4.1. Kết quả công tác phục vụ sản xuất
4.1.1. Công tác chăn nuôi
a. Chăn nuôi lợn nái sinh sản
Chăn nuôi lợn nái chửa: Số lượng 40 con. Trong thời gian có chửa lợn nái có nhiều đặc điểm thay đổi, hợp tử bám và làm tổ ở tử cung và bắt đầu phát triển bình thường, các cơ quan bộ phận liên quan (nhau thai, bọc ối, niệu, tử cung và bầu vú) đều được phát triển trong thời gian này. Do vậy việc chăm sóc nuôi dưỡng chúng phải phù hợp và đảm bảo để có số con sơ sinh cao;
khối lượng trung bình của lợn con cai sữa cao; lợn con sinh ra khỏe mạnh và có sức đề kháng tốt. Lợn mẹ phát triển bình thường, dự trữ đủ chất dinh dưỡng để tiết sữa nuôi con sau này, không bị hao mòn lớn. Lợn nái sau khi phối giống đã chắc chắn có chửa được nhốt vào chuồng, hạn chế thả ra sân để dễ chăm sóc và quản lý. Chế độ ăn cho lợn chửa như sau: Trong giai đoạn chửa kỳ I bào thai chưa phát triển mạnh vì vậy khẩu phần ăn là 0,9 kg thức ăn tinh/con, 1- 2,0 kg thức ăn thô xanh/con. Giai đoạn chửa kỳ II tốc độ phát triển của bào thai rất nhanh vì vậy cần cung cấp chất dinh dưỡng cho bào thai phát triển ở giai đoạn cuối để lợn con sinh ra đạt được khối lượng sơ sinh cao.
Giai đoạn này cho ăn tăng 20% khẩu phần so với lợn nái chửa kỳ I như vậy giai đoạn này khẩu phần ăn là 1,1 kg thức ăn tinh/con và 1-1,5 kg thức ăn thô xanh. Khi xác định lượng thức ăn cho lợn nái chửa trong một ngày chúng ta cần chú ý đến yếu tố khối lượng của cơ thể, thể trạng của lợn nái, tình trạng sức khỏe, nhiệt độ môi trường. Lợn gầy cho ăn thêm 20% thức ăn tinh so với lợn bình thường, mùa đông khi nhiệt độ dưới 150C cho ăn thêm 20% thức ăn tinh. Lợn nái sau khi tách con 2 ngày đầu cho ăn 0,2 kg thức ăn tinh từ ngày thứ 3 trở đi cho ăn 1,0kg thức ăn tinh + 0,10 kg đậm đặc/con/ngày đến khi
động dục thì chuyển sang chế độ ăn của nái chửa kì I, tùy thuộc vào thể trạng của lợn nái, lợn gầy cho ăn nhiều hơn 20% thức ăn tinh. Thức ăn được nấu chín, trộn cùng thân cây chuối hoặc cây ngô non băm nhỏ. Đảm bảo chuồng trại luôn khô ráo sạch sẽ và thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Lợn được nhốt vào chuồng có nền bằng phẳng, dễ quan sát chăm sóc. Mỗi ô chuồng có phiếu ghi rõ ngày phối giống, dự kiến ngày đẻ để dễ dàng cho công tác quản lý và chăm sóc nhất là công tác đỡ đẻ khi lợn đẻ.
Nuôi dưỡng lợn nái đẻ: 40 con. Mục đích nuôi dưỡng lợn nái đẻ nhằm đảm bảo cho lợn đẻ an toàn, lợn con có tỷ lệ sống cao, lợn mẹ có sức khỏe tốt đủ khả năng tiết sữa nuôi con sau này. Những nội dung chính của công tác này gồm: + Trực và đỡ đẻ cho lợn: Trực đẻ rất cần thiết để có thể hỗ trợ cho lợn nái trong những trường hợp bất thường. Quan sát được những biểu hiện của lợn nái khi có hiện tượng sắp đẻ, để có kế hoạch trực và đỡ đẻ cho lợn nái. Do lợn nái rừng thường dữ khi đẻ, không phải con nái nào cũng vào được chuồng để làm công tác đỡ đẻ được do vậy cần lưu ý khi đỡ đẻ cho lợn nái.
