Chương 3 ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH THĂM DÒ VÀ KHAI THÁC ĐÁ ỐP LÁT TỈNH NINH THUẬN
3.1. Dự kiến quy hoạch thăm dò, khai thác đá ốp lát tỉnh Ninh Thuận
- Công ty TNHH Địa chất và Khoáng sản Việt nam thăm dò mỏ diorit làm đá ốp lát Núi Một xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn năm 2003, với diện tích 67,4 ha. Khu mỏ là ngọn núi cao 161m, nhô lên giữa địa hình thấp khá bằng phẳng, sườn dốc 30-350. Các đá gabrodiorit, diorit có màu đen, xanh đen đặc trưng chiếm ưu thế. Khi cưa mài, đánh bóng, đá có vẻ đẹp khá hấp dẫn, độ bóng đạt 82,0-98,0. Cường độ kháng nén 1.590-1.820 kg/cm2, hệ số hoá mềm 0,96-0,98, độ hút nước 0,09-0,16%, hệ số kiên cố 16-18. Hệ số thu hồi lý thuyết 0,827 và hệ số khai thác 0,25. Trữ lượng cấp C1+C2 đạt 3.251.437 m3, trong đó cấp C1 đạt 1.102.506 m3.
- Công ty TNHH Địa chất và Khoáng sản Việt nam thăm dò mỏ granit làm đá ốp lát Từ Thiện tại xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước năm 2003, với diện tích 49 ha. Trữ lượng cấp C1+C2 đạt 3.963.120 m3, trong đó cấp C1 đạt 1.427.970 m3.
- Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Hùng Đại Dương thăm dò mỏ granit Núi Gió, huyện Phước Minh, tỉnh Ninh Thuận năm 2004, với diện tích 20 ha.
- Granit làm đá ốp lát Chà Bang tại xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, đã được Công ty Khoáng sản Đồng Nai khai thác từ năm 1996, với diện tích 20 ha, công suất 100m3/năm. Sau đó Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ đánh giá (2002). Trữ lượng và tài nguyên dự báo cấp C2+ P1 tính được là 4.874.600m3, trong đó cấp C2 đạt 524.000m3. Hiện nay, mỏ đá ốp lát Chà Bang đang được Công ty Khoáng sản Đồng Nai khai thác.
Ngoài ra, hiện nay Công ty Tân Sơn Hoa Cương đang lập đề án xin thăm dò mỏ granit Hòn Giồ, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải.
3.1.2. Hiện trạng công tác khai thác, chế biến đá ốp lát ở Ninh Thuận Công tác khai thác chế biến đá ốp lát ở Ninh Thuận hiện nay vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng đá ốp lát của Tỉnh. Hiện mới chỉ có 01 mỏ được Bộ Công nghiệp cấp giấy phép khai thác năm 1996 và 03 mỏ được cấp giấy phép thăm dò đã có báo cáo kết quả thăm dò nhưng các doanh nghiệp chưa làm thủ tục xin giấy phép khai thác mỏ. Từ năm 1997 đến nay Uỷ ban nhân dân tỉnh đã cấp tổng cộng 16 giấy phép khai thác tận thu đá granit, tuy nhiên mới chủ yếu được sử dụng làm đá chẻ.
Gần đây, Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Hùng Đại Dương đã đầu tư nhà máy chế biến đá ốp lát công suất 120.000m2/năm, nguồn nguyên liệu chủ yếu được lấy ở mỏ đá granit màu xanh Bàu Ngữ, xã Phước Dinh, huyên Ninh Phước, các tỉnh khác như Bình Định, Gia Lai, Khánh Hoà và mỏ granit Núi Gió, huyện Phước Minh.
3.1.3. Định hướng quy hoạch thăm dò, khai thác đá ốp lát tỉnh Ninh Thuận
Cơ sở định hướng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến đá ốp lát được căn cứ vào tiềm năng, chất lượng đá, điều kiện cơ sở hạ tầng, nhu cầu và thị trường tiêu thụ cũng như quy hoạch phát triển ngành công nghiệp đá ốp lát của Trung ương và địa phuơng, hiện trạng thăm dò và khai thác đá ốp lát ở khu vực nghiên cứu.
