Các cuộc điều tra về tỉ lệ mắc hội chứng M.M.A trên lợn nái sinh sản của khoa thú y - Trường Đại học Nông lâm TPHCM cho biết có khoảng 33 – 62% lợn nái mắc hội chứng M.M.A sau khi sinh, trong đó chủ yếu là viêm tử cung.
2.3.2. Vi sinh vật gây hội chứng M.M.A
Từ các mẫu sữa, dịch âm đạo và sữa của nái mắc hội chứng M.M.A một số tác giả đã phân lập và công bố các loại vi sinh vật sau đây gây nhiễm trùng tử cung và vú, gây nên hội chứng M.M.A: Ecoli, Staphylococcus aureus, Streptococcus, Klebsiella aergenes, Pseudomonas spp (trích dẫn Đặng Đắc Thiệu, 1978). Tác giả Urban et al. (1983), Berstchinger (1993) cũng ghi nhận các loại vi sinh vật trên đây gây hội chứng. Takagi et al. (1997) đã phân lập được 30 dòng vi khuẩn E.coli gây hội chứng M.M.A và cho biết các vi khuẩn này không thuộc nhóm sản xuất Enterotoxin chịu nhiệt.
Tại khu vực Tp Hồ Chí Minh, Lê Minh Chí và Nguyễn Như Pho (1985) đã công bố các vi khuẩn sau đây tham gia gây nhiễm trùng tử cung và tuyến vú trên lợn sau khi sinh: E.coli, Staphylococcus aureus, Streptococcus spp, Klebsialla spp, Proteus mirabilis, Pseudomonas. Đây là những vi trùng cơ hội
thường xuyên có mặt trong chuồng trại, lợi dụng lúc sinh sản, tử cung, âm đạo xây xát, chứa nhiều sản dịch, sẽ xâm nhập và tấn công hệ thống niêm mạc sinh dục, gây hiện tượng nhiễm trùng.
2.3.3. Nhiệt độ chuồng nuôi
Frazer (1970) (Đặng Đắc Thiệu, 1978) nhận xét về các trường hợp mắc hội chứng M.M.A ở Jamaica là do thời tiết quá nóng, nếu được tắm mát nhất là giai đoạn trước khi sinh sẽ làm giảm tỉ lệ mắc bệnh.
2.3.4. Phòng ngừa hội chứng M.M.A
Việc sử dụng kháng sinh để phòng ngừa hội chứng M.M.A được nhiều tác giả nghiên cứu:
+ Trong nước: theo tác giả Nguyễn Văn Thanh (2003), khi nghiên cứu tình hình mắc bệnh viêm tử cung ở đàn lợn nái ngoại nuôi ở đồng bằng Sông Hồng tác giả cho biết khi tiêm PGF2α kết hợp với lugol 0,1% thụt rửa tử cung ngày 1 lần cho hiệu quả rất cao, rút ngắn thời gian điều trị cũng như thời gian động dục lại của lợn nái. Tác giả cho biết PGF2α tạo ra những cơn co bóp nhẹ nhàng giống như những cơn co bóp sinh lý ở tử cung giúp đẩy các chất bẩn và dịch rỉ viêm ra ngoài, nhanh chóng hồi phục cơ tử cung, phá vỡ thể vàng giúp gia súc động dục trở lại. Kết hợp với Iodine trong Lugol có tác dụng sát trùng, đồng thời qua niêm mạc tử cung Iodine được hấp thu giúp cơ tử cung hồi phục rất nhanh chóng, buồng trứng hoạt động, noãn bao bao phát triển, làm xuất hiện lại chu kỳ động dục.
Theo tác giả Trần Tiến Dũng và cs. (2002), khi gia súc bị bệnh viêm tử cung ở thể viêm cơ, viêm tương mạc thì không nên tiến hành thụt rửa bằng các chất sát trùng với thể tích lớn. Vì khi bị tổn thương nặng, cơ tử cung co bóp yếu, các chất bẩn không được đẩy ra ngoài, lưu cữu trong đó làm cho bệnh nặng thêm. Các tác giả đề nghị nên dùng Oxytoxin hoặc PGF2α kết hợp với kháng sinh điều trị toàn thân và cục bộ.
Khoa chăn nuôi thú y - Trường Đại học Nông Lâm đã sử dụng các kháng sinh: Streptomycin phối hợp với Penicillin, Chloramphenicol tiêm một lần ngay trước khi sinh, hoặc tetracycline cho ăn liên tục 3 ngày trước khi sinh hoặc đặt viên kháng sinh vào tử cung trong 3 ngày sau khi sinh đã cho biết kết quả tốt trong việc phòng ngừa hội chứng M.M.A. (Nguyễn Văn Thanh, 2003).
