CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
1.2.3. Các nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến đền tài
Măng tây được trồng ở nhiều nơi trên thế giới như: Châu Âu, Bắc Phi và Tây Á. Đọt non của cây măng tây được dùng làm rau. Năm 2020, Mexico là nước xuất khẩu măng tây nhiều nhất thế giới với kim ngạch xuất khẩu 460.3 triệu USD (chiếm 33,5% giá trị măng tây xuất khẩu trên thế giới), tiếp theo là Peru, Mỹ, Hà Lan, Tây Ban Nha với kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 394 (28.7%), 163.5 (11.9%), 95.4 (7%) và 80.3 (5.9%) (World’s Top Exports 2020).
Lần đầu tiên tại Mỹ năm 1908, người ta đã tìm ra bệnh thối rễ và cổ rễ, lúc đầu nó được gọi là bệnh lùn cây, héo rũ và thối rễ. Bệnh xuất hiện cả giai đoạn cây con và cây trưởng thành.
Nghiên cứu của Liptay (1985), cây giống măng tây được gieo vào mùa xuân trên ruộng ở độ sâu 3 cm, được trồng sâu 15-20 cm vào cuối mùa hè của năm gieo hạt hoặc các thời điểm khác nhau của năm sau. Cây được trồng từ cuối mùa hè của năm gieo hạt và trồng vào đầu mùa xuân năm sau có sức sống mạnh nhất. Cây được trồng vào tháng 7 của năm sau khi gieo hạt có tỷ lệ chết cao nhất.
Sterret và cộng sự (1990) nghiên cứu ảnh hưởng của các phương pháp tưới đến năng suất cây măng tây. Tác giả đã sử dụng 4 công thức trong đó tưới nhỏ giọt trên bề mặt (ST), tưới nhỏ giọt ngầm (SST), tưới phun mưa (SPR) và không tưới làm đối chứng (NI). Kết quả nghiên cứu cho thấy tưới nhỏ giọt ngầm cho số lượng măng cao nhất ở năm thứ 5 với 300,000 măng/ha/năm, tưới nhỏ
giọt trên bề mặt đạt 237,000 măng/ha/năm, tưới phun mưa 231,000 măng/ha/năm và đối chứng 207,000 măng/ha/năm. Măng có trọng lượng trung bình cao nhất ở công thức tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt trên bề mặt đạt 25,2g/chồi măng, tưới nhỏ giọt ngầm đạt 24,6g/chồi măng và thấp nhất ở công thức đối chứng với 22,8g/chồi măng.
Năm 1996, Loughton và cộng sự đã nghiên cứu ảnh hưởng của khoảng cách giữa các hàng và chiều sâu trồng cây đến sinh trưởng phát triển và năng suất cây măng tây xanh. Thí nghiệm khoảng cách giữa các hàng từ 60-120 cm kết hợp với chiều sau trồng từ 15-30 cm. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng năng suất giảm 756kg/ha khi tang 1cm chiều sâu trồng và năng suất giảm 46,5kg/ha khi tăng khoảng cách giữa các hàng trồng lên 1cm. Mối quan hệ giũa khoảng cách giữa các hàng với chiều sâu trồng không có mối tương quan.
Kết quả nghiên cứu của Krug và Kailuweit (1999), về ảnh hưởng của phân đạm ở các liều lượng 50, 75, 100 và 200 kg N/ha đến năng suất của măng tây. Kết quả cho thấy 3 trong 4 trường hợp theo dõi, năng suất đạt tối đa với liều lượng đạm thấp nhất.
Mullen (1998), cho rằng: lượng phân bón cung cấp cho cây măng tây phụ thuộc vào dinh dưỡng trong đất và loại đất. Đối với vùng đất có hệ thống tưới tiêu tốt, lượng phân N nên bón từ 112 – 168 kg/ha/năm, 112 – 224 kg/ha P2O5, lượng K2O khoảng 224 kg/ha/năm (Trần Thị Thơm, 2013).
Năm 1999, Paschold trồng cây măng tây với mật độ 1300 cây/ha trên đất cát với lượng bón phân đạm vào tháng 6 với liều lượng 30, 60, 90 và 120 kg/ha.
