Đẩy mạnh phong trào thi đua và công tác đánh giá, thi đua khen thưởng

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở trường THPT Nam Đàn 2 (Trang 37 - 41)

PHẦN II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

CHƯƠNG 2: MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC Ở TRƯỜNG THPT NAM ĐÀN 2

2.1.6. Đẩy mạnh phong trào thi đua và công tác đánh giá, thi đua khen thưởng

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, “Thi đua khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới”. Nhận thức được tầm quan trọng của phong trào thi đua và công tác đánh giá thi đua khen thưởng, trong những năm gần đây Chi bộ chỉ đạo Ban giám hiệu và các tổ chức giáo dục trong trường thực hiện đổi mới trong công tác thi đua, khen thưởng, đẩy mạnh phong trào thi đua trên nhiều mặt với những biện pháp tích cực, nhờ đó nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị năm học và xây dựng được khối đoàn kết thống nhất trong toàn trường.

- Đề cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, quản lý, Nâng cao nhận thức cho mọi người đối với công tác thi đua, khen thưởng:

+ Đề cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo:

Đây được xem là giải pháp then chốt, quan trọng nhất và mang tính quyết định đến hiệu quả của công tác thi đua, khen thưởng. Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng; thi đua, khen thưởng phải đúng, thực chất; tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi, nói không đi đôi với làm, dễ dãi, hình thức.

Trước hết, Ban giám hiệu nhà trường luôn theo sát sự chỉ đạo của cấp trên, thực hiện nghiêm túc các phong trào thi đua trong trường học, bao trùm là phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”,

Nhà trường xem đây là nhiệm vụ giáo dục chính trị, tư tưởng thường xuyên nhằm nâng cao đạo đức của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong toàn trường, đẩy lùi mọi tệ nạn xã hội, nói không với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa và suy thoái về đạo đức”, giữ vững lập trường chính trị, trung thành với Đảng và Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhà trường đã tổ chức học tập các chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh như “Tư tưởng về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc”, “Tư tưởng về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, “Tư tưởng về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”…, sau khi học tập, người học đăng ký nội dung làm theo và viết bài thu hoạch, gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc thực hiện nhiệm vụ của bản thân. Nhà trường kịp thời biểu dương những điển hình tiên tiến trong cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trên cơ sở đánh giá, bình bầu một cách khách quan, trung thực, có sức thuyết phục, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn trường.

Song song với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ban giám hiệu đã chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh toàn trường thực hiện tốt các cuộc vận động thi đua “dạy tốt, học tốt”, “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”…, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, được thực hiện thường xuyên, liên tục trong cả năm học.

+ Nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên:

Việc nhận thức được trách nhiệm, sự nỗ lực, ý thức của mỗi viên chức quản lý, người lao động đóng một vai trò hết sức quan trọng, bởi nó phát huy được sức mạnh của cả tập thể trong việc phấn đấu, hướng tới mục tiêu chung của nhà trường, đó là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Do đó, nhà trường đã quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Ðảng, tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, trong đó chú trọng tuyên truyền Luật Thi đua, khen thưởng. Qua đó, nhằm làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của chính bản thân mình đối với công tác này.

Các tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Đoàn thanh niên) đã phối hợp vào cuộc một cách quyết liệt để công tác đánh giá, xếp loại, thi đua khen thưởng được thực hiện đồng bộ, sâu rộng, đạt kết quả và thường xuyên được duy trì; mỗi bộ phận cần xác định công tác thi đua khen thưởng là nhiệm vụ chính trị quan trọng; mỗi giáo viên, nhân viên cần xác định tư tưởng thi đua, phấn đấu hết mình trong từng nhiệm vụ, nâng cao chất lượng công tác về mọi mặt, hoàn thiện bản thân.

- Xây dựng quy chế, quy định để đánh giá mọi hoạt động của nhà trường:

Để công tác thi đua, khen thưởng, thực chất, nhà trường đã xây dựng đầy đủ các quy chế, quy định để đảm bảo mọi hoạt động của nhà trường đều được đánh giá, ghi nhận, cụ thể:

Xây dựng Quy chế quy định về đánh giá xếp loại, thi đua khen thưởng giáo viên, nhân viên. Quy chế này sẽ đánh giá hết sự nỗ lực, trách nhiệm cũng như phản ánh những tồn tại của GV, NV trong mọi mặt công tác từ việc thực hiện nề nếp làm việc, hiệu quả giảng dạy đến việc chuẩn bị hồ sơ, giáo án,...

Xây dựng quy chế thi đua khen thưởng học sinh, qua đó đánh giá được sự cố gắng vươn lên trong học tập, rèn luyện của học sinh và đồng thời cũng là cơ sở để xếp loại hạnh kiểm học sinh. Quy chế cũng là căn cứ để đánh giá, xếp loại danh hiệu thi đua của các tập thể lớp.

Bên cạnh các quy chế này thì Đoàn thanh niên, Công đoàn còn có các quy định để đoàn viên căn cứ thực hiện.

