Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.2. Nh ững vấn đề về đời sống văn hóa – tín ngưỡng của cư dân ở Tây Ninh
1.2.2. M ối quan hệ giữa các tộc người về đời sống văn hóa – tín ngưỡng ở Tây Ninh
“Nhìn theo phương pháp tiếp cận hệ thống thì trong nhiều nhân tố tác động để hình thành nên vùng văn hóa hay vùng thể loại, thì thường có nhân tố chủ đạo, gọi là nhân tố tạo hệ thống. Trong phần lớn các trường hợp đó là quan hệ giao lưu ảnh hưởng văn hóa giữa các dân tộc, các bộ phận dân cư nội vùng và ngoại vùng” [74, tr.106]. Vùng văn hóa Nam Bộ cũng chịu sự chi phối bởi sự giao lưu văn hóa giữa các tộc người từ khi có những lớp cư dân đầu tiên đến quần cư sinh sống cho đến nay. Nhắc đến Nam Bộ, chúng ta đều biết đây là vùng đất mới của người Việt, khi di cư vào đây, họ vừa mang các truyền thống tín ngưỡng cũ lại vừa tiếp nhận những giao lưu ảnh hưởng của
cư dân sinh sống từ trước, tạo nên bức tranh đa dạng về văn hóa - tín ngưỡng.
Tây Ninh nằm trong bức tranh văn hóa Nam Bộ đa dạng nên ít nhiều cũng mang những nét chung của văn hóa vùng. Tây Ninh là vùng đất cư trú của nhiều dân tộc, nên về đời sống văn hóa – tín ngưỡng tất yếu có sự đa dạng phức tạp và không kém phần đặc sắc.
Nét đầu tiên để nhận diện đời sống văn hóa – tín ngưỡng ở một địa phương là điểm qua các cơ sở tôn giáo – tín ngưỡng. Các cơ sở tôn giáo – tín ngưỡng ở Tây Ninh có nhiều loại hình, bao gồm: đình, miếu, dinh, am, đền, chùa, cung (Thanh An), hội quán (Thất phủ) của người Việt, người Khmer, người Hoa, nhà thờ Công giáo, Tin lành, Chùa Tòa Thánh, Thánh thất Cao Đài, Thánh đường Hồi giáo Islam của người Chăm,…
Các điểm thờ tự, tín ngưỡng đã phần nào phản ánh một quá trình cộng cư giữa người Việt, Khmer, Chăm, Hoa,…Quá trình ấy đã diễn ra hiện tượng tồn tại đan xen nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, nhưng giữa các dân tộc luôn giữ được tinh thần bao dung tín ngưỡng. “Thần thánh của dân tộc khác vẫn là tiêu biểu cho việc khuyến thiện trừng ác, tuy khác về tên gọi, về hình tượng… đã đồng hóa, đã tôn kính rồi thì người bản địa và người mới đến chẳng ai mang mặc cảm tự ti hoặc tự tôn. Tất cả đều bình đẳng trước thần thánh” (theo Lê Xuân Diệm (1998) “Đồng bằng Nam Bộ trong buổi đầu tiếp xúc Đông – Tây”, Tạp chí Khoa học xã hội, số 38, tr.79-82).
Bên cạnh sự hiện diện của các tôn giáo lớn phổ biến như Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo và tôn giáo bản địa là Đạo Cao Đài, ở Tây Ninh vẫn lưu truyền hệ thống tín ngưỡng dân gian. Tín ngưỡng dân gian này có một sức sống lâu bền và bất diệt trong lòng người dân, nó hòa hợp với các tôn giáo khác ở địa phương, thâm nhập vào các nơi thờ tự của chính các tôn giáo ấy như không có một trở lực nào ngăn cản, trái lại nó còn được “mời chào”
bởi chính các tôn giáo. Trong các đền chùa miếu mạo hay có sự phối hợp thờ tự, đó là vừa thờ Thần, vừa thờ Phật, vừa thờ Bà,… Đơn cử như ở Linh Sơn
Tiên Thạch tự (chùa Bà Đen) thờ chính là Linh Sơn Thánh Mẫu, phối thờ có Phật Quan Âm, Ngọc Hoàng, Bà Chúa Xứ, bên cạnh đó có các ngôi miếu nhỏ thờ sơn thần, thổ địa, ông tà ở bên ngoài.
