Bài tập dạy nghĩa từ

Một phần của tài liệu Phương pháp dạy tiếng việt ở Tiểu học_6 ppsx (Trang 25 - 30)

Các bài tập dạy nghĩa từ được quan niệm là những bài tập nhằm làm rõ nghĩa của các đơn vị mang nghĩa như tiếng, từ, cụm từ, các thành ngữ, tục ngữ.

Nghĩa của từ được hiểu là nội dung đối tượng vật chất, là sự phản ánh đối tượng của hiện thực (một hiện tượng, một quan hệ, một tính chất, hay một quá trình) trong nhận thức, được ghi lại bằng một tổ hợp âm thanh xác định. Để tăng vốn từ cho HS phải cung cấp những từ mới, do đó công việc đầu tiên của dạy từ là làm cho HS hiểu nghĩa từ. Tầm quan trọng của việc dạy nghĩa từ cho HS đã được thừa nhận từ lâu trong phương pháp dạy tiếng. Nó là nhiệm vụ sống còn trong sự phát triển ngôn ngữ của trẻ em. Việc dạy nghĩa từ được tiến hành trong tất cả các giờ học, bất cứ ở đâu có cung cấp từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm thì ở đó có dạy nghĩa từ. Ví dụ, các bài tập đọc thường có mục ghi chú, giải nghĩa các từ ngữ cho HS. Các bài tập dạy nghĩa cũng nhằm mục đích này. Bài tập giải nghĩa từ xuất hiện trong phân môn LT&C không nhiều nhưng việc giải nghĩa từ lại thường xuyên phải thực hiện không chỉ trong giờ LT&C mà trong rất nhiều giờ học khác của môn học Tiếng Việt và các môn học khác. Để dạy nghĩa từ, trước hết GV phải hiểu nghĩa từ và biết giải nghĩa phù hợp với mục đích dạy học, phù

hợp với đối tượng HS. ở Tiểu học, người ta thường nêu một số biện pháp giải nghĩa như sau:

a1. Giải nghĩa bằng trực quan: Giải nghĩa bằng trực quan là biện pháp đưa

ra các vật thật, tranh ảnh, sơ đồ... để giải nghĩa từ. Lúc này, vật thật, tranh vẽ, biểu bảng, sơ đồ được dùng để đại diện cho nghĩa của từ. Ví dụ, thầy giáo đưa lá tía tô cho HS xem và nói “Đây là lá tía tô” khi học bài học vần “ia”. Khi học bài “Rừng thảo quả” cô giáo cho HS xem tranh (hoặc ảnh chụp) rừng thảo quả.

Trực quan chiếm vị trí quan trọng trong giải nghĩa từ ở Tiểu học vì nó giúp cho HS hiểu nghĩa từ một cách dễ dàng. Tuy nhiên cách giải nghĩa này đòi hỏi GV phải chuẩn bị khá công phu và không thể dùng để giải thích những từ trừu tượng. Biện pháp này nên dùng ở các lớp đầu cấp.

Tương ứng với biện pháp giải nghĩa từ bằng trực quan có các bài tập dạy nghĩa từ bằng tranh vẽ. Có thể chia các bài tập dạy nghĩa từ bằng tranh vẽ thành 3 dạng:

1/ Bài tập yêu cầu tìm sự tương ứng giữa từ cho sẵn với hình vẽ.

Ví dụ 1: Chọn tên gọi cho mỗi người, mỗi vật, mỗi việc được vẽ dươi đây (các từ cho sẵn: học sinh, nhà, xe đạp, múa, trường, chạy, hoa hồng, cô giáo) (TV2 - tập 1).

Ví dụ 2: Chọn cho mỗi con vật dưới đây một từ chỉ đúng hoạt động của nó: nhanh, chậm, khoẻ, trung thành (TV2 - tập 1).

