Tư tưởng mỹ học về tình yêu của trăm năm cô đơn.

Một phần của tài liệu văn hóa của Mỹ La Tinh qua tác phẩm trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Márquez (Trang 26 - 29)

Các nhân vật trong trăm năm cô đơn mà cụ thể là dòng họ Buendya càng ngày càng tách ra khỏi cộng đồng xã hội, sống trái tính trái nết. Thói sống đó khiến họ càng cô đơn và tách xa cộng đồng, nhỏ là gia đình, rộng hơn là làng xã và cả đất nước Colombia (kể cả cộng đồng Mĩ Latin). Người đầu tiên bỏ quê nhà đi lập làng mới, tách mình khỏi lịch sử và truyền thống văn hoá. Khi lập được làng mới, ông Hose lại khao khát nghiên cứu máy mò phát minh sáng chế và liên miên thất bại. Ông hoá điên dại đến nỗi gia đình phải xích ông vào gốc cây trong vườn nhà. Còn Hose Segundo sau khi chứng kiến vụ thảm sát rùng rợn những người công nhân đồn điền chuối ở sân ga đã quá hoảng sợ không dám đi tố cáo cho dân chúng biết mà chạy trốn về căn phòng của cụ già Menkyadez, tự giam mình trong đó, không tiếp xúc với ai ngoại trừ người em sinh đôi và thằng cháu họ.

Đặc biệt nhân vật Aureliano Buendya tách ra khỏi cộng đồng sống dị thường trở nên độc đoán chuyên quyền chẳng còn giống cái thời thơ trẻ đáng yêu. Khi có quyền hành, Buendya trở thành tên độc tài bạo chúa khát máu nhất là từ sau khi bị kết án tử hình chạy thoát. Với chức tổng tư lệnh quân đội, anh chỉ huy “trò chơi chiến tranh”. Anh chiến đấu không có mục đích lí tưởng cao cả nào hết. Anh chỉ chiến đấu cho bản thân mình, cho niềm kiêu hãnh cá nhân với phương châm xử thế “người bạn tốt nhất là người bạn vừa chết”. Anh không có bạn nữa, ngày càng cô đơn. Mọi người dần xa lánh, không cộng tác không bảo vệ anh. Anh ta lập chiến công cuối cùng bằng cách kí hiệp định đầu hàng chính phủ, được thưởng huân chương. Những người cách mạng, những người chiến sĩ tự do không tuân lệnh đầu hàng, họ vẫn tiếp tục chiến đấu khiến anh cảm thấy nhục nhã và từ chối nhận huân chương, trở về đoàn tụ gia đình, sống trong tình thương của bà mẹ – bà lão Ucsula Igoaran. Và giống như hồi nhỏ, anh nuôi cá vàng để khuây khoả. Cách sống này vẫn chỉ là ích kỉ cá nhân chẳng vì ai cả. Đó chính là cuộc đời bi kịch của đại tá Aureliano.

Chỉ có một người hiểu rõ tư chất ích kỉ của anh là mẹ anh – bà Ucsula. Đầu óc vẫn minh mẫn của bà già trên trăm tuổi còn nhớ cái tiếng khóc của Aureliano khi còn trong bụng mẹ. Tiếng khóc ấy là sự bất lực trước tình yêu, đó là sự cô đơn. Cụ