Một tuần trước khi lợn nái đẻ có kế hoạch giảm dần lượng thức ăn tùy thuộc vào thể trạng lợn nái, lợn nái khỏe một tuần trước khi đẻ giảm 1/3 lượng thức ăn, trước đẻ 2 -3 ngày giảm 1/2 lượng thức ăn. Lợn nái yếu thì không giảm mà cho ăn thức ăn dễ tiêu hóa. Ngày lợn nái cắn ổ đẻ dừng cho ăn, cho uống nước tự do. Ngày lợn nái đẻ cho ăn cháo loãng, số lượng bằng 1/4 ngày thường, tăng dần sau 3 ngày cho ăn theo chế độ lợn nái nuôi con, vào ngày nái đẻ cần chuẩn bị một số dụng cụ và thiết bị cần thiết như: hộp xốp, kìm bấm nanh, kìm bám tai, thuốc sát trùng, oxytoxin... Nuôi dưỡng chăm sóc quản lý lợn nái nuôi con: 16 con Chăn nuôi lợn nái nuôi con có một ý nghĩa hết sức quan trọng, đó là khâu cuối cùng trong chăn nuôi lợn nái sinh sản.
Giai đoạn này quyết định chất lượng lợn con giống và hiệu quả kinh tế trong nghề chăn nuôi lợn nái. Vì vậy trong chăn nuôi lợn nái nuôi con cần đạt được
các yêu cầu: Lợn nái nuôi con tiết nhiều sữa với chất lượng tốt; Cả lợn mẹ và con khỏe, lợn con sinh trưởng nhanh, có số con và trọng lượng cai sữa cao;
Tỷ lệ đồng đều của đàn lợn con cao; Lợn mẹ ít bị hao mòn trong giai đoạn nuôi con và sớm động dục lại sau cai sữa. Thức ăn cho lợn nái nuôi con không được thối mốc, biến chất hư hỏng, thức ăn được nấu chín sau đó trộn cùng cây chuối, rau xanh đã phay nhỏ cho ăn. Khối lượng thức ăn được tính tùy theo khối lượng lợn mẹ và số lượng con sinh ra. Lợn nái đẻ từ 4 - 5 con, khối lượng lợn từ 40 kg - 50 kg cho ăn 0,6 kg chất tinh + 0,06 kg đậm đặc + 1,5 - 2,0 kg thô xanh. Khối lượng lợn mẹ 51 -70 kg cho ăn 0,8 kg chất tinh + 0,08 đậm đặc + 2 - 2,5 kg thô xanh. Lợn nái khối lượng 40 -50 kg, đẻ 6 - 8 con cho ăn 0,8 kg thức ăn tinh, 0,08 kg đậm đặc, 2-2,5 kg thô xanh. Lợn nái khối lượng 51 - 70kg cho ăn kg 1,0kg chất tinh, 0,1kg đậm đặc, 2 - 3 kg thô xanh. Đối với những lợn nái tiết sữa kém thì cho ăn thêm đu đủ nấu chín trong khoảng 3-5 ngày để kích thích tiết sữa. Nuôi dưỡng chăm sóc quản lý lợn nái sau cai sữa: 16 con Lợn nái sau khi tách con được đưa về khu nuôi lợn chờ phối. Chế độ ăn cho loại lợn này như sau: Ngày đầu tách con: Không cho ăn, uống. Ngày thứ 2: Cho ăn một lượng thức ăn ít: 0,2 kg thức ăn tinh/con/ngày. Từ ngày thứ 3: Cho ăn tăng (1,0 kg thức ăn tinh/con/ngày) cho đến khi lợn nái động dục trở lại. Khi lợn nái động dục: Giảm lượng thức ăn (0,5 kg thức ăn tinh/con/ngày). Trong quá trình chăn nuôi lợn nái sau cai sữa con, cần chú ý theo dõi động dục để phối giống kịp thời. Trong quá trình thực tập em đã tiến hành chăm sóc, nuôi dưỡng và cho phối giống được 40 lợn nái cai sữa, đạt tỷ lệ phối giống thụ thai lần 1 là 100%.