Những bài tập này vừa có tác dụng giúp học sinh nhận biết “nghĩa biểu vật” của từ, vừa có tác dụng giúp các em mở rộng, phát triển vốn từ. Đây là những bài tập dạy nghĩa từ đơn giản nhất. Khi hướng dẫn giải các bài tập dạng này, chúng ta cần hướng dẫn học sinh lần lượt đối chiếu từng từ cho sẵn với hình ảnh tương ứng. Học sinh đối chiếu đúng nghĩa là các em đã nắm được “nghĩa biểu vật” của từ.

2/ Dạng bài tập dựa vào tranh tìm từ tương ứng.

Ví dụ 1: Tìm những từ chỉ sự vật (người, đồ vật, con vật, cây cối) được vẽ dưới đây (TV2 -tập 1)

Ví dụ 2: Các tranh dưới đây vẽ một số hoạt động của người. Hãy tìm từ chỉ mỗi hoạt động đó (TV2 - tập 1)

Ở những bài tập này, từ cần tìm không được cho sẵn, học sinh phải dựa vào tranh mà gọi tên sự vật, hoạt động. Vì vậy, hướng dẫn giải những bài tập này, giáo viên cần cho học sinh quan sát tranh, suy nghĩ để tìm từ tương ứng.

3/ Dạng bài tập gọi tên các vật được vẽ ẩn trong các tranh. Đây là những bài tập vui với các tranh đố.

Ví dụ: Tìm các từ chỉ đồ vật học tập trong tranh sau (TV2 - tập 1)

Cũng như dạng bài tập 2, dạng bài tập này yêu cầu học sinh dựa vào hình ảnh của sự vật được vẽ trong tranh để tìm từ ngữ tương ứng. Điểm khác nhau là ở chỗ: ở dạng bài tập này, các sự vật được vẽ trong tranh không hiển hiện rõ ràng mà được ẩn dấu, phải quan sát kĩ (kết hợp tưởng tượng) mới nhận biết được. Những tranh ẩn này kích thích học sinh tìm tòi, gây hứng thú học tập cho các em. Giáo viên cần hướng dẫn học sinh quan sát kĩ bức tranh, phát hiện vật cần tìm trong tranh và gọi tên. Mỗi tên gọi là một từ mà học sinh cần tìm được qua bài tập vui này.

a2. Giải nghĩa bằng cách đối chiếu so sánh với từ khác.

Ví dụ: Phân biệt nghĩa của các cụm từ: khu dân cư, khu sản xuất, khu bảo tồn thiên nhiên.

(TV5 - tập 1)

a3. Giải nghĩa các từ bằng các từ đồng nghĩa, trái nghĩa.

Ví dụ: “Siêng năng là chăm chỉ”; “Ngăn nắp là không lộn xộn”. Tương ứng với cách giải nghĩa này, SGK có các bài tập yêu cầu giải nghĩa bằng đồng nghĩa hoặc trái nghĩa.

Ví dụ: Hãy giải nghĩa các từ dưới đây bằng từ trái nghĩa với nó: a. Trẻ con

b. Cuối cùng c. Xuất hiện d. Bình tĩnh

M: Trẻ con: trái nghĩa với người lớn.

(Tiếng Việt 2 - tập 2 - tr.137)

Yêu cầu của các bài tập này là dùng những từ cùng nghĩa hoặc có nghĩa trái ngược với nghĩa của từ cần giải nghĩa làm phương tiện để giải nghĩa từ. Những từ đồng nghĩa được dùng để giải nghĩa phải là những từ gần gũi, quen thuộc với học sinh. Loại bài tập này khơi gợi được sự liên tưởng tương đồng và khác biệt để kích thích học sinh xác lập được nghĩa của từ, đồng thời cũng giúp học sinh mở rộng, phát triển vốn từ cũng như góp phần hình thành khái niệm từ đồng nghĩa, trái nghĩa. Lưu ý là khác với loại bài

tập giải nghĩa từ bằng định nghĩa, nhiều khi đáp án của bài tập này có nhiều từ, chẳng hạn bài tập trên có đáp án là:

Trẻ con: trái nghĩa với người lớn.

