PHẦN II: NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
B. NGHỊ LUẬN VỀ MỘT HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG
Đề 1: Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ), trình bày suy nghĩ của anh (chị) về nạn bạo hành gia đình và xã hội hiện nay.
DÀN BÀI (Gợi ý) Mở bài:
Khẳng định truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta là giàu lòng nhân ái: “thương người như thể thương thân”…
Hiện tượng bạo hành trong gia đình và xã hội đang diễn ra thường xuyên là một hiện tượng đáng báo động và cần tích cực ngăn chặn để giữ gìn truyền thống của dân tộc, của con người VN.
Thân bài:
1. Giải thích khái niệm “bạo hành”:
Đó là hành động mang tính bạo lực, ngang ngược, bất chấp công lí, đạo đức làm tổn thương đến tinh thần và thể xác người khác.
2. Phân tích:
a) Thực trạng của nạn bạo hành hiện nay ngày càng nghiêm trọng và diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi: ở gia đình, học đường và ngoài xã hội (nêu dẫn chứng cụ thể).
b) Nguyên nhân dẫn đến bạo hành.
c) Hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến gia đình, xã hội.
3. Bình luận:
a) Bạo hành là hành động xấu cần lên án vì:
Bạo hành trong gia đình gây ra mối bất hoà, ảnh hưởng nặng nề tới sự bền vững của gia đình và xã hội; người bị bạo hành bị tổn thương về thân thể, tình cảm, lòng tự trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ thơ (dẫn chứng văn học: Chiếc thuyền ngoài xa, thực tế xã hội).
Bạo hành trong xã hội ảnh hưởng tới tâm lí, nhận thức, cách ứng xử của con người…
làm cho quan hệ giữa người và người trở nên xấu đi, đạo đức bị băng hoại.
b) Cần nghiêm khắc lên án và tìm biện pháp ngăn chặn để bảo vệ đạo đức xã hội, mang lại sự bình yên cho gia đình và xã hội.
4. Thái độ và bài học nhận thức của bản thân trước nạn bạo hành hiện nay.
Kết bài: Kêu gọi toàn xã hội cùng chung tay đẩy lùi nạn bạo hành.
Đề 2: Anh (chị) viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bàn về thói quen chưa tốt trong ngày Tết nguyên đán.
DÀN BÀI (Gợi ý) Mở bài:
Giới thiệu hiện tượng đời sống và dẫn đề: Ngày Tết là thời khắc thiêng liêng, là dịp để sống với những phong tục tập quán biểu hiện nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, một số phong tục tập quán tốt đẹp ấy đã bị lạm dụng, trở thành những thói quen chưa tốt cần xem xét.
Thân bài:
1. Giải thích:
“Thói quen chưa tốt” là hành động, suy nghĩ của một số người làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của tập tục…
2. Chứng minh – Phân tích: nêu một vài hiện tượng phổ biến hiện nay:
Việc đi chùa hái lộc đầu năm: việc làm mang ý nghĩa cầu mong tài lộc (tiền bạc, của cải, con cái, may mắn,…) nhưng thực tế làm mất đi cảnh thanh tịnh của nơi tôn nghiêm, phá hoại và làm ô nhiễm môi trường do sử dụng nhang đèn quá mức.
Đốt đèn trời và vàng mã: việc làm mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên và người thân nhưng thực tế gây lãng phí tiền bạc, thời giờ, làm ô nhiễm môi trường, có khi còn gây hoả hoạn ở nơi đông dân cư vào dịp Tết.
(Có thể nêu một số thói quen không tốt khác khá phổ biến trong đời sống).
3. Bình luận:
Phong tục tập quán là những nét đẹp văn hoá truyền thống cần gìn giữ, tôn trọng nhưng cần vận dụng phù hợp với nếp sống văn minh, hiện đại. Có người chưa hiểu ý nghĩa của việc cúng kiếng, lạy Phật vô tội vạ gây tốn kém rất nhiều tiền của, thời gian, công sức.
Không có lộc và Trời Phật nào phù hộ nếu ta không sống tốt đời đẹp đạo.
Cuộc sống người dân ngày càng ổn định và phát triển, kinh tế khá hơn nên đời sống tâm linh rất được chú trọng vào ngày Tết nhưng cần dừng lại ở một giới hạn không nên quá lạm dụng.
4. Liên hệ bản thân: nêu những việc làm cụ thể để góp phần vào việc gìn giữ những phong tục tập quán tốt trong ngày Tết.
Kết bài: Khẳng định thói quen chỉ thực sự đẹp khi mỗi người tạo nên một ý thức hành động tích cực trong nét đẹp văn hoá chung của dân tộc.
(có thể lập luận theo nhiều cách hiểu về những thói quen chưa tốt trong ngày Tết miễn là biết cách vận dụng các thao tác và diễn đạt ý về văn nghị luận xã hội).
Đề 3: Viết một bài văn khoảng 400 từ bàn về hiện tượng tiêu cực trong thi cử.
DÀN BÀI (Gợi ý)
Mở bài: Nêu hiện tượng tiêu cực trong thi cử, một vấn nạn của ngành giáo dục.
Thân bài:
1. Giải thích:
Tiêu cực trong thi cử là những hành vi gian dối, thiếu trung thực trong thi cử (quay cóp, thi hộ…)
2. Phân tích thực trạng và nguyên nhân: tiêu cực trong thi cử diễn ra dưới nhiều hình thức: quay cóp, thi hộ…và ngày càng tinh vi. Nguyên nhân là do một bộ phận thí sinh sức học kém, thái độ, động cơ học tập chưa đúng, có ý thức vi phạm quy chế thi; công tác tổ chức thi ở nhiều nơi còn chưa chặt chẽ, nghiêm túc…
3. Giải pháp: Tổ chức thi cử nghiêm túc, giáo dục thí sinh có ý thức đúng đắn trong học tập và thi cử…
4. Bình luận: đa số thí sinh có thái độ thi cử nghiêm túc, đáng biểu dương; chỉ có số rất ít vi phạm cần phê phán về thái độ, động cơ học tập, hành vi gian lận, cố tình vi phạm. Hiện tượng tiêu cực trong thi cử có xu hướng giảm vì các kì thi được tổ chức ngày càng chặt chẽ.
Liên hệ bản thân.
Kết bài: Nêu nhận thức đối với hiện tượng.
Đề 4: Viết bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về hiện tượng đời sống sau:
“Giữa một vùng sỏi đá khô cằn, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp”.