+ Ở nước ngoài: Bilkei and Horn (1991), dùng ampicillin phòng ngừa hội
chứng M.M.A trên 3 nhóm lợn: nhóm 1 tiêm bắp 50mg/kg thể trọng/ngày trong 3 ngày liên tục sau khi sinh, nhóm 2 dùng liều tương tự nhưng được cấp bằng đường thụt rửa, nhóm 3 sử dụng liều 200 mg cấp bằng đường thụt rửa. Tác giả kết luận liều 200 mg Ampicillin cấp qua đường thụt rửa có kết quả phòng ngừa hội chứng M.M.A tốt nhất. Mendler et al. (1997) sử dụng enrofloxacin với liều 2,5mg/Kg thể trọng trong 3 ngày liên tục sau khi sinh. Tác giả cho biết Enrofloxaxin có tác dụng làm giảm tỷ lệ mắc hội chứng M.M.A và tiêu chảy lợn con theo mẹ. Wowron (1996) sử dụng viên kháng sinh sulfamethoxazole và trimethoprime đặt tử cung sau khi sinh đã cho biết có tác dụng làm giảm bớt hội chứng M.M.A. trên lợn nái (trích dẫn bởi (Nguyễn Như Pho, 2002).
Về sử dụng kích thích tố, Johnson & Cockerill (1970) (trích dẫn bởi Đặng Đắc Thiệu, 1978) nhận xét: Thyroprotein có tác dụng kích thích sản xuất sữa trên cơ sở làm tăng toàn diện sự biến dưỡng của cơ thể. Tác giả đã dùng 200g Thyroprotein trộn trong 1 tấn thức ăn cho nái ăn 1 tuần trước khi sinh và trong giai đoạn nuôi con. Mercy (1990), (Bilkei and Boleskei (1993) cho rằng oxytocin có kích thích thải sữa, co bóp tử cung để tống sản dịch hoặc nhau sót, có tác dụng phòng ngừa kém sữa và viêm tử cung.
Maffelo et al. (1984) sử dụng prostaglandin F2α chích cho lợn nái vào 3 ngày trước khi sinh. Tác giả ghi nhận lợn nái sinh tập trung sau khi chích thuốc 24 – 30 giờ và không có trường hợp mắc hội chứng M.M.A.
Schleifer et al. (1984) nghiên cứu sử dụng probiotic với thành phần là vi khuẩn Streptococcus faecium trong thời gian 7 ngày trước và sau khi sinh và cho biết probiotic cấp cho lợn nái có tác dụng làm giảm tỉ lệ lợn con tiêu chảy từ 8,5% xuống còn 2,5%. Ngoài ra, probiotic có tác dụng làm giảm hội chứng M.M.A trên lợn nái.
Hỗn hợp chất điện giải và các khoáng chất cũng được Kotowski (1990) cấp cho lợn nái mang thai nhằm phòng ngừa stress.
Tác giả công bố hỗn hợp chất điện giải và các khoáng chất có tác dụng làm giảm hội chứng M.M.A từ 60% xuống còn 32%.
Về vệ sinh, Lerch (1987) qua thí nghiệm tăng cường điều kiện vệ sinh chuồng trại, vệ sinh thân thể lợn nái kết hợp giảm mật độ nuôi nhốt nái mang thai cho biết các biện pháp trên có tác dụng làm giảm hội chứng M.M.A.
2.3.5. Chẩn đoán và điều trị hội chứng M.M.A
Việc chẩn đoán hội chứng M.M.A thường được căn cứ theo triệu chứng lâm sàng như đã mô tả. Trong đó triệu chứng sốt sau khi sinh được coi là dấu hiệu quan trọng giúp phát hiện sớm khi viêm tử cung. Một phương pháp chẩn đoán sớm thể viêm vú được Awad et al. (1990), đề nghị là phân tích các chỉ tiêu lactose, protein và ion Na+ trong sữa. Nái viêm vú thường có hàm lượng lactose trong sữa tăng lên, protein và Na+ giảm xuống.
Về điều trị hội chứng M.M.A Khoa Thú y - Trường Đại học Nông Nghiệp I Hà Nội đã thử nghiệm hiệu quả điều trị viêm tử cung bằng các loại kháng sinh khác nhau và phần lớn cho biết các loại kháng sinh thường có hiệu quả tốt trong điều trị. Đặc biết theo tác giả Nguyễn Văn Thanh dùng chế phẩm PGF2α kết hợp với Lugol thụt rửa tử cung ngày 1 lần cho hiệu quả rất cao.
Tóm lại, có nhiều công trình nghiên cứu về hội chứng M.M.A ở nước ngoài được công bố, xong ít có công trình trong nước, các công trình trong nước được liệt kê trên đây chỉ tập trung vào việc điều tra tỉ lệ mắc bệnh, khảo sát vi sinh vật gây bệnh và sử dụng kháng sinh để điều trị. Hiện tại ở Viêt Nam đang tiến hành nghiên cứu đề tài cấp bộ về hội chứng viêm tử cung, viêm vú, mất sữa (M.M.A) của PGS. TS. Nguyễn Văn Thanh và TS. Trịnh Đình Thâu Khoa - Thú y - Trường Đại học Nông Nghiệp I - Hà Nội. Việc nghiên cứu các biện pháp tăng sức kháng bệnh cho lợn nái mang thai, tăng cường điều kiện vệ sinh để làm giảm nguy cơ mắc hội chứng M.M.A sau khi sinh là rất cần thiết.