Kết quả điều tra bẫy ảnh

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Khoa học: Nghiên cứu một số đặc điểm sinh thái, phân bố, và đề xuất biện pháp bảo tồn cho loài thỏ vằn Trường Sơn Nesolagus Timminsi (Trang 55 - 64)

CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.2. Kết quả điều tra bẫy ảnh

Điều tra thực địa bằng bẫy ảnh đã được thực hiện ở khu bảo tồn Sao la Huế từ tháng 01 năm 2016 đến tháng 1 năm 2017 với tổng cộng 16.468 ngày hoạt động; và được thực hiện ở khu bảo tồn Bắc Hướng Hóa từ tháng 04 năm 2016 đến tháng 3 năm 2017 với tổng cộng 1.995 ngày hoạt động.

47

Kết quả điều tra bẫy ảnh ở khu bảo tồn Bắc Hướng Hóa cho thấy, không ghi nhận Thỏ vằn Trường Sơn ở khu vực nghiên cứu. Cụ thể, sau 1.995 ngày hoạt động ở 9 vị trí, tất cả các máy đều không ghi nhận được bất kỳ cá thể Thỏ vằn nào.

Kết quả điều tra bẫy ảnh ở khu bảo tồn Sao la Huế cho thấy, đã ghi nhận được Thỏ vằn Trường Sơn ở khu vực nghiên cứu. Cụ thể, sau tổng cộng 16.468 ngày hoạt động, có 12 vị trí đã ghi nhận được Thỏ vằn Trường Sơn với tổng số 145 lần ghi nhận, đạt tỉ lệ thành công của bẫy ảnh 0,34 (Hình 10). So với một số loài quý hiếm khác cũng được ghi nhận trong cùng đợt điều tra, Thỏ vằn Trường Sơn xuất hiện với tần suất khá cao. Ví dụ, Cầy vằn Bắc (Chrotogale owstoni) – loài Nguy cấp – chỉ được ghi nhận 22 lần ở 6 vị trí, hoặc Tê tê (Manis sp.) – loài Nguy cấp – chỉ được ghi nhận 5 lần ở 3 vị trí. Để có cơ sở so sánh, thì một số loài phổ biến đều được ghi nhận rất nhiều, ví dụ như Lợn rừng (Sus scrofa) được ghi nhận 290 lần ở 36 vị trí, hay Chồn bạc má Bắc (Melogale moschata) được ghi nhận 598 lần ở 42 vị trí, hoặc Cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus) được ghi nhận 792 lần ở 41 vị trí.

Các công trình nghiên cứu từ trước đến nay đều chưa có ghi nhận thực tế về loài Thỏ vằn Trường Sơn ở khu vực này, mặc dù đã có kết quả phỏng vấn cán bộ kiểm lâm từ năm 2013 xác nhận có loài Thỏ vằn Trường Sơn trong khu bảo tồn, và kết quả phỏng vấn người dân địa phương từ năm 2001 ở khu vực bên cạnh khu bảo tồn, thuộc huyện Nam Đông, cũng xác nhận có quần thể N. timminsi ở đây [81]. Vì thế, cũng có thể tạm coi đây là ghi nhận thực tế có bằng chứng xác thực đầu tiên về sự xuất hiện của loài Thỏ vằn Trường Sơn ở khu vực khu bảo tồn Sao la Huế. Kết quả phỏng vấn cán bộ kiểm lâm và tuần rừng địa phương cũng xác nhận sự có mặt tương đối phổ biến của Thỏ vằn Trường Sơn ở khu vực này, đặc biệt là ở khu vực tiếp giáp với nước bạn Lào và tỉnh Quảng Nam. Ghi nhận này đã được bổ sung vào bảng tổng hợp thông tin các ghi nhận từ trước đến nay của Thỏ vằn Trường Sơn để làm dữ liệu đầu vào cho mô hình Maxent.

48

Hình 10. Ghi nhận Thỏ vằn bằng bẫy ảnh ở khu bảo tồn Sao la Huế

Để phân tích về một số đặc điểm sinh thái của loài Thỏ vằn Trường Sơn, số liệu bẫy ảnh thực hiện ở khu bảo tồn Sao la Huế được lựa chọn cho nghiên cứu, do thời gian đặt bẫy ảnh là liên tục trong suốt 1 năm, và số lần ghi nhận loài đủ lớn để tiến hành

49

các phân tích cần thiết, và có thể ghi nhận được tương đối các hiệu ứng ảnh hưởng do mùa và thời tiết đến loài.

