Chương 4 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.1 Phân loại trạng thái hiện tại của rừng
Phân loại trạng thái hiện tại của rừng làm cơ sở cho việc nghiên cứu cấu trúc rừng. Đề tài sử dụng phương pháp phân loại trạng thái rừng của Loeschau (1960), đã được Viện Điều tra quy hoạch rừng cải tiến cho phù hợp với đặc điểm rừng tự nhiên ở nước ta. Kết quả được ghi ở bảng 4.1
Bảng 4.1: Phân loại trạng thái rừng hiện tại OTC D (cm)
H(m)
N/ha (cây/ha)
G/ha
(m2/ha)
M (m3/ha) Trạng thái
1 16.80 12.07 260 5.76 39.76 IIB
2 17.63 10.90 210 5.13 34.71 IIB
3 17.95 10.38 220 5,57 35.63 IIB
4 16.88 10.74 275 6.15 43.39 IIIA1
5 19.31 13.73 215 6.29 48.81 IIIA1
6 17.97 15.52 280 7.09 60.78 IIIA1
7 19.31 11.75 335 10.01 85.07 IIIA2
8 22.25 14.26 275 10.68 61.70 IIIA2
9 21.15 11.43 285 10.02 71.82 IIIA2
10 30.01 15.20 235 16.61 146.7 IIIA3
11 26.23 15.13 280 15.13 135.6 IIIA3
12 27.44 15.10 265 15.67 138.7 IIIA3
4.1.1 Trạng thái rừng IIIA3
Trạng thái rừng IIIA3 phân bố ở độ cao từ 400-900m, tập trung nhiều nhất ở độ cao 600-900m so với mặt nước biển. Trạng thái rừng này đã bị khai thác nhiều năm trước đây nhờ quá trình phục hồi rừng tán rừng nhìn chung đã hình thành, tình trạng dây leo bụi rậm.
Các chỉ tiêu định lượng về tổng tiết diện ngang đạt từ 15.13m2/ha đến 16.61m2/ha, trữ lượng từ 135.61m3/ha đến 146.70m3/ha, mật độ từ 235 cây/ha đến 280 cây/ha, đường kính bình quân từ 26.23cm đến 30.01cm, chiều cao bình quân 15.10m đến 15.20m.
4.1.2 Trạng thái IIIA2
Trạng thái rừng IIIA2 phân bố ở độ cao 500-700m, tập trung nhiều nhất từ 500-600m. Trạng thái này bao gồm diện tích rừng đã bị khai thác ở mức trung bình hoặc bị khai thác mạnh trong thời gian 10-15 năm về trước, với đặc điểm tán rừng bị phá vỡ. Hoàn cảnh rừng cũng như cấu trúc vốn có trước đây bị thay đổi, mật độ cây to ở tầng chính bị giảm mạnh.
Tổ thành cây chủ yếu là loài phụ cận tái sinh mọc lên, cây lớn còn lại đa phần là những cây có phẩm chất xấu, lớp cây nhỏ mới lớn chiếm tỷ lệ đáng kể, rải rác có những đám rừng bị dây leo, cây bụi rậm xâm lấn.
Tiết diện ngang, trữ lượng rừng trên ha bị giảm sút rõ rệt so với trạng thái rừng IIIA3, chỉ tiêu tổng G/ha đạt từ 10.01m2/ha đến 10.68m2/ha, trữ lượng (M/ha) từ 61.70m3/ha đến 85.07m3/ha, mật độ từ 275 cây/ha đến 335 cây/ha, đường kính bình quân từ 19.31cm đến 22.25cm, chiều cao bình quân 11.43m đến 14.26m.
4.1.3 Trạng thái rừng IIIA1
Trạng thái rừng IIIA1 thường phân bố xen kẽ ở các đai cao và thuộc kiểu rừng giống như trạng thái IIIA2, điều khác cơ bản ở đây là đối tượng rừng mới bị khai thác kiệt. Cấu trúc rừng vốn có trước đây bị phá vỡ hoàn toàn, tầng rừng chính không còn, cây cao có chất lượng tốt đã bị khai thác, một số cây lớn còn lại chủ yếu là những cây không phù hợp với mục đích kinh tế, tỷ lệ cây sâu bệnh lớn, tình trạng vệ sinh rừng sút kém, hiện tượng dây leo bụi rậm nhiều, tán rừng có nhiều lỗ trống.