Lượng N bón cho măng tây phải dựa vào phân tích N trong đất, đặc biệt với những vùng trồng măng tây có sử dụng phân hữu cơ bón cho cây. Bón cho măng tây với lượng đạm nhiều sẽ làm giảm số lượng măng và làm giảm chất lượng măng.
Tác giả đề xuất lượng đạm bón cho măng là 90 kg/ha với tầng canh tác từ 0-90cm sau 3 năm trồng sẽ cho cây phát triển tối ưu và giảm tồn dư đạm trong đất.
Năm 1999, Sander và Benson, đã nghiên cứu bón 0, 50, 100, 150 và 200 kgN/ha và 0, 50, 150, 250 và 300 kg K2O/ha cho măng tây lai Jersey Gem, năng suất đạt cao nhất khi sử bón liều lượng 150 kg N/ha và 150 kg K2O/ha.
Năm 2000, Hikasa đã nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố làm giảm năng suất măng tây ở Nhật bản. Tác giả đã so sánh năng suất của hai vùng trồng măng tây một vùng hạn chế sự phát triển của bộ rễ với một vùng sản xuất. Để mang lại năng suất tác giả đã bón hàng năm với 200kg N, 60kg P2O5 và 12kg K2O. Tuy nhiên, vùng hạn chế sự phát triển của bộ rễ lại có sự quang hợp tốt hơnvà chuyển hóa đường xuống bộ rễ cao. Tác giả đã đưa ra khuyến nghị nên trồng măng tây trên đất quản lý và bón phân hạn chế cùng với thời gian thu hoạch không được kéo dài.
Năm 2000, Nicola đã nghiên cứu ảnh hưởng của nồng độ N (4, 8, 15, 30 và 60 nM) ở dung dịc dinh dưỡng. Số măng và hàm lượng chất khô tăng lên khi tăng nồng độ N.
Năm 2002, Paschold và cộng sự đã nghiên cứu về cây măng tây trong 10 năm và đã đưa ra kết luận, việc thu hoạch măng quá lâu trong mỗi mùa có thể làm giảm dần sức sống của măng tây, đó là nguyên nhân làm giảm năng suất trong thời gian dài. Tác giả cũng đề xuất thời gian mỗi đợt thu hoạch nên được rút ngắn dần từ tám tuần đến sáu tuần khi tuổi cây trồng tăng lên. Việc đo lượng carbohydrate hòa tan trong hệ thống rễ sẽ giúp người trồng quyết định thời điểm tốt nhất để dừng thu hoạch măng.
Theo Nesson (2004), phân bón cho cây măng tây thay đổi tùy theo đất và điều kiện trồng trọt, nhưng theo hướng dẫn chung, các nhà sản xuất măng tây của NSW bón 150 kg nitơ (N), 50 kg phốt pho (P) và 50 kg kali (K) mỗi ha trong mỗi năm. Phân bò ủ bón ở mức 6 tấn/ha/năm, có thể cung cấp 120 kg N.
Nếu canh tác măng tây có bón phân hữu cơ và quản lý tốt thì chu kỳ sản xuất của cây kéo dài trên 15 năm.
Nghiên cứu của Asghar và cộng sự (2006) chỉ ra rằng măng tây có thể trồng trên hầu hết các loại đất, đặc biệt là đất có tầng canh tác sâu và thành phần cơ giới nhẹ như thịt pha cát và thịt mịn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ảnh hưởng của đạm đến sinh trưởng và năng suất của 6 giống măng tây, với mức đạm 90 kg N/hacho chiều cao cây tối đa (2,3m) số nhánh trên cây (12,2 cành), trọng lượng trung bình cây (178,8 g) và trọng lượng trung bình rễ (288,3 g), số lượng búp măng chồi (34,1), chiều dài măng (25,1 cm), trọng lượng măng (32,2 g) và năng suất cao nhất 37,9 tấn/ha.
Cây măng tây bị một số bệnh như: Bệnh nấm Fusarium và bệnh thối rễ (Fusarium immuratum), Bệnh héo Fusarium (F. oxysporum f. Sp. Asparagi), bệnh bạc lá, đốm lá (Cercospora asparagi), gỉ sắt (Puccinia asparagi), và Đốm tím (Stemphylium vesicarium) (Brandenberger và cộng sự 2016).