Để việc đánh giá, xếp loại được chính xác, đầy đủ thông tin thì nhà trường đã phân công cụ thể từng thành viên:

Ngoài Hiệu trưởng là chủ tịch hội đồng thi đua khen thưởng, chỉ đạo chung thì Ban giám hiệu còn phân công một Phó Hiệu trưởng trực thi đua để làm đầu mối, giám sát, tập hợp số liệu. Để ghi chép đầy đủ các thông tin của các hoạt động thì các bộ phận đều có sổ sách ghi chép: Ban giám hiệu có sổ trực hàng ngày; Đoàn trường có sổ theo dõi, tổng hợp thi đua; Công đoàn có sổ nhật ký hoạt động; Thư ký hội đồng trường có sổ điểm danh hội họp; Tổ chuyên môn có sổ chấm công, theo dõi việc thực hiện quy chế chuyên môn (Hồ sơ, thao giảng, dạy thay,…); Bảo vệ trường có sổ trực bảo vệ ghi chép: khách vào ra, các sự việc xảy ra trong ca trực, việc báo xe đạp của học sinh, việc đóng cửa sổ, cửa chính, cửa nhà xe đạp, việc tắt điện, tắt quạt của học sinh trước khi ra về. Hàng tuần các thông tin, số liệu liên quan đến vi phạm của học sinh được gửi cho BTV Đoàn trường để tổng hợp và báo cáo trong cuộc giao ban chủ nhiệm vào sáng thứ 7 hàng tuần và tổng hợp thi đua đọc trước Cờ; Các tồn tại của giáo viên, nhân viên được các bộ phận gửi cho Phó Hiệu trưởng trực thi đua và được dán công khai vào sáng thứ 3 tuần tiếp theo để mọi người biết, rút kinh nghiệm và là căn cứ để đánh giá, xếp loại thi đua cuối kỳ, cuối năm học.

-Tích cực, chủ động phát hiện, bồi dưỡng và nhân điển hình tiên tiến:

Việc phát hiện, xây dựng, tôn vinh và nhân rộng nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” phải được đặc biệt coi trọng; quan tâm lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời nhằm tạo động lực và đòn bẩy phấn đấu cho mọi người.

Phát hiện điển hình tiên tiến là việc làm hết sức công phu, đòi hỏi người lãnh đạo đơn vị phải đi sâu, đi sát với phong trào thi đua, tìm hiểu kỹ kinh

nghiệm và thành tích của từng tập thể, cá nhân trong phong trào thi đua. Phải thông qua phong trào thi đua để phát hiện ra những điển hình tiên tiến. Từ đó phải khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến, việc khen thưởng không nhất thiết phải đến kỳ sơ kết, tổng kết mới đưa ra bình xét mà cần tiến hành thường xuyên, vì thực chất của việc khen thưởng có vai trò chủ yếu là động viên tinh thần, làm cho người được khen thưởng phấn khởi và các cá nhân, tập thể khác lấy đó làm hình mẫu để nổ lực vươn lên và do đó hiệu quả công việc đương nhiên sẽ tốt hơn.

- Tổ chức thực hiện nghiêm túc quy chế đã đề ra:

Đây là khâu rất quan trọng, vì quy chế có hay đến mấy, hoàn chỉnh đến đâu nếu không được thực thi một cách nghiêm minh thì quy chế đó chỉ là hình thức. Quá trình đánh giá thi đua phải có sự chỉ đạo chặt chẽ từ trên xuống dưới, đảm bảo đúng nguyên tắc và đạt được các yêu cầu: Chính xác, dân chủ, kịp thời, công khai, xây dựng được tinh thần đoàn kết phấn khởi, nêu cao tính tự phê bình và phê bình, đánh giá đúng người, đúng việc, tránh chủ quan, đơn giản, tranh công, đổ lỗi. Phải chọn được tập thể và cá nhân xuất sắc, đồng thời khen thưởng đúng mức để động viên mọi người phấn đấu thực hiện tích cực hơn nữa.

+ Đối với giáo viên, nhân viên: nhà trường coi trọng việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, khuyến khích giáo viên tự học, tự bồi dưỡng, đề ra quy chế chặt chẽ đối với các tổ chuyên môn, quy định giáo viên phải thực hiện việc soạn bài nghiêm túc trước khi lên lớp, đảm bảo đầy đủ các loại hồ sơ, sổ sách, đảm bảo giờ giấc giảng dạy, thực hiện nghiêm chỉnh sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng đổi mới, tiến hành dự giờ thăm lớp, tổ chức thao giảng theo phương pháp phát huy năng lực học sinh, tham gia hội thi giáo viên giỏi cấp trường, tích cực viết sáng kiến kinh nghiệm, chăm lo bồi dưỡng học sinh giỏi, ra bài tập và theo dõi việc học tập ở nhà của học sinh, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật, tư vấn để học sinh chọn nghề, thi đại học, đảm bảo việc kiểm tra, đánh giá học sinh theo đúng tiến độ, khách quan, minh bạch, ứng xử thân thiện, thương yêu học sinh, tham gia tốt các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

+ Đối với học sinh: Phải thực hiện đúng nội quy, quy chế của nhà trường, đi học đúng giờ, trang phục nghiêm túc, làm bài, học bài trước khi đến lớp, trung thực trong học tập, có ý thức giúp đỡ bạn bè, tích cực tham gia hoạt động học tập ở trên lớp, đạt điểm cao trong học tập, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp trường, cấp tỉnh, có thói quen tự học, chủ động, sáng tạo, có ý thức tìm tòi và độc lập giải quyết vấn đề, tích cực, tự giác tham gia các hoạt động lao động, văn nghệ, thể dục, thể thao… do Đoàn trường tổ chức, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật, có tinh thần trách nhiệm cao trong việc chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá điạ phương, có ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan nhà trường và nơi công cộng, lễ phép, kính trọng thầy cô và cán bộ, nhân viên trong trường, lễ phép với cha mẹ và người lớn tuổi.

Nhờ những biện pháp trên, công tác đánh giá thi đua, khen thưởng của nhà trường trong những năm qua đạt được những kết quả đáng kể và có tác dụng rất lớn trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, động viên thầy và trò ra sức giảng dạy, học tập, rèn luyện, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, kỷ luật kỷ cương trong toàn trường.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở trường THPT Nam Đàn 2 (Trang 37 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)