Chương 3. TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.3. Các phương pháp nghiên cứu
3.3.2. Phương pháp thu thập thông tin
3.3.2.1. Phương pháp nghiên cứu tài liệu, văn bản
Mục đích: Xây dựng cơ sở lý luận, xác định các quan điểm chủ đạo của luận án.
Nội dung nghiên cứu
- Tổng hợp, phân tích, hệ thống về mặt lý luận các nghiên cứu về sự hài lòng về cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng trong 5 năm đầu chung sống ở trong và ngoài nước nhằm xác định những vấn đề cần nghiên cứu: các thành phần, biểu hiện và mức độ của sự hài lòng về cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng, các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng về cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng.
Cách thức tiến hành
- Thu thập những tài liệu, văn bản có liên quan tới đề tài - Đọc và ghi ghép lại các tài liệu quan trọng
- Nguồn tài liệu: Sách, báo, tạp chí, công trình nghiên cứu (luận án, bài báo…).
3.3.2.2. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi Mục đích
- Tìm hiểu thực trạng mức độ hài lòng về cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng.
- Tìm hiểu mối tương quan giữa sự hài lòng hôn nhân với các thành tố của cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.
- Tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng về cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng.
a. Cách thức tiến hành xây dựng bảng hỏi - Xây dựng nội dung theo mục đích nghiên cứu - Xin ý kiến đóng góp của chuyên gia
- Điều tra thử
- Đánh giá độ tin cậy và xử lý số liệu
- Hoàn thiện bảng hỏi và tiến hành điều tra chính thức.
b. Các loại thang đo và nội dung cơ bản
Bảng hỏi được xây dựng bao gồm các thang đo và các câu hỏi mở, câu hỏi có sẵn các phương án trả lời để tìm hiểu các thông tin cơ bản về người trả lời (các thông tin về nhân khẩu học như giới, tuổi, trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân; số con, thu nhập,…); quan điểm của người trả lời về các nội dung nghiên cứu của luận án.
Các thang đo
Thang Hài lòng hôn nhân PERMA profiler
Nghiên cứu này sử dụng thang đo PERMA profiler của Julie Butler, Margaret L. Kern (2016) để đo lường sự hài lòng hôn nhân.
Thang đo PERMA profiler được xây dựng để đo lường sự hạnh phúc với cuộc sống nói chung theo mô hình cảm nhận hạnh phúc 5 thành tố PERMA của nhà tâm lí học tích cực Seligman. Thang đo này đã được một số tác giả thích ứng để đo lường cảm nhận hạnh phúc của công nhân trong môi trường công việc. Ví dụ như nhóm tác giả Kazuhiro Watanabe, Margaret L. Kern và cộng sự (2018) đã sử dụng thang đo PERMA profiler để đo sự hạnh phúc trong môi trường công việc của những người công nhân Nhật Bản. Nghiên cứu này đã khẳng định thang đo PERMA profiler tại nơi làm việc phiên bản tiếng Nhật đã được chứng minh đảm bảo độ tin cậy và độ hiệu lực của thang đo (Hệ số Cronbach alpha nằm trong khoảng 0,75 đến 0,96; phân tích nhân tố khám phá khẳng định mô hình 5 nhân tố PERMA là phù hợp). Thang đo này có thể sử dụng hữu ích để đánh giá hạnh phúc tại nơi làm việc.
Tương tự như vậy, nhóm tác giả Seong Pil Choi, Chunhui Choi, Chunhui Suh, Jea Won Yang, Byung Jin Chae Kwan Le, Byung Chul Son and Maco Choi (2019) cũng đã tiến hành nghiên cứu thích ứng thang đo PERMA profiler để đo sự hạnh phúc trong môi trường làm việc của những công nhân Hàn Quốc. Kết quả nghiên cứu này cũng chỉ ra thang đo PERMA profiler có độ tin cậy và độ hiệu lực tốt. Giá trị Cronbach alpha nằm trong khoảng từ 0,7 đến 0,95. Phân tích nhân tố khẳng định chỉ ra mô hình 5 nhân tố PERMA này là phù hợp. Phiên bản Hàn Quốc của PERMA profiler tại nơi làm việc có thể sử dụng như một công cụ đánh giá cho các can thiệp tích cực về sức khoẻ tinh thần tại nơi làm việc.
Chúng tôi chưa tìm thấy những nghiên cứu thích ứng thang đo PERMA profiler để đo lường hạnh phúc về cuộc sống hôn nhân của các tác giả khác trên thế giới. Có thể, đây là nghiên cứu đầu tiên thích ứng thang đo PERMA profiler để đánh giá cảm nhận hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân.