1.2.3.2. Một số nghiên cứu nghiên cứu măng tây ở Việt Nam
Năm 1994, Trần Khắc Thi và Nguyễn Công Hoan cho rằng lượng phân bón cho một ha măng tây như sau: 30 - 40 tấn phân chuồng, 200 kg Urê, 150 kg kali sunfat. Có thể kéo dài thời gian thu hoạch và tăng sản lượng.
Năm 1995 Nguyễn Văn Thắng và Trần Khắc Thi, đã tiến hành nghiên cứu chọn tạo một số giống rau chủ yếu và các biện pháp thâm canh giai đoạn 1991 – 1996 trong đó có cây măng tây.
Năm 1999, Theo Mai Thị Phương Anh xác định lượng đạm thích hợp bón cho măng tây là 92 kg N/ha.
Năm 2011, Lư Cẩm và Lê Hồng Triều đã đề xuất áp dụng biện pháp phủ liếp bằng màng phủ plastic trong việc trồng cây măng tây.
Theo Vi Thị Phượng (2011), nêu lên những tính năng và tầm quan trọng của cây rau măng tây đối với con người. Cây măng tây không những có lợi về mặt dinh dưỡng mà còn là mặt hàng xuất khẩu quan trọng cần được đầu tư và phát triển.
Theo Trần Thị Thơm (2013), đưa ra kết luận: bón vôi ở mức 500 kg/ha cho năng suất thu hoạch măng ban đầu cao hơn 23,4% so với mức bón 2000 kg/ha, năng suất đạt được ở mức bón 160 kg N/ha tăng 31,3% so với mức bón 40 kg/ha.
Năm 2013, Nguyễn Thanh Bình và cộng sự đã nghiên cứu cải thiện pH đất và ảnh hưởng của phân đạm đến năng suất măng tây. Kết quả nghiên cứu đã xác định bón vôi đã giúp cải thiện pH đất trên vùng đất xám khảo sát với liều lượng từ 500 -2000kg/ha. Trong đó, ở mức bón 500 kg vôi/ha cho năng suất thu hoạch măng lứa đầu cao hơn 23,4 %. Đạm Urea phân nửa bón lót và một nửa còn lại bón thúc không làm thay đổi pH của đất. Ở liều lượng bón từ 120 - 160kgN/ha kết hợp 500kg Vôi/ha trên nền phân chuồng, lân và kali giúp cải thiện pH đất, đạm tổng số, lân hòa tan giúp cây phát triển và có năng suất thu hoạch lứa đầu tiên cao hơn các công thức khác.
Năm 2014. Trần Thị Ba và cộng sự đã nghiên cứu ảnh hưởng của màng phủ và superhume lên sinh trưởng và năng suất măng tây xanh. Kết quả nghiên cứu Trồng măng tây có áp dụng biện pháp phủ liếp bằng màng phủ plastic và tưới bổ sung Superhume cho năng suất thương phẩm 7,54 tấn/ha, cao hơn 35%
so với không phủ màng và có tưới bổ sung Superhume (4,55 tấn/ha) cao hơn 78% so với có màng phủ nhưng không tưới Superhume và hơn 105% so với đối chứng. Lợi nhuận của trồng măng tây có phủ liếp bằng plastic và tưới bổ sung Superhume 754.280.000 đồng/ha với tỷ suất lợi nhuận là 2,57 và đối chứng là 0,79. Màng phủ và Superhume đã làm tăng đường kính, trọng lượng, số chồi trên cây măng tây.
Theo Mai Hoàng Đạo (2014), kết luận yếu tố đạm ở tất cả các mức nghiên cứu đều ảnh hưởng tốt đến sự sinh trưởng và phát triển của măng, tốt nhất ở mức đạm 200 kg/ha về các chỉ tiêu chiều cao cây, số thân trên bụi, số cành cấp 1 và ở mức đạm cao nhất cho năng suất cao nhất (7,5 tấn/ha/4 tháng).
