Giải pháp hoàn thiện chế độ hưu trí bắt buộc ở Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ chế độ hưu trí theo pháp luật bảo hiểm xã hội bắt buộc từ thực tiễn huyện thái thụy, tỉnh thái bình (Trang 71 - 74)

Chương 3 ĐỊNH HƯỚNG, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ BẮT BUỘC

3.2. Giải pháp hoàn thiện chế độ hưu trí bắt buộc ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, xây dựng phương án chia sẻ giữa những người đang hưởng chế độ hưu trí bắt buộc.

Một trong các quan điểm chỉ đạo cải cách chính sách BHXH trong Nghị quyết số 28 – NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam khóa 12 đó là cải cách chính sách BHXH vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm ASXH. Trên cơ sở cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, việc điều chỉnh cách xác định thu nhập làm cơ sở tính mức đóng góp vào quỹ BHXH bắt buộc và điều kiện được hưởng chế độ hưu trí nhằm đảm bảo tận dụng nguồn nhân lực của quốc gia, đảm bảo cân bằng lợi ích và thu nhập của các thành viên trong xã hội.

Đối với nhóm lao động là nữ cán bộ, nữ công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn được tính dựa trên mức lương cơ sở dẫn đến việc mức hưởng lương hưu hàng tháng (khi đủ điều kiện hưởng) dẫn đến sự mâu thuẫn trong quan điểm phát triển các chính sách xã hội, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm ASXH vì đây là đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội thấp nhất theo quy định pháp luật và cơ sở xác định mức đóng góp vào quỹ BHXH cũng khác biệt so với các đối tượng khác phải tham gia BHXH bắt buộc. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc

Dung cho biết hiện nay có khoảng 400.000 người về hưu trước năm 1993 đang hưởng lương hưu với mức rất thấp [47]. Ngoài ra, theo thống kê Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tới hết tháng 10/2019, trên cả nước, mức lương hưu thấp nhất là 346.700 đồng/tháng, mức lương hưu cao nhất là 116 triệu đồng/tháng, mức lương hưu bình quân là 4,9 triệu đồng/tháng, số người hưởng lương hưu dưới mức bình quân là 1,6 triệu người, số người hưởng lương hưu trên mức bình quân là 928.000 người [50].

Do đó, khoảng cách chênh lệch giữa mức lương hưu giữa các đối tượng trong xã hội đã góp phần tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, khuyến khích đông đảo sự tham gia vào chế độ hưu trí, giảm thiểu tình trạng BHXH một lần. Việc áp dụng các biện pháp chia sẻ trong các đối tượng hưởng lương hưu giữa người có mức hưởng cao chia sẻ cho người có mức hưởng thấp góp phần thể hiện tinh thần tương thân tương ái của dân tộc, phát huy các giá trị nhân văn cao đẹp và phát huy vai trò gắn kết xã hội của hệ thống ASXH.

Thứ hai, quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương thực hiện quản lý các đối tượng được hưởng chế độ hưu trí.

Một trong các vấn nạn nhức nhối hiện nay trong quá trình thực hiện các quy định về chế độ hưu trí ở Việt Nam là thực trạng không báo cáo về sự thay đổi về số lượng người nhận chế độ hưu trí (trong trường hợp người hưởng đã mất, chuyển đi nơi khác, bị tạm ngừng hưởng lương hưu) đã dẫn ra nhiều hệ lụy không mong muốn. Để hoàn thiện cơ chế quản lý các đối tượng được hưởng lương hưu, cần đặt ra các quy định trách nhiệm của UBND các cấp xã, phường, thị trấn cùng các trưởng thôn, ấp, xóm là những người gần gũi, tiếp xúc với người dân hằng ngày, quản lý ở địa phương và biết rõ sự thay đổi nhân khẩu phát sinh. Do đó, pháp luật cần quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể này khi phát sinh các sự kiện có thể làm ảnh hưởng đến quá trình hưởng chế độ hưu trí, cần phải báo kịp thời với cơ quan BHXH để thực hiện quá trình điều chỉnh danh sách các đối tượng được hưởng.

Qua những quy định ràng buộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện tốt hơn, tăng cường tinh thần đoàn kết giữa các cơ quan, ban ngành có liên quan, phát huy tốt

trách nhiệm được Đảng và Nhà nước giao phó, giảm thiểu các tình trạng chi sai đối tượng, góp phần ổn định quỹ BHXH.