Như đã trình bày ở phần chương 2, luận án cũng sử dụng mô hình lí thuyết 5 thành tố PERMA để đánh giá và lý giải về sự hài lòng với cuộc sống hôn nhân. Do đó, luận án đã tiến hành thích ứng thang đo PERMA profiler để đo lường sự hài lòng về cuộc sống hôn nhân trong 5 năm đầu của các cặp vợ chồng tại Hà Nội .
Thang đo PERMA profiler được tiến hành thích ứng theo quy trình: 1/Dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt bởi hai người dịch khác nhau; 2/Điều chỉnh các nội dung hỏi về cuộc sống nói chung thành hỏi về cuộc sống hôn nhân; 3/Khảo sát thử trên các cặp vợ chồng với mục tiêu kiểm tra việc hiểu của các cặp vợ chồng về nội dung của từng mệnh đề trong các thang đo; 4/Điều chỉnh nội dung của các mệnh đề dựa trên các ý kiến của các cặp vợ chồng; 5/Khảo sát trên 88 cặp vợ chồng để đánh giá độ tin cậy Cronbach‟s Alpha của các thang đo và các tiểu thang đo; 6/Điều chỉnh các mệnh đề cho phù hợp; 7/Điều tra khảo sát chính thức.
Thang đo gốc PERMA profiler bao gồm 23 mệnh đề, trong đó có các tiểu thang đo sau: Cảm xúc tích cực (P): 3 mệnh đề; Sự cam kết (E): 3 mệnh đề; Mối quan hệ tích cực (R): 3 mệnh đề; Ý nghĩa (M): 3 mệnh đề; Thành tựu (A): 3 mệnh đề; Cảm xúc tiêu cực: 3 mệnh đề; Sự cô đơn: 1 mệnh đề; Sức khỏe: 3 mệnh đề; Sự hạnh phúc nói chung: 1 mệnh đề.
Khi áp dụng vào đo lường sự hài lòng về cuộc sống hôn nhân, nhóm tác giả đã có những điều chỉnh bao gồm: Chỉ sử dụng 15 mệnh đề của 5 thành tố chính PERMA, 3 mệnh đề của thành tố Cảm xúc tiêu cực, 1 mệnh đề về sự cô đơn và 1 mệnh đề về sự hạnh phúc chung. Chúng tôi gọi thang đo này là Thang đo Hài lòng hôn nhân PERMA.
Như vậy, thang đo Hài lòng hôn nhân PERMA bao gồm 20 mệnh đề. Điểm của sự hài lòng hôn nhân PERMA tổng thể được tính là điểm trung bình của 15 mệnh đề của 5 thành tố PERMA và 1 mệnh đề hạnh phúc nói chung. Điểm của các tiểu thang đo cảm xúc tiêu cực và sự cô đơn được tính bằng điểm trung bình của các mệnh đề của tiểu thang đo.
Với cả 20 mệnh đề của thang PERMA profiler, khoảng điểm của từng mệnh đề được đánh giá từ 1- Không bao giờ/Rất tệ/Hoàn toàn không đến 10- Luôn luôn/Rất tốt/Hoàn toàn có.
Các thang đo về các yếu tố ảnh hưởng
Các thang đo về một số yếu tố ảnh hưởng tới sự hài lòng hôn nhân, dựa vào việc xác định nội hàm khái niệm của các yếu tố ảnh hưởng, chúng tôi tự xây dựng thang đo theo quy trình chung bao gồm: 1/Xây dựng các mệnh đề dựa trên nội hàm của các khái niệm cần đo lường; 2/Khảo sát thử trên các cặp vợ chồng với mục tiêu kiểm tra việc hiểu của các cặp vợ chồng về nội dung của từng mệnh đề trong các thang đo; 3/Điều chỉnh nội dung của các mệnh đề dựa trên các ý kiến của các cặp vợ chồng; 4/Khảo sát thử trên 88 cặp vợ chồng để đánh giá độ tin cậy Cronbach‟s Alpha của các thang đo và các tiểu thang đo; 5/Điều chỉnh các mệnh đề cho phù hợp; 6/Điều tra khảo sát chính thức.
1/ Thang đo cảm nhận về mối quan hệ vợ chồng: bao gồm 6 mệnh đề tìm hiểu về cảm nhận sự tiến triển tốt đẹp trong mối quan hệ với người bạn đời, những suy nghĩ tích cực và tiêu cực về mối quan hệ với người bạn đời.
2/ Thang đo Cảm nhận về sự hòa hợp vợ chồng: bao gồm 7 mệnh đề tìm hiểu đánh giá của người trả lời về mức độ hòa hợp của vợ chồng họ về quan điểm sống, giá trị sống; tính cách; thói quen sinh hoạt hàng ngày, ứng xử với những người xung quanh; chi tiêu quản lý tài chính trong gia đình; tình dục và niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng.
