CHƯƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN QUẢN LÝ TÀI CHÍNH
1.4. KINH NGHIỆM TRONG QUẢN LÝ TÀI CHÍNH GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Trong bối cảnh sôi động của các xu hướng phát triển của đời sống xã hội hiện đại, GD ĐH ở các nước đã và đang phải đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức to lớn, đặc biệt là vấn đề giải quyết các mối quan hệ giữa quy mô, chất lượng và hiệu quả đào tạo; giữa đào tạo và nghiên cứu, dịch vụ; giữa nhu cầu và nguồn lực cho phát triển... Để giải quyết các yêu cầu đó, GD ĐH ở các nước đã và đang thực hiện các cuộc đổi mới và cải cách sâu rộng với các xu hướng sau:
- Xu hướng đại chúng hoá: Chuyển từ giáo dục tinh hoa sang giáo dục đại chúng và phổ cập. Quy mô GD ĐH tăng nhanh. Ở nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc tỷ lệ sinh viên đại học trong độ tuổi 18-26 lên đến 30-50%.
- Xu hướng đa dạng hoá: Phát triển nhiều loại hình trường với cơ cấu đào tạo đa dạng về trình độ và ngành nghề theo hướng hàn lâm hoặc nghề nghiệp và công nghệ nặng về thực hành.
- Tư nhân hoá: Để tăng hiệu quả đào tạo và thu hút nhiều nguồn lực ngoài NSNN cho GD ĐH, nhiều nước như Mỹ, Philippin...phần lớn các trường đại học là đại học tư.
- Bảo đảm chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh. Tập đoàn hoá và công nghiệp hoá hệ thống GD ĐH.
- Phát triển mạng lưới các đại học nghiên cứu để trở thành các trung tâm sản xuất, sử dụng, phân phối, xuất khẩu tri thức và chuyển giao công nghệ mới, hiện đại. Thông qua đào tạo và nghiên cứu để phát hiện và thu hút nhân tài khoa học và công nghệ.
- Đẩy mạnh các loại hình dịch vụ đào tạo nhân lực quốc tế và khu vực.
Các trường đại học trở thành các cơ sở dịch vụ đào tạo nhân lực thu hút vốn đầu tư vào đào tạo từ nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển có nhu cầu tiếp cận với công nghệ hiện đại.
Như vậy, xu hướng chung của GD ĐH trên thế giới là chuyển dần sang khu vực tư nhân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay NSNN vẫn giữ vai trò chủ đạo trong tổng nguồn vốn đầu tư cho GD ĐT. Hệ thống GD ĐT của các nước đều bị thiếu hụt về tài chính, do các lý do sau:
- Nhu cầu đào tạo đại học trong những năm gần đây tăng nhanh
- Các hình thức hỗ trợ cho các đối tượng thuộc cấp giáo dục thấp tăng lên
- Nhu cầu đào tạo phải thay đổi phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động nhiều biến động và phải đáp ứng được nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
- Sự bùng nổ kiến thức trong thời đại của công nghệ thông tin đã làm cho các kỹ năng và cơ sở vật chất bị hao mòn vô hình nhanh chóng.
- Yêu cầu mở rộng việc nghiên cứu khoa học và đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng GD ĐH.
Chính vì vậy, xu hướng quốc tế là tăng quyền tự chủ trong QLTC và quản lý nhân sự của các cấp cơ sở trong hệ thống giáo dục xuống tận cấp trường - cấp phải đối mặt thường xuyên với các vấn đề thực tiễn của người dạy và người học, đồng thời cũng là cấp có khả năng phân bổ và sử dụng các nguồn lực thích hợp nhất. Xu hướng này chính là công cuộc cải cách tài chính trong tiến trình cải cách giáo dục đã được thực hiện có hiệu quả ở một số nước phát triển. Cải cách tài chính trong tiến trình cải cách giáo dục chính là sự phân công và phân bổ lại các nguồn kinh phí phục vụ cải cách giáo dục có hiệu quả, đạt chất lượng cao.
