a. Nguyên nhân
- Bệnh do trực khuẩn E. coli, Gr (-) gây nên, thuộc họ vi khuẩn đường ruột Enterobacteriaceae gây ra.
- Do chăm sóc nuôi dưỡng lợn nái không đúng kỹ thuật
- Do thời tiết thay đổi đột ngọt
- Do khẩu phần ăn của con mẹ thay đổi - Do vệ sinh chuồng trại kém
b. Triệu chứng
Lợn bị bệnh thường kém ăn, ủ rũ, mắt, miệng, hậu môn nhợt nhạt, lợn ỉa chảy phân lỏng màu trắng có mùi hôi tanh khó chịu, sau chuyển hơi vàng, khắm, phân bết sau hậu môn, lợn đi lại không vững gầy sút nhanh.
c. Bệnh tích
Lợn bệnh chết do mất nước nghiêm trọng nên khi quan sát xác con vật gầy còm, da khô, lông bẩn, da lông xám không bóng như con vật khỏe mạnh.
Niêm mạc nhợt nhạt, máu loãng hơi đen. Dạ dày giãn rộng, các bờ ở đường cong lớn bị nhồi máu, chứa sữa đông vón, màu trắng hoặc màu xám trắng.
Hạch lâm ba chuyển từ màu hồng thành màu đỏ thẫm. Gan nhão, dễ vỡ, đôi khi có xuất huyết. Phổi ứ huyết, đôi khi có hiện tượng viêm phổi nhẹ.
d. Điều trị
Hàng ngày vệ sinh chuồng trại, thu dọn sạch sẽ phân, giữ sạch nền sàn, chuồng trại luôn khô ráo, sưởi ấm cho lợn con bằng đèn hồng ngoại.
- Tiêm Amlistin: 1 ml/5 - 8 kgTT, kết hợp với Atropin: 1 ml/10 kgTT.
- Điều trị liên tục 2 - 3 ngày.
2.2.2.2. Bệnh cầu trùng
Lợn ở các lứa tuổi đều bị nhiễm cầu trùng. Lợn con từ 1-4 tuần tuổi thường bị nhiễm cầu trùng và phát bệnh với tỷ lệ cao hơn lợn trưởng thành.
Đặc biệt, lợn ở lứa tuổi 1- 10 ngày bị bệnh cầu trùng có tỷ lệ chết cao từ 20- 40% số lợn bệnh. Lợn nái và lợn trưởng thành tuy bị nhiễm cầu trùng nhưng không biểu hiện triệu chứng lâm sàng do đó là nguồn truyền bá mầm bệnh trong tự nhiên.
Bệnh cầu trùng lây nhiễm qua đường tiêu hóa. Lợn khỏe ăn thức ăn hoặc nước có noãn nang cảm nhiễm sẽ bị nhiễm cầu trùng. Các loài cầu trùng có độc lực gây bệnh khác nhau. Lợn bị bệnh tùy thuộc vào độc lực của loài cầu trùng mà chúng cảm nhiễm, sức đề kháng của lợn với mầm bệnh và sự chăm sóc, nuôi dưỡng.
- Phòng bệnh:
+ Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, chiếu tia UV, phun thuốc sát trùng trước khi đưa đàn mới vào.
+ Đặc biệt nên phòng bằng thuốc cho lợn con bắt đầu từ 3-5 ngày tuổi để chống các vi khuẩn kế phát gây bệnh tiêu chảy làm giảm đầu con và trọng lượng con xuất chuồng. Dùng Hupha-cox 5%: pha 0,5 ml/2,5 kg thể trọng/
ngày, 4 giọt/ kg thể trọng, 2 ngày liên tục.
- Trị bệnh: Theo nguyên tắc cầm máu, bổ sung nước và chất điện giải, tăng cường sức đề kháng, bù đủ năng lượng, rồi mới diệt cầu trùng và các loại vi khuẩn đường ruột kế phát.
+ Sau đẻ 2 ngày nhỏ cầu trùng diacoxin 5%, với liều 1 ml/con, nhỏ một lần duy nhất (1 giọt diacoxin 5%).
+ Kết hợp cho uống MD Electrolytes điện giải với liều pha 2,5g/1 lít nước uống, pha uống cả ngày.
+ Bổ sung cho uống kết hợp:4g bổ gan + 2g men tiêu hóa sống hòa chung vào 1 lít nước uống, giải độc, khôi phục hệ sinh vật có lợi cho đường ruột.
Phác đồ trị bệnh cầu trùng:
* Phác đồ 1: Hupha-cox 5%:pha 1ml/2,5 kg thể trọng/ngày; 8 giọt/kg thể trọng, Buổi chiều kết hợp với Hupha-floxacin hoặc Colimox 2-4 ngày liên tục.
* Phác đồ 2: Trộn 1g Hupha-SCP-cầu trùng/ lít nước uống; 2g/kg thức ăn trong 5-10 ngày, buổi chiều kết hợp Hupha-floxacin hoặc Colimox.
Có thể thay bằng kháng sinh sau: Hupha- Nor- C, Neodox.
2.2.2.3. Bệnh viêm khớp a. Nguyên nhân
Bệnh do cầu khuẩn Streptococcus suis gây viêm khớp cấp và mãn tính ở lợn các lứa tuổi. Thông thường ở lợn khỏe, vi khuẩn Streptococcus suis cư trú ở hạch Amidan, ở mũi. Khi thời tiết lạnh làm cho sức đề kháng của lợn giảm thì bệnh dễ phát sinh. Tỷ lệ lợn mắc bệnh rất thấp chỉ < 5%.
b. Triệu chứng
Lợn thường bị bệnh viêm khớp gối, lúc đầu con vật đi khập khiễng, sau nặng dần và bị què, ngại vận động đi lại khó khăn. Tại chỗ viêm tấy sưng đỏ, sờ vào con vật có biểu hiện né tránh.
c. Điều trị
+ Hitamox LA: 1 ml/10 kg TT, tiêm bắp.
Điều trị liên tục 3 - 5 mũi, 2 ngày/1 lần.