Hình 11. Đặc điểm sinh thái thời gian trong ngày của Thỏ vằn Trường Sơn

Về đặc điểm sinh thái thời gian trong ngày, dựa theo số liệu phân tích có thể thấy rõ Thỏ vằn Trường Sơn là loài thú chuyên sống về đêm (Hình 11), với tuyệt đại đa số (144/145) lần ghi lần là từ 18h00 đến 4h00. Chỉ có một lần duy nhất trong suốt một năm điều tra bẫy ảnh, các máy ảnh ghi nhận được 1 cá thể Thỏ vằn Trường Sơn xuất hiện lúc 17h58, tức là cũng xấp xỉ 18h00, và thời điểm ghi nhận được thời gian này là tháng 12, tức là thuộc giai đoạn có thời gian ngày ngắn, đêm dài, và trời thường tối sớm ở khu vực Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, khoảng thời gian từ 23h00 đến 3h00 có thể là thời gian hoạt động thường xuyên nhất của N. timminsi, chiếm tới xấp xỉ 73% tổng số ghi nhận.

50

Hình 12. Tỉ lệ xuất hiện từ 18h00 đến 22h00 ở các tháng trong năm của Thỏ vằn Trường Sơn

Với các quãng thời gian sớm hơn, từ 18h00 đến 22h00, xu hướng tương tự cũng được thể hiện, với số lần ghi nhận ở loài Thỏ vằn Trường Sơn từ tháng 4 đến tháng 10, tức là những tháng có thời gian ngày dài hơn thời gian đêm, và thời gian trời tối hẳn khá muộn, thường là sau 18h30, chỉ chiếm 25% tổng số ghi nhận trong quãng thời gian này (Hình 12). Do vậy, học viên giả thuyết là dù Thỏ vằn Trường Sơn là loài chuyên sống về đêm, như kết quả của các nghiên cứu trước đây cũng như của nghiên cứu này đã chứng minh, nhưng loài có xu hướng hoạt động nhiều hơn hẳn vào thời gian khuya muộn từ gần nửa đêm trở đi đến trước khi mặt trời mọc, tức là từ 23h00 đêm hôm trước đến 4h00 hôm sau.

51

Hình 13. Tỉ lệ xuất hiện vào các ngày trong tháng của Thỏ vằn Trường Sơn

Về đặc điểm sinh thái về thời gian các ngày trong tháng, nếu nhìn vào tỉ lệ ghi nhận của Thỏ vằn Trường Sơn cho từng ngày trong một tháng bất kỳ, có thể thấy loài này không có đặc điểm xuất hiện đặc biệt vào bất kỳ ngày nào trong tháng (Hình 13).

Tương tự, nếu gộp các ngày trong tháng vào thành từng chuỗi 5 ngày, loài Thỏ vằn Trường Sơn vẫn không thể hiện rõ bất kỳ đặc điểm phân bố nào về mặt thời gian trong tháng (Hình 14).

Hình 14. Tỉ lệ xuất hiện vào các nhóm 5 ngày của Thỏ vằn Trường Sơn

52

Về đặc điểm sinh thái về thời gian phân bố trong năm, có thể thấy rõ là loài Thỏ vằn Trường Sơn được ghi nhận chủ yếu trong thời gian từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, và ít được ghi nhận hơn trong thời gina từ tháng 5 đến tháng 10, với tổng số ghi nhận trong giai đoạn này chỉ chiếm xấp xỉ 18% tổng số ghi nhận (Hình 15).

Hình 15. Tỉ lệ xuất hiện vào các tháng trong năm của Thỏ vằn Trường Sơn

Tuy nhiên, đặc điểm sinh thái này không chỉ được ghi nhận ở Thỏ vằn Trường Sơn.

Tại khu vực nghiên cứu, cũng có hai loài thú ăn thịt nhỏ chuyên sống về đêm được ghi nhận phổ biến, và được coi là kẻ săn mồi tự nhiên đối với Thỏ vằn Trường Sơn, là Cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus) và Chồn bạc má Bắc (Melogale moschata) [2], cũng thể hiện những đặc tính sinh thái tương tự, đó là chủ yếu hoạt động mạnh trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 4, và ít được ghi nhận hơn hẳn trong thời gian từ tháng 5 – 6 đến tháng 9 – 10.

