Chương 2 THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ BẢO HIỂM
2.1. Pháp luật về điều kiện kinh doanh bảo hiểm tài sản
2.1.1. Doanh nghiệp bảo hiểm tài sản và điều kiện để kinh doanh bảo hiểm tài sản
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Luật KDBH thì DNBH được định nghĩa chung: “là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan để kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm”. DNBH là cầu nối giữa BMBH và cơ quan quản lý nhà nước, đóng vai trò “hạt nhân” trong quá trình cấu thành quan hệ pháp luật BHTS. Do đó, khái niệm DNBH trong kinh doanh BHTS dùng để đề cập đến các doanh nghiệp thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật KDBH và quy định pháp luật khác có liên quan. Dưới góc độ pháp lý, để kinh doanh BHTS, DNBH phải là một tổ chức có tư cách pháp nhân, được hoạt động khi đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất, về điều kiện góp vốn.
DNBH hoạt động dưới hình thức là các tổ chức kinh tế nên thành viên tham gia góp vốn thành lập là các cá nhân, tổ chức không được thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp năm 2020, có đầy đủ năng lực hành vi
và năng lực pháp luật. Trách nhiệm của DNBH là gánh tổn thất đối với tài sản được bảo hiểm, dựa trên năng lực tài chính của mình, để thực hiện được điều này trước hết người thành lập công ty phải là người có tiềm lực về kinh tế, do đó các cá nhân, tổ chức phải thực hiện giao dịch góp vốn bằng tiền mặt của mình mà không được phép sử dụng vốn vay, vốn ủy thác đầu tư của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khác.
Đặc biệt, bảo hiểm là lĩnh vực kinh doanh đầy rủi ro, với tính chất phức tạp và không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đối với kinh tế mà còn tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nên các tổ chức tham gia góp vốn thành lập DNBH đòi hỏi phải là tổ chức tư cách pháp nhân để đảm bảo tính độc lập và khả năng chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của chủ thể góp vốn tạo ra pháp nhân mới. Ngoài ra, tùy theo tỷ lệ sở hữu và ngành nghề kinh doanh mà các đối tượng này phải tuân thủ thêm một số điều kiện đặc thù khi thành lập DNBH, đó là:
- Đối với các tổ chức góp từ 10% vốn điều lệ trở lên phải hoạt động kinh doanh có lãi trong 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động.
- Tổ chức tham gia góp vốn kinh doanh ngành nghề yêu cầu vốn pháp định thì để được quyền góp vốn thành lập DNBH phải đảm bảo vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn dự kiến góp.
- Tổ chức tham gia góp vốn là DNBH, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty chứng khoán thì phải đảm bảo duy trì, đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho phép tham gia góp vốn theo quy định pháp luật chuyên ngành.
- Pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại Điều 213 BLHS.
Thứ hai, về hình thức tổ chức.
Hiện nay ở Việt Nam, DNBH hoạt động dưới 04 hình thức: công ty cổ phần, công ty TNHH, hợp tác xã và tổ chức bảo hiểm tương hỗ. Xuất phát từ yêu cầu về chế độ chịu trách nhiệm của người góp vốn, cơ chế điều hành hoạt động, sự độc lập về tài chính giữa chủ sở hữu và doanh nghiệp nên các tổ chức kinh doanh BHTS cần được thành lập và vận hành hiệu quả nhằm đem lại lợi ích kinh tế cao nhất có thể.
Trên thực tế thị trường bảo hiểm, công ty cổ phần và công ty TNHH là loại hình
doanh nghiệp phổ biến nhất. Trong đó, DNBH hoạt động dưới loại hình công ty TNHH thì thành viên tham gia góp vốn thành lập phải là tổ chức, ngược lại vận hành dưới hình thức công ty cổ phần thì phải có ít nhất 02 cổ đông sáng lập là tổ chức và ngoài điều kiện góp vốn, các tổ chức này phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Đối các tổ chức nước ngoài góp vốn thành lập DNBH dưới loại hình công ty TNHH thì các tổ chức này phải là DNBH được cơ quan có quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam hoặc công ty con chuyên thực hiện chức năng đầu tư ra nước ngoài của DNBH nước ngoài được DNBH nước ngoài ủy quyền để góp vốn thành lập DNBH tại Việt Nam; có ít nhất 07 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực dự kiến tiến hành; tổng tài sản tối thiểu tương đương 02 tỷ đô la Mỹ vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tại Việt Nam và không vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm của nước nơi DNBH đóng trụ sở chính trong thời hạn 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp phép.
- Tổ chức Việt Nam góp vốn thành lập DNBH dưới loại hình công ty TNHH phải có tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng Việt Nam vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.
- Đối với DNBH được dự kiến thành lập dưới loại hình công ty cổ phần phải có tối thiểu 02 cổ đông là tổ chức đáp ứng các điều kiện tương tự như ở loại hình công ty TNHH và 02 cổ đông này phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 20% số cổ phần của công ty kinh doanh BHTS dự kiến được thành lập.
