CHƯƠNG 2. CÁC NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM 2.1. Nguồn lực tài nguyên thiên nhiên
2.2. Nguồn lực dân cư và lao động
2.2.1. Vai trò của dân cư và lao động trong tổ chức lãnh thổ kinh tế xã hội
Một trong những nguồn tài nguyên quý giá của đất nước đó là tài nguyên nhân văn. Có thể hiểu tài nguyên nhân văn bao gồm sức lao động của con người và những giá trị vật chất, văn hoá, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử. Khai thác đầy đủ và có hiệu quả lợi thế tiềm năng nguồn tài nguyên này để tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội là các định hướng cơ bản, xu thế tất yếu của thời đại.
Lịch sử đã chứng minh rằng, dân cư - nguồn lao động xã hội và hoạt động kinh tế là hai mặt của quá trình tạo ra của cải xã hội. Hai mặt đó tác động qua lại rất phức tạp, quy định và chi phối lẫn nhau. Sự phát triển kinh tế xã hội xác định những đặc điểm chủ yếu của sự phân bố dân cư và nguồn lao động xã hội. Ngược lại, sự phân bố dân cư và nguồn lao động xã hội lại là tiền đề, là động lực quan trọng của sự hình thành và phát triển các quá trình kinh tế xã hội trong một nước, một vùng.
- Dân cư và nguồn lao động là lực lượng tiên quyết của mọi hoạt động khi tế xã hội, là nguồn lực sáng tạo mọi quy trình công nghệ, làm ra mọi của cải, vật chất và sản phẩm xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đên sự phát triển của vùng.
- Trong nền kinh tế thị trường, nguồn lao động cũng được xem xét như một yếu tố đầu vào của sản xuất, do đó nó có liên quan đến giá cả sức lao động, tiền lương, thất nghiệp, phúc lợi công cộng và an sinh xã hội, đòi hỏi bắt buộc phải có sự điều tiết của Chính phủ hoặc chính quyền địa phương.
- Dân cư và nguồn lao động đồng thời là lực lượng tiêu thụ chủ yếu mọi sản phẩm xã hội.
- Dân cư và nguồn lao động cũng là yếu tố tác động đến môi trường: đi lại, tiếng ồn, trật tự an ninh xã hội, phân bố đất ở, tư liệu sản xuất…
- Sự phân bố dân cư ảnh hưởng trực tiếp đến sự phân bố sản xuất.
2.2.2. Đặc điểm phân bố dân cư và lao động Việt Nam
Việt Nam là một nước đông dân và có nguồn lực lượng lao động dồi dào. Tính đến cuối năm 2017, dân số Việt Nam ước tính khoảng 96.019.879 người, xếp hạng thứ 14 so với các nước trên thế giới.
Tại Việt Nam có sự đa dạng về các dân tộc, nước ta có tất cả 54 dân tộc cùng nhau sinh sống, trong đó, nhiều nhất là người dân tộc Kinh, chiếm 82,6 %.
Trong những năm qua, dân số Việt Nam có xu hướng tăng nhanh.
Bảng4. Tăng trưởng dân số Việt Nam qua các thời kỳ
Năm Dân số (người) Mật độ dân số
(người/km2) Xếp hạng trên thế giới
1980 54.372.518 175 15
1990 68.209.604 220 13
2000 80.285.563 259 13
2005 84.203.817 272 13
2010 88.357.775 285 13
2015 93.447.601 301 14
2016 94.444.200 305 14
2017 95.414.640 308 14
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam chiếm tỷ lệ cao. Cụ thể, số người dân dưới 15 tuổi chiếm 25,2% tổng dân số; từ 15 đến 64 tuổi chiếm 69,3 % tổng dân số và trên 64 tuổi chiếm 5,5% tổng dân số.
Tỷ lệ người trên 15 tuổi biết chữ đạt 94,52%.
Phân bố dân cư là sự sắp xếp số dân một cách tự phát hoặc tự giác trên một lãnh thổ sao cho phù hợp với các điều kiện sống cũng như các yêu cầu khác của xã hội.