Ví dụ, tổng số lần ghi nhận trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 của Cầy vòi hương chỉ chiếm xấp xỉ 23% tổng số ghi nhận, và tổng số lần ghi nhận trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 của Chồn bạc má Bắc chỉ chiếm xấp xỉ 30% tổng số ghi nhận (Hình 16, 17). Vì thế, với mùa mưa ở khu vực tập trung vào

53

tháng 9 – 12, có thể đặt ra giả thuyết về việc hạn chế nguồn thức ăn, tức là việc hạn chế sinh trưởng của nhiều loài thực vật, của Thỏ vằn Trường Sơn nói riêng, và một số loài thú ăn cỏ nói chung, trong giai đoạn tháng 4 – 5 đến tháng 9 – 10 hàng năm ở khu vực nghiên cứu đã dẫn tới việc hạn chế hoạt động trong giai đoạn này của loài Thỏ vằn Trường Sơn, và điều đó lại dẫn tới việc hạn chế hoạt động cũng vào giai đoạn này của các loài ăn thịt vốn phụ thuộc vào các loài ăn cỏ đó.

Hình 16. Tỉ lệ xuất hiện vào các tháng trong năm của Cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus) ở khu bảo tồn Sao la Huế

Hình 17. Tỉ lệ xuất hiện vào các tháng trong năm của Chồn bạc má Bắc (Melogale moschata) ở khu bảo tồn Sao la Huế

54

Về đặc điểm sinh thái phân bố theo độ cao, dựa trên kết quả điều tra theo tuyến và điều tra theo bẫy ảnh của học viên, có thể khẳng định rằng khác với kết luận của một số nghiên cứu trước đây, Thỏ vằn Trường Sơn không quá phụ thuộc vào các khu vực có độ cao tương đối (từ 600 m đến 1.200 m). Cụ thể, các vị trí cài đặt máy ảnh ở khu bảo tồn Sao la Huế có độ cao từ 142 m – 449 m, và cả 12 vị trí có ghi nhận N. timminsi bằng bẫy ảnh đều ở mức độ cao tương đối thấp từ 198 m – 380 m, với độ cao trung bình của 12 vị trí là xấp xỉ 283 m.

Về đặc điểm sinh thái sinh sản, do Thỏ vằn Trường Sơn vừa là loài chuyên sống về đêm, vừa là loài sống đơn độc, nên hiện đến giờ vẫn chưa có thông tin chính xác về đặc điểm sinh sản của loài. Tuy nhiên, Abramov và cs. đã ghi nhận sự xuất hiện của một vài cá thể Thỏ vằn Trường Sơn vào tháng 5 năm 2016, gồm một cá thể trưởng thành, có thể là cá thể mẹ, và hai con non ở Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An. Dựa vào kích thước của con non, các tác giả đã ước tính thời gian sinh sản của N.

timminsi vào khoảng tháng 2 hàng năm [8]. Trong kết quả điều tra bẫy ảnh ở khu Sao la Huế của học viên, cũng đã ghi nhận một trường hợp duy nhất có hai cá thể Thỏ vằn Trường Sơn di chuyển cùng lúc với nhau. Hai cá thể được ghi nhận chung chạy cách nhau khoảng 2 – 4 m, với một cá thể rõ ràng di chuyển cùng cá thể còn lại. Tất cả các ghi nhận khác đều chỉ có một cá thể N. timminsi trong khung ảnh.

Dựa vào kích thước tương đối tương đồng của hai cá thể, có thể kết luận đây là hai cá thể trưởng thành hoàn toàn, nên có thể loại bỏ trường hợp con mẹ – con non di chuyển cùng nhau. Kết hợp với kết luận của Abramov và cs., học viên đặt ra giả thuyết về mùa sinh sản của Thỏ vằn Trường Sơn diễn ra từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2, trong đó giai đoạn từ giữa đến cuối tháng 1 là giai đoạn bắt cặp, giao phối, và mang thai, và giai đoạn sau là giai đoạn mang thai và sinh con non. Tất nhiên, do số lượng thông tin còn rất hạn chế, nên giả thuyết này cần được kiểm nghiệm nhiều hơn trong các nghiên cứu trong tương lai.

55

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Khoa học: Nghiên cứu một số đặc điểm sinh thái, phân bố, và đề xuất biện pháp bảo tồn cho loài thỏ vằn Trường Sơn Nesolagus Timminsi (Trang 55 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)