Trên cơ sở phân tích các căn cứ nêu trên và kết quả tài nguyên dự báo của từng vùng đã đề cập có thể định hướng công tác thăm dò và khai thác đá ốp lát như sau:
- Từ nay đến năm 2010: Tập trung thăm dò các diện tích khu Mỹ Hoà, Bàu Ngữ, Phương Hải nhằm đánh giá chi tiết chất lượng và trữ lượng đá ốp lát để đâu tư khai thác và sớm đưa mỏ đá ốp lát Từ Thiện (diện tích đã được đầu tư thăm dò) vào khai thác nhằm nâng sản lượng khai thác, chế biến đá ốp lát của Tỉnh từ 120.000m2/năm lên ít nhất gấp ba lần hiện nay.
- Từ năm 2010 đến 2015: Tiếp tục tập trung thăm dò, khai thác đá ốp lát tại các khu vực trên và tuỳ theo nhu cầu thị trường có thể đầu tư thăm dò, khai thác các khu vực khác theo thứ tự ưu tiên về điều kiện địa lý và tiềm năng khoáng sản như sau: Khánh Phước, Nước Ngọt, Vĩnh Hải, Tân An - Núi Quýt, Cà Đú, Bửu Sơn nhằm đánh giá chi tiết chất lượng và trữ lượng đá ốp
lát để đầu tư khai thác. Ngoài ra cần tiếp tục đầu tư đánh giá tiềm năng đá ốp lát tại khu vực Núi Chúa - Núi Bà Dương nhằm định hướng cho công tác thăm dò, khai thác tiếp theo.
a) Vùng Ninh Phước a.1) Khu Bàu Ngữ
Khu Bàu Ngữ thuộc địa phận xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cách thị xã Phan Rang khoảng 20km về phía đông nam có diện tích khoảng 2km2. Đá ốp lát có màu xanh được thị trường rất ưa chuộng và đáp ứng các chỉ tiêu về chất lượng sử dụng làm nguyên liệu đá ốp lát (màu sắc, đặc tính cơ lý, độ bóng sản phẩm...). Có hệ số thu hồi và độ nguyên khối khá cao. Có qui mô tương đối lớn, phân bố trên phạm vi có cơ sở hạ tầng tốt, giao thông thuận lợi...., địa hình và địa chất rất thuận lợi cho khai thác. Mỏ đá có chất lượng tốt, có triển vọng về đá gốc và đá lăn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
Một phần diện tích khu vực hiện đang được khai thác tận thu, khu vực cần sớm được đầu tư thăm dò, khai thác trong giai đoạn từ nay đến 2010.
a.2) Khu Từ Thiện
Diện tích khu Từ Thiện khoảng 2km2, nằm cách khu Bàu Ngữ khoảng 3km về phía đông- đông nam, thuộc địa phận xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thị xã Phan Rang khoảng 25km về phía đông nam. Đây là một mỏ đá chất lượng tốt, có triển vọng về đá gốc và đá lăn, đá có chất lượng đảm bảo, đáp ứng yêu cầu sử dụng làm nguyên liệu đá ốp lát và được thị trường ưa chuộng. Có hệ số thu hồi và độ nguyên khối khá cao. Các khối có qui mô tương lớn, phân bố trên phạm vi có cơ sở hạ tầng, giao thông tốt...., địa hình và địa chất nhiều nơi rất thuận lợi cho khai thác. Một phần diện tích (49ha) khu vực đã được Công ty TNHH Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đầu tư thăm dò nhưng chưa được đưa vào khai thác, cần sớm được đầu tư khai thác trong giai đoạn trước năm 2010.