3/ Thang đo về hành vi giao tiếp với người bạn đời trong cuộc sống hôn nhân: bao gồm 18 mệnh đề tìm hiểu về các hành vi giao tiếp tích cực và tiêu cực của người vợ và người chồng với người bạn đời. Các hành vi giao tiếp tích cực như khen ngợi, động viên; quan tâm, chăm sóc; dành thời gian riêng cho người bạn đời;
bàn bạc cùng nhau đưa ra quyết định quan trọng. Các hành vi giao tiếp tiêu cực bao gồm: chỉ trích, đổ lỗi cho người bạn đời; hạ thấp, thiếu tôn trọng người bạn đời, đánh, ngoại tình. Và cuối cùng là việc nói, bàn đến chuyện li hôn (hành vi này chúng tôi không xếp vào hành vi tích cực hay tiêu cực, tùy vào hoàn cảnh).
Với 3 thang đo này, chúng tôi sử dụng thang đo Likert 11 mức điểm từ 0- không bao giờ/hoàn toàn không đến 10-luôn luôn/hoàn toàn có.
4/ Thang đo mức độ đáp ứng mong đợi về cuộc sống hôn nhân: bao gồm 9 mệnh đề tìm hiểu đánh giá của người trả lời về mức độ đáp ứng mong đợi của họ về các yếu tố trong cuộc sống hôn nhân như mong đợi về người bạn đời (tính cách, công việc, gia đình, thu nhập, hình thức, sức khỏe); mong đợi về đời sống tình cảm vợ chồng (bao gồm tính cách của người bạn đời, tình cảm vợ chồng, tình dục, bầu không khí của cuộc sống hôn nhân). Chúng tôi đưa ra 5 khoảng mức độ đáp ứng mong đợi để người trả lời đánh giá bao gồm: < 20%, 20 - 40%, 40 - 60%, 60 - 80% và > 80%.
5/ Thang đo về hành vi của người bạn đời: bao gồm nhìn nhận của người trả lời về các hành vi tiêu cực (sử dụng bia, rượu, thuốc lá, chơi điện tử) và việc sử dụng thời gian (thời gian cho công việc, cho bạn bè, cho gia đình, cho bản thân, cho người vợ/chồng) của người bạn đời. Những câu hỏi này được đánh giá với thang Likert 4 mức điểm từ 4 - quá nhiều đến 1 - không có.
c. Cách thức thu thập thông tin từ bảng hỏi
Bảng hỏi dành cho người vợ và người chồng có nội dung và hình thức giống như nhau. Mỗi phiếu hỏi được mã hóa và được để ở hai phong bì riêng để giao cho người vợ và người chồng. Người vợ và người chồng được yêu cầu hoàn thành bảng hỏi riêng lẻ và không cho người bạn đời biết câu trả lời của mình. Sau khi hoàn thành bảng hỏi, người trả lời được yêu cầu để phiếu hỏi vào trong phòng bì, dán lại và đưa cho người thu thập thông tin.
3.3.2.3 Phương pháp phỏng vấn sâu Mục đích
Thu thập, bổ sung và làm rõ thông tin đã thu được từ phương pháp điều tra bằng bảng hỏi và quan sát để có thêm những đánh giá khách quan, phong phú và sâu sắc hơn về mức độ và các biểu hiện, các yếu tố ảnh hưởng tới sự hài lòng về cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng.
Nội dung phỏng vấn
Các cuộc phỏng vấn sâu xoay quanh các vấn đề về nhìn nhận của họ về chính cuộc sống hôn nhân của mình. Những điểm khiến họ hài lòng hay chưa hài lòng về cuộc sống hôn nhân của họ. Các biểu hiện của việc hài lòng hay chưa hài lòng về cuộc sống hôn nhân; lí do dẫn tới sự hài lòng hay không hài lòng; các yếu tố có thể ảnh
hưởng tới cảm nhận hài lòng hay không hài lòng. Các cách thức có thể giúp cho họ thấy hài lòng hơn với cuộc sống hôn nhân.
Cách thức tiến hành
Các câu hỏi phỏng vấn sâu được chuẩn bị theo một số nội dung chính dưới hình thức câu hỏi mở để thu thập các thông tin cần thiết về khách thể và vấn đề cần nghiên cứu, gồm: thông tin cá nhân, quan điểm của người trả lời về hạnh phúc hôn nhân, đánh giá của họ về cuộc sống hôn nhân của bản thân, nhìn nhận của họ về các yếu tố ảnh hưởng tới sự hài lòng về cuộc sống hôn nhân. Trong quá trình phỏng ván, các câu hỏi được sử dụng linh hoạt theo hướng tiếp cận vấn đề của khách thể mà vẫn đảm bảo được mục tiêu phỏng vấn.