Tín ngưỡng dân gian có thể chia thành tín ngưỡng cộng đồng và tín ngưỡng trong gia đình. Tín ngưỡng cộng đồng: Thờ cúng ở đình làng, Thờ Quan Lớn Trà Vong, Thờ cúng các nữ Thần, Thờ ông Tà, Thờ cúng của người Hoa,… Tín ngưỡng trong gia đình (Việt): điển hình nhất là Thờ ông bà, tổ tiên. Bên cạnh đó còn có một hệ thống thần linh tín ngưỡng dân gian mang tính bản địa hoặc mới du nhập trong quá trình cộng cư và giao lưu văn hóa với các dân tộc (theo Huỳnh Quốc Thắng, “Yếu tố góp phần hình thành vùng văn hóa Nam Bộ - Nét “gạch nối” của văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á”, Văn hóa Nam Bộ trong không gian xã hội Đông Nam Á, tr.132-133).
Thờ cúng ở đình làng được xem là một nét văn hóa tín ngưỡng tiêu biểu của người Việt, ở đình thờ chính là thần Thành hoàng, được xem là Thần làng. Tín ngưỡng – thờ Thần Thành hoàng đồng nhất và gần gũi với anh linh những thế hệ đi trước có công lao mở đất, lập làng, dựng ấp (Tiền Hiền khai khẩn) và có công trạng mở trường, lập chợ, đắp đường (Hậu Hiền khai cơ) cũng như bao gồm các hồn thiêng của anh hùng, liệt sĩ và cả các thần thánh thiêng liêng được mang vào từ vùng quê cũ ở miền Bắc, miền Trung… Tục thờ Thành hoàng có nội dung lịch sử và xã hội sâu sắc, là một biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước đã được linh thiêng hóa, tâm linh hóa.
Riêng nói đến đời sống văn hóa – tín ngưỡng của cư dân Tây Ninh không thể không nhắc tới hiện tượng văn hóa – tín ngưỡng Bà Đen (được tôn xưng là Linh Sơn Thánh Mẫu). Theo ý kiến chung của các nhà nghiên cứu văn hóa, tục thờ Mẫu ở Tây Ninh được bắt nguồn từ tục thờ Nữ thần trong tín ngưỡng bản địa có từ xa xưa. Giải thích về quan niệm này, Nguyễn Quang Lê cho rằng:
Theo tiến trình lịch sử dân tộc, tục thờ Mẫu (hay còn gọi là đạo Mẫu) được
người Việt đi mở nước mang theo vào miền Trung và miền Nam. Khi đến khai phá những vùng đất mới, tục thờ Mẫu của người Việt đã giao hòa với tín ngưỡng thờ Nữ thần PôNagar của người Chăm ở miền Trung để trở thành tục thờ Bà Mẹ Xứ Sở, rồi được Việt hóa thành Thánh mẫu Thiên Yana (tức Bà Chúa Tiên ở Huế hay Bà Chúa Ngọc ở Nha Trang), được các vua của triều đình phong kiến nhà Nguyễn sắc phong Thượng đẳng thần và tặng thêm nhiều mỹ tự. Về sau tiếp tục đi vào Nam Bộ để thành tục thờ Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, An Giang (do giao lưu với tín ngưỡng thờ nữ thần của người Chăm) và tục thờ Bà Đen do giao lưu với tín ngưỡng Chăm – Khơmer ở Tây Ninh mà thành [44, tr.35].
Dưới đây là sơ đồ hóa bước đường hình thành tục thờ Bà ở Tây Ninh do Nguyễn Quang Lê “chỉ dẫn”.