Dân số nước ta được phân bố không đồng đều giữa các vùng trên cả nước:
- Phân bố dân cư không đồng đều giữa đồng bằng và miền núi.
Sự phân bố dân cư không đồng đều thể hiện rõ ở hai khu vực đồng bằng và miền núi. Tại khu vực đồng bằng tuy có diện tích nhỏ hơn nhưng lại tập trung hơn 75% dân số, điển hình như ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sống Cửu Long. Ngược lại, tại vùng trung du và miền núi có nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú, diện tích đất rộng lớn hơn nhưng dân cư lại ít và thưa thớt hơn so với khu vực đồng bằng, như tại Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Bắc.
Sự phân bố dân cư không đồng đều này không chỉ thể hiện trên bình diện vĩ mô (giữa các vùng) và còn trên tầm vi mô (ở các đơn vị hành chính, các lãnh thổ cấp thấp hơn).
- Phân bố dân cư không đồng đều giữa thành thị và nông thôn.
Nhìn chung, hiện nay dân số Việt Nam đang chủ yếu tập trung tại các khu vực nông thôn, xấp xỉ 70%. Tuy nhiên, cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, tỷ lệ dân cư đô thị đang ngày càng tăng lên.
Bảng 5. Dân số thành thị của Việt Nam qua các thời kỳ
Năm Dân số thành thị (người) Tỷ lệ (%)
1980 10.566.004 19.40
1990 13.957.680 20,50
2000 19.715.397 24,60
2005 23.174.885 27,50
2010 27.063.643 30,60
2015 31.371.674 33,60
2016 32.247.358 34,10
2017 33.121.357 34,70
Nguồn: Tổng cục Thống kê - Nguyên nhân dẫn đến sự phân bố dân cư không đồng đều:
+ Lịch sử định cư, hình thành và khai thác lãnh thổ.
+ Mức độ thuận lợi về kiều kiện tự nhiên cho sự phát triển (đất đai, khí hậu, nguồn nước...)
+ Mức độ phát triển của các ngành kinh tế, xã hội và điều kiện cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của con người.
+ Chính sách của Nhà nước về các vấn đề di dân.
2.2.3. Đánh giá kinh tế nguồn nhân lực của Việt Nam
Như vậy, Việt Nam là nước có nguồn lực lao động tương đối dồi dào để phát triển các ngành kinh tế, thúc đẩy quá trình phát triển đất nước. Trong những năm gần đây, cùng với quá trình hội nhập và phát triển, nguồn lao động Việt Nam đã và đang được tiếp cận với những công nghệ, khoa học kỹ thuật mới, hiện đại hơn, nâng cao trình độ dân trí và trình độ sản xuất. Tuy nhiên, việc gia tăng dân số nhanh và sự phân bố dân cư không đồng đều giữa các vùng trong cả nước cũng đem lại những tác động tiêu cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
- Dân cư tăng nhanh dẫn tới việc khó khăn trong các vấn đề giải quyết việc làm, dư thừa lao động. Đồng thời, nhu cầu về sử dụng các dạng tài nguyên của nguời dân cũng không được đảm bảo.
- Dân số phân bố không đồng đều dẫn đến sự mất cân đối trong việc khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng và khu vực trên cả nước.
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, Nhà nước cần phải có các giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó tập trung vào các giải pháp chính như sau:
- Phân bố lại dân cư và nguồn lao động một cách hợp lý, hài hòa và cân đối giữa các vùng và khu vực trên cả nước.
- Thực hiện các chính sách kế hoạch hóa gia đình nhằm ổn định sự gia tăng dân số tự nhiên.
- Phục hồi và tiếp tục phát triển mạnh các ngành nghề truyền thống, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp đặc biệt ở các vùng trung du và miền núi.
- Tiếp tục thúc đẩy và có các biệ pháp kiểm soát tốt quá trình đô thị hóa.
- Thực hiện các giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, cân đối trong sự phát triển kinh tế - xã hội giữa các khu vực trên cả nước.