Cuối cùng: trái nghĩa với đầu tiên, bắt đầu, thoạt đầu, thoạt tiên. Xuất hiện: trái nghĩa với biến mất, tiêu biến, mất tăm, mất tiêu.

Bình tĩnh: trái nghĩa với cuống quýt, luống cuống, hốt hoảng, hoảng hốt, hoảng hồn, hoảng sợ.

a4. Giải nghĩa bằng cách phân tích từ thành các thành tố (tiếng) và giải nghĩa từng thành tố này.

Ví dụ: Tổ quốc là từ ghép gốc Hán. Tổ là ông cha ta từ xa xưa, quốc là nước, đất nước. Cách giải nghĩa này có ưu thế đặc biệt khi giải nghĩa từ Hán Việt. Sách giáo khoa không có những bài tập yêu cầu giải nghĩa theo cách phân tích từng thành tố nhưng ý thức được việc nắm nghĩa của các tiếng sẽ làm tăng nhanh chóng vốn từ hơn là nắm nghĩa của từng từ nên trong SGK có rất nhiều bài tập yêu cầu nêu nghĩa của tiếng trong từ và dùng nghĩa của tiếng có trong từ để làm căn cứ phân loại các từ đó. Chúng ta xếp những bài tập này vào nhóm bài tập hệ thống hoá vốn từ và sẽ trình bày sau.

a5. Giải nghĩa bằng định nghĩa.

Giải nghĩa bằng định nghĩa là biện pháp giải nghĩa phổ biến nhất trong SGK. Đây là biện pháp giải nghĩa bằng cách nêu nội dung nghĩa (tập hợp các nét nghĩa) bằng một định nghĩa. Ví dụ: “Tự trọng là coi trọng và gìn giữ phẩm giá của mình” (Tiếng Việt 4 - tập 1 - tr. 49)

Giải nghĩa bằng tập hợp các nét nghĩa là cách dạy nghĩa đầy đủ nhất nhưng là một yêu cầu khó đối với học sinh Tiểu học, vì vậy các dạng bài tập giải nghĩa bằng định nghĩa trong sách giáo khoa thường xây dựng dưới dạng cho sẵn từ và nghĩa của từ, các định nghĩa về từ, yêu cầu học sinh xác lập sự tương ứng.

Loại bài tập này có 3 tiểu dạng:

- Dạng 1: Cho sẵn từ, yêu cầu tìm trong các nghĩa đã cho nghĩa phù hợp với từ.

Ví dụ: Chọn ý thích hợp nhất để giải nghĩa từ hạnh phúc: a. Cảm giác dễ chịu vì được ăn ngon, ngủ yên.

c. Hồ hởi, háo hức, sẵn sàng làm mọi việc.

(Tiếng Việt 5 - tập 1) - Dạng 2: Cho từ và nghĩa của từ, yêu cầu học sinh xác lập sự tương ứng. Ví dụ: Tìm từ trong ngoặc đơn hợp với mỗi nghĩa sau:

a. Dòng nước chảy tương đối lớn, trên đó thuyền bè đi lại được. b. Dòng nước chảy tự nhiên ở đồi núi.

c. Nơi đất trũng, chứa nước, tương đối rộng và sâu, ở trong đất liền. (suối, hồ, sông)

(Tiếng Việt 2 - tập 2 - tr. 64)

Khi hướng dẫn giải kiểu bài tập này, GV phải làm cho HS hiểu ý nghĩa của từng yếu tố ở hai vế để thấy sự tương ứng cặp đôi. Các em lấy lần lượt các từ ngữ ghép với một nội dung xem có sự tương ứng, tức là tạo thành câu đúng nghĩa không. Nếu HS điền, nối đúng, tạo ra sự tương ứng hợp lí giữa nghĩa và từ là các em đã nắm được nghĩa từ.

- Dạng 3: Cho sẵn từ, yêu cầu học sinh xác lập nội dung nghĩa tương ứng. Dạng bài tập này ít xuất hiện trong sách giáo khoa.