già điểm lại lũ con cháu và và nhận ra bọn chúng đều trái tính trái nết ích kỉ – cái thói đáng sợ như hình ảnh cái đuôi lợn ám ảnh cụ suốt đời. Cái đuôi lợn báo hiệu con người đã mất hết tính người trở thành con thú. Bà nhận ra con cháu bà có đủ mọi phẩm chất tốt duy chỉ thiếu một thứ: tình yêu – trái tim yêu thương. Chỉ có cô bé Rebecca người không hề bú dòng sữa của cụ thì lại có trái tim yêu thương mãnh liệt vô tư. Tình yêu là cái cần thiết nhất cho dòng họ này. Chỉ có tình yêu thực sự và lòng chân thành mới làm cho cá nhân hoà hợp với cộng đồng và thoát khỏi cảnh cô đơn. Đó là lớp ý nghĩa triết học – mĩ học bộc lộ ra khi các nhân vật sắp đi vào cõi khác. Chỉ khi đứng trước mũi súng của bọn hành hình, Accadio Hose mới biết yêu thật sự nàng Rebecca Remediot. Chỉ đến khi hấp hối, Amaranta cô gái già (ế chồng vì khó tính) mới thật sự cởi mở lòng mình, sống cho người khác bằng hành động: hứa chuyển bức thư và lời nhắn của người sống cho vong hồn người thân cõi âm phủ.

Tư tưởng mĩ học về tình yêu còn được thể hiện ở nhân vật nửa huyền thoại Remediot “người đẹp”. Nhiều chàng trai say mê nàng và chết oan vì nàng. Kẻ thì rơi từ mái nhà tắm xuống chết tươi. Kẻ chết gục ngoài song cửa. Kẻ bị ngựa đá dập ngực chết. Có kẻ si mê quá hoá rồ dại… Phải chăng như lời dân chúng đồn đại nàng là cạm bẫy của tử thần. Nàng toả ra hơi độc khiến ai gần nàng đều phải tiêu vong ? Thật ra không hẳn như vậy. Những người đàn ông không biết cách mở cửa vào tâm hồn nàng. Họ chỉ biết tỏ tình theo những kiểu vụng về ngây ngô hoặc thô bạo điểu cáng. Qua những cách tỏ tình ấy, họ tỏ ra chỉ coi sắc đẹp của nàng là thứ cần hưởng thụ. Còn Remediot nàng tỏ ra là người biết yêu: “có lẽ chỉ cần một thứ tình cảm nguyên thuỷ và giản dị như tình yêu là đủ chinh phục nàng và tránh mọi nguy hiểm”. Nhưng nàng thất vọng, đành bỏ đi khỏi thế giới này.

Tư tưởng mĩ học về tình yêu còn được thể hiện ở hai nhân vật Aureliano Babilonia và Amaranta Ucsula. Hai người đã nhận ra những thất bại của dòng họ mình, và họ yêu nhau cuồng say với nguyện vọng sinh ra một Aureliano có thể chiến thắng ba mươi hai cuộc chiến, họ mong muốn tình yêu sẽ cải tạo nòi giống mình tốt hơn giỏi hơn. Tiếc thay cái tình yêu loạn luân diễn ra trong cảnh cô đơn

cùng cực ấy chỉ đẩy nhanh thêm dòng họ Buendya đến giờ diệt vong kéo theo sự huỷ diệt của cả cộng đồng Macondo. Như vậy, thông điệp thứ nhất của “Trăm năm cô đơn” là kêu gọi mọi người hãy sống đúng bản chất người – tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Hãy vượt qua định kiến, thành kiến cá nhân và những hố sâu ngăn cách trong cộng đồng để cá nhân hoà hợp với gia đình. cộng đồng và xã hội. Vì lẽ đó, nhà văn GG. Marquez đã tuyên bố cuốn sách mà ông để cả đời sáng tác là “cuốn sách về cái cô đơn”. Qua đó, ông kêu gọi mọi người đoàn kết để đấu tranh, đoàn kết để chiến thắng tình trạng chậm phát triển của vùng Mĩ Latin, đoàn kết để sáng tạo ra một “thiên huyền thoại khác, định đoạt số phận ngay cả cái cách thức chết, nơi tình yêu có lối thoát và hạnh phúc là cái có khả năng thực sự và nơi những dòng họ bị kết án trăm năm cô đơn cuối cùng và mãi mãi sẽ có vận may lần thứ hai được tái sinh trên mặt đất này”.

Một phần của tài liệu văn hóa của Mỹ La Tinh qua tác phẩm trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Márquez (Trang 26 - 29)