 9 huyện, thành phố phát hành mỗi tháng 01 số (Vinh, Thanh Chương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Nam Đàn, Cửa Lò), còn lại phát hành 2 tháng 01 số. Công tác nắm bắt dư luận xã hội được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo.
Hàng tháng Ban Tuyên giáo các cấp ban hành “Bản tổng hợp tình hình dư luận xã hội”, phản ánh tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên các lĩnh vực phức tạp ở các địa phương, giúp cấp ủy có hướng xử lý kịp thời.
Những năm 2005 - 2010, Tỉnh ủy Nghệ An coi trọng công tác nắm bắt dư luận xã hội và tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về “Công tác tư tưởng trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy phân công cấp ủy viên phụ trách công tác tư tưởng trên địa bàn, thực hiện chế độ thông tin 2 chiều, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, kịp thời phát hiện, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong tư tưởng, đạo đức lối sống. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và vấn đề rèn luyện đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy viên và cán bộ đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến các lĩnh vực tài chính, đất đai, xây dựng và giải quyết thủ tục hành chính cho Nhân dân. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tăng cường hoạt động điều tra dư luận xã hội ở cơ sở từ đó có những đánh giá trung thực, khách quan những băn khoăn, hạn chế trong việc thực hiện chính sách và những vấn đề bất cập ở cơ sở, giúp cấp ủy nắm bắt nhanh hơn, toàn diện hơn, chính
xác hơn khuynh hướng tư tưởng trong đảng viên và Nhân dân ở xã, phường, thị trấn.
Tuy nhiên, quá trình chỉ đạo công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng ở xã, phường, thị trấn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng ở một số TCCSĐ xã, phường, thị trấn còn không đúng thời gian, tỉ lệ đảng viên tham gia có đảng bộ còn thấp; đội ngũ báo cáo viên chất lượng không đồng đều, chưa truyền đạt hết nội dung cơ bản của nghị quyết.
Nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục tuyên truyền chưa thích hợp, kém hấp dẫn, chưa kịp thời nhất là tuyên truyền về lĩnh vực kinh tế xã hội, gương người tốt việc tốt; chế độ, chính sách, điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và tài chính cho công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên ở xã, phường, thị trấn còn nhiều khó khăn. Việc cung cấp và quản lý thông tin, định hướng dư luận xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng chưa chủ động.
Công tác tư tưởng chưa nhạy cảm đối với những vấn đề gây bức xúc ở xã, phường, thị trấn được dư luận xã hội quan tâm, thiếu thông tin chính thống để giải thích, định hướng kịp thời.
Chỉ đạo giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở xã, phường, thị trấn
Thực hiện quy định về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng. Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở xã, phường, thị trấn. Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 21-12- 2007, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An về “Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”, xác định: Các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Nội dung giáo dục, trang bị những nội dung cơ bản lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những kiến thức về khoa học kỹ thuật;
cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, bí thư cấp ủy và cấp ủy
viên cơ sở; tăng cường giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Để công tác giáo dục lý luận chính trị đạt hiệu quả thiết thực, các cấp ủy thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác giảng dạy; đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng; tăng cường kiểm tra hoạt động dạy và học của các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
Thực hiện sự chỉ đạo đó, trong những năm 2005 - 2010, công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở xã, phường, thị trấn được các cấp ủy quan tâm. Đã kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác giáo dục chính trị ở các huyện đủ về số lượng; đội ngũ giảng viên và giảng viên kiêm chức thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực sư phạm, hàng năm tỉnh tổ chức Hội thi giáo viên giảng dạy lý luận chính trị giỏi ở các cụm, lựa chọn những giảng viên tiêu biểu tham gia hội thi cấp tỉnh và cả nước. Đến năm 2010, có 19/20 Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện được xây dựng kiên cố, cao tầng; cơ sở vật chất được trang bị khá đầy đủ, máy tính, máy chiếu, bảng từ, loa máy phục vụ giảng dạy đảm bảo yêu cầu đề ra. Phương pháp dạy học tích cực, sử dụng giáo án điện tử được các trung tâm đưa vào sử dụng và đạt kết quả khá.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tăng cường kiểm tra, dự giờ, thăm lớp, chấn chỉnh công tác giảng dạy của các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Từ 2006 - 2010, các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã đào tạo, bồi dưỡng 2.868 lớp, với 250.289 học viên, trong đó: Bồi dưỡng kết nạp đảng 668 lớp với 53.594 học viên;
bồi dưỡng đảng viên mới 460 lớp, với 31.408 học viên; bồi dưỡng cấp ủy xã, phường, thị trấn 343 lớp, với 40.974 học viên; bồi dưỡng chuyên đề 326 lớp, với 26.291 học viên; sơ cấp lý luận chính trị 176 lớp, với 11.271 học viên; trung cấp lý luận chính trị 79 lớp, với 6.375 học viên; cao cấp lý luận chính trị 12 lớp, với 711 học viên; bồi dưỡng đoàn thể 805 lớp, với 82.250 học viên [43, tr.1]. Tuy nhiên, Việc cập nhật thông tin mới, gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị của một số Trung tâm chính trị chậm được đổi mới, công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ, phương pháp sư phạm cho đội ngũ giảng viên chưa được quan tâm đầy đủ.
Chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo
đức Hồ Chí Minh”
Thực hiện hướng của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương về việc tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Ngày 16-01-2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 15-KH/TU “Tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Để cuộc vận động thực sự có hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức, Ban thư ký giúp việc và quy chế hoạt động ở các cấp. Ở cấp xã, phường, thị trấn Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ rõ: “Thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã, phường, thị trấn, đảng bộ cơ sở, trực tiếp tổ chức thực hiện Cuộc vận động, Trưởng ban chỉ đạo là Bí thư cấp ủy. Tham gia Ban Chỉ đạo có các đồng chí là Thường vụ cấp ủy, trưởng các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội” [163, tr.432]. Ngày 01-02- 2007, tại Nhà văn hóa lao động tỉnh, Tỉnh ủy Nghệ An đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Sau lễ phát động, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 477-HD/TGTU, ngày 3-2-2007 về triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức Cuộc vận động. Để Cuộc vận động có hiệu quả thiết thực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo các cấp tổ chức Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo chủ trương của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy trong toàn tỉnh đã triển khai thực hiện Cuộc vận động theo đúng kế hoạch, “hàng năm đã tổ chức học tập các chuyên đề về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương với số lượng cán bộ, đảng viên ở xã, phường, thị trấn tham gia 94,64%” [62, tr.24]. Ở các chi bộ đã tổ chức cho đảng viên đăng ký nội dung học tập và làm theo, duy trì nghiêm túc nội dung kể chuyện về Hồ Chí Minh trong các buổi sinh hoạt chi bộ. Năm 2007, các cấp ủy đã thành lập ban tổ chức, ban giám khảo và tiến hành hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với “gần 2000 người đại diện cho các TCCSĐ tham gia”
[168, tr.515], “đến hết tháng 11-2007 có 19/20 huyện, thị hoàn thành tổ chức đảng từ cấp huyện trở xuống, có 06 huyện, thị hoàn thành hội thi chung kết là: Vinh, Nghi Lộc, Đô Lương, Tương Dương, Hưng Nguyên” [39, tr.6-7].
Sau 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tạo được sự chuyển biến quan trọng nâng cao nhận thức và hành động cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tuy nhiên, còn một số cán bộ, đảng viên ý thức hưởng ứng các nội dung Cuộc vận động chưa tốt; một số TCCSĐ xây dựng chương trình hành động gắn với các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức, lối sống còn chung chung;
công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên các điển hình về “học tập, làm theo”
còn hạn chế, chưa kịp thời.
2.3.2. Chỉ đạo kiện toàn, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở xã, phường, thị trấn
Chỉ đạo kiện toàn tổ chức của TCCSĐ ở xã, phường, thị trấn
Thực hiện Nghị định 164/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Nghĩa Đàn, thành lập Thị xã Thái Hòa.
Để ổn định về mặt tổ chức đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo kiện toàn bộ máy tổ chức đảng các cấp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 645-QĐ/TU ngày 10-5-2008, thành lập Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn và Đảng bộ thị xã Thái Hòa, chuyển giao 08 TCCSĐ của huyện Nghĩa Đàn (07 xã, 01 thị trấn) thành lập 10 TCCSĐ (04 đảng bộ phường, 06 đảng bộ xã) thuộc Đảng bộ thị xã Thái Hòa, Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn có 24 TCCSĐ xã, thị trấn. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 646-QĐ/TU, chuyển giao 05 đảng bộ xã, 04 chi bộ xóm (huyện Nghi Lộc 04 đảng bộ xã: Nghi Kim, Nghi Đức, Nghi Ân, Nghi Liên; huyện Hưng Nguyên 01 đảng bộ xã Hưng Chính và 04 chi bộ xóm) về trực thuộc Thành ủy Vinh theo Nghị định 45/2008/CP. Cũng trong giai đoạn này ở Nghệ An có sự điều chỉnh địa giới cấp xã, thành lập xã mới, làm tăng số cơ sở từ 473 năm 2006 lên 479 xã, phường, thị trấn năm 2009.