1.4.1.1. Kinh nghiệm của Mỹ
Nguồn kinh phí và tỷ lệ chi tiêu cho GD ĐH ở Mỹ là rất lớn, gồm: sự hỗ trợ tài chính rất lớn của Nhà nước và xã hội. Ngân sách hàng năm của Nhà nước Mỹ dành cho giáo dục luôn có xu hướng gia tăng (ví dụ năm 1985 đầu tư cho lĩnh vực này vào khoảng 300 tỷ đôla, năm 1989 là 353 tỷ, đến năm 1999 đã đạt 635 tỷ đô la) nên phần chi cho giáo dục đại học cũng lớn theo.
Hiện nay, tỷ lệ đầu tư cho giáo dục chiếm khoảng 7% GDP, và nếu kể cả phần chi của xã hội thì toàn bộ chi tiêu cho GD ĐT hàng năm xấp xỉ khoảng 1000 tỷ đô la, trong đó GD ĐH chiếm đến 2/3, tức hơn 700 tỷ đô la.
Trong cơ chế QLTC tập trung, nhà trường nhận các nguồn tài trợ về giảng viên, tài liệu học tập, phương tiện đi lại và một phần kinh phí. Với việc phân bổ ngân sách theo các tiêu chuẩn định sẵn như vậy đã bị chỉ trích là có hại chi việc thiết kế các chương trình, đặc biệt là làm mất khả năng sáng tạo của đội ngũ, ngăn cản sự đổi mới của nhà trường và hạn chế khả năng tham
gia của các nhà giáo dục và cha mẹ học sinh. Các nhà kinh tế học giáo dục Hoa Kỳ cho rằng nhà trường chỉ có thể thực hiện cải cách giáo dục một cách hiệu quả nếu có hai chiến lược cơ bản: chiến lược quản lý tài chính và chiến lược hiệu quả chi phí và chất lượng. Các nghiên cứu trong lĩnh vực trường tư ở Mỹ cũng cho thấy rằng phi tập trung hóa trong 4 lĩnh vực: quyền lực, thông tin, tri thức và kinh phí sẽ làm tăng hiệu quả và chất lượng đào tạo trong nhà trường. Để tự chủ, nhà trường cần có quyền lực thực sự đối với ngân sách, có quyền quyết định phân bổ chúng như thế nào và ở đâu. Đó chính là quyền tự chủ về tài chính của nhà trường.
Khi trao quyền tự chủ về tài chính cho các nhà trường, các nhà quản lý quận huyện tiếp tục kiểm soát các chi phí của nhà trường như nhà cửa, lương giáo viên, các khoản mua sắm ban đầu...Các nhà quản lý quận huyện cần đưa ra danh mục các trang thiết bị chất lượng và buộc nhà trường phải tuân theo.
Do đó, các chuyên gia QLTC cấp huyện tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với nhà trường trong quá trình tự chủ về tài chính. Họ tiếp tục quyết định số tiền mà mỗi trường được nhận, trợ giúp các nhà lãnh đạo nhà trường về mặt kỹ thuật, tài chính, giá cả, chỉ đạo và hướng dẫn các khoản chi tiêu, mua sắm của nhà trường...
Trong thực tế, ở Mỹ không có một hệ thống thống nhất cho quyền tự chủ tài chính trong các nhà trường. Điều này dẫn đến các nhà trường có quyền khác nhau đối với việc sử dụng ngân sách. Có trường tự chủ 80% ngân sách, kể cả lương giáo viên. Có trường chỉ được quản lý một phần nhỏ như trả lương cho giáo viên hợp đồng hay mua sắm các trang thiết bị nhỏ. Một số quận huyện cho phép trường học tự tuyển giáo viên phù hợp với trường nhưng trong một khuân khổ luật định nhất định. Từ đó các trường chỉ có thể thuê giáo viên ít kinh nghiệm hoặc giáo viên làm việc thêm giờ để giảm giá
thành phải trả cho đội ngũ. Một số quận, huyện khác thì lại cho phép các trường học thuê giáo viên dựa trên mức chi phí cơ bản.
