CHƯƠNG III: BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ THUẾ TNDN CỦA SINGAPORE ĐỐI VỚI VIỆT NAM
3.1. Thực trạng thuế TNDN của Việt Nam
3.1.2. Cơ chế quản lý và hành thu thuế TNDN của Việt Nam
Ở Việt Nam, cơ chế tự khai tự nộp thuế bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2007.
Kê khai và nộp thuế theo phương pháp truyền thống
Các doanh nghiệp phải tự lập hồ sơ kê khai thuế và nộp lại cho cơ quan quản lý chậm nhất là ngày 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với khai
thuế theo quý và ngày thứ 30 của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với khai thuế theo năm.
Hồ sơ khai quyết toán thuế bao gồm: tờ khai quyết toán thuế TNDN, báo cáo tài chính năm (hoặc báo cáo tài chính đến thời điểm chấm dứt hoạt động kinh doanh) và các giấy tờ khác kèm theo.
Doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thuế TNDN cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp (Quy định trong Thông tư số 156/2013/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 06/11/2013). Trong trường hợp nộp chậm hồ sơ quyết toán thuế, chậm nộp tiền thuế còn nợ ngân sách sẽ chịu mọi hình thức xử phạt theo quy định tại luật Quản lý thuế và các quy định liên quan.
Theo phương thức truyền thống, doanh nghiệp có thể nộp thuế trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước; các cơ quan thuế nơi tiếp nhận hồ sơ khai thuế; thông qua các tổ chức các nhân được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế; hoặc tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
Đồng tiền nộp thuế là đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ theo quy định của Chính phủ (nếu nộp bằng tiền mặt); hoặc theo phương thức chuyển khoản.
Trường hợp người nộp thuế tính thuế, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Còn trong trường hợp cơ quan thuế tính thuế hoặc ấn định thuế thì thời hạn nộp thuế là thời hạn ghi trên thông báo, quyết định của cơ quan thuế.
Kê khai và nộp thuế điện tử
Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian cũng như chi phí cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong việc nộp và thu thuế TNDN, Bộ Tài chính đã cho ban hành Thông tư số 110/2015/TT-BTC ngày 20/07/2015 để hướng dẫn việc giao dịch điện tử trong việc kê khai và nộp thuế. Theo đó, người nộp thuế sẽ phải tạo một tài khoản với cơ quan thuế qua trang web: http://nhantokhai.gdt.gov.vn. . Sau khi đăng ký và hoàn thành tờ khai bằng phần mềm Hỗ trợ kê khai HTKK (được cập nhật thường xuyên) thì người nộp thuế sẽ nộp tờ khai này lại cho cơ quan quản lý.
Trang Web có đầy đủ thông tin hỗ trợ theo từng mục cho các doanh nghiệp đăng ký kê khai thuế trong mục “Trợ giúp”
Có thể thấy rằng, so với cách kê khai thuế truyền thống thì kê khai theo phương thức điện tử vừa nhanh gọn, vừa có độ chính xác cao, vô cùng thuận tiện.
Sau khi hoàn thành kê khai thuế, doanh nghiệp nộp thuế như sau:
+ Bước 1: Người nộp thuế (NNT) thực hiện đăng ký sử dụng dịch vụ Nộp thuế điện tử trên cổng thông tin điện tử http://nopthue.gdt.gov.vn theo các bước trong tài liệu hướng dẫn sử dụng.
+ Bước 2: NNT tải bản đăng ký ủy quyền trích nợ tài khoản với ngân hàng trên cổng thông tin điện tử của NHTM hoặc theo các đường dẫn sẵn có trên cổng thông tin điện tử.
+ Bước 3: NNT khai các thông tin, sau đó đến chi nhánh NHTM để thực hiện thủ tục đăng ký ủy quyền trích nợ tài khoản cho dịch vụ Nộp thuế điện tử.
+ Bước 4: Sau khi chi nhánh NHTM duyệt đăng ký, NNT nhận thông tin chấp nhận đăng ký sử dụng dịch vụ Nộp thuế điện tử qua Email đã đăng ký kèm với mật khẩu đăng nhập cho dịch vụ Nộp thuế điện tử.