Còn theo Ngô Đức Thịnh, con đường hình thành tín ngưỡng Bà Đen xem ra có vẻ nhập nhằng hơn, nhưng lại có chiều dài địa lý ngắn hơn. Ông cho rằng, Bà Đen là kết quả của giao lưu và hỗn dung tín ngưỡng giữa người Việt và Khmer. Quá trình Việt hóa vị nữ thần Khmer này qua các chuỗi chuyển tiếp Kali – Bà Đinh – Bà Chúa Động – Bà Đen – Linh Sơn Thánh Mẫu [75].
Cụ thể hơn, Ngô Đức Thịnh còn phát hiện và ghi nhận ở đền Bà Chúa
Xứ không có hiện tượng phối thờ Bà Đen, nhưng ở đền – chùa Bà Đen, thì nơi chính điện, Bà Đen (Bà mặt đen) và Bà Chúa Xứ (Bà mặt trắng) ngồi ngang nhau. Theo dân gian, Bà Đen và Bà Chúa Xứ là hai chị em. Ở một ngôi đền lớn thờ Bà Rá (dân gian gọi là Bà Đen Phước Long), lại phối thờ linh tượng Bà Linh Sơn Thánh Mẫu ở núi Bà Đen và coi Bà Rá và Bà Đen là hai chị em. Có thể hình dung sự phối thờ các Bàqua sơ đồ sau:
Theo đó, tín ngưỡng dân gian đã được di chuyển theo chiều dài địa lý, từ địa phương này sang địa phương khác và hoàn toàn được “thu nạp” chứ không phải là sự bài trừ.
Xa hơn, Ngô Đức Thịnh còn đặt vấn đề về mối quan hệ giữa Bà Chúa Xứ (An Giang) – Bà Đen (Tây Ninh) – Bà Rá (Phước Long) với tục thờ Muk Juk (Bà Đen) của người Chăm ở phía Đông Nam trên địa bàn Ninh Thuận, Bình Thuận. Tuy nhiên vấn đề này tác giả vẫn còn đang để ngỏ.
Trong quá trình cộng cư, hòa nhập, giao lưu, bên cạnh những nét truyền thống của bản sắc văn hóa mỗi dân tộc, đã hình thành những sắc thái chung giữa các dân tộc. Điển hình là ở tục thờ Bà Đen – vốn được xem là một hiện tượng hỗn dung tín ngưỡng (Việt – Khmer – Chăm), một hình tượng Mẫu “đa văn hóa”, “đa quốc tịch” ở Tây Ninh.
Cũng như nhiều địa phương, nhiều vùng miền trong cả nước, lễ hội dân
gian là một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống văn hóa – tín ngưỡng của cư dân Tây Ninh. Đi liền với tín ngưỡng bao giờ cũng là lễ hội, tín ngưỡng được tồn tại qua lễ hội, tín ngưỡng được nuôi dưỡng sự sống của mình qua những lễ hội tổ chức trong cộng đồng, ngược lại lễ hội được diễn ra đều đặn và được tổ chức long trọng trong không khí linh thiêng là nhờ có tín ngưỡng (của dân gian). Lễ hội gồm hai khâu lễ và hội với mục đích chính là tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với thần linh đã coi sóc che chở đời sống của cư dân và cầu nguyện thần linh ban ân cho con người cuộc sống ấm no, hạnh phúc; bên cạnh đó là mục đích vui chơi, giải trí trong phần hội.
