CHƯƠNG 2: NỘI DUNG CỦA LIÊN MINH GIAI CẤP TRONG CÁCH MẠNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
2.3 Phương hướng củng cố liên minh giai cấp ở Việt Nam hiện nay
Với giai cấp công nhân, đào tạo đội ngũ công nhân vững về tri thức nghề nghiệp, thành thạo kỹ năng và thái độ lao động chuyên nghiệp, tích cực.
Đây vừa là đòi hỏi khách quan của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vừa là đòi hỏi của quá trình hợp tác, phân công lao động và các hiệp định thương mại khu vực, quốc tế. Gắn đào tạo nghề với việc mở rộng và phát triển các ngành, nghề, lĩnh vực phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập khu vực, quốc tế, giáo dục văn hóa lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm nghề nghiệp và tác phong công nghiệp.
Quan tâm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động. Có quy định bảo đảm công bằng về tiền lương trong các thành phần kinh tế, bảo đảm giá trị tiền lương thực tế để đủ cho cuộc sống của người lao động cùng con cái họ. Cải thiện môi trường lao động, bảo hộ lao động, chăm lo sức khỏe thể chất và tinh thần của người công nhân, nhất là xây dựng các thiết chế văn hóa, điều kiện nhà ở... tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tăng cường quản lý, giám sát việc thực thi pháp luật, nhất là
Luật Lao động, Luật Bảo hiểm, Luật Thuế thu nhập cá nhân,... bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của công nhân lao động; giải quyết các tranh chấp lao động trên cơ sở luật pháp quốc gia và quốc tế... để “bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân’’.
Đối với giai cấp nông dân, khẩn trương hoàn thiện cơ chế liên kết kinh tế trong việc sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ hàng nông sản. Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam đồng thời với việc bảo vệ thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ. Các chính sách hợp tác, hỗ trợ, cung ứng dịch vụ cho sản xuất, kinh doanh liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được thực hiện đồng bộ, tích cực... bên cạnh các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục cộng đồng. Nhà nước thống nhất quản lý và điều hành hệ thống dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn thông qua hệ thống liên kết “Bốn nhà”. Có cơ chế, chính sách và cả cơ chế giám sát để hệ thống vận hành một cách hiệu quả, bền vững, tạo cơ sở gắn kết các chủ thể lợi ích và các chủ thể trong liên kết, như Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Hỗ trợ, khuyến khích nông dân học nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ. Nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp, mở rộng và nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ cơ bản về điện, nước sạch, y tế, giáo dục, thông tin,... cải thiện chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn; thực hiện có hiệu quả, bền vững công cuộc xóa đói, giảm nghèo, khuyến khích làm giàu hợp pháp”.
Với tầng lớp trí thức, thực hiện chính sách tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ phù hợp, nhất là đội ngũ nghiên cứu, chuyên gia, kỹ thuật viên cao cấp, hình thành đội ngũ chuyên gia chiến lược của đất nước đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ lần thứ tư. Quan tâm xây dựng đội ngũ trí thức trẻ, đáp ứng yêu cầu tiếp cận tri thức khoa học, công nghệ tiên tiến của thời đại. Tạo cơ chế phù hợp để các nghiên cứu, ứng dụng nhanh
chóng được phổ biến rộng rãi, thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, đồng thời bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đó. Quan trọng hơn, “Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng những cống hiến của trí thức. Có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của đất nước”.
2.3.2. Hai là, phát huy vai trò của mỗi giai cấp, tầng lớp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Đối với giai cấp công nhân, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao ý thức chính trị, giác ngộ giai cấp, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần dân tộc. Trước mắt cần nâng cao sự hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan đến lao động, việc làm, chính sách xã hội, những vấn đề cơ bản về kinh tế thị trường, thị trường lao động, quan hệ lao động, hợp tác và cạnh tranh, hội nhập quốc tế theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, những vấn đề về sở hữu trí tuệ, phá sản, bảo hiểm. Bồi dưỡng tinh thần và ý chí lao động, thái độ đối với sức ép cạnh tranh trong thị trường lao động, các kỹ năng giải quyết quan hệ lao động, đặc biệt là lao động gắn với yếu tố nước ngoài, trong khu vực FDI.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức nghề nghiệp trong các loại hình doanh nghiệp. Đổi mới hoạt động của tổ chức công đoàn, hướng về cơ sở, nắm bắt kịp thời, thường xuyên nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công nhân và đấu tranh, bảo vệ lợi ích của họ. Đội ngũ cán bộ trong các tổ chức chính trị - xã hội của công nhân phải thường xuyên nâng cao về trình độ, khoa học, công nghệ, pháp luật, ngoại ngữ, tin học… đủ sức tham gia có hiệu quả vào quá trình tập hợp, thu hút quần chúng công nhân, tổ chức hoạt động cũng như bảo vệ lợi ích người
lao động, cả trong phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế; phương pháp, kỹ năng tổ chức hoạt động phải đa dạng, linh hoạt, theo kịp với những thay đổi về lao động, việc làm của giai cấp công nhân trong tình hình mới.
Đối với giai cấp nông dân, phải đặt vấn đề giáo dục, nâng cao trình độ dân trí cho nông dân lên hàng đầu. Nội dung giáo dục không chỉ giới hạn ở vấn đề chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, mà sâu xa hơn là nền tảng tri thức, văn hóa, tư duy, nếp nghĩ, thói quen của nông dân. Khắc phục tính manh mún, nhỏ lẻ trong tư duy của nông dân, thúc đẩy nông dân tiếp cận với cái mới, khoa học, giúp họ thay đổi theo hướng chuyên nghiệp, văn minh trong sản xuất, kinh doanh và tổ chức đời sống.
Ổn định và từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân và cư dân nông thôn, khắc phục tình trạng “ly hương”, giảm sức ép về lao động mùa vụ ở các khu đô thị lớn cũng như các vấn đề xã hội khác ở nông thôn và thành thị, xây dựng nhà nông chuyên nghiệp với các mô hình hợp tác, liên kết phong phú, đa dạng. Điều này vừa góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới; vừa góp phần hạn chế những vấn đề xã hội có thể nảy sinh do sức ép về dân cư và các sinh hoạt khác.
Đối với đội ngũ trí thức, cần tạo điều kiện, môi trường dân chủ hơn nữa cho lao động sáng tạo của trí thức. Tạo điều kiện tối đa cho sự khai mở sáng tạo về tri thức, học thuật, văn hóa lắng nghe; cũng như tôn trọng sự khác biệt trong đối thoại, phản biện của trí thức. Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp với nhu cầu nghiên cứu, khảo nghiệm, thực nghiệm, trao đổi học thuật và phát triển tri thức, để thực sự “Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”.
2.3.3 Ba là, kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh có thể ảnh hưởng tới khối liên minh.
Liên minh giai cấp bền vững phải dựa trên việc tôn trọng nhu cầu, lợi ích của chính bản thân các chủ thể tham gia liên minh. Vì vậy, vấn đề cơ bản và xuyên suốt, vừa là nội dung, vừa là nguyên tắc mang tính quy luật trong việc xây dựng khối liên minh công - nông - trí thức là phải xác định đúng các nhu cầu, phát hiện kịp thời các nhu cầu mới nảy sinh của công nhân, nông dân, trí thức trong từng giai đoạn cụ thể; trên cơ sở những tiềm năng và thực trạng kinh tế - xã hội từ đó có giải pháp để thỏa mãn các nhu cầu; xử lý đúng đắn, kịp thời những mâu thuẫn nảy sinh giữa các giai cấp. Làm tốt điều này, sẽ củng cố, tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng và phát triển xã hội, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.