Tổng diện ngang và trữ lượng trên đơn vị diện tích đã xuống thấp, tổng G/ha đạt từ 6.15m2/ha đến 7.09m2/ha, trữ lượng (M/ha) từ 43.39m3/ha đến 60.78m3/ha, mật độ từ 215 cây/ha đến 280 cây/ha, đường kính bình quân từ 16.88cm đến 19.31cm, chiều cao bình quân 10.74m đến 15.52m.
4.1.4 Trạng thái rừng IIB
Đây là trạng thái rừng non được phục hồi tự nhiên. Sự hình thành trạng thái rừng này khá phức tạp, ở vùng đệm rừng được hình thành bởi các nguyên nhân sau:
- Rừng phục hồi sau nương rẫy: Thế hệ rừng trước kia đã bị chặt phá làm nương rẫy, sau một thời gian bỏ hóa, các loài cây ưa sáng mọc nhanh như: Ba bét (Mallotus cochinchinensis), Hu đay (Trema angustifolia), Màng tang (Litsea cubeba)... xuất hiện, sinh trưởng và phát triển nhanh. Rừng phục hồi sau nương rẫy thông thường không có thế hệ cây mẹ chung sống.
- Rừng phục hồi sau khai thai: Được hình thành do các cây gỗ tái sinh dưới tán cây lớn, chúng là những cây gỗ lâu năm ở lứa tuổi non cùng với cây mẹ. Đối tượng rừng này có một số cây lớn còn sót lại, do đó có cấu trúc tương đối phức tạp về tổ thành loài cây.
Chỉ tiêu tổng G/ha đạt từ 5.13m2/ha đến 5.76m2/ha, trữ lượng (M/ha) từ 34.71m3/ha đến 39.76m3/ha, mật độ từ 210 cây/ha đến 260 cây/ha, đường kính bình quân từ 16.80cm đến 17.95cm, chiều cao bình quân 10.38m đến 12.07m.
Kiểu trạng thái rừng IIB: Rừng phục hồi sau khai thác kiệt, phần lớn gồm những quần thụ non, loài cây tương đối ưa sáng, thành phần tương đối phức tạp, không đều tuổi, độ ưu thế không rõ ràng. Có thể còn sót lại một số cây quần thụ cũ, vượt khỏi tán rừng nhưng trữ lượng không đáng kể.
4.1.5 Một số nhận xét về kết quả phân loại trạng thái rừng hiện tại ở vùng đệm xã Rờ Kơi Vườn quốc gia Chư Mom Ray
Kết quả phân loại trạng thái rừng hiện tại ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray dựa trên cơ sở tài liệu tính toán của 12 ô tiêu chuẩn phân bố đều trên diện tích điều tra cho thấy, việc vận dụng hệ thống phân loại của Thái Văn Trừng (1978) ở những
phân loại bậc cao (kiểu rừng) và vận dụng tiêu chuẩn phân loại Loeschau và khả năng cung cấp lâm sản của rừng từ trước tới nay là phù hợp.
Qua tài liệu thu thập trên 12 ô tiêu chuẩn và tập hợp số liệu liên quan khẳng định, trạng thái rừng hiện tại phân bố ở vùng đệm Vườn quốc gia Chư Mom Ray thuộc xã Rờ Kơi (vùng nghiên cứu) chủ yếu là các trạng thái rừng từ IIIA3 trở xuống.
Rừng vùng đệm của Vườn quốc gia Chư Mom Ray nói chung và của xã Rờ Kơi nói riêng thuộc kiểu rừng lá rộng thường xanh, hỗn giao nhiều loài cây đáp ứng được mục tiêu của Vườn quốc gia về khôi phục hệ sinh thái với tính đa dạng sinh học cao và yêu cầu phòng hộ đầu nguồn hệ thống sông Sê san.