Thực trạng nâng cao Động lực làm việc cho cán bộ công chức tại Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Khê

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao động lực làm việc của cán bộ công chức tại ủy ban nhân dân huyện cẩm khê tỉnh phú thọ (Trang 79 - 83)

Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.2. Thực trạng nâng cao Động lực làm việc cho cán bộ công chức tại Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Khê

3.2.1. Thực trạng công tác quy hoạch cán bộ:

Công tác quy hoạch cán bộ luôn được lãnh đạo UBND huyện quan tâm, chỉ đạo, đã bám sát các quy trình, hướng dẫn của Trung ương, cũng như điều kiện thực tế của cơ quan UBND huyện. Quy hoạch cán bộ đã thực hiện chi tiết tới từng phòng, ban, đơn vị, mỗi chức danh quy hoạch không quá 04 người, mỗi người không quy hoạch quá 03 chức danh. Cán bộ đưa vào quy hoạch được xem xét cẩn thận, chi tiết. Quy hoạch sau khi được phê duyệt đã được công khai để mọi người biết đảm bảo tính dân chủ, minh bạch. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hạn chế nảy sinh khi thực hiện các khâu quy hoạch cán bộ. Số lượng quy hoạch vào mỗi chức danh có vị trí chưa đủ theo yêu cầu; quy hoạch còn mang tính cục bộ, khép kín trong nội bộ, chưa bảo đảm phương châm "động" và "mở"; Những hạn chế đó gây ra khó khăn không nhỏ đối với việc đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt cán bộ.

3.2.2. Thực trạng công tác đào tạo:

Trong những năm qua công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan UBND huyện luôn được quan tâm và tạo điều kiện, hỗ trợ về kinh phí về bố trí, sắp xếp công việc. Qua đó đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tỷ lệ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn từ Đại học trở lên: 72.7% (trong đó thạc sĩ: 25 người (chiếm 15.53%)); trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên: 57,15% (trong đó cao cấp lý luận: 33 người (chiếm 20,5%)); tỉ lệ cán bộ đã tham gia các lớp bồi dưỡng về quản lý nhà nước chương trình chuyên viên và tương đương chiếm: 72.67%. Trên 90%

CBCC có chứng chỉ Tin học và Ngoại ngữ. Từ những kết quả trên có thể thấy được đội ngũ CBCC của Ủy ban nhân huyện Cẩm Khê có trình độ chuyên môn và lý luận tương đối cao tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thực thi các

nhiệm vụ chuyên môn và hiệu quả công việc cao. Tuy nhiên công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chủ yếu vẫn là đào tạo, bồi dưỡng theo chức nghiệp, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn ngạch, bậc của cán bộ, công chức, chưa chú trọng trang bị kiến thức và kỹ năng để cán bộ, công chức thực hiện tốt hơn công việc và nhiệm vụ được giao.

3.2.3. Thực trạng công tác thực hiện chế độ chính sách.

Chính sách, chế độ đối với CBCC nhà nước gồm nhiều nội dung nhưng về mặt quyền lợi vật chất mà CBCC có thể được hưởng trên cơ sở thống nhất các quy định của nhà nước. Theo đó các chế độ, chính sách chủ yếu gồm:

Chính sách về chế độ Lương, phụ cấp (Nâng lương, nâng ngạch, chuyển ngạch), phụ cấp công vụ, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp nghề nghiệp …; chính sách, chế độ về Bảo hiểm xã hội; Chính sách, chề độ về hưu, mất sức; Chính sách, chế độ khi từ chức, cách chức, mất chức v.v…Các chế độ, chính sách trên được lãnh đạo UBND huyện quan tâm, chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời cho CBCC trong cơ quan. Tuy đã có một số biện pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất của cán bộ công chức trong khối như thực hiện nâng lương trước thời hạn; chuyển ngạch; hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ v.v… nhưng đời sống vật chất của cán bộ, công chức trong khối nhìn chung còn gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới động lực làm việc của cán bộ công chức.

3.2.4. Thực trạng công tác tạo điều kiện làm việc

Điều kiện làm việc là yếu tố tất yếu quan trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần cho cán bộ công chức. Cải thiện điều kiện làm việc còn là thực hiện tốt các chính sách an toàn lao động, đầu tư cơ sở vật chất để làm tăng hiệu quả làm việc, lao động và cải thiện môi trường và cải thiện môi trường xung quanh người lao động. Điều kiện lao động không tốt, không đảm bảo sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động và ảnh hưởng đến năng suất

lao động, hiệu quả công việc. Chính nhận thức được điều đó lãnh đạo UBND huyện Cẩm Khê thường xuyên quan tâm, kiểm tra và dành một phần kinh phí để trang bị về cơ sở vật chất, kỹ thuật, môi trường tự nhiên, cảnh quan nơi làm việc để mỗi cán bộ công chức khi đến làm việc tại cơ quan luôn cảm nhận được sự thoải mái, yên tâm công tác. Kết quả cụ thể: 100% các phòng, ban được trang bị điều hòa nhiệt độ, máy vi tính phục vụ công việc. Các phòng, ban cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn diện tích chỗ làm việc; phòng làm việc, phòng họp của các cơ quan, đơn vị được bố trí khoa học, thuận tiện;

riêng đối với phòng họp trực tuyến đã được lãnh đạo UBND huyện quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ đã được trang bị đầy đủ các trang, thiết bị từ màn hình hiển thị, hệ thống mic, hệ thống mạng kết nối, âm thanh v.v…Tuy vậy do điều kiện kinh phí còn eo hẹp nên còn một số phòng của một số cơ quan đơn vị đã xuống cấp khá nghiêm trọng chưa được cải tạo, nâng cấp.