Để thực hiện tự chủ tài chính trong các nhà trường được tốt đòi hỏi sự hợp tác, đặc biệt là sự hợp tác của lãnh đạo nhà trường, các thanh tra viên và giáo viên. Vì vậy, nhà trường cần có các quyền sau đây:
- Quản lý chuyên môn: Nhà trường phải được tự tuyển chọn đội ngũ, quyết định thời gian làm việc của các tổ chuyên môn, phân công lao động hợp lý đối với các thành viên trong nhà trường.
- Quản lý các khoản chi tiêu cho giáo viên và các phương tiện sử dụng trong nhà trường.
- Kiểm soát các nguồn cung cấp: Nhà trường chủ động tìm người cung cấp các dịch vụ và các thiết bị khi họ cần.
- Quyền cho các nhà trường chuyển các khoản tiền chưa chi tiêu của họ sang năm học sau.
Khi trao quyền tự chủ về tài chính cho nhà trường, việc phân bổ ngân sách giáo dục được thực hiện theo các phương thức sau:
- Mỗi trường học được nhận một số tiền dựa trên đầu học sinh. Chính quyền liên bang định mức chi phí cơ bản cho mỗi học sinh và cung cấp kinh phí này cho mỗi trường học. Đối với các bang mà có sự khác biệt quá nhiều trong học sinh giữa các cấp quận huyện, các trường thì cần có thời gian để thích nghi với sự chuyển đổi này.
- Định mức kinh phí cấp trên đầu học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông thì khác nhau. Trợ cấp kinh phí cho các học sinh nghèo giúp họ có điều kiện đạt được chương trình học cơ bản. Số tiền cấp thêm này phải đảm bảo cho trường học giúp các học sinh nghèo đạt được thành tích học tập ở mức cần thiết và có năng lực giải quyết vấn đề thành thạo. Định mức hỗ trợ này ít nhất phải là 1.500 USD cho một học sinh.
- Các bang cần điều chỉnh phân bổ kinh phí phù hợp với các chỉ số thị trường hối đoái của từng vùng đảm bảo trị giá của đồng đô la chi cho giáo dục. Sức mua của đồng đô la rất khác nhau giữa các quận và các vùng, vì vậy việc phân bổ kinh phí theo dạng bình quân trên đầu học sinh sẽ tạo sự khác biệt không có lợi cho vùng thành thị - nơi mà giá cả cao hơn nhiều so với các quận huyện không phải là thành phố lớn.
1.4.1.2. Kinh nghiệm của Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, giáo dục đại học ở Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Nhà nước Trung Quốc đã thực hiện những cải cách nhằm thúc đẩy giáo dục đại học theo kịp sự phát triển kinh tế và đáp ứng được nhu cầu học đại học của các đối tượng trong xã hội.
Việc cải cách cơ chế quản lý tài chính giáo dục đại học của Trung Quốc được thực hiện theo các hướng chính sau:
- Chuyển giao phần lớn các trường đại học cho các tỉnh, thành phố quản lý.
- Nới rộng quyền quản lý các trường đại học, cao đẳng cho địa phương.
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.
- Cải cách thể chế xây dựng, phát triển các trường ngoài công lập.
- Cải cách thể chế đầu tư, thực hiện xã hội hoá giáo dục đại học..
1.4.2. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Từ thực tiễn về quản lý tài chính giáo dục đại học của các nước trên thế giới, ta rút ra các bài học đối với quản lý tài chính giáo dục đại học ở Việt Nam như sau:
- Cần tăng cường quyền tự chủ tài chính cho các trường đại học để trường có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu của thị trường lao động. Xây dựng mô hình trường đại học công lập tự chủ thay cho mô hình hoạt động của trường đại học truyền thống.
- Đổi mới công tác phân bổ và quản lý ngân sách giáo dục
- Hoàn thiện cơ sở lý luận, thực tiễn, cơ chế chính sách và các giải pháp xã hội hoá giáo dục, tạo điều kiện để vừa phát triển quy mô số lượng vừa nâng cao chất lượng đào tạo.
- Phát triển các trường ngoài công lập. Hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ các trường ngoài công lập, tạo sự cạnh tranh trong giáo dục.
- Khuyến khích đa dạng hoá các nguồn thu của trường đại học, nhất là các nguồn thu ngoài ngân sách Nhà nước cấp
CHƯƠNG 2