Chương 1. TỔNG QUAN VỀ BLOCKCHAIN VÀ NỀN TẢNG
1.6. ỨNG DỤNG CỦA BLOCKCHAIN
Block chain được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Trong mỗi lĩnh vực, mức độ ứng dụng và vai trò của blockchain là khác nhau. Hình 1.16 liệt kê một số lĩnh vực chính ứng dụng công nghệ block chain.
Hình 1.16 Các ứng dụng của block chain 1.6.1. Lĩnh vực giáo dục
Blockchain được ứng dụng vào công tác quản lý học tập: Tất cả dữ liệu liên quan đến công việc học tập (điểm số, hoạt động ngoại khoá, kỹ năng, trải nghiệm…) đều sẽ được lưu trữ trên Blockchain một cách minh bạch, rõ ràng, bất biến. Quá trình này sẽ hạn chế được tối đa các vấn đề về gian lận điểm, bằng cấp giả mạo … trong giáo dục. Ứng dụng cầu nối giữa người học và nhà tuyển dụng:
Với những thông tin sinh viên được lưu trữ trong Blockchain, các nhà tuyển dụng có thể dễ dàng xem xét và lựa chọn ứng viên ưu tú cho mình. Ngược lại, ứng viên cũng có thể theo dõi thông tin của các doanh nghiệp tuyển dụng và chia sẻ thông tin trong ID của mình.
1.6.2. Lĩnh vực chính phủ điện tử
Blockchain hiện đang thu hút được nhiều sự quan tâm nhờ vào tính minh bạch, tin cậy và bảo mật dữ liệu, đặc biệt nó phù hợp trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Nếu áp dụng vào chính phủ điện tử, blockchain sẽ cho phép lưu trữ toàn bộ tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước. Quan trọng hơn, với mô hình như vậy, dữ liệu sẽ được liên thông, lưu trữ bởi tất cả đối tượng sử dụng hệ thống, tự động cập nhật khi có thay đổi. Người sử dụng (có thể là người dân, doanh nghiệp hay cả cán bộ, công chức, viên chức) sẽ như một tập hợp các công chứng viên xác nhận tính chính xác của dữ liệu trong hệ thống và các hành vi giả mạo, làm sai lệch dữ liệu sẽ dễ dàng bị phát hiện, ngăn chặn bởi cộng đồng. Rộng hơn, blockchain kiểm soát các mục đích gây tổn hại đến trật tự xã hội và an ninh quốc gia. Một chính sách, quy định mới ban hành sẽ áp dụng đồng bộ cho toàn bộ các đối tượng điều chỉnh, nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan.
1.6.3. Lĩnh vực tài chính, ngân hàng
Rất nhiều các nhà quản lý hàng đầu hiện nay thừa nhận rằng, Blockchain đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của ngành Ngân hàng và các công ty tài chính, đồng thời trong tương lai, sẽ cân nhắc đến việc dùng Blockchain thay thế cho hệ thống chuyển khoản ngân hàng hiện nay. Không chỉ cung cấp những phương thức thanh toán nhanh hơn, tiết kiệm chi phí hơn, blockchain còn giúp loại bỏ bớt các trung gian trong giao dịch, cho phép mọi người làm việc trực tiếp với nhau, nâng cao hiệu quả trong giao dịch gửi và nhận các đồng tiền điện tử. Bên cạnh đó, blockchain dùng sổ cái phân tán mang đến cho các ngân hàng hệ thống nhận diện khách hàng, cho phép người dùng xác minh danh tính chỉ bằng một bước đơn giản và cho phép các ngân hàng trong cùng hệ thống truy tập thông tin được lưu trữ này.
1.6.4. Lĩnh vực Y tế
Tiềm năng của công nghệ blockchain có thể được chứng kiến trong các lĩnh vực y học, bộ gen, y tế từ xa, giám sát từ xa, y tế điện tử, khoa học thần kinh và các ứng dụng chăm sóc sức khỏe được cá nhân hóa, bằng cơ chế ổn định và bảo mật dữ liệu mà người dùng có thể tương tác thông qua các loại giao dịch.
1.6.5. Lĩnh vược công nghiệp viễn thông
Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đang quan tâm đến công nghệ blockchain để phát triển mô hình kinh doanh mới trong khi cải thiện các quy trình như chuyển vùng và quản lý danh tính [9]..
Phòng chống gian lận trong chuyển vùng: Việc áp dụng blockchain có khả năng giảm thiểu gian lận chuyển vùng thông qua chức năng hợp đồng thông minh.
Bằng cách sử dụng các mạng blockchain cấp phép, các thỏa thuận chuyển vùng giữa các nhà khai thác sẽ trở nên minh bạch. Theo kịch bản này, các nút được chỉ định có thể đóng vai trò là trình xác nhận (người khai thác) để xác minh từng giao dịch phát sinh trên mạng.
Quản lý danh tính và xác thực: Do tính chất phi tập trung của nó, blockchain có thể mang lại giá trị bổ sung cho các ứng dụng quản lý danh tính, loại bỏ các khâu trung gian. Ví dụ: Deutsche Telekom và SK Telecom đều đang sử dụng blockchain để xây dựng chương trình xác thực tên thật, xác minh và xử lý đăng ký. SoftBank cũng đang làm việc trên một hệ thống nhận dạng an toàn, xuyên biên giới.
Tiến trình chuyển đổi 5G: Khi các công ty viễn thông chuyển sang cung cấp dịch vụ 5G, blockchain cung cấp cơ hội để hợp lý hóa tiến trình chuyển đổi này. Để cung cấp quyền truy cập chung mà 5G hứa hẹn, các nhà mạng sẽ cần xử lý các nút truy cập rời rạc và các cơ chế truy cập đa dạng. Các quy tắc và thỏa thuận giữa các
mạng khác nhau sẽ có dạng hợp đồng thông minh. Nhờ sự linh hoạt này, các hợp đồng tự thực hiện có thể kết nối các thiết bị với nhà cung cấp dịch vụ gần nhất đồng thời đánh giá sự liên tục của kết nối và tính phí dịch vụ qua các nút truy cập.
Kết nối Internet vạn vật (IoT): IoT được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và tiếp tục cách mạng hóa các ngành công nghiệp. Tuy nhiên an ninh mạng là một vấn đề khi các thiết bị truyền đi thông tin nhạy cảm trực tuyến, luôn có khả năng nó rơi vào tay kẻ xấu. Tại đây, blockchain có thể tạo ra một môi trường an toàn hơn để truyền dữ liệu bằng cách tạo các mạng tự quản ngang hàng an toàn cao.