Lễ hội dân gian ở Tây Ninh diễn ra gần như suốt năm, nhưng chủ yếu tập trung vào mùa xuân (trước khi vào nông vụ) và mùa thu (sau khi thu hoạch mùa màng). Thường thì mùa lễ hội là vào khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch, còn những tháng khác trong năm cũng có diễn ra lễ hội nhưng không tập trung. Căn cứ vào tiêu chí tộc người, có thể phân thành lễ hội người Việt và lễ hội các dân tộc khác (Khmer, Hoa, Chăm,…). Có thể sơ đồ hóa các bộ phận lễ hội ở Tây Ninh như sau:
Lễ hội dân gian thuần túy bao gồm các lễ hội đình, lễ hội Quan Lớn Trà
Vong, Lễ vía Bà Chúa Xứ; Lễ hội dân gian có yếu tố tôn giáo thì có Lễ vía Bà Đen, với sự chủ trì của Phật giáo; Lễ hội tôn giáo có yếu tố dân gian thì có Lễ vía Đức Chí Tôn, Lễ vía Đức Phật Mẫu của Đạo Cao Đài với nhiều hình thức dân gian như có rước cộ, múa mâm vàng, múa bông, múa tứ linh,… Dù cho đậm chất dân gian hay có pha lẫn yếu tố tôn giáo thì các ngày lễ hội trên cũng đều thực sự là lễ hội của dân gian, lễ hội của quần chúng. Ở Tây Ninh không có lễ hội làng vì nó không còn giới hạn ở phạm vi làng nữa, mà đã mở rộng
“biên giới” vượt sang các làng khác. Đó là lễ hội của làng mang tên “tín ngưỡng” chứ không còn ở phạm vi làng hành chính, làng địa lý. Bằng chứng là lễ hội Quan Lớn Trà Vong thu hút người dân từ khắp nơi trong tỉnh về hội tụ, chiêm bái, kính ngưỡng; mở rộng hơn nữa là lễ hội Bà Đen với hàng nghìn du khách địa phương và ngoài địa phương về dự lễ, hội mỗi năm. Và cũng không có hiện tượng phân biệt lễ hội của tộc người này, tộc người khác, ngày vía Bà Thiên Hậu hay vía Ông Quan Thánh Đế Quân không những chỉ của riêng người Hoa mà còn có cả người Việt đến chiêm bái, cầu nguyện. Hay như lễ vía Đức Chí Tôn (mùng 9 tháng giêng âm lịch) và lễ vía Đức Phật Mẫu (15 tháng 8 âm lịch) của Đạo Cao Đài có đủ các thành phần dân tộc trong tỉnh và ngoài tỉnh đến tham dự, ngay chính trong các điệu múa cũng có sự kết hợp của các vũ khúc người Khmer, Stiêng,… Thành phần các tín đồ Đạo Cao Đài bao gồm đủ các dân tộc: Việt, Hoa, Khmer, Tà mun,… Về phía người Chăm, theo kết quả điền dã thực tế thì người Chăm ở Tây Ninh chỉ theo đạo Hồi, họ đi đến các cơ sở tín ngưỡng thờ tự của người Việt, Hoa chỉ là để tham quan chứ không hành lễ, không biết rằng người nghiên cứu có bỏ sót một bộ phận người Chăm nào ở tỉnh hay không nhưng đó là kết quả bước đầu chúng tôi ghi nhận.
Cần phải duy trì các lễ hội dân gian tôn thờ, tưởng niệm các vị anh hùng lịch sử, danh nhân văn hóa tại các đền, miếu, đình, chùa vì đó là những truyền thống tốt đẹp người xưa đã để lại cho chúng ta. Những lễ hội này như một
hình thức nuôi dưỡng ý chí của toàn dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, nó phản ánh một quá trình gian lao nhưng đầy vẻ vang của ông cha ta trong suốt chặng đường khai hoang mở đất, cả một chiều dài gây dựng và tạo tác văn hóa đặc thù dân tộc. Lễ hội chính là nét đặc trưng độc đáo của bản sắc văn hóa dân tộc.