Đề tài nghiên cứu: Ảnh hưởng của bốn mức phân đạm và bốn mức phân kali đến sinh trưởng và năng suất của cây măng tây (Asparagus officininalis L.) trồng tại Thủ Đức Tp. Hồ Chí Minh do tác giả Hỷ Minh Cường thực hiện. Thí nghiệm được tiến hành trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 5/2015, tại trại thực nghiệm khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm Tp.Hồ Chí Minh, nhằm chọn ra mức phân bón đạm và kali phù hợp cho cây măng tây. Với các mức phân kali 40, 60, 80, 100 kg K2O/ha và các mức phân đạm 80, 120, 160, 200 kg N/ha.
Việc sử dụng phân đạm 200 kg N/ha có ảnh hưởng tốt đến một số chỉ tiêu sinh trưởng chiều cao cây (168,9cm), đường kính thân (11,5 mm), cành cấp một đạt 46,1 cành/cây, số thân trung bình trên bụi (6,2 thân). Với mức bón 160 kg N/ha năng suất măng tây được dao động từ 741,4 kg/1000 m2 (4 tháng); tăng hơn so với bón 80 kg N/ha lần lượt 23,1 (Hỷ Minh Cường, 2015).
Bón phân kali ở mức 100 kg K2O/ha ảnh hưởng tốt đến chỉ tiêu măng trung bình bụi (270,1 g), trọng lượng trung bình một măng (21,0 g) và khả tăng khả năng chống chịu bệnh nứt thân trên măng tây. Tuy không có ý nghĩa thống kê về năng suất nhưng mức bón 100 kg K2O/ha cho năng suất cao nhất đạt 720,3 kg/1000 m2 (4 tháng) cao hơn mức bón 40 kg K2O/ha 12,5%. Với mức bón 200 kg N/ha + 100 kg K2O/ha chiều cao cây măng tây đạt cao nhất là 184,67 cm (Hỷ Minh Cường, 2015).
Các nghiên cứu về cây măng tây ở khu vực miền Trung thì có nghiên cứu của tác giả Trần Văn Trung và cộng sự (2020) ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã có những đánh giá như sau:
+ Cây có tỉ lệ sống cao đạt 92,6 %, cây măng tây xanh được trồng trên vùng đất đồi huyện Quảng Ninh sinh trưởng và phát triển tốt khi được cung cấp đầy đủ nước, sau hơn 5 tháng trồng cây cho thu hoạch, sau hơn 9 tháng trồng cây cho thu hoạch được 2 lứa, năng suất của lứa sau cao hơn lứa trước.
+ Cây măng tây xanh thực hiện theo đúng quy trình chăm sóc trong thời gian kiến thiết cơ bản cho thu hoạch ở giai đoạn sau 6,5 tháng trồng ở lứa
thứ nhất thì thời gian cho thu hoạch lâu hơn so với việc cho thu hoạch trước ở giai đoạn sau 5 tháng trồng.
+ Sản lượng thu được sau 2 đợt thu hoạch của mô hình là 702,7 kg. Năng suất thu hoạch trung bình trong lứa thứ 1 đạt 1,65 kg/ngày/sào; ở lứa thứ 2 đạt 2,46 kg/ngày/sào.
+ Khống chế được bệnh thối thân và bệnh khô thân cây sẽ năng suất thu hoạch cao hơn
+ Cây chịu được nhiệt độ cao.
Năm 2014, Phòng kinh tế thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam có nghiên cứu đề tài “Khảo nghiệm khả năng thích nghi cây Măng tây xanh tại thôn Hà Đông, xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam”. Qua kết quả nghiên cứu của đề tài đã chỉ ra:
+ Giống măng tây xanh lai F2 UC 157 gieo trồng bằng hạt trên đất cát pha tại thôn Hà Đông xã Điện Hòa bước đầu cho ta một số kết quả rất khả quan. Cụ thể như sau:
+ Giai đoạn vườn ươm: Cây sinh trưởng rất tốt; Từ khi gieo hạt đến khi cây đủ tiêu chuẩn trồng ra ruộng sản xuất là 03 tháng.