b. Chăn nuôi lợn con sau cai sữa: Lợn con khi đạt độ tuổi từ 35 - 42 ngày, ăn thạo thức ăn tập ăn có thể tiến hành cai sữa. Cụ thể như sau:
+ Thời gian cai sữa: 35-42 ngày tuổi
+ Trước khi cai sữa giảm thức ăn của lợn mẹ.
+ Kỹ thuật cai sữa: Đuổi lợn mẹ sang chuồng chờ phối. Để lợn con ở lại chuồng cũ. Nếu ghép các đàn lại với nhau, cần sử dụng dầu gió để làm lẫn mùi lợn con, tránh lợn đánh nhau.
Chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc lợn con sau khi tách mẹ như sau:
− Ngày cai sữa: Giảm thức ăn của lợn con (Chỉ cho ăn khoảng 50%
lượng thức ăn chúng có thể ăn ngày trước đó).
− Sau đó tăng dần lượng thức ăn, tùy theo tình hình tiêu chảy của đàn để quyết định (g/con/bữa): 5,0 - 7,5 - 10 - 12,5 - 15,0 - 17,5 - 20,0 - 22,5…;
Ngày cho ăn 4-5 bữa.
− Hàng ngày cho lợn con ăn thêm các loại lá non như lá chuối, lá sung… với lượng vừa phải, không để thừa lại trong chuồng.
Trong thời gian thực tập, em đã cùng với các cán bộ, công nhân của trại tiến hành cai sữa và chăn nuôi cho 16 đàn lợn con với số lượng là 136 con.
c. Chăn nuôi lợn thịt
Những con lợn trong quá trình nuôi dưỡng không để làm giống thì chuyển sang nuôi thịt, lợn thịt được thả tự do trong sân chơi, có hàng rào ngăn cách với bên ngoài, có mái che để trú mưa trú nắng, có máng ăn máng uống đầy đủ. Tẩy giun sán, ký sinh trùng, tiêm phòng định kỳ cho đàn lợn thịt. Khi lợn còn nhỏ, mỗi ngày cho lợn ăn 4 bữa (sáng, trưa và chiều tối). Lợn lớn hơn giảm số bữa ăn, lợn trưởng thành cho ăn 2 bữa/ngày. Lợn được ăn theo khẩu phần như sau: 0,4-0,5 kg thức ăn tinh; 0,5 - 1 kg rau xanh/con/ngày. Đối với lợn từ 8 tháng tuổi trở lên cho ăn 0,6-0,7kg thức ăn tinh. Khẩu phần ăn thường tăng thêm các loại rau, cỏ tươi, thân chuối thái mỏng… để hợp với thói quen thích ăn thức ăn xanh của lợn và cung cấp thêm sinh tố cho lợn, đồng thời giảm chi phí. Trong quá trình thực tập tại cơ sở, em đã tham gia chăm sóc được 10 đàn lợn thịt các loại với tổng số lợn là 240 con.
Công tác sản xuất và chế biến thức ăn cho đàn lợn Thức ăn đóng vai trò quan trọng trong chăn nuôi lợn, là thành tố ảnh hưởng đến năng suất chăn nuôi. Trong quá trình thực tập, em đã tham gia công tác sản xuất và chế biến thức ăn cho đàn lợn của trại, bao gồm sản xuất thức ăn xanh (chuối, cỏ voi, ngô dày…), chế biến thức ăn tinh dưới hình thức xử lý nhiệt. Qua việc thực hiện các nội dung này, em đã nắm chắc và hiểu biết quy trình sản xuất cây thức ăn xanh cung cấp cho đàn lợn, quy trình chế biến thức ăn tinh góp phần đảm bảo sản xuất của cơ sở chăn nuôi.