“Việc nghiên cứu các sinh hoạt văn hóa dân gian là không thể thiếu nếu muốn tìm hiểu thật là đầy đủ giá trị thẩm mỹ của văn hóa dân gian, bởi vì chỉ trong sinh hoạt văn hóa dân gian, với tính chất là tác phẩm nghệ thuật nguyên hợp, mới triển khai được giá trị thẩm mỹ của nó một cách trọn vẹn nhất” (theo Đinh Gia Khánh, “Văn hóa dân gian là một nghệ thuật nguyên hợp”, Văn hóa dân gian những lĩnh vực nghiên cứu, tr.32). Tín ngưỡng, lễ hội được xem là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian chuyển tải đầy đủ nhất những giá trị thẩm mỹ văn hóa dân gian, văn học dân gian. Đời sống văn hóa – tín ngưỡng của cư dân Tây Ninh không có sự phân biệt, bài xích lẫn nhau giữa các tộc người, các tôn giáo, ngược lại nó diễn ra rất hòa hiếu và cố kết với nhau. Quá trình cộng cư, cộng cảm của các tộc người trong đời sống văn hóa - tín ngưỡng đã phản ánh chân thực vào văn học dân gian địa phương. Có chăng những xung đột chỉ xảy ra trong thời kỳ đầu mở đất của tiền nhân, và những xung đột đó cũng chuyển mình vào trong văn học dân gian, bền vững một quá khứ anh hùng của cha ông trong chính bộ phận văn học của quần chúng.
Tiểu kết chương 1
Chúng tôi xin được tạm kết vài điều:
Thứ nhất, kế thừa những lý thuyết sưu tầm, điền dã của những người đi trước, chúng tôi bắt tay vào công tác sưu tầm, điền dã trực tiếp của cá nhân với những tiêu chí về khoanh vùng địa lý chỉ xoay quanh các địa danh, các đền, miếu, đình, chùa, các cơ sở thờ tự tín ngưỡng; đối tượng tập trung vào nghệ nhân dân gian, những người già, người lớn tuổi có vốn tri thức dân gian.
Kết hợp với các phương pháp sưu tầm điền dã “hạt nhân” – tức có sự lựa chọn đối tượng, phương pháp so sánh – tức là có sự so sánh giữa các đối tượng và giữa các bản kể. Song song đó, chúng tôi cũng định tính về mối quan hệ giữa văn học dân gian (truyện dân gian) và tín ngưỡng. Theo đó, chúng tôi xác lập một nhiệm vụ quan trọng trong công tác sưu tầm, nghiên cứu đó là phải có vốn tri thức về tín ngưỡng dân gian địa phương cũng như phải trực tiếp tham gia trải nghiệm vào nó – môi trường tín ngưỡng dân gian địa phương.
Thứ hai, Tây Ninh, do vị trí địa lý cũng như lịch sử vùng đất đã “quy định” địa phương là nơi gặp gỡ và quần tụ nhiều tộc người mà các tộc người chính là Việt, Hoa, Chăm, Khmer, Tà mun. Các tộc người Chăm, Khmer, Tà mun tập trung sống theo từng xóm, ấp nhưng trong quá trình sinh sống vẫn có sự giao lưu cởi mở với tộc người Việt, Hoa. Sự hỗn dung về văn hóa, tín ngưỡng giữa các tộc người diễn ra tự nhiên như nó vốn thế và quá trình ấy đã tạo nên một bản sắc văn hóa riêng cho Tây Ninh.
Thứ ba,Tây Ninh thuộc vùng đất mới Nam Bộ nên ít nhiều cũng mang những nét đặc trưng về văn hóa, lịch sử của vùng đất mới. Đó là sự giao thoa giữa cái cũ truyền thống và cái mới hội nhập tạo nên một nét rất riêng của vùng đất mới mà Tây Ninh là một bộ phận. Đó cũng là nơi hội lưu và tổng hòa văn hóa của các tộc người tạo nên một nét văn hóa mới có tính chất khu biệt so với vùng đất truyền thống là Bắc Bộ, một phần nào đó với Trung Bộ.
Những đặc điểm văn hóa – tín ngưỡng, tộc người ở Tây Ninh được nêu trên tất yếu nó sẽ được soi chiếu vào văn học dân gian Tây Ninh mà truyện dân gian Tây Ninh là một bộ phận. Để nắm bắt rõ hơn, chúng tôi thiết nghĩ cần phải khảo sát tình hình tư liệu của đề tài, tức tình hình truyện dân gian Tây Ninh.