làm cơ sở kinh tế cho đạo đức kinh doanh.
Ngày nay, nền kinh tế thị trường đã có những bước tiến lớn và ngày càng có quan hệ chặt chẽ với đời sống con người. Thị trường trở thành khâu then chốt trong hoạt động kinh tế của cả loài người, gắn liền quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng. Đối với Việt Nam, việc chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, nền kinh tế thị trường chỉ mới thành công ở các nước tư bản chủ nghĩa, còn dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển kinh tế thị trường như thế nào thì chưa có một hình mẫu hoàn chỉnh để chúng ta học hỏi và tham khảo. Có thể coi đây như một bài toán khó, đòi hỏi toàn Đảng và toàn dân tộc Việt Nam phải tự đi tìm lời giải cho chính mình. Ngoài ra, như đã phân tích ở trên, nền kinh tế thị trường bản thân nó luôn có tính hai mặt, một mặt là những ảnh hưởng tích cực, kích thích và tạo động lực cho sự phát triển, nhưng mặt khác, nó là môi trường thuận lợi nuôi dưỡng những tệ nạn, những thói hư, tật xấu, làm đảo lộn các giá trị, đặc biệt là các giá trị đạo đức.
Nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay phát triển chưa đầy đủ. Những nét đặc thù của nền kinh tế đó đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần (trong đó có đạo đức của toàn xã hội) làm nảy sinh nhiều vấn đề nhức nhối, những diễn biến phức tạp. Vì thế, việc tạo lập một cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để nó thực sự là cơ sở kinh tế của đạo đức, đặc biệt là đạo đức kinh doanh, làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, qua đó góp phần vào việc lành mạnh hóa đời sống tinh thần của xã hội đang là đòi hỏi cấp thiết. Để thực hiện được điều này, trên thực tế đang có nhiều vấn đề đòi hỏi cần phải quan tâm.
Trước hết, nền kinh tế thị trường nhất thiết phải có sự quản lý của Nhà nước. Đây là yêu cầu khách quan đối với tất cả các nước có nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.
Thứ hai, xây dựng nền kinh tế thị trường theo hướng hiện đại, gắn với sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong quá trình đó, chúng ta cần quan tâm đến môi trường đạo đức và tạo lập môi trường đạo đức với những nhu cầu và chuẩn mực đạo đức thích hợp cho các hoạt động kinh tế - xã hội để góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng nhân văn.
Thứ ba, chúng ta xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra rất mạnh mẽ. Cho nên, việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta không những phải theo hướng hiện đại mà còn phải hòa nhập với nền kinh tế khu vực và quốc tế.
Thứ tư, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta không chỉ đơn thuần là tăng trưởng kinh tế mà phải kết hợp phát triển kinh tế với thúc đẩy tiến bộ xã hội, “thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển”; gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Xây dựng và phát triển kinh tế thị trường ở nước ta là nhằm xây dựng một xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là một xã hội công bằng, nhân đạo và tốt đẹp. Lúc sinh thời, Người đã từng nói: Đất nước độc lập, tự do mà người dân không được hạnh phúc và phát triển thì độc lập, tự do đó cũng chẳng có ý nghĩa gì. Vì vậy, Người đã cống hiến cả cuộc đời cho đân tộc, cho đất nước với mong muốn: đất nước được độc lập, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.
Cần phải tích cực trong việc xóa bỏ cơ chế cũ, tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và thiết lập một thị trường thực sự lành mạnh trên cơ sở tôn trọng đối tác, tôn trọng khách hàng và tuân thủ luật pháp. Ngoài ra, trong hoạt động của mình, các chủ thể kinh doanh phải xuất phát từ tinh thần, trách nhiệm công dân và lương tâm của con người. Họ phải trung thực, trọng chữ “tín”; phải quan tâm đến việc bồi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực; phải chú ý đến việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, truyền thống văn hóa để đảm bảo sự phát triển bền vững, nhằm xây dựng một xã hội theo tiêu chí của tiến bộ và nhân đạo.
Thứ năm, trong quá trình phát triển, cần phải hoàn chỉnh các loại thị trường mà nước ta còn thiếu hoặc không đồng bộ như thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường tài chính, thị trường lao động, thị trường bất động sản, thị trường khoa học, công nghệ...
Thứ sáu, để hoàn thiện cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì phải coi việc quản lý xã hội bằng luật pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi vì, luật pháp không chỉ là công cụ quản lý nhà nước mà còn được sử dụng để điều chỉnh hành vi con người nhằm bảo vệ các giá trị, chống lại những hành vi phi pháp, phi nhân và giữ gìn kỷ cương, phép nước.
Hiện nay, nước ta vẫn còn đứng trước vô vàn những khó khăn và thách thức gay gắt. Tuy nhiên, thành quả của công cuộc đổi mới đã chứng tỏ sự đúng
đắn, linh hoạt trong đường lối phát triển kinh tế của Đảng. Với những “thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử”, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, một khi cơ chế thị trường ngày càng được hoàn thiện, đặc biệt việc “tiếp tục chuyển mạnh sang kinh tế thị trường, thực hiện các nguyên tắc của thị trường, hình thành đồng bộ và hoàn thiện các loại thị trường” một cách đầy đủ trong khuôn khổ pháp luật thì đất nước sẽ nhanh chóng phát triển lành mạnh, bền vững.