Trong lĩnh vực BHTS, việc thành lập các công ty bảo hiểm dưới hình thức công ty cổ phần và công ty TNHH đều bắt buộc có sự tham gia của các tổ chức kinh tế, bởi lẽ đây là lĩnh vực yêu cầu có kinh nghiệm chuyên môn cao trong việc xây dựng và điều hành hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, đặc trưng của nhà đầu tư cá nhân ở nước ta thường mang tính nhỏ lẻ, manh mún, dễ bị xao động trong khi nhà đầu tư là tổ chức được vận hành theo một cơ cấu nhất định, có năng lực tài chính và đội ngũ chuyên môn riêng, đảm bảo sự an toàn trong quá trình kinh doanh bảo hiểm và quyền lợi của BMBH, việc hạn chế người thành lập là cá nhân là tất yếu.
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh BHTS ở Việt Nam còn được thực hiện bởi các hoạt động của chi nhánh công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, đây là tổ chức không có tư cách pháp nhân và là đơn vị phụ thuộc của DNBH phi nhân thọ nước ngoài, được DNBH này bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh tại Việt Nam. Khi đăng ký hoạt động, các DNBH phi nhân thọ nước ngoài ngoài việc đáp ứng các điều kiện như một tổ chức nước ngoài thành lập công ty bảo hiểm TNHH ở nước ta còn cần có trụ sở chính tại nước mà Việt Nam và quốc gia đó đã ký kết các điều ước quốc tế về thương mại, trong đó có thỏa thuận về thành lập chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài tại nước ta và cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nơi công ty mẹ đóng trụ sở chính đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác với Bộ Tài chính Việt Nam về quản lý, giám sát hoạt động của chi nhánh nước ngoài.
Ngoài ra, DNBH nước ngoài còn cần phải chứng minh được năng lực tài chính bằng nguồn vốn hợp pháp dùng để thành lập và không được sử dụng tiền vay hoặc nguồn ủy thác đầu tư dưới bất kỳ hình thức nào, doanh nghiệp phải có lãi trong 03 năm liền kề trước năm hộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và không có lỗ lũy kế đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
Trên cơ sở mở cửa hội nhập quốc tế, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, tạo điều kiện cho các nghiệp vụ BHTS ngày càng được phát triển đa dạng dưới nhiều hình thức, trong đó phải kể đến hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới. Theo quy định tại điểm a Khoản 11 Điều 1 Nghị định 80/2019/NĐ-CP thì đối tượng cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới bao gồm cả DNBH nước ngoài có trụ sở chính tại quốc gia mà Việt Nam và quốc gia đó đã ký kết các điều ước quốc tế về thương mại trong đó có thỏa thuận về cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam. Tuy nhiên để cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam, các DNBH phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có Giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi doanh nghiệp có trụ sở chính cho phép thực hiện các nghiệp vụ bảo hiểm dự kiến cung cấp qua biên giới tại Việt Nam và phải hoạt động hợp pháp ít nhất 10 năm tính tới thời điểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam;
- Có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính cho phép cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam và xác nhận không vi phạm các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các quy định pháp luật khác của nước ngoài tại Việt Nam;
- Có tổng tài sản tối thiểu tương đương 02 tỷ đô la Mỹ vào năm tài chính trước năm cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam;
- DNBH nước ngoài được xếp hạng tối thiểu “BBB” theo Standard & Poor’s hoặc Fitch, “B++” theo A.M.Best, “Baal” theo Moody’s hoặc các kết quả xếp hạng tương đương của các tổ chức có chức năng, kinh nghiệm xếp hạng khác tại các năm tài chính trước năm cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam;
- Hoạt động kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liền kề trước năm cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam;
- Ký quỹ tối thiểu 100 tỷ đồng Việt Nam tại Ngân hàng được cấp Giấy phép tại Việt Nam và có thư bảo lãnh thanh toán của ngân hàng đó cam kết thanh toán trong trường hợp trách nhiệm của các hợp đồng bảo hiểm cung cấp qua biên giới tại Việt Nam vượt quá mức ký quỹ bắt buộc;
- Có quy trình giải quyết bồi thường trong đó nêu rõ thủ tục, trình tự xử lý tổn thất và thời hạn trả tiền bồi thường cho BMBH tại Việt Nam.
Như vậy, cùng với những thay đổi của các chính sách pháp luật, đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động kinh doanh bảo hiểm ngày càng được chú trọng và khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế, được triển khai với đa dạng hình thức tổ chức khác nhau, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường bảo hiểm tại Việt Nam.
Thứ ba, về vốn điều lệ. Khi thành lập công ty BHTS, số vốn điều lệ đã góp không được thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định pháp luật đối với từng hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật KDBH và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật KDBH thì mức vốn pháp định để: kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ là 300 tỷ đồng; kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh là 350 tỷ đồng; kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm vệ tinh là 400 tỷ đồng. Do đó, với tư cách là một loại hình bảo hiểm phi
nhân thọ, để kinh doanh BHTS thì DNBH phải có mức vốn điều lệ tối thiểu là 350 tỷ đồng. Ở Việt Nam trong những năm gần đây, một số DNBH kinh doanh loại hình bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường có thể kể đến như: Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt có vốn điều lệ tính đến năm 2019 là 2.900 tỷ đồng, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh có vốn điều lệ tính đến năm 2020 là 3.100 tỷ đổng.
