Cơ sở thực tiễn của các vấn đề nghiên cứu

Một phần của tài liệu Năng suất và chất lượng thịt của các tổ hợp lai giữa các dòng đực giống PIC (280, 337, và 399) với lợn nái GF24 nuôi tại thừa thiên huế (Trang 36 - 41)

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.2. Cơ sở thực tiễn của các vấn đề nghiên cứu

Lai tạo giống luôn là chủ đề được các nhà làm công tác giống cũng như người chăn nuôi quan tâm, nó đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngành chăn nuôi lợn.

Nghiên cứu của Baas và cs (1992) chỉ ra rằng con lai giữa Hampshire và Landrace có lượng ăn vào, tăng khối lượng và tích lũy nạc cao hơn, tiêu tốn thức ăn thấp hơn so với con thuần của hai giống trên. McLaren và cs (1987) cho rằng, các giống bố và mẹ khác nhau trong các công thức lai ảnh hưởng rất lớn đến tới biểu hiện kiểu hình của con lai.

Cụ thể, con lai của lợn nái Duroc có thời gian đạt khối lượng quy định nhanh hơn 6,46 ngày so với con lai của lợn nái Yorkshire. Trong khi đó, con lai của lợn nái Pietrain và lợn nái Landrace có thời gian đạt tới khối lượng trưởng thành nhanh hơn so với con lai của lợn nái Yorkshire tương ứng là 4,93 và 4,18 ngày. Như vậy, con lai của lợn nái Duroc có khả năng sinh trưởng nhanh nhất, tiếp đến là Pietrain, Landrace và cuối cùng là Yorkshire. Không có sự khác nhau về độ dày mỡ lưng giữa con lai của lợn Duroc và lợn nái Landrace hay giữa con lai của lợn nái Yorkshire và lợn nái Pietrain, song con lai của lợn nái Duroc và Landrace có độ dày mỡ lưng cao hơn 0,03 mm so với con lai của lợn nái Pietrain và Yorkshire.

Qua nhiều thập niên, chương trình giống lợn của thế giới đã tập trung chọn tạo giống theo hướng tăng nạc và tỷ lệ thịt xẻ, giảm độ dày mỡ lưng đã kéo theo tỷ lệ mỡ giắt trong thịt giảm xuống làm thịt khô cứng hơn, giảm mức độ thơm và ngon miệng (Cameron, 1999; Doyle, 2007). Trong số các giống lợn nặng cân và tỷ lệ nạc cao, Duroc được cho là giống có chất lượng thịt tốt nhất và thường được người tiêu dùng ưa chuộng (Blanchard và cs, 1999) do thịt lợn Duroc có màu đỏ, tỷ lệ mỡ giắt trong cơ cao làm thịt có mùi thơm và có vị ngọt khi chế biến. Tỷ lệ mỡ giắt trong thân thịt phụ thuộc rất lớn vào giống, nên chiến lược lai giống là con đường nhanh và rẻ tiền nhất để làm tăng chất lượng thịt lợn (Jiang, 2012). Ảnh hưởng của giống lợn Duroc thuần đến mỡ giắt trong thịt cũng đã được nghiên cứu và kết luận: Duroc có tỷ lệ mỡ giắt cao nhất (3,07%), còn Berkshire, Chester White, Spot, Poland China và Hampshire lần lượt là 2,51%, 2,39%, 2,37%, 2,18% và 2,09% (Goodwin, 2004). Các tác giả cho rằng khi tỷ lệ giống Duroc trong con lai giữa Duroc và các giống lợn trắng (như Landrace hay Yorkshire) sẽ cải thiện rất nhiều chất lượng thịt của con lai (Bảng 1.10).

Bảng 1.10. Ảnh hưởng tỷ lệ giống Duroc trong con lai đối với các tính trạng chất lượng thịt

Các chỉ tiêu

Tỷ lệ máu Duroc (%)

