Ngôn ngữ qua phong tục, lễ hộ

Một phần của tài liệu NGÔN NGỮ THỂ HIỆN TRONG VĂN HÓA HUẾ. (Trang 25 - 27)

Phong tục lễ hội Huế trước hết phải kể đến ngày Tết cổ truyền, một ngày lễ không thể thiếu đối với mỗi người dân Việt. Ngày xưa ở Huế, việc chuẩn bị Tết có từ nhiều tháng trước. Thậm chí có những món bánh, mứt làm từ mùa hè (mứt thơm) rồi đậy kín dán giấy bảo quản cho đến tết. Ngày 1 tháng chạp là ngày chính thức được bắt đầu chuẩn bị cho năm mới. Ngày này, Khâm Thiên giám làm và ấn loát xong lịch, ban phát cho dân. Lễ phát hành lịch này gọi là lễ Ban sóc.

Trước giờ lên nêu, dù giàu hay nghèo ở trên đất hay sống lênh đênh trên mặt nước sông Hương, gia đình nào cũng có chuẩn bị vật chất để “ăn tết”. Quanh năm lam lũ làm ăn, chỉ có ngày tết đến mới có dịp chăm sóc ngôi nhà đang ở, bếp núc, bàn thờ ông bà. Bàn thờ được quét dọn sạch sẽ, những nhà có tam sự, ngũ sự đem ra dùng khế chua và tro bếp đánh bóng, đến độ có thể soi mặt được.

Nói đến tết Nguyên Đán, nếu không nói đến câu đối tết thì thật là thiếu sót. Những nhà nho hay chữ, tết là một dịp để cho họ khoe chữ, khoe tài và nói đến chí khí của mình. Những nhà nghèo một chữ bẻ đôi không biết cũng muốn có một đôi câu đối treo ba ngày tết để cầu phúc cầu may, nếu chẳng phúc chẳng may thì nó cũng che bớt được mấy cái cột nhà mối mọt, hay mấy miếng vách đất hoen ố khói đen. Vì thế sau ngày 25 tết, các ông đồ già bày giấy bút dọc đường Pôn-be (Trần Hưng Đạo ngày nay). Viết câu đối cho khách. Câu đối được nhiều người ưa thích là câu: “Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ,

Đức mãn càn khôn, phước mãn môn”

Những người hay chữ thì tự mình sáng tác hoặc được bạn bè tặng rồi viết treo lên vách trong ba ngày tết. Hồi đầu thế kỷ XX, chữ Pháp đã bắt đầu xâm nhập đời sống văn hoá ở Huế, có một anh trí thức nửa ta nửa tây, đã

treo một câu đối trước nhà mình rằng:

“Phú quý năm nay viên tút-xuýt (1) Bần cùng năm ngoái phút-lăng-căng”(2)

Tác giả câu đối ấy đã bị người xem chê trách là “rởm”, xúc phạm đến tập quán văn minh của dân tộc. Các cụ già đến nay vẫn còn nhắc lại với một giọng gay gắt.

Ngôn ngữ đã được thể hiện rất nhiều qua ngày Tết, qua những câu đối, qua những trang thơ trong ngày khai bút đầu xuân.

Sáng mồng một tết, các nhà thơ, văn nghệ sĩ làm thơ khai bút. Những nghệ nhân ca nhạc Huế sáng tác lời mới cho vài điệu ca Huế để hát về tâm sự của mình trong năm mới. Những nghệ nhân này sẽ họp mặt đầu năm trong nhà của một tri âm nào đó để chúc rượu nhau và “khai giọng” bằng những bài ca hay nhất và mới nhất.

Mỗi địa phương nông thôn quanh Huế đều có những trò vui riêng. Ở làng Sình có hội vật, các làng Vân Thê, Dương Nổ, Dạ Lê có đua ghe, đua trãi. Đặc biệt ở chợ Gia Lạc trên đường Huế - Thuận An, thuộc hai làng Nam Phổ - Lại Thế có nhiều trò vui tiêu biểu cho vùng nông thôn ngoại thành Huế. Ba ngày tết các chợ ở Huế không đông, riêng chợ Gia Lạc thì vẫn họp. Chợ đông cốt để phục vụ cho trẻ em và bà con vùng Phú Vang, Hương Thủy xưa lên tham dự các cuộc vui như hò vè, hò bài chòi, hò giã gạo…

Hội vật Làng Sình

Dù ai đi đó đi đây

Ngày mười hội vật nhớ quay về Sình

Ðó là câu ca dao ở Huế nhắc nhở mọi người hãy nhớ ngày mồng mười tháng giêng âm lịch hàng năm quay về làng Sình (Lại An), xã Phú Mậu huyện Phú Vang để xem đấu vật. Sân vật được dựng ngay trước đình làng Sình.

Vật võ cũng là một hình thức để tưởng nhớ ngài khai canh làng đã truyền dạy dân làng nghề vật. Nên đến ngày giỗ Ngài, dân làng tổ chức vật võ. Lễ chính tế Ngài khai canh được cử hành vào sáng mồng mười tháng giêng âm lịch lúc 2h sáng. Cũng là ngôn ngữ, cũng là những bài tế thể hiện tấm lòng của con người Huế đối với người đi trước.

Ngôn ngữ Huế thể hiện rất nhiều trong phong tục tập quán, lễ hội. Có thể nói vấn đề về ngôn ngữ trong phong tục lễ hội là vấn đề cần nghiên cứu kỹ hơn bởi vì nó quả trừu tượng, phong phú nhưng cũng hết sức phức tạp.

Một phần của tài liệu NGÔN NGỮ THỂ HIỆN TRONG VĂN HÓA HUẾ. (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(29 trang)
w