Tác động về xã hội

Một phần của tài liệu Kinh tế du lịch tỉnh vĩnh phúc từ năm 1997 đến năm 2016 (Trang 80 - 85)

Chương 3. TÁC ĐỘNG CỦA DU LỊCH ĐỐI VỚI KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH VĨNH PHÚC (1997- 2017)

3.2. Tác động về xã hội

3.2.1. Giải quyết việc làm cho người lao động

Trên thực tế, đóng góp của du lịch vào việc tạo ra việc làm không thể xem nhẹ. “Số lao động trong ngành Du lịch và các hoạt động liên quan chiếm 10,7%

tổng số lao động toàn thế giới. Cứ 2,5 giây du lịch tạo thêm một việc làm mới và hiện nay cứ 8 lao động thì có một người làm trong ngành Du lịch” [31].

Trong sự chuyển dịch cơ cấu ngành, ngành dịch vụ ngày càng chiếm giữ một vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Du lịch là ngành tạo ra nhiều việc làm thứ hai, sau nông nghiệp, ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Du lịch đã và đang đóng góp một vai trò quan trọng trong việc thu hút lực lượng lao động trong xã hội bao gồm cả lao động trực tiếp và lao động gián tiếp. Năm 2012 tạo ra 1,8 triệu việc làm (trong đó 570.000 việc làm trực tiếp), quy mô lao động ngành Du lịch chiếm 3,6% tổng lao động toàn quốc. Theo cách tính của Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) thì hiệu quả làm việc do du lịch và lữ hành tạo ra là trên 3 triệu lao động chiếm 8,1% tổng số lao động toàn quốc [44].

Cách tính này bao quát được cả số lao động liên quan và lao động không chính thức, lao động gia đình trong du lịch cộng đồng, du lịch tại nhà dân, lực lượng dịch vụ đường phố, khu du lịch (xe ôm, bán bưu thiếp, hàng lưu niệm, hàng rong…). Tuy nhiên, do phát triển nhanh, các doanh nghiệp du lịch, các khách sạn, nhà hàng đã thu hút lực lượng lao động lớn nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, mới có 7% đạt trình độ đại học, 50% được đào tạo qua các trường dạy nghề, các khóa bồi dưỡng ngắn hạn, còn lại chưa qua đào tạo. Tỷ lệ

lao động nữ trong ngành Du lịch Việt Nam chiếm 58%. Toàn ngành có khoảng trên 27.000 lao động nữ là cán bộ quản lý. Năng lực làm việc cao, chất lượng và hiệu quả làm việc của lao động nữ đóng vai trò quyết định đến chất lượng dịch vụ du lịch.

Một thực tế là, ở nước ta trên 3/4 số các khu di tích văn hóa, lịch sử, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của đất nước đều nằm tại các vùng nông thôn, miền núi và vùng hải đảo. Song thu nhập hiện từ du lịch mới tập trung chủ yếu

ở hai thành phố du lịch lớn của đất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (chiếm 62% tổng doanh thu), vì thế phát triển du lịch ở các vùng miền nông thôn không những sẽ đánh thức những tiềm năng trên để phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà còn làm tăng thêm thu nhập cho đông đảo người dân sống ở nông thôn.

Ở Vĩnh Phúc, hiện nay, đội ngũ lao động của ngành Du lịch còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có 3.500 lao động trong ngành Du lịch, trong đó, có 1.200 lao động trực tiếp, 2.300 lao động gián tiếp. Tỷ lệ lao động du lịch tăng từ 8 - 10% trong giai đoạn 2013 - 2015. Tuy nhiên, con số này chưa đáp ứng được lượng lớn số phòng cơ sở lưu trú của tỉnh (294 cơ sở với 4.542 phòng), chưa kể tới các cơ sở dịch vụ khác ngoài lưu trú.

Tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch chiếm khoảng 40%

tổng số lao động du lịch, còn lại là lao động từ ngành khác chuyển sang hoặc lao động chưa qua đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài ra, một lượng lớn lao động mùa vụ không được đào tạo, dù chỉ là những kỹ năng cơ bản. Chỉ có 1,9% số lao động trong ngành Du lịch biết ngoại ngữ, đây là hạn chế đối với việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Vĩnh Phúc. Lao động làm việc tại các đơn vị kinh doanh lưu trú có trình độ học vấn thấp, cán bộ được đào tạo chuyên ngành ít.