0 25 50 75

Sắc tố cơ (mg/g) 0,61 0,64 0,67 0,67

L* (màu sáng) 54 53,8 53,3 53,6

a* (màu đỏ) 2,2 2,7 2,9 3,1

Tỷ lệ mỡ giắt (%) 0,70 0,86 1,08 1,27

Độ mềm (kg) 4,96 5,03 5,32 5,38

Nguồn: Balnchard và cs (1999) Nhiều nghiên cứu di truyền ở mức phân tử trên lợn thịt cho thấy có rất nhiều gen ảnh hưởng đến chất lượng thịt, đặc biệt là gen Ryanodine receptor (gen Hal hay RYRI) điều hòa vận chuyển Ca++ qua màng tế bào cơ (Fujii và cs, 1991). Gen RYRI (gen halothan) nằm trên nhiễm sắc thể số 6, gồm 2 alen: N và n, tạo nên 3 kiểu gen NN, Nn và nn. Gen đột biến lặn n là kết quả của sự đột biến C-cytosin thành T-thymin ở vị trí base 1843 của gen mã hóa cụ thể ryanodin (ryr-1), thụ thể này nằm trong kênh phóng thích canxi của lưới nội bào ở tế bào cơ (Fujii và cs, 1991). Lợn mang gen này sẽ dễ bị hội chứng PSS (porcine stress syndrome), hội chứng này rất nhạy cảm với các tác nhân gây stress. Stress trước khi giết mổ là nguyên nhân làm giảm pH nhanh chóng trong thịt do sự phân giải nhanh chóng glycogen trước đó, dẫn đến thịt nhạt, mềm và rỉ nước (PSE). Gen halothan có mối tương quan dương với tỷ lệ thịt xẻ và tỷ lệ nạc nhưng có mối tương quan âm với khả năng giữ nước và màu sắc thịt (Pedersen và cs, 2001). Đây là hội chứng gây thiệt hại rất lớn đối với ngành chăn nuôi lợn công nghiệp đặc biệt là những tác động của nó lên phẩm chất thịt. Gen RN chỉ được tìm thấy ở giống lợn Hampshire và được biết đến là một gen có tác dụng nâng cao tỷ lệ nạc trong thân thịt nhưng là nguyên nhân làm giảm chất lượng thịt, Alen lặn không đột biến RN+ không ảnh hưởng đến chất lượng thịt, song alen trội đột biến RN- có tác dụng mã hóa loại chất cảm ứng đồng phân với Adenosin monophosphate của enzyme dị lập thể Protein Kinase trong chu trình đường phân phân giải glycogen, hay nói cách khác sự tồn tại alen RN- sẽ ức chế quá trình phân giải và tăng tổng hợp glycogen trong cơ. Do vậy, ở những con lợn mang gen trội RN- có hàm lượng glycogen trong cơ rất cao. Trong quá trình giết mổ và sau giết mổ, hàm lượng glycogen dồi dào này sẽ được phân giải yếm khí thành axit lactic, hàm lượng lớn glycogen sẽ dẫn đến hàm lượng lớn axit lactic, người ta gọi loại

thịt này là thịt axit (hay thịt Hampshire) với giá trị pH thấp, khả năng giữ nước kém và hàm lượng protein trong cơ thấp.

Nhiều tác giả cho rằng gen H-FABP (Heart – Type Fatty Acid-Binding Protein) nằm trên nhiễm sắc thể số 6 là gen ảnh hưởng chính đến quá trình chuyển hóa triacylglycerol qua màng tế bào vào trong cơ (Gerbens và cs, 1999). Gen H-FABP mã hóa protein H-FABP, một protein nhỏ nội bào liên kết với các axit béo để vận chuyển các axit béo qua màng tế bào chất nhằm cung cấp năng lượng cho tế bào. Hơn nữa, gen này cũng có thể điều chỉnh nồng độ và trao đổi lipid (tổng hợp triacylglycerol và phospholipid) cũng như các quá trình khác kết nối với trao đổi chất của tế bào (Gerbens và cs, 1999). Các kết quả của những nghiên cứu đều cho thấy H-FABP có thể đóng vai trò như một chỉ thịt phân tử trong việc cải thiện mỡ giắt trong cơ thịt lợn.

Việc tạo ra các dòng đực giống luôn là chủ đề được thế giới quan tâm. Ở khu vực Bắc Mỹ, dòng đực P76 được tạo bởi công ty Penarlan – Canada vào năm 1972.

Đây là dòng đực tổng hợp đã được lai tạo và chọn lọc trong nhiều năm dựa trên nguồn gen của các giống Hampshire, Large White, Duroc và Pietrain. Đặc điểm nổi bật của của dòng đực lai này có tốc độ sinh trưởng nhanh, tỷ lệ nạc cao và diện tích cơ thăn lớn (Lebret và cs, 2001). Gần đây, công ty Penarlan tiếp tục phát triển dòng đực lai tổng hợp mới có tên là Huron cho thị trường Bắc Mỹ và Nhật Bản với ưu điểm là tỷ lệ mỡ trong cơ cao.

Ở châu Âu, công ty TOPIGS tạo một số dòng đực cuối cùng cho các hệ thống lai thương phẩm ở các quốc gia châu Âu dựa trên các giống thuần hoặc lai giữa các giống Large White, Landrace và Pietrain. Trong đó nổi bật là một số dòng như TEMPO (Large White thuần). Dòng đực TEMPO cho đời con có tính đồng nhất cao, lợn con khỏe mạnh, số con cai sữa tăng, sức đề kháng bệnh cao và chất lượng thịt cao.