Ví dụ 1: Hãy giải thích nghĩa của từ ngữ chỉ phẩm chất mà em chọn trong các phẩm chất ở mục 1 (dũng cảm, cao thượng, năng nổ, thích ứng được với mọi hoàn cảnh, biết quan tâm đến mọi người, khoan dung và dịu dàng).

(Tiếng Việt 5 - tập 2)

Ví dụ 2: Ghép tiếng bảo với nghĩa là giữ, gánh vác, chịu trách nhiệm với mỗi tiếng sau để tạo thành từ phức và tìm hiểu nghĩa của mỗi từ đó (có thể sử dụng Từ điển Tiếng Việt): đảm, hiểm, quản, tàng, toàn, tồn, trợ, vệ.

(Tiếng Việt 5 - tập 2)

Ví dụ 3: Em hiểu các thành ngữ dưới đây như thế nào? a. Cầu được ước thấy

b. Ước sao được vậy c. Ước của trái mùa

d. Đứng núi này trông núi nọ.

(Tiếng Việt 4 - tập 1 - tr. 88)

a. Lửa thử vàng, gian nan thử sức. b. Nước lã mà vã nên hồ

Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan. c. Có vất vả mới thanh nhàn

Không dưng ai dễ cầm tàn che cho.

(Tiếng Việt 4 - tập 1 - tr. 118 - 119) Đây là dạng bài tập khó đối với học sinh Tiểu học.

Để thực hiện loại bài tập này, HS phải có kĩ năng định nghĩa. Giải nghĩa bằng định nghĩa sẽ làm cho ngôn ngữ và tư duy của HS trở nên rõ ràng và sâu sắc hơn. Càng bắt đầu dạy cho HS định nghĩa từ sớm bao nhiêu thì các em càng biết tư duy chính xác và nói năng đúng đắn sớm bấy nhiêu. Khi định nghĩa từ, cần bảo đảm các yêu cầu sau: nghĩa của từ được định nghĩa cần được rút ra trên những nghĩa đơn giản hơn để tránh sự luẩn quẩn trong định nghĩa. Các thành tố nghĩa của từ được định nghĩa cần đầy đủ nhưng tổ hợp các thành tố nghĩa không quá lớn.

Giải nghĩa từ là một biện pháp nêu rõ những đặc tính của từ. Trong khi giải nghĩa, cần tách các dấu hiệu mà HS sẽ chú ý đến khi làm quen với từ. ở Tiểu học, một từ nhiều khi được dạy nghĩa nhiều lần nên lần đầu có thể không cần khám phá hết nội dung của nó, những lần sau sẽ mở ra tất cả nội dung của từ.

Việc phân chia thành các biện pháp và các bài tập giải nghĩa như trên chỉ là tương đối. Trong thực tế, khi giải nghĩa từ hoặc xây dựng những bài tập giải nghĩa, người ta thường kết hợp các biện pháp khác nhau: vừa dùng trực quan, vừa dùng đồng nghĩa, dựa vào ngữ cảnh hoặc sử dụng biện pháp định nghĩa. Khi dạy nghĩa từ, ngoài việc xác định những từ sẽ dạy, biện pháp giải nghĩa, GV còn phải xác định sẵn những từ nào mình sẽ giải nghĩa và những từ nào để HS giải nghĩa dưới hình thức thực hiện các bài tập giải nghĩa từ. Việc lựa chọn các biện pháp giải nghĩa và hình thức bài tập giải nghĩa tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Nó bị quy định bởi nhiệm vụ học tập (từ sẽ được đưa vào vốn từ tích cực hay tiêu cực), bởi đặc điểm của từ (trừu tượng hay cụ thể, danh từ hay động từ, tính từ, thuần Việt hay Hán Việt), bởi trình độ của HS (trước đó đã được chuẩn bị để nắm nghĩa từ như thế nào)...

Một phần của tài liệu Phương pháp dạy tiếng việt ở Tiểu học_6 ppsx (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(35 trang)