3.2.5. Thực trạng về vấn đề tiền lương của cán bộ, công chức

Tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức của UBND huyện Cẩm Khê hiện nay khá thấp và chưa bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức có mức sống từ trung bình trở lên nếu chỉ sống vì lương, dẫn đến hệ luỵ không mong muốn là có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức phải tìm nguồn khác ngoài lương để bù đắp phần thiếu hụt từ đó ảnh hưởng đến chất lượng thực thi công vụ, cung cấp dịch vụ công. Nhận thức được điều đó Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Khê cũng đã áp dụng một số biện pháp để hỗ trợ một phần cho cán bộ, công chức giảm bớt gánh nặng về chi phí trong thực thi nhiệm vụ như: Hỗ trợ công tác phí cho cán bộ đi làm nhiệm vụ đột xuất; hỗ trợ xăng xe, tiền đàm thoại cho các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, đơn vị v.v..Tuy nhiên đây cũng chỉ là những giải pháp tình thế, chưa tạo được động lực thực sự cho cán bộ, công chức bởi chính sách tiền lương còn mang nặng tính cào bằng, bình quân chủ nghĩa, không đánh giá được năng lực thực sự

của cán bộ, công chức. Hệ thống bảng lương có quá nhiều bậc trong cùng một ngạch công chức, các bậc có khoảng cách thấp và ít có sự chênh lệch, đồng thời việc nâng lương theo thâm niên cũng khiến cho khó đánh giá được sự cố gắng của công chức, đồng thời chế độ tiền lương không đảm bảo mức sống tối thiểu của cán bộ, công chức cũng là nguyên nhân triệt tiêu động lực của cán bộ, công chức.

3.2.6 Thực trạng về cơ hội thăng tiến

Những năm qua, lãnh đạo UBND huyện đã có sự quan tâm thực hiện khá tốt công tác đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, chính điều này là nguồn động viên chính đối với bản thân người cán bộ, công chức phấn đấu làm việc tốt hơn, cống hiến nhiều hơn và cũng để cho những người còn lại noi theo, để họ nhận thấy rằng cơ quan sẵn sàng tạo cơ hội thăng tiến cho những ai làm việc tốt, giúp họ biết và nỗ lực, phấn đấu để có thể có được vị trí cao hơn trong công việc.

Đánh giá chung:

Trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước nói chung còn khó khăn, đặc biệt đối với huyện Cẩm Khê việc áp dụng một số biện pháp hỗ trợ kinh phí cho cán bộ công chức đã là một sự cố gắng lớn của lãnh đạo UBND huyện tuy chưa giải quyết được thực tế về đời sống của cán bộ, công chức nhưng cũng phần nào giảm bớt gánh nặng về kinh tế đối với cán bộ, công chức, góp phần động viên cán bộ, công chức nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện bài bản, đúng quy trình; công tác đào tạo cán bộ được quan tâm, chỉ đạo sát sao đã chọn cử cán bộ đi học, đi tập huấn các lớp đào tạo về chuyên môn, về lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu thực tiễn công việc. Điều kiện làm việc của cán bộ, công chức đã từng bước đáp ứng được với yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của công việc.

Tuy nhiên bên cạnh những mặt đã làm được cũng còn có những nội dung

chưa làm được và làm chưa tốt như: Đánh giá kết quả thực thi công việc của cán bộ, công chức chủ yếu “thiên về đánh giá đạo đức, lối sống trong khi chưa thực sự coi trọng đánh giá kết quả công việc; việc định lượng các tiêu chí đánh giá công chức chưa cụ thể; các hướng dẫn của cơ quan cấp trên về đánh giá công chức chưa đồng bộ; việc đánh giá công chức chưa gắn liền với công tác quy hoạch; còn tồn tại tâm lý nể nang trong đánh giá”.

Việc áp dụng các biện pháp tạo sức hút từ công việc nhằm kích thích động lực làm việc cho công chức còn rất hạn chế. Biện pháp áp dụng chủ yếu là luân chuyển, điều động. Biện pháp mở rộng hay làm giàu công việc chưa được quan tâm đúng mức khiến cho công việc trong các cơ quan, đơn vị phần nào thiếu sức hút, thiếu ý nghĩa từ đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới động lực làm việc của cán bộ, công chức.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao động lực làm việc của cán bộ công chức tại ủy ban nhân dân huyện cẩm khê tỉnh phú thọ (Trang 79 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)