Dòng TYPOR có tốc độ sinh trưởng nhanh, tỷ lệ thịt xẻ, cơ bắp cao và chi phí thức ăn thấp. Trong khi đó dòng TOPPIE đáp ứng các yêu cầu về chất lượng thịt cao, thịt xẻ và cơ bắp nhiều, chất lượng thịt cực cao, tiêu tốn thức ăn thấp. Công ty Rattlerow Seghers Holding (Bỉ) đã chọn tạo dòng đực Pietrain trắng (khoảng 90% máu Pietrain và 10%

máu Large White) từ năm 1989 và đã sử dụng chúng như dòng đực cuối cùng trong hệ thống lai thương phẩm.

Như vậy, các kết quả nghiên cứu ngoài nước đã chứng minh hiệu quả của việc sử dụng lợn ngoại và lợn lai ngoại trong việc nâng cao năng suất và phẩm chất thịt.

Thế giới không ngừng nghiên cứu tạo ra các giống/dòng theo các hướng sản xuất khác nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của người tiêu dùng.

1.2.2. Tình hình nghiên cứu trong nước

Chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp ở miền Trung đang ngày một phát triển mạnh mẽ, lợn nái F1(Landrace x Yorkshire) là đối tượng phổ biến nhất được sử dụng để lai với các đực giống khác nhau nhằm tạo ra con lai 2, 3 hay 4 giống thương phẩm nuôi thịt. Phan Xuân Hảo và Nguyễn Văn Chi (2010) công bố thành phần thân thịt và chất lượng thịt của các tổ hợp lai giữa lợn nái lai F1(Landrace x Yorkshire) phối hợp với đực lai Omega (Landrace x Duroc) và Pietrain x Duroc. Tổ hợp lợn lai Omega x F1(Landrace x Yorkshire) đạt các tỷ lệ: Thịt móc hàm (81,28%), xương (14,28%) và da (6,99%) đạt tương đương so với PiDu x F1(Landrace x Yorkshire) và tương ứng là 80,64; 14,99 và 6,87%. Cả hai tổ hợp lợn lai Omega x F1(Landrace x Yorkshire) và PiDu x F1(Landrace x Yorkshire) đều cho tỷ lệ nạc cao và tỷ lệ mỡ thấp. Tổ hợp lai Omega x F1(Landrace x Yorkshire) có tỷ lệ nạc là 61,54% và tỷ lệ mỡ là 14,66%, ở PiDu x F1(Landrace x Yorkshire) tương ứng là 57,09 và 18,45%. Mặt khác, tổ hợp lai Omega x F1(Landrace x Yorkshire) có diện tích cơ thăn là 56,25 cm2, dày mỡ lưng là 10,56 mm so với PiDu x F1(Landrace x Yorkshire) có giá trị tương ứng là 49,71 cm2 và 17,60 mm với sự sai khác tương ứng là P < 0,01 và P < 0,001. Thông qua các chỉ tiêu chất lượng thịt như giá trị pH45, pH24, màu sáng thịt (L*) và tỷ lệ mất nước bảo quản cho thấy thịt ở cả hai tổ hợp lai đảm bảo chất lượng tốt. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sử dụng đực lai Omega và PiDu phối với nái lai F1(Landrace x Yorkshire) có thể nâng cao được tỷ lệ nạc và vẫn đảm bảo được chất lượng thịt tốt.

Bên cạnh đó nhiều giống/dòng lợn ngoại tạo ra bởi các tập đoàn trên thế giới đã được nhập vào miền Trung để nuôi thí nghiệm và lựa chọn giống/dòng thích hợp. Các dòng bố mẹ CA và C22 được tạo ra theo sơ đồ tạo dòng của tập đoàn PIC – Anh Quốc hay các dòng đực giống thuộc dòng PIC như PIC408, PIC337, PIC399, PIC280 ... của tập đoàn giống lợn PIC – Hòa Kỳ đã được đưa vào nuôi ở một số tỉnh miền Trung.