+ Giai đoạn trồng cây ra ruộng sản xuất: Trong 4 tháng đầu chăm sóc cây ở thời kỳ kiến thiết cơ bản, cây sinh trưởng rất tốt, chiều cao cây đạt trung bình trên 113 cm, đường kính gốc 5,75 mm và trong thời kỳ bón phân dưỡng cây mẹ cây phát triển chậm, thời gian cho thu hoạch chồi măng non kéo dài hơn so với quy trình và năng suất thu hoạch chồi măng non thấp, bình quân 2-3 ngày thu hoạch 1kg măng /1000m2. Với diện tích trồng giống Măng tây xanh lai UC 157, trồng bằng phương pháp tách chồi rễ, trồng theo hàng đơn, sau 9 tháng trồng mỗi ngày cho thu hoạch 1,4kg/ngày/250m2 cho thấy tiềm năng năng suất cao, doanh thu ước đạt 500 triệu/ha/năm.
+ Giống Măng tây xanh Địa phương, gieo trồng bằng hạt trên nền đất cát pha tại thôn Hà Đông xã Điện Hòa cho thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt, nhưng chồi măng non rất nhỏ, không đạt tiêu chuẩn.
+ Tình hình sâu, bệnh hại trên cây Măng tây xanh: Là đối tượng cây trồng mới, qua hai năm theo dõi cho thấy có nhiều đối tượng dịch hại xuất hiện nhưng
mức độ gây hại nhẹ và đặc biệt trong mùa mưa bệnh thối thân, tuyến trùng rễ gây hại nặng cần chú ý biện pháp tiêu thoát nước và phun trị bệnh kịp thời.
Về nghiên cứu sản xuất măng tây theo hướng hữu cơ thì Nguyễn Công Thành (2018) đã chỉ ra: Cây Măng tây (Asparagus) ít sâu bệnh nghiêm trọng gây hại nên có thể trồng không áp dụng thuốc hóa học và trồng theo phương pháp hữu cơ. Cần quản lý cỏ dại tốt, đặc biệt là thời kỳ xây dựng cơ bản. Đó là những điều chủ yếu nhằm sản xuất Măng tây hữu cơ an toàn, thỏa mãn về năng suất và chất lượng. Sản xuất Măng tây hữu cơ giống như sản xuất các loại rau khác, bao gồm phát triển một hệ thống dinh dưỡng phù hợp và quản lý cỏ dại, sâu bệnh có hiệu quả.
Trong nghiên cứu của Đặng Thị Thanh Vương (2020), tác giả đã có nghiên cứu về phân hữu cơ đến sinh trưởng của cây măng tây giai đoạn cây con.
Trong nghiên cứu này đã sử dụng loại phân hữu cơ là phân trùn quế và tác giả đã sử dụng 4 công thức với 4 mức phân trùn quế là 200g/cây, 400g/cây, 600g/cây và đối chứng 0g/cây. Trong quá trình bố trí thí nghiệm ở các mức phân trùn quế khác nhau thì các chỉ tiêu sinh trưởng của cây măng tây giai đoạn cây con cũng khác nhau. Mức phân cho năng suát cao nhất trong bốn mức thí nghiệm là 400g/cây.
Từ những nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy, các công trình nghiên cứu sử dụng các dạng phân bón hữu cơ cho cây măng tây còn hạn chế, đặc biệt phân bón hữu cơ từ bánh dầu đối với cây măng tây chưa có một nghiên cứu nào được thực hiện. Tuy nhiên, xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói chung và cây măng tây nói riêng đang được nhiều nhà khoa học và quản lý quan tâm để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao đảm bảo sức khỏe con người và môi trường.
Tóm lại: Để cây măng tây xanh trở thành sản phẩm rau cao cấp, giàu giá trị dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe con người và môi trường, đồng thời mang giá trị kinh tế cao cho nguồi nông dân trên địa bàn Thừa Thiên Huế thì việc tìm kiếm các nguồn phân bón hữu cơ, phù hợp cho cây măng tây xanh sinh trưởng phát triển đạt năng xuất cao là việc làm rất cần thiết. Trên cơ sở khoa học về đặc điểm thực vật học, yêu câu sinh thái của cây măng tây,… và, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương nói chung. Cần tiến hành nghiên cứu các
nguồn phân hữu cơ có thể thay thế phân vô cơ trong quy trình kỹ thuật trồng cụ thể, để có kết luận khoa học dựa trên cơ sở lý luận và các nghiên cứu thực nghiệm, nhằm xây dựng quy trình kỹ thuật trồng cây măng tây xanh hữu cơ phù hợp, có năng suất cao và chất tốt đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.