Kết quả phân tích về đặc điểm hình thái, giải phẫu cây Vú bò

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm hình thái, giải phẫu và trình tự gen matk của cây vú bò (Trang 27 - 32)

Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN

3.1. Kết quả phân tích về đặc điểm hình thái, giải phẫu cây Vú bò

Cây Vú bò in vitro được nhân lên từ hạt có nguồn gốc thu thập tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (Hình 2.1) và trồng tự nhiên tại phường Quán Triều, thành phố Thái Nguyên. Chúng tôi theo dõi sau 12 tháng làm vật liệu để mô tả hình thái (Hình 3.1).

A B C D

Hình 3.1. Hình ảnh cây Vú bò trồng ngoài tự nhiên

A- Hình ảnh cây, B- Hình ảnh thân, C- Hình ảnh lá, D- Hình ảnh quả

Theo hình 3.1, hình thái cây Vú bò dạng thân bụi. Từ 1 thân chính ban đầu khi trồng, đến thời điểm hiện tại ở gốc có 5 thân cây, mọc thẳng, cao tương đối đồng đều từ 1,9m đến 2,0m. Thân có vỏ màu xám, hình tròn, trên thân có vết lá, có thể có cành mọc ngang hoặc thân thẳng (Hình 3.1-B)

Lá cây Vú bò màu xanh lục. Trên một cây có cả các lá đơn nguyên và lá xẻ thùy cùng tồn tại. Tất cả các lá có cuống, cuống dài từ 1-5cm, chiều dài cuống lá tỉ lệ thuận với phiến lá. Mép lá hình răng cưa. Phiến lá có gân so le, mặt trên và dưới của lá đều có các lông nhỏ, hơi ráp.

Quả Vú bò mọc thành chùm ngay ở nách lá, nằm trên thân và cành. Quả dạng quả kép, trên quả cũng có nhiều lông tơ, ráp. Bẻ thân và lá của cây đều thấy có nhiều nhựa trắng.

3.1.2. Kết quả nghiên cứu về đặc điểm giải phẫu của cây Vú bò

Chế tạo tiêu bản giải phẫu cây Vú Bò bằng cách cắt lát mỏng và nhuộm kép với hai lần màu của xanh methylen và đỏ bằng dung dịch carmin với cơ quan sinh dưỡng của cây gồm cuống lá, gân chính của lá, thân và rễ. Tiêu bản thu được quan sát trên kính hiển vi quang học theo thứ tự vật kính tăng dần.

Bằng phương pháp nhuộm kép với hai màu là xanh metylen và đỏ carmin, khi quan sát dưới kính hiển vi sẽ nhận thấy hai màu chính là đỏ hồng (đậm hay nhạt) và xanh. Theo chỉ dẫn của Hoàng Thị Sản và Nguyễn Thị Phương Nga (2003), những tế bào sống và những phần có thành bằng cellulose thường bắt màu đỏ hồng đậm đến hồng nhạt). Những tế bào đã chết, hoặc những phần tế bào hóa gỗ hoặc tầng bần thường bắt màu xanh của thuốc nhuộm xanh metylen [7].

Hình 3.2.Hình ảnh tiêu bản hiển vi tạm thời lát cắt ngang gân chính của lá cây Vú bò

1: Biểu bì; 2: Mô dày; 3: Mô mềm; 4: Libe sơ cấp; 5: Gỗ sơ cấp

Kết quả quan sát trên hình 3.2 cho thấy, biểu bì là một lớp tế bào nằm ngoài cùng. Những tế bào biểu bì xếp dày sít nhau. Một số tế bào được biến đổi

thành lông tăng cường chức năng bảo vệ. Phần mô dày bắt màu hồng đậm gồm một số lớp tế bào, nằm ngay dưới biểu bì, có vách dày. Khối mô mềm có màu hồng nhạt gồm nhiều lớp tế bào có hình hơi tròn hoặc đa giác tròn ở góc. Libe cấp 1 (sơ cấp) gồm các tế bào hình nhiều cạnh nhỏ, xếp sít nhau, bắt màu hồng đậm. Gỗ sơ cấp là những tế bào chết, có vách dày hóa gỗ (bắt màu xanh).

Lát cắt ngang cuống lá cây Vú bò trên hình 3.3 cho thấy, lớp biểu bì ngoài cùng là một lớp mỏng các tế bào xếp sít nhau. Một số tế bào biểu bì đã biến đổi thành lông, giúp tăng cường chức năng bảo vệ. Dưới lớp biểu bì là lớp mô dày gồm vài ba lớp tế bào, biểu bì có vách dày bằng cellulose, chỗ vách dày sẽ bắt màu hồng đậm.

Phần mô mềm gồm nhiều lớp tế bào có hình đa giác tròn hoặc hơi tròn ở góc. Các tế bào mô mềm bắt màu hồng đậm. Mô mềm đảm nhiệm chức năng dự trữ hay dinh dưỡng. Các bó dẫn sắp xếp kiểu chồng chất kín, thành hình vòng cung. Bó dẫn lớn nhất nằm trên mặt phẳng đối xứng. Các bó dẫn nhỏ hơn nằm theo cặp, đối xứng hai bên.

Hình 3.3. Hình ảnh tiêu bản hiển vi tạm thời lát cắt ngang cuống lá cây Vú bò 1: Biểu bì; 2: Mô dày; 3: Mô mềm; 4: Libe sơ cấp; 5: Gỗ sơ cấp

Libe sơ cấp gồm những tế bào hình nhiều cạnh nhỏ và bắt màu hồng đậm. Libe làm nhiệm vụ dẫn truyền nhựa luyện. Gỗ sơ cấp là những tế bào đã chết, vách hóa gỗ và nên bắt màu xanh. Gỗ làm nhiệm vụ vận chuyển nhựa nguyên. Những tế bào hình hơi tròn ở giữa là mô mềm ruột, bắt màu hồng nhạt.