b) Vùng Ninh Hải b.1) Khu Mỹ Hoà
Diện lộ khối đá nằm ngay phía đông bắc huyện Ninh Hải, điều kiện giao thông thuận lợi (gần đường 703) chạy từ phan Rang đi Vĩnh Hy, diện tích khoảng 2 km2, kéo dài khoảng 3km từ thôn Mỹ Hòa, qua dốc Dinh Ba thuộc các xã Vĩnh Hải - Ninh Hải - Ninh Thuận phân bố ở độ cao 0 đến
200m. Có tiềm năng dự báo cấp 333 là 109.623 nghìn m3.Đá khối ốp lát khu Mỹ Hoà có màu sắc đẹp đang được thị trường ưa chuộng, tính chất cơ lý đạt chỉ tiêu yêu cầu, đá có độ nguyên khối cao. Điều kiện địa hình rất thuận lợi cho việc khai thác lộ thiên, ít gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Ngoài ra, khu vực có điều kiện giao thông rất thuận tiện trong việc vận chuyển cả bằng đường thuỷ lẫn đường bộ. Do vậy khu vực cần sớm được đầu tư thăm dò, khai thác trong giai đoạn trước năm 2010.
b.2) Khu Phương Hải
Nằm ở phía Nam ấp Các Gia 2km thuộc địa phận xã Phương Hải - Ninh Hải-Ninh Thuận. Phân bố ở địa hình sườn núi cao trung bình, độ cao tuyệt đối từ 10-450m, diện tích triển vọng 2 km2. Có tiềm năng dự báo cấp 333 là 211.772 nghìn m3. Khu vực có địa hình thuận lợi cho việc khai thác, có cơ sở hạ tầng, giao thông tốt, đá có màu sắc đẹp và được thị trường ưa chuộng, hiện nay một phần khu mỏ đang có Doanh nghiệp xin đầu tư thăm dò khai thác và đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh thoả thuận việc cho phép thăm dò.
b.3) Khu Vĩnh Hải
Diện lộ khối đá nằm bên trái đường từ Uỷ ban xã Vĩnh Hải - Ninh Hải- Ninh Thuận phân bố ở độ cao 10 đến 250m, phía đông là biển, diện tích 2,4km2. Khối đá ốp lát Vĩnh Hải có tổng tài nguyên dự báo cấp 333 là 139.013 nghìn m3, đá có chất lượng đảm bảo, đáp ứng yêu cầu sử dụng làm nguyên liệu đá ốp lát. Có hệ số thu hồi và độ nguyên khối khá cao. Các khối có qui mô tương lớn, phân bố trên phạm vi có cơ sở hạ tầng, giao thông tốt...., địa hình và địa chất nhiều nơi rất thuận lợi cho khai thác, thật sự đã là một mỏ đá chất lượng tốt, có triển vọng về đá gốc và đá lăn làm đá ốp lát. Khu vực cần được đầu tư thăm dò chi tiết hơn
b.4) Khu Khánh Phước
Nằm cách thôn Khánh Phước về phí Đông Bắc 2.5km, thuộc xã Nhơn Hải - Ninh Hải - Ninh Thuận. Phân bố ở sườn đồi Tây Nam núi Lang Mi, độ cao 80 đến 200m, diện tích 1,5 km2. Đá có chất lượng đảm bảo, đáp ứng yêu cầu sử dụng làm nguyên liệu đá ốp lát. Có hệ số thu hồi và độ nguyên khối khá cao với tổng tài nguyên dự báo cấp 333 là46.196 nghìn m3. Tuy vậy, cũng cần được chú ý nghiên cứu kỹ hơn về độ nguyên khối, chiều dày đới phong hoá, dập vỡ và đặc điểm cấu trúc địa chất các thể đá, nhằm định hướng cho công tác thăm dò, khai thác tiếp theo
b.5) Khu Tân An - Núi Quýt
Điểm đá ốp lát nằm ở phía Đông Bắc, cách thôn Tân An 400m, sườn Tây Bắc thuộc xã Tri Hải - Ninh Hải-Ninh Thuận, phân bố ở địa hình sườn núi, độ cao 10 đến 150m, diện tích 1,2km2. Khối đá ốp lát Tân An là diện tích rất triển vọng, đá có độ nguyên khối và độ thu hồi cao. Tiềm năng dự báo cấp 333 là 37.369 nghìn m3. Cần tiếp tục nghiên cứu để định hướng cho công tác thăm dò, khai thác tiếp theo.
b.6) Khu Cà Đú
Nằm cách ấp Cà Đú 1km về phí Đông Nam, cạnh đường quốc lộ 1, sát đường 704 từ Trại Câu - Ninh Chi thuộc địa phận xã Khánh Hải - Ninh Hải- Ninh Thuận, có điều kiện giao thông rất thuận lợi. Diện tích triển vọng 2,4km2. Tiềm năng dự báo cấp 33là 155.054 nghìn m3. Phân bố ở địa hình nổi cao của núi Cà Đú, có độ cao 10 đến 300m, điều kiện khai thác rất thuận lợi.