Thứ tư, về trình độ chuyên môn. Kinh doanh BHTS là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không chỉ đáp ứng các điều kiện về người góp vốn, vốn điều lệ, hình thức hoạt động mà người quản trị, điều hành trong DNBH luôn được yêu cầu phải có năng lực quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ về BHTS. Có thể thấy đây là ngành nghề kinh doanh đặc biệt, kinh doanh rủi ro, do đó đối với đối tượng tham gia góp vốn phải đáp ứng các yêu cầu khắc khe về tổ chức, tài chính và trình độ chuyên môn.
Trong quan hệ pháp luật BHTS, dưới hình thức hoạt động là các tổ chức kinh tế, nên DNBH không chỉ chịu sự điều chỉnh chung của Luật Doanh nghiệp mà còn đáp ứng các điều kiện riêng biệt để được cấp phép và hoạt động kinh doanh BHTS tại Việt Nam, đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Tài chính, đây là điểm riêng biệt giúp phân biệt DNBH với các công ty khác trên thị trường.
2.1.2. Quy tắc bảo hiểm tài sản
Quy tắc BHTS có thể được xem là tổng thể các quy định chung mà người tham gia BHTS phải tuân theo. Trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, mặc dù mang tính áp dụng chung cho cộng đồng tham gia nhưng quy tắc bảo hiểm lại được DNBH xây dựng, do đó các nội dung đều được dựa trên quy định pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội, phong tục tập quán ở Việt Nam, ngôn ngữ sử dụng trong quy tắc phải chính xác, đơn giản, dễ hiểu, các thuật ngữ chuyên môn cần được định nghĩa rõ ràng. Tuy nhiên, đối với các loại bảo hiểm bắt buộc quy tắc bảo hiểm sẽ do Bộ Tài chính ban hành, chẳng hạn như bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm thân tàu.
Quy tắc bảo hiểm là một trong các tài liệu cần có trong thủ tục đăng ký thành lập, hoạt động của một DNBH, các nội dung của quy tắc bảo hiểm xuất phát từ thực tiễn triển khai hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời, đối với các loại đối tượng bảo hiểm giống nhau và có cùng những khả năng rủi ro, việc DNBH xây dựng những quy định áp dụng chung trong quy tắc bảo hiểm góp phần tạo ra sự công bằng,
bình đẳng giữa những người có nhu cầu tham gia bảo hiểm, thể hiện tính chuyên nghiệp và nâng cao uy tín của DNBH, thu hút nhiều hơn nữa số người tham gia nghiệp vụ BHTS. Bên cạnh đó, quy tắc BHTS được DNBH cung cấp thường đề cập các nội dung, điều khoản về các loại tài sản được bảo hiểm, phạm vi bảo các rủi ro được bồi thường, các trường hợp loại trừ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia, hồ sơ bồi thường, phương thức bồi thường,... Thông qua tài liệu này, khách hàng có thể tham khảo và hiểu rõ hơn về loại hình bảo hiểm mà mình mong muốn tham gia, biết được trách nhiệm, quyền lợi giữa các bên, những nội dung trong quy tắc này là những điều khoản mà BMBH và DNBH phải nghiêm túc chấp hành.
2.1.3. Hợp đồng bảo hiểm tài sản
Quan hệ bảo hiểm được hình thành trên cơ sở một bên có nhu cầu được bảo hiểm và một bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm, thông qua sợi dây kết nối vô hình “cung – cầu” của thị trường, các chủ thể này tìm đến nhau và hợp tác bàn bạc để có được sự thống nhất các yêu cầu được đặt ra. Chính vì vậy, là một loại của hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng BHTS thể hiện sự thỏa thuận giữa BMBH và DNBH, theo đó BMBH phải đóng phí bảo hiểm, DNBH phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ thỏa thuận nào về BHTS nào cũng hợp pháp, để được pháp luật công nhận và phát sinh hiệu lực pháp lý ràng buộc giữa các bên tham gia, hợp đồng BHTS phải đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất, chủ thể tham gia ký kết phải có đầy đủ năng lực hành vi và năng lực pháp luật. Bên cạnh các chủ thể là cá nhân, xuất phát từ đặc trưng của đối tượng cung cấp dịch vụ bảo hiểm, quan hệ BHTS có ít nhất một bên tham gia là pháp nhân, do đó phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập, hoạt động một cách hợp pháp thì các pháp nhân này mới có đủ điều kiện tham gia BHTS theo quy định pháp luật hiện hành.
Thứ hai, chủ thể tham gia ký kết hợp đồng phải hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ sự tự do ý chí của chính họ mà không ai được phép đe dọa, tác động dưới bất kỳ hình thức nào để ép buộc phải tham gia BHTS trái với mong muốn.