Lực lượng lao động này không ổn định, mang tính mùa vụ nên không được đào tạo bài bản về chuyên ngành Du lịch, chủ yếu được chỉ bảo, hướng dẫn trong

thực tế. Do vậy, chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ kỹ thuật, tay nghề cũng như kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong kinh doanh cơ sở lưu trú. Các cơ sở kinh doanh theo mô hình nhà ở có phòng cho thuê thường sử dụng lao động nhàn rỗi trong gia đình, số lao động này chỉ được hướng dẫn và đào tạo tại chỗ.

Đội ngũ cán bộ công nhân viên tại các đơn vị kinh doanh lữ hành tương đối đồng đều, số lượng lao động được đào tạo từ cao đẳng đến đại học chiếm tỷ lệ cao nhưng tỷ lệ được đào tạo chuyên ngành về du lịch còn thấp. Đội ngũ lao động làm việc tại các sân golf, thợ chụp ảnh, xe ôm, bán hàng thuê và các dịch vụ khác phục vụ khách du lịch tại khu du lịch Tam Đảo, khu danh thắng Tây Thiên, khu Đại Lải... trình độ văn hóa còn thấp, chỉ có 60% tốt nghiệp THPT, hầu hết chưa qua lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về du lịch, chưa được tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức về du lịch cũng như các kỹ năng ứng xử giao tiếp với du khách, chủ yếu phục vụ du khách theo thói quen, kinh nghiệm.

Có thể thấy ngành Du lịch là một trong những ngành có tác động rất lớn, đó là tính chất liên ngành của du lịch. Để vận hành và bảo dưỡng được các công trình dịch vụ du lịch đã xây dựng kết cấu hạ tầng cho ngành Du lịch, du lịch cần một khối lượng lao động rất lớn. Việc du lịch tạo ra việc làm ảnh hưởng tích cực tới sự ổn định xã hội như: tránh sự hoạt động riêng rẽ của các cộng đồng xã hội, tránh được các tệ nạn xã hội đi theo, củng cố tính đồng nhất và lòng tự hào về di sản địa phương, tăng thu nhập của dân địa phương qua việc cung cấp những sản phẩm thủ công, sản vật địa phương cho khách… du lịch cũng là một hoạt động kích cầu trong thương mại. Việc làm của ngành Du lịch tạo ra cũng mang một đặc trưng riêng biệt. Bởi lẽ hoạt động du lịch là rất đa dạng với nhiều loại hình phong phú nên có tính thời vụ rất cao. Đến các

“mùa du lịch”, thì nhu cầu lao động phục vụ cho ngành tăng cao dù là trực tiếp hay gián tiếp.

Du lịch là một trong những công cụ hữu hiệu để giải quyết tình trạng đói nghèo. Qua thực tế cho thấy du lịch có thể tạo ra những cơ hội để nâng cao mức sống của người dân nhờ việc đem đến cho họ việc làm trực tiếp hoặc gián

tiếp, bởi đây là ngành thu hút mọi hình thức làm việc để phục vụ nó. Du lịch thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, du lịch phát triển tạo thu nhập làm tăng GDP trong cơ cấu kinh tế. Phát triển du lịch còn tạo sự phát triển và mở rộng nhiều ngành nghề, tác động mạnh mẽ đến nông nghiệp, phá vỡ sự khép kín làm thay đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp, làm cho nông nghiệp chuyển từ trang thái thuần nông sang nền nông nghiệp thương phẩm, nông nghiệp sinh thái đa ngành nghề.

Nói đến du lịch Vĩnh Phúc, nơi đầu tiên phải nhắc đến chính là Tam Đảo.