Hình 3.4. Hình ảnh tiêu bản hiển vi tạm thời lát cắt ngang thân chính của cây Vú bò

1-: Biểu ;, 2: Mô dày; 3: Mô mềm vỏ; 4: Libe sơ cấp; 5: Tầng trước phát sinh;

6: Gỗ sơ cấp; 7: Mô mềm ruột

Sử dụng đoạn thân non dài khoảng từ 1 đến 2 cm nằm dưới phần ngọn cây, cắt mỏng, tẩy sạch, nhuộm kép để làm tiêu bản tạm thời. Lát cắt ngang thân chính của cây Vú bò có hình tròn.

Trên lát cắt ngang cấu tạo sơ cấp thân cây Vú bò, nhìn từ ngoài vào trong gồm: lông, biểu bì, mô dày, mô mềm vỏ, libe sơ cấp, tầng trước phát sinh, gỗ sơ cấp, mô mềm ruột (Hình 3.4).

Biểu bì thân là một lớp tế bào, xếp sít nhau, không chứa diệp lục, các tế bào biểu bì kéo dài dọc theo thân. Một số tế bào biểu bì đã biến đổi thành lỗ khí làm nhiệm vụ trao đổi khí hay đã biến đổi thành lông để tăng cường chức năng che chở, bảo vệ cho cây.

Mô dày gồm vài ba lớp tế bào, phần vách dày bắt màu hồng, có nhiệm vụ nâng đỡ.

Mô mềm vỏ gồm khoảng 5 đến 7 lớp tế bào có hình hơi tròn, có kích thước lớn, các tế bào mô mềm vỏ sắp xếp không sít nhau.

Libe sơ cấp gồm những tế bào sống. Libe sơ cấp hình thành từ tầng trước phát sinh. Các tế bào libe phân hóa hướng tâm, có kích thước nhỏ, bắt màu hồng đậm.

Xen giữa libe và gỗ là tầng trước phát sinh. Các tế bào của tầng trước phát sinh có hình dẹt, phát triển theo hướng xuyên tâm, có màng rất mỏng và bắt màu hồng đậm. Các tế bào tầng trước phát sinh phân chia theo hướng tiếp tuyến ngoài sẽ cho libe sơ cấp và phân chia theo hướng tiếp tuyến trong sẽ cho gỗ sơ cấp.

Gỗ sơ cấp gồm các tế bào có kích thước nhỏ (vách tế bào bắt màu xanh với thuốc nhuộm xanh methylen). Các tế bào gỗ sơ cấp phân hóa li tâm.

Bó dẫn của thân cây Vú bò là bó dẫn chồng chất hở.

Trong cùng là những tế bào mô mềm ruột, có kích thước khá lớn, có chức năng dự trữ chất dinh dưỡng và nước.

Hình 3.5. Hình ảnh tiêu bản hiển vi tạm thời lát cắt ngang rễ cây Vú bò 1: Bần, 2: Tầng phát sinh vỏ, 3: Mô mềm, 4: Libe thứ cấp, 5: Tầng phát sinh,

6: Gỗ thứ cấp, mô mềm ruột

Cắt ngang qua rễ cây Vú bò, trên hình 3.5 nhìn từ ngoài vào trong cho thấy: bần là tầng ngoài cùng, rồi đến tầng phát sinh vỏ, tầng mô mềm vỏ, lớp libe thứ cấp, tầng phát sinh trụ, phần gỗ thứ cấp và mô mềm ruột.

Tầng bần có khoảng 3 đến 5 lớp tế bào, tế bào tầng bần có hình chữ nhật (đường kính theo hướng xuyên tâm nhỏ hơn đường kính theo hướng tiếp tuyến). Các tế bào của tầng bần rỗng, không có nội chất, vách đã hóa bần và bắt màu xanh. Các tế bào bần xếp sít nhau, không xuất hiện các khoảng gian bào.

Lớp bần không thấm nước vì vậy giúp bảo vệ cây rất tốt. Tiếp theo là tầng phát sinh vỏ gồm một số lớp tế bào sống có vách mỏng, xếp sít nhau, bắt màu hồng đậm. Chúng phân chia theo hướng tiếp tuyến, phía ngoài cho ra các tế bào bần và phía trong cho ra các tế bào mô mềm. Mô mềm vỏ gồm khoảng 7-8 lớp tế bào có hình hơi tròn, xếp đều đặn, bắt màu hồng nhạt. Libe thứ cấp gồm những tế bào sống, bắt màu hồng đậm (màu của thuốc nhuộm carmin), có kích thước nhỏ. Libe thứ cấp phân hóa hướng tâm.

Tầng phát sinh ngang gồm những tế bào sống, hình thoi dài, có vách mỏng. Các tế bào của tầng phát sinh phân chia theo hướng về phía trong cho gỗ thứ cấp và phân chia theo hướng ra phía ngoài cho libe thứ cấp. Gỗ thứ cấp gồm những tế bào đã chết, thành bắt màu xanh. Các tế bào có hình hơi tròn, phân hóa ly tâm. Chúng liên kết với nhau chặt chẽ tạo thành dải liên tục có nhiệm vụ vận chuyển nước và muối khoáng. Mô mềm ruột là phần trong cùng, gồm những tế bào hình tròn xếp sít nhau, có kích thước nhỏ.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm hình thái, giải phẫu và trình tự gen matk của cây vú bò (Trang 27 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(43 trang)