Thứ ba, thực hiện các chính sách rà soát, cơ chế kiểm soát thu nhập để mở rộng các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Một trong các nội dung cải cách chính sách BHXH nêu tại Nghị quyết số 28- NQ/TW là đẩy mạnh công tác thay đổi nhận thức về việc bắt buộc tham gia BHXH theo hợp đồng lao động “hướng tới chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết”. Tuy nhiên, trên thực tế, những nội dung này chưa được áp dụng một cách hiệu quả. Cho nên, để cụ thể hóa các chính sách cải cách này thành pháp luật cần tiến hành nghiên cứu xây dựng cơ chế kiểm soát thu nhập, kiểm soát được thu nhập, cải cách mạnh mẽ chế độ BHHT theo hướng linh hoạt sẽ huy động được nhiều lực lượng lao động tham gia BHXH, mục tiêu BHXH toàn dân sẽ được thực hiện.

Bên cạnh đó, như Luận văn đã đề cập khoảng cách lương hưu giữa các đối tượng được hưởng xuất phát từ mức thu nhập dùng làm căn cứ tính mức đóng góp vào quỹ BHXH khi tham gia vào quan hệ lao động, khoảng cách này càng lớn càng dễ dẫn đến sự phân tầng trong xã hội, tăng khoảng cách thu nhập giữa lực lượng lao động. Cho nên, cần phải tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cách tính lương hưu, đảm bảo công bằng giữa nam và nữ, giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, kết hợp hài hòa giữa nguyên tắc đóng – hưởng để thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong các đối tượng hưởng chế độ hưu trí. Đồng thời, cần tích cực tiến hành rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

Việc triển khai đồng bộ các chính sách xác định thu nhập, rà soát, cơ chế kiểm soát thu nhập còn góp phần giảm thiểu tình trạng trốn đóng BHXH, nợ BHXH, một vấn nạn nhức nhối của cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, góp phần đảm bảo sự cân bằng của quỹ BHXH nói chung và quỹ hưu trí nói riêng, giúp thay đổi nhận thức của người dân và mở rộng được các đối tượng tham gia BHXH, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật.

Thứ tư, sửa đổi quy định về thời gian tham gia đóng BHXH tối thiểu nhằm có thể hưởng chế độ hưu trí một cách linh hoạt.

Như tác giả đã phân tích, hiện nay quy định về thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí ở nước ta là khá dài, đến 20 năm dẫn đến một số bộ phận không đủ điều kiện tích lũy do tham gia đóng BHXH lúc tuổi đã cao, hoặc một số bộ phận có tâm lý chờ lâu nên muốn hưởng chế độ BHXH một lần, điều này dẫn đến họ rời hệ thống và làm giảm diện bao phủ của BHXH, ảnh hưởng đến sự bền vững hệ thống ASXH vì vậy cần thiết phải xem xét giảm điều kiện tối thiểu về thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí theo hướng thấp hơn theo lộ trình hướng từ 20 năm xuống còn 15 năm tiến tới còn 10 năm theo tinh thần Nghị quyết 28 – NQ/TW đã đưa ra định hướng cải cách về điều kiện hưởng chế độ hưu trí.

Thứ năm, sửa đổi quy định điều kiện mức hưởng BHXH một lần theo hướng chặt chẽ hơn.

Hiện nay quy định mức hưởng BHXH một lần đối với NLĐ tham gia đóng BHXH bắt buộc trước năm 2014 là 1,5 tháng lương bình quân đóng BHXH và 2 tháng lương bình quân đóng BHXH đối với NLĐ đóng BHXH bắt buộc sau năm 2014, mức hưởng BHXH một lần là khá cao. Điều này dẫn đến NLĐ muốn được hưởng BHXH một lần rất nhiều gây nên mất cân đối quỹ BHXH, không đạt được mục tiêu hưởng hưu trí toàn dân. Vì vậy cần sửa đổi theo hướng một số trường hợp NLĐ tham gia BHXH bắt buộc nếu muốn nhận BHXH một lần chỉ được nhận được phần đóng góp của mình vào quỹ BHXH (8% mức đóng của NLĐ tham BHXH bắt buộc) thay cho việc tính bình quân lương tháng đóng BHXH như hiện nay là bao gồm cả NSDLĐ và NLĐ nhằm hạn chế tối đa NLĐ xin nhận BHXH một lần tránh gây vỡ quỹ BHXH gióp phần xây dựng mục tiêu của Đảng nhà nước về giữ vững hệ thống ASXH quốc gia.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ chế độ hưu trí theo pháp luật bảo hiểm xã hội bắt buộc từ thực tiễn huyện thái thụy, tỉnh thái bình (Trang 71 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(82 trang)
w