Theo Lê Đình Phùng và cs (2012) hai tổ hợp lai Duroc x CA và Duroc x C22 có khả năng sinh trưởng, năng suất và phẩm chất thịt tốt trong điều kiện chăn nuôi công nghiệp ở Quảng Bình. Cụ thể khối lượng thịt xuất chuồng vào lúc 150 ngày tuổi đạt khoảng 93 kg; tăng khối lượng bình quân đạt 830g/ngày; tỷ lệ thịt xẻ và tỷ lệ thịt nạc 73,3% và 60,4% ở con lai Duroc x C22 và 78,6% và 62,9% ở con lai Duroc x CA. Thịt của lợn lai Duroc x C22 có mức pH sau 24 giờ giết thịt, tỷ lệ mất nước bảo quản, màu sáng L*, lực cắt thịt lần lượt là 5,52; 3,41%; 46,51; 72,28 N; thịt của lợn lai Duroc x CA có giá trị tương ứng là 5,52; 3,61%; 44,65; 52,21 N.

Lê Đình Phùng và cs (2015) tổ hợp lợn lai PIC280 x F1(Landrace x Yorkshire) và PIC399 x F1(Landrace x Yorkshire) được nuôi tại Thừa Thiên Huế trong vụ hè thu có năng suất và phẩm chất thịt tương ứng như sau: mức tăng khối lượng 765g/con/ngày và 879 g/con/ngày, tiêu tốn thức ăn là 2,74 kg thức ăn/kg tăng khối lượng và 2,61 kg thức ăn/kg tăng khối lượng. Diện tích cơ thăn lớn, tỷ lệ nạc cao lần lượt ở 2 tổ hợp lai là 58,2

cm2 và 68,1 cm2; 58,3% và 62%. Cơ thăn PIC280 x F1(Landrace x Yorkshire) và PIC399 x F1(Landrace x Yorkshire) có chất lượng đảm bảo, giá trị pH đo ở 45 phút, 24, 48 giờ tương ứng lần lượt là 6,7; 6,1; 6,1 và 6,6; 5,7; 5,7. Tỷ lệ mất nước bảo quản thịt 24 và 48 giờ lần lượt là 3,3; 3,3% và 3,9; 4,8%. Tỷ lệ mất nước do chế biến thịt ở 24 và 48 giờ là 25,9; 25,4% và 28,6; 29,2%. Màu sắc thịt L*, a*, b* ở 24 giờ tương ứng là 51,7; 14,7; 5,5 và 55,4; 14,6 6,9, ở 48 giờ là 53,5; 15,0; 7,0 và 55,9; 15,0; 7,6. Độ dai đo ở 24 và 48 giờ lần lượt là 42,8; 38,4 và 43,9; 42,8.

Ở Quảng Bình cũng đã nhập 2 dòng đực Pi4 và Maxter16 của tập đoàn France Hybrides (Cộng hòa Pháp), 2 dòng đực này được tạo ra từ chương trình lai tổng hợp dựa trên 5 dòng lợn cụ kị: Dòng FH025 (Yorkshire), dòng FH012 (Landrace), dòng FH016 (Pietrain), dòng FH004 (Duroc, Yorkshire), FH019 (Duroc, Hampshire, Yorkshire). Hai dòng này dùng để phối với lợn nái Galaxy300 (được tạo ra từ Landrace x Yorkshire) tạo ra con lai thương phẩm nuôi thịt. Kết quả nghiên cứu của Hoàng Lương và cs (2016) cho biết trong giai đoạn nuôi thịt 60 – 130 ngày tuổi, tổ hợp lợn lai (Pi4 x Galaxy300) và (Maxter16 x Galaxy300) có tăng khối lượng lần lượt là 865 và 908 g/ngày với tiêu tốn thức ăn là 2,6 kg thức ăn/kg tăng khối lượng (P >

0,05) trong điều kiện chăn nuôi công nghiệp của Quảng Bình. Các chỉ tiêu về năng suất và chất lượng thịt không chỉ có sai khác giữa 2 tổ hợp lai (P > 0,05) với tỷ lệ móc hàm, tỷ lệ thịt xẻ, tỷ lệ nạc, tỷ lệ mỡ giắt trong cơ thăn và độ dai đo ở 24 và 48 giờ sau giết mổ của 2 tổ hợp lai lần lượt là 84,6%; 75,8%; 55,5%; 1,79%; 35,4N; 34,9N và 84,2%; 75,3%; 53,6%; 2,16%; 32,1N; 32,4N. Lợn nái Galaxy300 bổ sung thêm một lựa chọn tốt cho người chăn nuôi trong sản xuất lợn lai thương phẩm với 2 tổ hợp lai (Pi4 x Galaxy300) và (Maxter16 x Galaxy300) có khả năng sinh trưởng tốt, năng suất và chất lượng thịt cao.

Một phần của tài liệu Năng suất và chất lượng thịt của các tổ hợp lai giữa các dòng đực giống PIC (280, 337, và 399) với lợn nái GF24 nuôi tại thừa thiên huế (Trang 36 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)