Tuy nhiên với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất để Người nộp thuế thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế, ngành Thuế sẽ triển khai mở rộng hệ thống Dịch vụ thuế điện tử (eTax) https://www.etax.net.vn/ thay thế hệ thống cũ (Khai thuế, nộp thuế điện tử) đang cung cấp cho các doanh nghiệp, đồng thời bổ sung thêm một số tính năng mới. Đây cũng là tiền đề cho hệ thống thuế điện tử - một cửa - tập trung, cung cấp toàn bộ các dịch vụ về giao dịch thuế điện tử cho NNT trên cả nước trong thời gian tới. Theo đó, với hệ thống Dịch vụ Thuế điện tử - eTax, doanh nghiệp có thể tiếp cận và quản lý tất cả các dịch vụ thuế điện tử trên một hệ thống duy nhất thay vì phải đăng nhập vào nhiều ứng dụng khác nhau như trước đây.
Đối với các doanh nghiệp đã giao dịch với Cơ quan thuế trên các hệ thống Khai thuế, Nộp thuế điện tử (đã có tài khoản giao dịch), mọi thông tin về tài khoản giao dịch và hồ sơ sẽ được chuyển sang hệ thống eTax để doanh nghiệp tiếp tục sử dụng các dịch vụ của Cơ quan thuế mà không phải đăng ký lại. Đối với doanh nghiệp lần đầu tiên đăng ký giao dịch điện tử với Cơ quan thuế, thực hiện đăng ký sử dụng dịch vụ trên hệ thống eTax tại chức năng Đăng ký.
eTax bắt đầu được triển khai từ tháng 12/2017, tính đến tháng 7/2018 đã mở rộng ra 30 tỉnh thành và dự kiến sẽ áp dụng cho tất cả các tỉnh thành còn lại, thay thế hoàn toàn cho hệ thống kê khai, nộp thuế điện tử cũ.
Nộp thuế chậm hoặc trốn nghĩa vụ nộp thuế sẽ chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
2.1.2.2. Cơ quan chịu trách nhiệm quản lý thu thuế
Ở Việt Nam, cơ quan quản lý thu thuế phân cấp từ TW đến địa phương.
Tổng cục Thuế
Tổng cục thuế là cơ quan cao nhất trong hệ thống thu thuế Nhà nước cùng với Tổng cục hải quan.
Theo quyết định thành lập, Tổng cục thuế có nhiệm vụ tư vấn soạn thảo các văn bản pháp luật về thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật thuế. Xây dựng và điều hành kế hoạch thu trong cả nước và từng địa phương; tổ chức phổ biến, hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ thực hiện các Luật thuế trong cả nước; nghiên cứu hoàn thiện cơ cấu bộ máy quản lý Nhà nước về thuế và sử dụng cán bộ; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra qúa trình chấp hành các Luật thuế để việc thực hiện các Luật thuế đạt được kết qủa cao; giải quyết các khiếu nại, tố cáo về thuế…
Các cục thuế địa phương.
Cục thuế là tổ chức trực thuộc Tổng cục thuế được tổ chức tại tất cả các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương. Cơ cấu bộ máy Của cục thuế bao gồm một số phòng chức năng và một số phòng nghiệp vụ, phòng thu thuế được tổ chức theo đối tượng thu thuế.
Cục thuế có nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu sau: phổ biến, hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thi hành các Luật thuế; xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch thu trong toàn địa bàn và từng Chi cục thuế trực thuộc; hướng dẫn kiểm tra các Chi cục thực hiện các nghiệp vụ quản lý, giải quyết các khiếu nại về thuế; trực tiếp thực hiện việc thu thuế và thu khác đối với các đối tượng thuộc trách nhiệm quản lý trên địa bàn.
Các Chi cục thuế
Chi cục thuế là tổ chức trực thuộc Cục thuế, được tổ chức tại tất cả các quận, huyện. Cơ cấu bộ máy Chi cục thuế gồm các tổ chuyên môn, nghiệp vụ và các đội, tổ, trạm trực tiếp quản lý việc thu thuế.
Chi cục thuế có nhiệm vụ, quyền hạn sau: xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thu chi tiết đối với từng Luật thuế phát sinh trên địa bàn Huyện; tổ chức thực hiện các nghiệp vụ quản lý các đối tượng nộp thuế; đôn đốc, kiểm tra các đối tượng nộp thuế trong việc chấp hành Luật thuế.