Tuy nhiên, khối đá cần tiếp tục được chú ý nghiên cứu kỹ hơn về độ nguyên khối, chiều dày đới phong hoá, dập vỡ và đặc điểm cấu trúc địa chất các thể đá, nhằm định hướng cho công tác thăm dò, khai thác tiếp theo.
b.7) Khu Nước Ngọt
Nằm ở phía đông bắc suối Nước Ngọt thuộc địa phận xã Vĩnh Hải - Ninh Hải-Ninh Thuận. Phân bố ở độ cao tuyệt đối từ 10-180m, nằm bên phải đường đi Vĩnh Hy, phía đông và nam giáp biển, phía bắc phân cách với khối đá ốp lát Vĩnh Hy bởi tung lũng suối. Diện tích triển vọng 6 km2, có tiềm năng dự báo cấp 333 là 48.440 nghìn m3. Cần tiếp tục nghiên cứu để định hướng cho công tác thăm dò, khai thác tiếp theo.
b.8) Khu Bửu Sơn
Nằm ở phía Tây thôn Khánh Tường 500m, thuộc địa phận xã Tri Hải - Ninh Hải-Ninh Thuận. Phân bố ở địa hình sườn phía Đông Nam có độ cao tuyệt đối 10-200m, diện tích triển vọng 1 km2. Khối đá ốp lát khu Bửu Sơn là diện tích có triển vọng. Tiềm năng dự báo cấp 333 là 32.497 nghìn m3. Cần tiếp tục nghiên cứu để định hướng cho công tác thăm dò, khai thác tiếp theo
b.9) Khu Vĩnh Hy
Nằm ở phía Nam cầu Vĩnh Hy thuộc địa phận xã Vĩnh Hải - Ninh Hải- Ninh Thuận. Phân bố ở địa hình nổi cao của núi trung bình, độ cao tuyệt đối từ 10-240m, diện tích triển vọng 6 km2, phía đông và đông nam giáp biển,
phía bắc được giới hạn bới suối Vĩnh Hy. Giai đoạn chiến tranh khu vực Vĩnh Hy là căn cứ cách mạng, hiện nay đang được Tỉnh đâu tư xây dựng thành khu vực rừng quốc gia. Do vậy, không dự kiến đưa vào diện tích khối đá ốp lát Vinh Hy vào quy hoạch thăm dò, khai thác.
b.10) Khu Núi Chúa, Núi Bà Dương
Căn cứ vào các tiền đề tìm kiếm đá ốp lát và các điểm lộ gốc, đã khoanh định được diện tích tồn tại đá khối ốp lát Núi Chúa - Núi Bà Dương.
Khu đá ốp lát nằm ở phía đông bắc xã Phương Hải và phía tây xã Vĩnh Hải, phân bố dọc địa hình núi nổi cao 400-700m, diện tích 20km2. Diện tích khu Núi Chúa - Núi Bà Dương phân bố ở địa hình núi cao, có thảm thực vật phát triển, sườn dốc, điều kiện giao thông khó khăn. Do đó, khu Núi Chúa - Núi Bà Dương được xếp vào diện tích chưa rõ triển vọng, cần tiến hành nghiên cứu bổ sung.
Tóm lại, một phần diện tích khu Từ Thiện đã được đầu tư thăm dò, cần sớm lập hồ sơ đưa mỏ vào khai thác. Các khu Mỹ Hoà, Bàu Ngữ, Phương Hải do đã có màu sắc đẹp, giao thông thuận tiện và thị trường tiêu thụ đang có nhu cầu nên cần sớm được đầu tư thăm dò, khai thác phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Khu Vĩnh Hy là di tích lịch sử, văn hoá cần được bảo vệ nên không đưa vào khu vực khai thác. Các khu vực còn lại cần tiếp tục được tiến hành nghiên cứu bổ sung để định hướng cho công tác thăm dò, khai thác tiếp theo.