Lượng khách đến Vĩnh Phúc tập trung phần lớn tại Tam Đảo, doanh thu du lịch từ Tam Đảo là lớn nhất. Các dự án đầu tư trong thời gian tới cũng tập trung chủ yếu tại Tam Đảo. Điểm du lịch Tam Đảo đã tạo ra nhiều loại hình sinh kế như:

kinh doanh cố định, kinh doanh di động... mang lại hiệu quả kinh tế, dù bất kì loại hình nào cũng cho thu nhập hơn hẳn việc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên những mảnh ruộng kém màu mỡ. Hay nói khác đi, nhờ vào điểm du lịch Tam Đảo mà cuộc sống của những người dân nơi đây đã thay đổi và được cải thiện rất nhiều. Người dân nơi đây đều cảm nhận thấy những thay đổi qua từng năm, từng tháng, những ngôi nhà mới to đẹp mọc lên, ruộng một phần bị bỏ hoang, một phần chỉ cấy một vụ, một phần bị lấp đi để thay đổi mục đích sử dụng, bộ mặt của thôn có nét giống với một góc đô thị nếu quan sát từ trên cao.

Trong số các hộ thoát nghèo có những hộ tận dụng điểm du lịch để thực hiện các sinh kế phụ, kinh doanh theo mùa lễ hội. Việc giảm số lượng hộ nghèo đã cho thấy tính hiệu quả của sinh kế dựa vào điểm du lịch Tam Đảo.

Như vậy, từ một sinh kế phụ, mang tính chất tranh thủ lợi thế của điểm du lịch để tăng thêm thu nhập nhưng sinh kế này lại đạt hiệu quả cao đến mức người nông dân “nhạt” dần với truyền thống nông nghiệp. Sinh kế phụ ấy trở thành công cụ đắc lực, góp phần lớn trong việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân xung quanh các điểm du lịch nói riêng và doanh thu của Tỉnh nói chung.

3.2.2. Du lịch góp phần phát huy các giá trị văn hóa dân tộc

Nhận thức được vai trò của du lịch trong việc phát huy các giá trị văn hoá và vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch, Nhà nước Việt Nam luôn xác định phát triển du lịch phải gắn liền với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá góp phần phát triển bền vững. Tư tưởng này đã được cụ thể hoá trong nội dung Luật du lịch ban hành năm 2005, theo đó một trong những nguyên tắc cơ bản để phát triển du lịch là: phát triển có trọng tâm, trọng điểm theo hướng du lịch văn hóa - lịch sử,… bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của tài nguyên du lịch [30, tr.61].

Dựa trên quan điểm về phát triển bền vững và kế thừa những tư tưởng và kết quả đạt được từ Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2001-2010, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đưa ra một số quan điểm phát triển trong đó quan điểm về “Phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống dân tộc..tôn trọng văn hoá trong mối quan hệ với cộng đồng điểm đến” được nhấn mạnh [5, tr.6].

Với các chủ trương chính sách của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, cùng các chính sách đầu tư thích đáng, tu bổ, nâng cấp một số di tích trọng điểm tại các địa phương, góp phần làm cho những di tích ấy trường tồn với thời gian và trở thành những “điểm sáng” văn hóa tại địa phương. Các loại hình du lịch ở Vĩnh Phúc được duy trì và hoạt động có hiệu quả tốt, điển hình nhất là du lịch tâm linh tại điểm Tam Đảo, Tây Thiên và các khu du lịch như flamigo Đại Lải…

Các tài sản văn hóa phi vật thể như các Hội xuân, Hội đền Tây Thiên hòa đồng với các lễ hội mang tín ngưỡng dân gian tạo nên những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Từ đó, các giá trị truyền thống được bảo tồn và phát huy. Nhân dân trong và ngoài tỉnh biết nhiều hơn và quan tâm hơn đến truyền thống văn hóa đặc sắc và đa dạng của tỉnh Vĩnh Phúc. Nhờ có du lịch, hằng năm trung bình có khoảng hai triệu du khách đến tỉnh Vĩnh Phúc, họ được hiểu sâu hơn về đất và người Vĩnh Phúc, được tận mắt chứng kiến sự phát triển từng ngày trong đời sống kinh tế, xã hội địa phương.

Một phần của tài liệu Kinh tế du lịch tỉnh vĩnh phúc từ năm 1997 đến năm 2016 (Trang 80 - 85)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(129 trang)
w